Tranh luận không phải là xấu. Ngược lại, nếu các cặp đôi tranh luận đúng chuẩn mực để tìm ra vấn đề sẽ giúp tình cảm vợ chồng thêm bền chặt. Chuẩn mực ở đây chính là bạn cần ghi nhớ bí quyết nên và không nên nói câu gì khi cả hai cãi nhau. Dưới đây là “bí kíp” từ Tạp chí Mẹ và Con:
Lấy anh/ cô là sai lầm của tôi
Đây được xem là câu nói mang tính “sát thương” rất cao khi vợ chồng cãi nhau, vì nó sẽ phủ nhận tất cả những khoảng thời gian tốt đẹp trước đây của cả hai. Khi bạn và người ấy đang tranh luận dù là chuyện lớn hay nhỏ cũng chỉ nên tập trung vào chủ đề hiện tại, đừng biến việc truy tìm cách giải quyết vấn đề thành một cuộc chiến ngôn từ.
Vợ chồng cãi nhau không nên nói: Anh/ cô chẳng làm được việc gì cả…
Bạn đừng bao giờ dùng câu phủ định khi nói chuyện hay đang cãi nhau với người khác. Bởi lẽ, thông thường thì những câu nói này sẽ khiến đối phương cảm thấy bất lực và chọn cách im lặng thay vì tranh luận với bạn. Chắc hẳn các bạn cũng đã biết một khi cuộc tranh cãi đi vào im lặng sẽ dẫn đến bế tắc từ đó hôn nhân sẽ dần rạn vỡ mà bạn khó biết được.
Anh/ cô lúc nào cũng là gánh nặng của tôi
Những từ như “luôn luôn”, “không bao giờ” làm nửa kia cảm thấy không được thừa nhận và làm cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng. Hãy tránh dùng những từ này khi tranh cãi giữa đôi bên.
Vợ chồng cãi nhau không nên nói: Tôi ghét anh/ cô
Những thứ bạn ghét thường bạn sẽ muốn bỏ nó đi hoặc đặt nó ở vị trí càng xa càng tốt. Chính vì vậy, bạn hãy tự hỏi liệu mình có ghét và muốn “bỏ” người đối diện ra khỏi cuộc đời mình không? Nếu không, tuyệt đối đừng nói câu này dù bạn có đang bực tức đến dường nào.
Đây là lỗi của anh/ cô
Thường thì trong một mối quan hệ, nguyên nhân cãi nhau đều bắt nguồn từ cả hai bên. Thay vì đổ hết trách nhiệm lên đầu người kia hãy sáng suốt và thẳng thắn nhìn nhận vấn đề để nhận trách nhiệm về những việc mình làm chưa đúng, tránh để xung đột leo thang giữa hai người. Đôi lúc chỉ cần bạn “xuống nước” người ấy sẽ cảm thấy có lỗi vì mình đã nóng vội với bạn.
Đáng lẽ tôi không nên nghe theo anh/ cô
Câu nói này tạo ra sự nghi ngờ về tình yêu hai vợ chồng dành cho nhau, hạ thấp lòng tự trọng và làm người kia trở nên ngần ngại và kém cởi mở với nhau sau này. Sau đó, bạn dần sẽ không còn nhận thấy sự động cảm từ người ấy thay vào đó là sự rụt rè hơn trong lời nói của đối phương khiến vợ chồng bạn dần xa cách.
Việc này cũng giống như lần trước! Tại sao anh/ cô không bao giờ chịu thay đổi
Nhắc lại chuyện cũ là không công bằng với nửa kia. Việc gì đã qua thì nên bỏ lại phía sau và không nên đào lại nữa vì có thể người kia đang cố gắng để sửa sai. Đừng phủ nhận cố gắng của người ấy, mà câu nói bạn hãy nói với người ấy vào một dịp thích hợp khi mà cả hai đã bình tâm lại và sẵn sàng nghe những chia sẻ về nhau.
Ngoài kia có đầy người tốt hơn anh/ cô
Đề cập đến người khác trong cuộc tranh cãi là việc làm quá giới hạn, gây ảnh hưởng rất xấu đến mối quan hệ vợ chồng, có thể làm người chồng/ vợ nghi ngờ có sự xuất hiện của người thứ 3 dù tranh cãi đã kết thúc. Hãy nhớ rằng niềm tin chính là “nền” vững chắc để xây dựng bất kỳ mối quan hệ nào.
