Mẹ&Con - Người ta bảo trong cuộc sống vợ chồng, có khá nhiều cột mốc quan trọng. Chẳng hạn như lần cãi nhau đầu tiên, lần nghĩ đến chuyện chia tay đầu tiên, lần có con đầu tiên, và cả lần… thất nghiệp đầu tiên! Khi vợ chồng chênh lệch về mọi mặt Khi vợ chồng là sống vì nghĩa

Mọi thứ dồn dập “đổ” lên đầu tôi!

Tôi 34 tuổi. Cái tuổi chưa già nhưng chắc chắn không còn quá trẻ. Ra trường với tấm bằng loại khá, tôi dễ dàng kiếm được việc “ngon lành” ngay. Rồi tôi lập gia đình, có con. Tất cả đều suôn sẻ. Đùng một cái, bất động sản đóng băng, kinh tế trở nên khó khăn. Chồng tôi vốn kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, nhà đất “chết cứng”. Tiền bạc dành dụm mấy năm trời từ sau khi cưới đến giờ đều dồn cả cho anh làm ăn. Anh vay ngân hàng, cầm cố giấy tờ nhà, mua những căn nhà cũ sửa sang mới, xong bán xoay vòng để kiếm lời. Anh (và cả tôi!) đều không biết điểm dừng, nên cứ thấy lời lại vay tiếp nhiều hơn, dồn vốn vô những căn lớn hơn. Đến thời điểm bất động sản đứng chựng lại thì chúng tôi “ôm” trong tay đến 4 căn nhà, nhưng kèm theo đó là một khoản vay to vật vã từ việc thế chấp. Nhà bán không được, lãi mẹ đẻ lãi con, vợ chồng ngày nào cũng nhấp nhổm như ngồi trên lửa. Ai gọi điện hỏi thông tin mua nhà thôi đã cầu trời lạy đất cho bán được. Nhưng hỏi thì hỏi, vẫn chẳng ai mua.

Chúng tôi chấp nhận cả việc bán lỗ 2 căn, nhưng vẫn chỉ giải quyết được một phần những khó khăn. Chồng tôi nản. Anh đi ra ngoài nhiều hơn, nhậu nhẹt nhiều hơn. Cùng lúc đó, tôi nhận được tin sét đánh là phòng nhân sự thông báo công ty cắt giảm bớt nhân viên do năm kinh tế khó khăn. Và tôi nằm trong danh sách cắt giảm đó, do dạo này hiệu suất công việc không tốt (tốt làm sao được khi đầu óc tôi luôn nặng trĩu với những chuyện nợ nần vây bủa tứ phía?).

vo-chong-dong-long-vuot-qua-kho-khan-that-nghiep

Tôi không quên được cảm giác của ngày nghe tin ấy. Chạy xe về nhà, chưa bao giờ tôi thấy khung cảnh xung quanh buồn đến thế. Tôi chạy thật chậm vì không muốn đối diện với ai trong gia đình mình vào lúc này. Tôi cảm thấy như mình là một kẻ tệ hại chưa từng thấy vậy. Tại sao tôi không cố gắng hơn trong những ngày qua? Tại sao tôi lại ỷ y rằng chỉ những em sinh viên mới tốt nghiệp, làm việc ở vị trí tập sự mới có thể rơi vào tình cảnh thất nghiệp mà thôi?

Tôi còn nhớ chạy về đến gần nhà thì trời mưa. Cơn mưa bất chợt của Sài Gòn, đổ xuống cái rào làm tôi ướt sũng. Mệt mỏi, chán chường, nước mắt tôi cứ thế trào ra theo nước mưa. Những ngày tiếp theo quả là cơn ác mộng với tôi. Tôi cứ tưởng mình sẽ được làm tiếp tục 1 tháng, để bàn giao công việc, và có thêm sự chuẩn bị. Nhưng công ty báo cho tôi biết rằng không cần phải “phí sức” như thế, công ty có thể giải quyết cho chúng tôi (tôi và một số đồng nghiệp nữa) “được” nghỉ ngay… tuần sau.

