Nói dối ở trẻ không phải là điều hiếm gặp. Trong những trường hợp này, bố mẹ thường vội vàng la mắng, gặng hỏi để con nói ra sự thật. Cách làm như vậy đôi khi phản tác dụng, khiến bé tiếp tục nói dối để che lấp lỗi lầm như một phản ứng tự vệ theo bản năng.
Vậy đâu mới cách đúng đắn khi trẻ nói dối? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm ra lời giải đáp qua bài viết dưới đây nhé!
Bố mẹ ơi, con không nói thật là có lý do cả đấy!
Theo nghiên cứu, từ lúc 4 tuổi trẻ con bắt đầu học cách nói dối và khoảng 7,8 tuổi sẽ nói dối thường xuyên hơn. Điều đáng nói là độ tuổi càng tăng thì lời nói dối càng trở nên tinh vi hơn trước. Tại sao các bé lại nói dối sớm như vậy?
Cách nhận thức của trẻ và người lớn là hoàn toàn khác nhau
Mỗi một ngữ cảnh, tình huống trong mắt trẻ và người lớn đều được nhìn nhận hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như khi mẹ yêu cầu bé dọn dẹp phòng gọn gàng và sạch sẽ, bé sẽ nghỉ chỉ cần di chuyển một số đồ chơi là được rồi. Nhưng khi mẹ thấy vẫn cho rằng phòng lộn xộn, không vừa ý và nói rằng trẻ đã nói dối rằng đã dọn phòng.
Có thể thấy trong tình huống kể trên, bé chỉ đang thuật lại sự thật theo cách của bé mà không phải sự thật trong mắt người lớn.
Trẻ được lập trình để trả lời đúng
Khi mẹ hỏi trẻ “Con yêu ai nhất” thường kỳ vọng sẽ là “Con yêu mẹ nhất” kèm theo sự vui vẻ và hài lòng thể hiện ra ngoài mặt. Tương tự khi bà hoặc bố hỏi như vậy thì bé sẽ trả lời đáp ứng cảm xúc của người đặt câu hỏi.
Bố mẹ quá nghiêm khắc
Trẻ thường có xu hướng nói dối để được tự do và thỏa mãn sở thích cá nhân khi bố mẹ quá bao bọc, hạn chế và trấn áp con cái. Con sẽ tìm cách nói dối để thoát khỏi sự nghiêm khắc của bố mẹ, tự cho mình tự do riêng.
Nói dối thể hiện trí tưởng tượng
Với độ tuổi còn rất nhỏ, trẻ thường tự tưởng tượng, xây dựng một thế giới riêng cho mình. Đó có thể là một nàng công chúa, một phi hành gia, một nàng tiên, một con vật nào đó. Và đôi khi, bé nói dối chỉ đơn giản là nghĩ đang ở trong thế giới do mình tạo ra, hoàn toàn không nhận thức được vấn đề.
Bé bắt chước bố mẹ hoặc người thân xung quanh
Trẻ con rất nhạy cảm và giỏi bắt chước. Những đứa trẻ như một trang giấy trắng và chính hành động của bố mẹ sẽ vô tình làm hỏng trang giấy ấy. Khi bố mẹ hoặc những người thân xung quanh nói sai sự thật và bé biết được điều này thì bé sẽ nhanh chóng học theo.
Phải làm sao khi phát hiện con đang nói dối?
Tùy vào mỗi nguyên nhân, bố mẹ có thể tùy biến lựa chọn cách dạy con và xử lý tình huống phù hợp nhất. Tuy nhiên, vẫn có những điều cơ bản bố mẹ cần lưu ý để đạt được hiệu quả tốt nhất, không gây ám ảnh tâm lý cho con như sau:
Phải giữ bình tĩnh
Nhiều bố mẹ không giữ được bình tĩnh, nổi giận, quát mắng con ngay khi biết trẻ nói dối. Đối với người lớn, trẻ nói không đúng sự thật là điều không thể chấp nhận, là điều xấu và bản thân đang nuôi dạy con sai cách. Nhưng bố mẹ khoan hãy buồn lòng, đau khổ hay tự trách bản thân bởi vì nói dối được coi là biểu hiện phát triển tâm lý bình thường ở trẻ nhỏ.
