Mẹ&Con - Đôi khi, có những lỗi lầm nhỏ xíu mà gây ra những tổn thương khôn lường cho đời sống hôn nhân. Một tiếng xin lỗi có thể là biện pháp khắc phục hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng “biết” nói từ xin lỗi.

Khi cái tôi quá lớn

Chị Nghi (Bình Thạnh) là nhân viên kế toán ở một Công ty TNHH. Cứ nghĩ rằng khi sinh cho chồng một thằng con trai kháu khỉnh, giống anh y đúc thì sẽ được quyền yêu sách bất cứ thứ gì nên mặc nhiên, điều gì chị cũng muốn phải được đáp ứng ngay. Chồng phải đưa chị về quê vào chủ nhật, phải ăn sáng với chị vào thứ hai, phải đưa con đi học và đón con mỗi ngày, phải…

Một lần, anh đi nhậu với đám bạn học cũ vì không thể khước từ, bỏ hai mẹ con ở nhà. Chị ra điều kiện chỉ cho phép một tiếng đồng hồ thôi, anh đồng ý, nhưng rồi không thể vì đám bạn chèo kéo quá. Chị ở nhà như nổi điên lên vì anh dám trễ hẹn, gọi vào máy anh mấy lần đều nghe anh khẽ khàng bảo sẽ về liền, nhưng đến khi những hồi chuông đổ dài, dồn dập mà anh không bắt máy, chị bắt đầu sinh lòng nghi kỵ, nghĩ anh đang ngồi với cô nào. Chị nhắn vào máy anh những tin nhắn đầy lời lẽ khó chịu.

Chị Trang (Gò Vấp) có chồng làm tài xế, lương tháng kiếm được vài ba triệu, nên chị không yêu cầu anh đóng góp vào ngân sách gia đình. Chị nghĩ, để cho anh có tiền dằn túi, lỡ có việc gì còn xoay xở, hoặc ít ra cà phê cà pháo với bạn bè cũng đỡ mất mặt.

Một lần, hai vợ chồng đưa con đi khám bệnh, vì bé mới bị nhiễm Rubella xong mà tự dưng lại bị đau đầu. Sợ con gái họ bị biến chứng lên não, nên sau các xét nghiệm, bác sĩ chỉ định cho đi chụp C.T cắt lớp. Để anh giữ con, chị tức tốc đi đóng tiền, nhưng khi phòng thu ngân xướng lên số tiền cần phải đóng thì chị mới giật mình, số tiền chị mang theo không đủ, mà tiền ở nhà cũng đã hết.

Gọi cho anh, chị được nghe anh trả lời “không có” liền tức khắc, không đợi nghe chị nói hết câu. Hỏi anh có thể chạy mượn ai không, anh bảo “không”, lại còn lạnh lùng chỉ trích chị tại sao không có khoản dự phòng cho những lúc cấp bách? Hụt hẫng, nhưng nén lòng vì con, chị gọi điện mượn tạm bạn bè. Sau đó, từ bệnh viện về nhà, chị không nói với chồng thêm một lời nào.

Chị Dung (Q.7) thổ lộ rằng, chị quyết định ngủ riêng từ sau lần cãi nhau về một vấn đề gì đó mà chị quên mất rồi, anh đã đưa tay tát thẳng vào mặt chị. Đi đâu chị cũng thao thao kể về chuyện cái tát của chồng, và kết luận là chị chỉ cần một lời xin lỗi, mọi chuyện sẽ được xóa tan ngay, bao nhiêu đó thôi nhưng chị đã phải đợi đến mỏi mòn. 

Vợ chồng không dễ nói lời xin lỗi

(Ảnh minh hoạ)

Không phải lỗi của tôi

Sự việc tưởng như không có gì to tát, nhưng chị Nghi đã làm căng đến độ, không cho chồng còn đường quay lại, nếu chồng chị không chịu thành thật khai báo và nói lời xin lỗi chị trước mặt gia đình hai bên. Chồng chị thì một mực cho rằng mình không có lỗi gì cả, mắc mớ gì đâu phải xin lỗi.

Chị cũng có lý của chị với suy nghĩ, nếu đường đường chính chính chỉ là ăn nhậu rồi về, tại sao không trả lời điện thoại, tại sao phải tắt máy…? Anh cũng có lý của anh, rằng, bạn bè lâu lâu gặp, ngồi nhậu vui thôi, vợ cứ réo gọi hoài, ngại nên không bắt máy, không bắt máy nhưng ruột gan vẫn để ở nhà, nên vẫn nhắn tin cho vợ yên tâm, nhưng vợ nhắn lại hỗn hào quá nên tắt máy luôn, vì tự ái. Thế là, tờ đơn li dị chị viết sẵn, sầm sầm đẩy đến trước mặt anh, anh ký cái roẹt, không cần nghĩ ngợi gì thêm.

Còn chị Trang, về nhà trong tâm trạng bực tức, chị giật lấy cái bóp của chồng, mở ra xem thấy cả xấp tiền, liền nổi giận đùng đùng. Anh chồng tỏ ra khá bối rối, nhưng cố gắng biện minh là tiền anh phải làm việc nọ, việc kia, còn thì để dùng cả tháng, để không phải xài tiền nhà, đã vậy anh lại còn lớn tiếng lên lớp vợ tại sao không biết chi tiêu dẻ sẻn, dành dụm cho những lúc đau bệnh. Chị Trang không chấp nhận được kiểu sống ích kỷ đó tồn tại trong một mái gia đình, nên không nói nhiều lời, chị quyết định khăn gói ôm con về nhà mẹ đẻ. Anh chồng cố gắng trì níu bao nhiêu cũng không được.

