Mẹ và Con - Ngoại tình, bóc bánh trả tiền là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh xã hội. Nhiều người đã phải ân hận chỉ vì một lần "trót dại", thích điều mới lạ,...

Những căn bệnh xã hội như lậu, giang mai, sùi mào gà,… không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nên nhiều vấn đề tâm lý, làm sụt giảm chất lượng sống và tác động tiêu cực đến cuộc sống hôn nhân…

Chào các chuyên gia ạ. Vì chuyện của em khá xấu hổ nên mong giấu tên giúp em ạ.

Chuyện là vợ chồng em kết hôn được 3 năm rồi, vợ em sinh bé cũng được hơn 9 tháng nhưng do tâm lý nên sau sinh, tụi em rất ít khi làm chuyện chăn gối. Từ khi vợ em vừa có thai là tụi em đã không quan hệ rồi nên em “nhịn” cũng khá lâu, đâm ra lúc nào cũng có cảm giác không được thỏa mãn.

vợ mắc bệnh xã hội

Hôm vừa rồi anh em trong công ty có rủ nhau đi nhậu ăn mừng liên hoan, sau đó tăng 2 là karaoke và tăng 3 là đi massage ạ. Ban đầu em cũng ráng kiềm chế lắm. Nhưng chuyện gì đến cũng đến, em thấy mấy anh em trong công ty khích tướng quá cộng với việc ít được gần gũi vợ nên cũng nổi máu anh hùng và có “bóc bánh trả tiền” với một em ở tiệm massage. Do ngà ngà say rồi với muốn thử cảm giác chân thật hơn nên lúc đó em không mang bao cao su.

Sau đó về nhà thì em và vợ cũng có quan hệ. Một vài ngày sau chuyện ở chỗ massage đó, em bắt đầu có những triệu chứng mắc bệnh xã hội. Chỗ ấy tiết dịch niệu đạo màu vàng xanh, loãng nhiều, khó chịu, em có tìm hiểu thì là dấu hiệu của bệnh lậu. Khi em giả vờ thăm dò vợ thì cô ấy nói không cảm thấy gì nhiều lắm ngoại trừ việc vùng kín ngứa và hơi đau (vợ em giữ vệ sinh rất cẩn thận và trước giờ chưa từng ngứa vùng kín nên em nghi ngờ cô ấy cũng mắc bệnh xã hội giống em).

Bây giờ tâm trạng em vô cùng rối bời. Vừa lo vừa sợ, lại không biết nên làm thế nào, có nên nói với vợ hay không. Giờ em mà nói thì sẽ lòi ra chuyện em ngoại tình, có người thứ 3 bên ngoài dù đó chỉ là “tàu nhanh” và sau khi về không còn liên hệ. Cho em hỏi chỉ quan hệ một lần thì có bị bệnh xã hội không ạ hay đó chỉ là trùng hợp? Nếu chẳng may bệnh thì có thể chữa khỏi không ạ?

Một bạn đọc giấu tên gửi tin nhắn đến Tạp chí Mẹ và Con

Bệnh xã hội là gì?

Bệnh xã hội hay còn gọi là các bệnh lây truyền qua đường tình dục không an toàn. Bệnh có thể lây với tốc độ nhanh chóng, tỷ lệ mắc bệnh cao. Đối tượng mắc bệnh có thể bao gồm cả nam và nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản. Việc quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn, kể cả khi chỉ quan hệ bằng miệng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xã hội.  Do vậy, chỉ quan hệ một lần duy nhất thì cũng có khả năng mắc bệnh.

Các bệnh xã hội thường gặp hiện nay

Bệnh lậu

Bệnh lậu do song cầu Gram(-) Neisseria Gonorhoeae gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục hoặc có thể lây thông qua việc tiếp xúc gián tiếp với vật dụng của người nhiễm lậu cầu khuẩn. Đặc biệt, cần lưu ý thai phụ nếu mắc bệnh xã hội này có thể lây truyền qua cho em bé trong thời kỳ sinh nở.

Các biểu hiện mắc bệnh lậu có thể kể đến như:

  • Ở nam giới: Viêm niệu đạo, dịch niệu đạo có màu vàng xanh và loãng, tiểu buốt, có mủ chảy ra,…
  • Ở nữ giới: Ngứa vùng kín, khó chịu, tiểu buốt, tiểu gắt, khi đi tiểu có lẫn máu hoặc dịch màu vàng/ màu xanh, cổ tử cung có dịch nhầy mủ, viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo,…

Giang mai

Một căn bệnh xã hội khác cũng vô cùng phổ biến chính là bệnh giang mai. Căn bệnh này do xoắn khuẩn giang mai Treponema Pallidum gây nên và có thể lây qua đường tình dục hoặc lây từ mẹ sang con.