Trời ạ, tôi chua chát nghĩ thầm, mấy năm trời vợ chồng làm ăn kha khá lại không nghĩ đến chuyện giữ khoản dự phòng. Ai cũng nghĩ có chí làm quan, có gan làm giàu, nên kiếm được bao nhiêu là đổ vào nhà đất bấy nhiêu. Giờ, nợ thì một cục to đùng, lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp thế này, tôi mới thấm thía những nỗi lo mà ngày xưa mỗi khi nghe tôi đều cười khẩy: Lo làm sao đủ tiền mua sữa cho con, lo tiền điện nước, tiền chi tiêu, chợ búa hàng tháng…

Những cơn chấn động tinh thần dữ dội về sự nghiệt ngã của công ty cũ dành cho (cũng chẳng trách được, ai chẳng khó khăn và bản thân họ cũng phải như thế để “vượt sóng” cơ mà!), cộng thêm cảm giác hoang mang, sợ hãi vây bủa khiến tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi mất ngủ triền miên, mỗi ngày chỉ chợp mắt được chừng 3 tiếng đồng hồ. Mặt mày tôi hốc hác, xác xơ. Tôi cầu nguyện đủ cách, cầu mong tất cả chỉ là cơn ác mộng và mở mắt ra, mọi thứ lại trở lại như những tháng ngày suôn sẻ, tươi đẹp, hạnh phúc của vợ chồng tôi.

Nhưng chúng tôi đã tựa vào nhau, đứng dậy!

Chỉ ngay sau khi tôi chính thức nghỉ việc vài tuần, tôi đổ bệnh. Thật may mắn cho tôi, chồng tôi chẳng hiểu suy nghĩ thế nào mà anh không đi nhậu nữa. Suốt những ngày tôi bệnh là những ngày anh túc trực bên cạnh, nhắc tôi uống thuốc, sờ trán tôi xem tôi có nóng không, đi kiếm mua từng món ăn ngon ngon cho tôi ăn.

“Người ta vẫn bảo, cột mốc thất nghiệp đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng rất đáng nhớ. Bởi lẽ nó chính là nguyên nhân có thể gây nên nhiều rạn nứt, nếu như vợ chồng không đủ sức vượt qua. Nhưng cột mốc thất nghiệp cũng sẽ có thể khiến vợ chồng gắn bó, đồng cam cộng khổ và để lại những kỷ niệm đẹp trong nhau…”

Sự “bên cạnh” của anh như liều thuốc khiến tôi trấn tĩnh lại. Tôi nhớ buổi tối khi tôi nói chuyện với chồng, khóc: “Em không biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Sao tất cả mọi thứ lại trở nên tệ hại kinh khủng như thế này? Tụi mình biết làm sao đây anh?”, anh ngồi im thật lâu, vuốt tóc tôi. Rồi anh chỉ nói đơn giản: “Thôi không sao đâu em. Còn người còn của. Tiền bạc chỉ là vật ngoại thân. Mình còn sức khỏe, còn chung lòng chung sức với nhau thì sợ gì…”.

Những lời nói của anh khiến tôi như “tỉnh” hẳn. Tôi chợt nhận ra: Đúng thế, tiền bạc quan trọng, nhưng đó chưa phải là tất cả. Tôi có một gia đình, có sức khỏe, tôi có thể bắt tay lại từ đầu mà! Tinh thần tốt lên, những giấc ngủ của tôi trở nên sâu hơn. Chúng tôi chấp nhận lỗ nặng nề, gần như mất hết tất cả, quay trở lại con số 0 để chính thức thoát khỏi “cơn khủng hoảng”. Bán cả nhà và gần như trắng tay, chỉ còn lại một khoản tiền rất nhỏ, hai vợ chồng quyết định thuê một căn phòng chỉ 30m2 làm chỗ ở.