Chị Dung, cho đến khi chồng đề nghị chia tay mới thấy té ngửa vì không ngờ tình hình lại diễn tiến đến mức độ này. Chị cứ nghĩ chỉ cần anh xin lỗi là chị sẵn sàng bỏ qua hết cho anh thôi. Nhưng sau lần cãi vã đó, anh tỏ ra quá lạnh lùng, xa cách, mặc dù đánh vợ kiểu đó là lỗi của anh rành rành. Chị đề nghị hai vợ chồng ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với nhau rồi sau đó “đường ai nấy đi”, mới vỡ lẽ cái lỗi to đùng là của chị. Gì kỳ vậy? Anh nói, trước nay chị có nặng nhẹ anh cỡ nào anh cũng chịu được, nhưng anh không thể chấp nhận được những lời xúc phạm gia đình anh của chị. Nghe thế, chị liền cao giọng “không có lửa làm sao có khói”, chị nghĩ nếu mình phải xuống nước để xin lỗi anh thì trước tiên anh phải xin lỗi chị về “cái tát” của mình đã. Anh nhìn chị hầm hầm: “Đã không biết lỗi lại còn đi rêu rao bêu xấu chồng nữa. Không tin được em là vợ của anh luôn đó!”. Chị Dung nghe vậy tự ái đùng đùng: “Hả? Không xứng đáng đúng không? Vậy thì chia tay đi!”

Để cuộc sống được nhẹ nhàng hơn

Thực ra, đã sống với nhau chung một mái gia đình thì khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra, lỗi không của riêng ai cả. Nghĩa là, khi gặp chuyện, phải luôn ý thức được rằng mình đang mắc nợ người kia một lời xin lỗi, bởi vì dù muốn dù không, trong cuộc sống gia đình, lỗi lầm là điều không sao tránh khỏi được.

Trường hợp của chị Nghi, rõ ràng chỉ cần chị hiểu và tin rằng những cuộc gọi dồn dập của chị trong khi anh đang hàn huyên với bạn bè là rất khó xử cho anh. Khi đó, nếu chị là người ở trong cuộc vui, thì chị cũng chỉ có thể bắt máy để nói cho chồng biết là sẽ cố gắng về sớm với anh, để anh yên tâm thôi. Còn chị, sẽ không có gì xảy ra, nếu chị nhẹ nhàng bảo: “Mẹ xin lỗi ba vì những tin nhắn vớ vẩn của mẹ, để mẹ xóa nó đi, mẹ biết lỗi của mẹ rồi, ba đừng giận mẹ nữa được không?”. Và biết đâu, anh cũng sẽ phải thốt lên rằng: Không, đó là lỗi của anh, bởi vì anh đã không giữ được lời hứa về sớm với chị.

Trường hợp của chị Trang lại khác, ôm con về nhà mẹ mà lòng buồn trĩu, chị tìm đến chuyên viên tâm lý để tâm tình. Ngày hôm sau, hai mẹ con về nhà, tự dưng thấy anh mừng ríu rít, ôm chầm lấy hai mẹ con mà xin lỗi. Sau một đêm dài nhà vắng bóng hai mẹ con, anh bơ phờ vì mất ngủ. Anh mời chị đi đâu đó ăn trưa, rồi hứa từ nay về sau anh mà có kiếm được bao nhiêu tiền sẽ đem về “nộp đủ”, rồi cười cười, hỏi chị rằng chị có cần phải xin lỗi anh không? Bởi vì, chị đã không chịu bắt anh phải đem tiền về để cùng với chị chung sức xây tổ ấm, “Bởi vậy nên chồng hư là tại vợ”. Chị cũng cười, lòng nghĩ, biết lỗi rồi, nhưng xin lỗi hả, khó quá đi!

Chị Dung thì thú thật là mình cái tật nóng nảy, khó kiềm chế, nhưng khi qua rồi cũng chỉ biết nghĩ đến điều gì tốt cho gia đình thôi. Biết vậy nhưng mở lời xin lỗi chồng thì thấy khó quá, cứ như bị hạ mình. Chỉ đến khi anh lạnh lùng tuyên bố chia tay thì chị mới rụng rời, đề nghị anh tha thứ lỗi, cho dù trong lòng nhiều ấm ức. Chồng chị chắc chắn cũng chỉ chờ có vậy, nhưng vẫn cố răn đe chị rằng không được tái phạm chuyện lỡ lời thì anh mới chịu xin lỗi chị về “cái tát” của anh.

Nói tóm lại, một lời xin lỗi tưởng chừng như đơn giản, nhưng đôi khi nó có tầm quan trọng rất lớn, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Cho nên, nếu cảm thấy phải thật dũng cảm để vượt qua “cái tôi” khi nói lời xin lỗi thì cũng nên xem đó là điều cần thiết, để cuộc sống được tốt đẹp hơn.

Tags:

Bài viết liên quan