Nghiên cứu của Weissbourd chỉ ra rằng, đến 95% trẻ em sẽ nói dối tại một thời điểm nào đó. Một báo cáo khác cũng cho thấy nói dối là một cột mốc quan trọng về nhận thức của trẻ và khi đạt tới một độ tuổi nhất định thì trẻ sẽ tự nhiên biết nói dối. Do đó, bố mẹ cũng không cần quá lo lắng vì điều này mà trước hết bình tĩnh lắng nghe, kiên nhẫn khuyên bảo để “uốn nắn” trẻ.
Lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân trẻ nói dối
Có rất nhiều nguyên nhân của việc nói dối ở trẻ. Vậy nên, trước khi trách trẻ đi ngược lại với những kỳ vọng, những điều được dạy bảo thì phải tìm ra được lý do. Như đã liệt kê ở trên, trẻ thường nói dối cũng xuất phát từ chính lý do gia đình, từ bố mẹ. Do đó cần phải lắng nghe bé, đặt mình vào vị trí của con để hiểu và tìm cách giáo dục đúng đắn, dễ hiểu.
Bố mẹ cũng cần biết rằng ranh giới giữa hiện thực và mơ tưởng rất khó phân biệt với trẻ nhỏ. Đôi khi trẻ còn chẳng biết đó là lời nói dối cho nên đừng vội vã cáu kỉnh mà bình tĩnh hiểu bé hơn.
Xem thêm: Bạn đã bao giờ nghe phương pháp “Nuôi dạy con cái theo ý muốn”?
Khuyến khích bé trung thực
Hãy khuyến khích trẻ trung thực bằng cách nói con nghe tác dụng của việc nói thật và hậu quả của việc nói dối tệ tới mức nào. Điều này rất khó nếu chỉ nói lý thuyết suông mà thay vào đó, bố mẹ nên thông qua các câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, nghìn lẻ một đêm để kể cho bé, giúp bé nhớ lâu hơn.
Tán dương khi trẻ trung thực
Việc can đảm dám nói ra sự thật cần rất nhiều sự dũng cảm do đó bố mẹ cần tán dương khi bé thú nhận sai lầm. Ví dụ như khi bé làm đổ nước ra sàn nhưng không nhận khi được hỏi tới, bố mẹ đừng một mực khăng khăng lật tẩy bé (dù biết bé làm) mà hãy khơi gợi sự thành thật từ bé. Bằng cách tự đặt những câu hỏi như “Không biết ai làm đổ nước vậy ta”, hoặc “Con có thể phụ mẹ lau sàn được không?”.
Như vậy bé sẽ không cảm thấy sợ hãi mà lấp liếm thêm mà thay vào đó là “tự thú” khi làm sai. Sau đó, bố mẹ cũng không nên la mắng bé vì không nhận ngay từ đầu, biểu dương bé lúc này mới là điều tốt nhất.
Tuyệt đối không đánh đập, chửi mắng hoặc xử phạt quá nghiêm trọng vì có thể dẫn tới ám ảnh tâm lý, khiến trẻ nổi loạn và bướng bỉnh hơn. Hãy biến những “sai lầm” thành bài học “nhớ đời” cho con trẻ.
Bố mẹ là tấm gương sáng cho con noi theo
Trẻ con bắt chước rất nhanh từ bố mẹ và những người thân xung quanh. Chính vì điều này, bố mẹ cần cẩn trọng hơn trong lời nói hàng ngày. Đặc biệt, không hứa suông, hứa lèo, hứa không làm, hứa để đó, sẽ khiến trẻ học theo và hình thành việc nói dối ở trẻ nhỏ. Đừng để trẻ hỏi tại sao bố mẹ nói dối không sao mà con nói dối lại bị phạt nhé!
Nói dối ở trẻ nhỏ nếu không được giáo dạy bảo sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ sau này. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý cách xử lý để không phản tác dụng nhé! Nuôi dạy con chưa bao giờ là điều dễ dàng nhưng sau mỗi lần “uốn nắn”, bố mẹ đều thu về “trái ngọt” nên bố mẹ đừng nản quá nhé! Mẹ và Con chúc bố mẹ thành công!