Bạn bè nhìn chúng tôi thương hại, không tin được là vợ chồng tôi giờ lại ở trong căn phòng chỉ bé bằng cái phòng ngủ ngày xưa. Tôi mặc kể hết cả. Giờ, tôi đã biết mình đang có gì trong tay rồi! Tôi tiết kiệm tối đa mọi chi tiêu. Ngày trước, chuyện ăn những bữa ăn vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu với gia đình tôi là rất bình thường. Nay thì tôi đã có thể thuộc giá của những thứ hành tiêu ớt tỏi, rau củ thịt cá. Tôi tự đi chợ, tự nấu cơm cho gia đình.

Hai vợ chồng nộp hồ sơ xin việc ở khắp nơi. Ba tháng liền, chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng cả hai vẫn chẳng ai kiếm được công việc gì cho nên hồn. Có lúc tôi lại mệt mỏi, lại chán nản, nặng nề, nhưng chồng tôi thật tuyệt vời, đến lúc gian nan anh mới thể hiện anh chính là một điểm tựa vững chắc cho gia đình. Anh động viên tôi đủ cách, khiến tôi cảm thấy như đây có khi lại là khoảng thời gian vợ chồng hiểu nhau và hạnh phúc nhất từ lúc cưới đến giờ.

Sau khi kết thúc tháng thứ tư thất nghiệp, vợ chồng tôi quyết định thôi đành… chuyển hướng. Chúng tôi không mải miết đi nộp hồ sơ xin việc nữa mà sẽ mở một quán nhỏ bán cơm văn phòng. Khỏi nói những nhọc nhằn cho chúng tôi lúc đó. Tiền chỉ còn lại rất ít, dồn vào quán không khác nào chúng tôi chơi một “ván bài” cuối cùng mà nếu thất bại có lẽ vợ chồng con cái chỉ còn cách dắt díu nhau về cầu cứu nội ngoại mà thôi. Vợ chồng thức đêm thức hôm, chăm chút cho “đứa con” này.

Tuần đầu tiên khai trương, chúng tôi mừng lắm khi bắt đầu có chút chút lời.

Tuần thứ hai, khách đông dần…

vo-chong-dong-long-vuot-qua-kho-khan-that-nghiep1

Hai tháng sau ngày khai trương, chưa dám nói gì nhiều, nhưng chúng tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm, tự tin rằng quán sẽ tiếp tục phát triển. Mỗi ngày, tôi đã có thể thức dậy với nụ cười, không còn căng thần kinh ra lo âu nữa. Tôi hạnh phúc. Thật sự rất hạnh phúc. Tôi nhận ra mình hợp với việc kinh doanh này, nhận ra những khó khăn đang dần đi qua. Thất nghiệp và phá sản là những cụm từ rất đáng sợ. Nhưng chúng tôi nhận ra mình như “trưởng thành” hơn chính từ chúng. Vợ chồng hiểu nhau hơn, thương nhau hơn. Anh bớt đi những buổi nhậu nhẹt với bạn bè. Anh khiến tôi yêu anh hơn rất nhiều khi luôn bên cạnh tôi, động viên, an ủi tôi.

Người ta vẫn bảo, cột mốc thất nghiệp đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng rất đáng nhớ. Bởi lẽ nó chính là nguyên nhân có thể gây nên nhiều rạn nứt, nếu như vợ chồng không đủ sức vượt qua. Nhưng cột mốc thất nghiệp cũng sẽ có thể khiến vợ chồng gắn bó, đồng cam cộng khổ và để lại những kỷ niệm đẹp trong nhau. Thật may, tôi đã được rơi vào trường hợp thứ hai! Tôi nhận ra mình đã nhìn nhận rất khác về cuộc sống gia đình, học được những bài học thiêng liêng về tình chồng vợ. Cảm ơn chồng, vì đã luôn bên em, cùng nhau vượt qua những khó khăn tưởng chừng không bao giờ kết thúc…

Tags:

Bài viết liên quan