Mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người ngày nay. Cùng với sự phát triển của truyền thông mạng, việc sử dụng quá mức hay nghiện mạng xã hội cũng gia tăng nhanh chóng.
Nếu việc này đang làm ảnh hưởng tới năng suất làm việc hoặc là nguyên nhân khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm, thì đây là lúc bạn nên tìm cách để cai nghiện mạng xã hội.
Vì sao chúng ta dễ nghiện mạng xã hội?
Chúng ta mỗi ngày dùng rất nhiều thời gian cho việc lướt mạng xã hội. Dù biết là không tốt nhưng cũng chẳng thể nào ngăn bản thân dừng lại. Tại sao lại như vậy? Đã bao giờ bạn suy nghĩ đến nguyên nhân nghiện mạng xã hội của mình? Liệu mạng xã hội có gì mà lại thu hút chúng ta đến thế?
Dưới đây là những nguyên nhân cho việc chúng ta dễ nghiện mạng xã hội được chỉ ra bởi các nhà nghiên cứu. Hãy xem thử xem nguyên nhân nghiệng mạng xã hội của mình có giống như vậy hay không bạn nhé!
Nhu cầu thể hiện bản thân
Thông qua chụp cộng hưởng từ MRI, các nhà khoa học khám phá ra rằng khi con người nói về bản thân mình, não bộ cũng có cảm giác hài lòng và tạo ra những trải nghiệm thú vị, tương tự như khi quan hệ tình dục hoặc được ăn uống.
Theo một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng con người vẫn luôn muốn cung cấp thông tin về bản thân mình và tự thể hiện với người khác. Thông thường, 40% thời gian mọi người dùng để nói về bản thân họ. Nhưng nhờ những tính năng đặc trưng có trong các mạng xã hội, con số này đạt tới 80%.
Điều này khá giống cơ chế nghiện các chất kích thích khác, thông qua tự thể hiện bản thân để kích hoạt hệ thống tưởng thưởng của não bộ, từ đó tăng mức độ dopamine. Sự hưng phấn này khiến chúng ta quên mất thời gian, dẫn tới sử dụng quá mức và nghiện mạng xã hội.
Nhu cầu được kết nối và thuộc về…
Sự kết nối, tương tác với bất kỳ ai, ở bất kỳ lãnh thổ nào trên thế giới chính là điều tuyệt vời nhất mà mạng xã hội mang tới. Song thực chất, người dùng chỉ đang tương tác với nền tảng được xây dựng bởi đa dạng các nội dung do nhiều người sáng tạo nên.
Nói cách khác, đây là không gian tương tác của một dự án sáng tạo nội dung mở, ở đó người dùng tự nguyện sáng tạo, thu hút các thành viên khác tiếp tục tham gia và đem lại lợi nhuận cho các công ty chủ quản.
Nhu cầu được kết nối và thuộc về cũng được thể hiện qua lời mời, chấp nhận kết bạn, lượt chia sẻ, thích, bình luận…Vô số những bài viết mới được cập nhật và xuất hiện mỗi ngày khiến bài đăng của chúng ta bị lãng quên nhanh chóng.
Do đó, người dùng buộc phải xem xét và cập nhật thông tin hàng ngày mới có thể nắm bắt được những gì đang diễn ra ở xung quanh. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây nghiện mạng xã hội.
Mạng xã hội tạo tâm lý như đánh bạc
Mạng xã hội được ví như một “sòng bạc”, trong đó mỗi người dùng là “con bạc” có nhiệm vụ đặt cược vào nội dung bản thân sáng tạo mỗi ngày. Ai cũng có mong muốn thu hút được nhiều lượt like, bình luận tích cực và chia sẻ đồng tình. Vậy nên, họ cần đầu tư chỉn chu phần bài đăng để có được ủng hộ như mong muốn.
Ngoài ra, mạng xã hội khiến thành viên liên tục phải dán mắt vào điện thoại bởi vì nỗi sợ bị lạc hậu. Các luồng thông tin mới cập nhật thay vì được ghi rõ ngày giờ, mạng xã hội có xu hướng hiển thị khoảng thời gian đo đếm kể từ khi bài viết được đăng, ví dụ “5 phút trước”, “10 giờ trước”…
Bên cạnh đó, người dùng tìm đến mạng xã hội để có được cảm giác trốn thoát thực tại, rời xa bữa ăn cô độc, vấn đề trục trặc trong những mối quan hệ và công việc,… Trong khi đó, thế giới ảo trên mạng không có sự tồn tại của hiện thực và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều niềm vui, thú vị cho người dùng.
Dấu hiệu và tác hại khi nghiện quá mức
Dấu hiệu của người nghiện mạng xã hội
Chúng ta bình thường hóa mọi việc xoay quanh mạng xã hội để rồi khi có ảnh hưởng tới trực tiếp cuộc sống, chúng ta mới ngồi xuống nhìn lại từng dấu hiệu. Dưới đây là những biểu hiện của người nghiện mạng xã hội, chắc chắn đến bạn cũng phải giật mình bất ngờ vì quá giống những việc bản thân thường làm mỗi ngày:
- Người nghiện mạng xã hội sẽ có thói quen check-in ở mọi lúc mọi nơi, cho dù bạn có đang đi đến một địa điểm du lịch mới hay đến chỗ làm thân quen, đi ngang qua một hàng cây đẹp thì bạn cũng sẽ dừng lại vài phút chỉ để chụp một bức ảnh, check-in với mong muốn chia sẻ cho mọi người biết về điểm đến của mình.