Giang mai là một căn bệnh xã hội nguy hiểm, có thể gây ra tổn thương không chỉ ở da mà còn ở nhiều cơ quan khác như tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp,… Các biểu hiện của một người mắc bệnh giang mai thường thấy là:

  • Có vết lở tròn hay bầu dục màu đỏ, đường kính 0.5cm – 2cm
  • Các nhóm nhiều hạch chụm lại với kích thước không đều nhau
  • Sốt
  • Rụng tóc (có thể rụng cả lông tay, lông chân, râu,…)

Bệnh xã hội là gì

Bệnh mụn rộp sinh dục

Những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh xã hội này có thể xuất phát chỉ sau 3-7 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus gây ra các mụn nước có tên khoa học là Herpes simplex virus tuýp 2 (viết tắt là HSV tuýp 2).

Khi bị mụn rộp sinh dục, người bệnh sẽ thấy bộ phận sinh dục, hậu môn, mông, đùi, miệng, lưỡi,… bắt đầu xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti. Các mụn này sẽ vỡ ra, chảy máu, gây đau đớn. Ngoài ra, người bệnh mắc mụn rộp sinh dục còn bị đau đầu, sốt, đau nhức cơ,…

Sau thời gian ủ bệnh từ 2 – 7 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh mụn rộp sinh dục, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti ở bộ phận sinh dục, mông, hậu môn, đùi, miệng, lưỡi…

Các nốt mụn có thể vỡ ra và chảy máu, gây đau đớn. Căn bệnh xã hội này có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, viêm màng não, tử vong,…

Sùi mào gà

Một căn bệnh xã hội thường được nhắc đến trong thời gian gần đây chính là bệnh sùi mào gà. Căn bệnh này do tác nhân gây bệnh HPV thuộc họ Papovavirus gây nên. Người bệnh bị sùi mào gà thường ít có các triệu chứng lâm sàng, thời gian ủ bệnh từ 3 tuần đến 8 tháng hoặc có thể là nhiều năm.

Ngoài ra, các bệnh xã hội còn có bệnh hạ cam, bệnh Chlamydia, HIV/AIDS,… Mỗi căn bệnh sẽ có biểu hiện và cách xử lý khác nhau.

triệu chứng bệnh xã hội

Thời gian ủ bệnh xã hội là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh của mỗi căn bệnh xã hội có thể ngắn, chỉ trong vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến tận vài tháng, thậm chí cả năm. Cụ thể:

  • Sùi mào gà: Thời gian ủ bệnh khoảng 3 tuần đến 8 tháng, có thể kéo dài 1 năm
  • Lậu: Thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 7 ngày
  • Giang mai: Thời gian ủ bệnh khoảng 10 – 90 ngày
  • Herpes sinh dục: Thời gian ủ bệnh khoảng 3 – 10 ngày
  • Bệnh Chlamydia: Thời gian ủ bệnh khoảng 5 – 21 ngày

Các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh xã hội ở nữ giới

Một số dấu hiệu bất thường cho thấy người phụ nữ bị mắc bệnh xã hội có thể kể đến như:

  • Âm đạo chảy máu bất thường (chảy máu nhiều hoặc ít còn tùy vào tình trạng bệnh). Thông thường, sau khi mắc bệnh xã hội, bạn sẽ thấy âm đạo chảy máu kể cả khi không quan hệ tình dục.
  • Cơ thể mệt mỏi, sốt, ớn lạnh không rõ nguyên nhân
  • Vùng bụng dưới đau râm ran, âm ỉ
  • Cảm thấy đau rát khi quan hệ
  • Đau, ngứa ngáy ở vùng kín
  • Ra nhiều khí hư, khí hư có mùi hôi
  • Tiết dichh màu xanh hoặc vàng, trắng đục lẫn chung với khí hư
  • Vùng kín nổi các mụn li ti hoặc mụn mủ, sưng đỏ

bệnh xã hội ở nữ giới

Mắc bệnh xã hội có nguy hiểm không?

Việc mắc bệnh xã hội không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn “bào mòn” tinh thần của người bệnh, lấy đi sự tự tin và khiến cuộc sống người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng.

Những hậu quả khi mắc bệnh xã hội có thể kể đến như:

  • Cảm thấy đau đớn: Nếu không điều trị kịp thời, người mắc bệnh xã hội sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu, không thể tập trung làm việc, học tập
  • Mất thẩm mỹ: Các căn bệnh xã hội có thể xuất hiện mụn, mủ không chỉ ở cơ quan sinh dục mà còn ở các bộ phận khác như hậu môn, da tay chân, gương mặt,… gây mất thẩm mỹ, khó khăn trong giao tiếp.
  • Vô sinh: Bệnh xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh dục và dẫn đến vô sinh. Phụ nữ bị nhiễm bệnh xã hội có thể mất đi thiên chức làm mẹ vĩnh viễn.
  • Gặp khó khăn khi “yêu”: Những người bị bệnh xã hội không thể quan hệ tình dục trong một thời gian dài cho đến khi chữa bệnh khỏi hoàn toàn. Nếu quan hệ tình dục trong thời gian mắc bệnh thì cho dù có sử dụng biện pháp an toàn thì vẫn có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Hơn nữa, việc ngứa ngáy, đau đớn ở cơ quan sinh dục khiến người mắc bệnh xã hội không thể quan hệ.
  • Tình cảm vợ chồng rạn nứt: Khi đối phương biết bạn từng có quan hệ bên ngoài và dẫn đến việc mắc bệnh xã hội thì tình cảm vợ chồng khó có thể quay về như ban đầu. Tình yêu và hôn nhân sẽ bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt từ đây.
  • Các chướng ngại tâm lý: Bị ám ảnh tâm lý dẫn đến không dám tiếp tục quan hệ dù đã chữa xong bệnh, cảm giác tự ti, sợ người nhà hoặc những người xung quanh phát hiện bản thân mình mắc bệnh,… là những tâm lý thường gặp ở người mắc các căn bệnh xã hội. Ngoài ra, người bệnh còn dễ rơi vào căng thẳng quá mức, trầm cảm, rối loạn lo âu,… do nghĩ đến hậu quả của bệnh.
  • Nguy hiểm đến tính mạng: Việc mắc bệnh xã hội có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh không sớm phát hiện và điều trị.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Khi mắc bệnh xã hội, bạn phải dành thời gian để đi thăm khám, uống thuốc và thực hiện các biện pháp chữa bệnh làm mất thời gian của bạn. Hơn nữa, điều này còn có thể ảnh hưởng đến công việc, lịch trình sinh hoạt, dẫn đến nhiều bất tiện.

Đặc biệt, một vấn đề bạn cần lưu ý rằng không phải bệnh xã hội nào cũng có thể điều trị dứt điểm. Một số căn bệnh có thời gian điều trị kéo dài, chi phí cao, khó chữa,…

Mắc bệnh xã hội có nguy hiểm không

Làm sao để hạn chế nguy cơ mắc bệnh xã hội?

Khám sức khỏe trước khi quan hệ

Để tránh lây lan bệnh, đặc biệt là trong trường hợp một trong hai từng có quan hệ với người khác, tốt nhất nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tình dục, đảm bảo không có bất cứ vấn đề gì thì mới nên quan hệ. Việc khám, tầm soát bệnh không chỉ mang ý nghĩa kịp thời phát hiện bệnh, điều trị sớm, ngăn chặn biến chứng mà còn đóng vai trò hạn chế người nhiễm bệnh xã hội lây cho đối phương.

Chế độ 1 vợ 1 chồng

Việc quan hệ với nhiều người cùng lúc sẽ làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh lây qua đường tình dục. Việc chỉ quan hệ với người bạn đời của mình (bạn đời cũng chỉ quan hệ với một mình bạn) sẽ giúp cả hai tránh được nguy cơ mắc các bệnh xã hội không mong muốn.

Làm sao để hạn chế nguy cơ mắc bệnh xã hội

Khi ngoại tình, đặc biệt là quan hệ với các đối tượng theo hình thức tình một đên, bóc bánh trả tiền, bạn sẽ khó có thể đảm bảo được đối phương không quan hệ với người khác và không mang trong cơ thể mầm bệnh. Nguy cơ mắc bệnh xã hội khi “mây mưa” với người ngoài thường vô cùng cao.

Sử dụng các biện pháp an toàn

Bao cao su được xem như một biện pháp tránh thai an toàn. Và bao cao su cũng giúp hạn chế các bệnh lây qua đường tình dục. Khi quan hệ (qua đường âm đạo hoặc qua đường miệng và các tư thế quan hệ khác) đều nên sử dụng bao cao su cho nam (bao cao su cho nữ cũng được cho là có khả năng tránh lây truyền các bệnh xã hội nhưng chưa có đủ bằng chứng khoa học và còn cần nghiên cứu thêm). Trong trường hợp làm “chuyện ấy” bằng miệng, nên sử dụng dùng tấm bảo vệ miệng (dental dam).

Sử dụng các biện pháp an toàn

Nếu bị dị ứng với bao cao su latex, có thể sử dụng bao cao su polyurethane làm từ nhựa tổng hợp. Cần lưu ý, các loại bao cao su “tự nhiên”, bao cao su tự chế không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Ngoài ra, các biện pháp tránh thai khác như sử dụng màng ngăn âm đạo, thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai, dùng chất diệt tinh trùng,… tuy có thể ngừa thai nhưng không mang tác dụng ngăn chặn lây lan các căn bệnh xã hội. Do vậy, không nên chủ quan mà vẫn phải dùng bao cao su bạn nhé!

Tránh các tư thế quan hệ tình dục “khó”

Một số tư thế quan hệ tình dục khó, quan hệ quá mạnh bạo có thể dẫn đến trầy xước, rách da ở cơ quan sinh dục. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh xã hội ở cả hai phía.

Việc mắc bệnh xã hội sẽ để lại những hệ lụy khó lường cho cả bạn và người bạn đời của mình. Do vậy, hãy tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo quan hệ tình dục an toàn, tránh mắc bệnh sau khi quan hệ bạn nhé!

Bài viết liên quan