Không nên nói “Anh giống như mẹ/bố/chị/anh/em/bạn anh/ cô vậy”
Câu nói này không chỉ xúc phạm người nghe mà còn cả những người thân thiết của họ nữa. Dù có tức giận hay vợ chồng cãi nhau thế nào thì bạn cũng cần giữ sự tỉnh táo vì lời đã nói ra sẽ không bao giờ thu lại được.
Vợ chồng cãi nhau không nên nói: Tôi không cần anh/ cô nữa
Khi bạn ở trong bất kỳ cuộc tranh luận nào cũng cần chú ý đến thể diện của đối phương. Tuyên bố “tôi không cần anh/ cô” sẽ dựng nên một rào cản trong quan hệ tình cảm giữa 2 vợ chồng, gây nên những ký ức không đẹp khắc sâu trong tâm trí người còn lại. Trong hôn nhân, cả hai người đều có trách nhiệm làm người kia cảm thấy mình cần thiết và quan trọng.
Anh/ cô không hiểu cảm giác đó đâu
Sẽ thật thiếu tôn trọng khi bạn gạt bỏ đi hay không quan tâm đến cảm xúc, cảm giác của người bạn đời mà chỉ quan tâm đến cảm giác của bản thân. Thay vì giả định cảm giác của nửa kia, hãy yêu cầu người kia cho bạn biết họ đang cảm thấy thế nào thì cuộc trò chuyện sẽ thành thật và thông cảm với nhau hơn cho cả hai bên.
Vì bạn cứ thử nghĩ, khi vợ chồng cãi nhau bạn có bao giờ hiểu càm giác của đối phương hay không?
Cuộc tranh luận đến đây là kết thúc
Việc bạn nói thẳng là không muốn tranh luận nữa sẽ làm phật ý người chồng/ vợ của bạn, khiến đối phương thấy hụt hẫng và mất kết nối về mặt cảm xúc và làm mối quan hệ bị rạn nứt theo thời gian. Thay vào đó bạn hãy để cuộc tranh luận diễn ra một cách tự nhiên và hỏi đối phương anh/ cô còn vấn đề gì vì chuyện này không?
Quên chuyện đó đi, anh/ cô sẽ không bao giờ hiểu được đâu
Nếu như bạn nói câu trên, người kia sẽ hiểu rằng bạn cảm thấy đôi bên không còn hiểu nhau như trước nữa. Đây là câu nói không hề thích hợp trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
Đúng rồi, anh/ cô cứ nghĩ việc đó là đúng
Đây là một câu nói mỉa mai mà trong lúc nóng giận nhiều người lỡ thốt ra. Nó còn mang nghĩa ngầm khác là “Anh/ cô không thể làm đâu”, “Anh/ cô nghĩ cái gì thế?” hay “Có giỏi thì thử đi xem sao”.
Giá mà hồi đó tôi biết như thế này…
Câu nói này làm người kia hiểu rằng, bạn đang hối tiếc vì đã lựa chọn mình làm chồng/ vợ. Hãy tự hỏi bản thân có đúng là bạn tiếc khoảng thời gian hai người đã cùng chia sẻ với nhau không. Nếu câu trả lời là không thì hãy đảm bảo không để câu nói này bật ra khi tranh cãi. Đừng để những câu nói tưởng chừng như “vô thường, vô phạt” này không mang tính sát thương. Đây chính là những nguyên nhân chính dẫn đến sự rạn nứt trong hôn nhân đấy.
Không dễ dàng gì mà chúng ta kiểm soát được lời nói của mình trong lúc nóng giận, nhưng bạn có thể học dần thói quen này bằng cách “né” những câu nói mang tính tổn thương khi vợ chồng cãi nhau. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào sự việc mà cả hai đang nói đến và biết dùng sự im lặng đúng lúc để cuộc tranh cãi có điểm dừng. Từ đó, bạn và người ấy sẽ hiểu nhau hơn sau mỗi lần vợ chồng cãi nhau.