- Đếm từng lượt “Thích” và “Chia sẻ”. Với mỗi dòng trạng thái chia sẻ, bạn nôn nóng muốn biết xem đã có những ai xem, những ai đã tương tác với bài đăng (để lại cảm xúc hoặc bình luận trên chính trạng thái đó).
- Tìm kiếm kết nối Internet ở mọi nơi. Đã bao giờ bạn cảm thấy bứt rứt khó chịu khi đến một nơi không có Internet? Bạn sợ cảm giác bỏ lỡ những thông tin mà mọi người chia sẻ hoặc lo lắng không biết có ai đang cố gắng liên lạc với mình trên mạng hay không? Đây cũng là một dấu hiệu của việc nghiện mạng xã hội đấy.
- Chụp hình tất cả mọi thứ quanh mình. Với những người có “đam mê” sử dụng mạng xã hội,họ luôn cố gắng để chụp mọi thứ diễn ra xung quanh mình nhằm mục đích có “chất liệu” phục vụ cho các bài đăng tiếp theo.
- Kiểm tra thông báo mới thường xuyên là dấu hiệu của người gặp hội chứng Nomophobia – nỗi lo lắng khi không có điện thoại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những người nghiện mạng xã hội. Và không bất ngờ khi bạn có thể gặp hai vấn đề tâm lý này cùng một lúc.
- Xem tin cập nhật ngay khi mới thức dậy, vì không biết trên mạng xã hội đang “rầm rộ” những thông tin gì trong thời gian mình ngủ.
- Lướt trang trong vô thức, không có mục đích gì cũng là một biểu hiện thường gặp khi nghiện mạng xã hội. Dù cho hiện tại bạn chẳng có nhu cầu trò chuyện với ai hay làm điều gì thì bạn cũng sẽ mở điện thoại ra và lướt mạng xã hội một cách không kiểm soát.
- Chỉ muốn trò chuyện với mọi người qua mạng xã hội. Người nghiện mạng xã hội có thể là một người sôi nổi trên không gian mạng nhưng lại im thin thít, cảm thấy không thoải mái khi trò chuyện với mọi người ở ngoài đời thật.
Tác hại
Cũng giống như tất cả những loại nghiện khác, nghiện mạng xã hội cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng sống của chúng ta. Cụ thể như sau:
Nguy cơ “bắt nạt ảo”
Ngày 19/2/2020, Microsoft công bố Chỉ số Văn minh trên Không gian mạng 2020, theo đó người dùng trực tuyến Việt đang phải gặp những rủi ro trên không giang ảo này gồm lừa đảo chiếm 36%, xúc phạm bắt nạt qua mạng chiếm 28% và phân biệt đối xử chiếm 16%. Những vấn đề này khiến không ít người nhận tổn thương về mặt tâm lý, suy kiệt tinh thần và phải tìm cái chết để giải thoát.
Giảm năng suất làm việc
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bạn càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, càng nghiện mạng xã hội thì khả năng tập trung cao độ khi làm việc sẽ càng giảm đi.
Minh chứng là bạn đang tập trung cho một việc gì đó nhưng một tiếng thông báo của mạng xã hội vang lên cũng đủ khiến bạn nôn nao và muốn xem ngay tức khắc. Việc gián đoạn này lâu dần sẽ dẫn tới sự trì hoãn, khiến bạn chần chừ trong mọi quyết định.
Tâm lý ghen tị
Ảnh hưởng rõ ràng nhất của việc nghiện mạng xã hội là tác động áp lực từ bạn bè, thậm chí là những người không quen biết. Bạn có xu hướng so sánh bản thân với những người đó để rồi nảy sinh tâm lý ghen tị, không hài lòng với cuộc sống hiện tại, cảm giác lo âu kéo dài phát triển thành những rối loạn tâm thần khác.
Các vấn đề sức khỏe
Chứng nghiện mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng tới thị lực mà còn dẫn tới những vấn đề về đau lưng và cổ do cúi xuống liên tục để nhìn màn hình. Hội chứng ống cổ tay cũng gây ra tình trạng đau và tê bì của nhiều ngón tay và bàn tay.
Cách cai nghiện mạng xã hội
Sử dụng mạng xã hội không xấu nhưng sử dụng quá mức thì có thể gây những hệ quả xấu cho chính bản thân người dùng. Điều quan trọng là phải sử dụng những công nghệ này một cách hữu ích và khôn ngoan, tránh để chúng chiếm hữu và làm biến đổi cuộc sống của bạn theo chiều hướng tiêu cực.
Nếu bạn cảm thấy đã tốn quá nhiều năng lượng và thời giờ online, hay chỉ đơn giản là muốn cai nghiện mạng xã hội, có thể thử một số biện pháp như sau:
Gỡ bỏ ứng dụng mạng xã hội
Sự xuất hiện của ứng dụng mạng xã hội dành cho điện thoại thông minh giúp người dùng truy cập mọi nơi vô tình khiến họ dần trở nên nghiện và dùng như một thói quen và dần trở nên nghiệng mạng xã hội.
Bằng cách gỡ ứng dụng này khỏi điện thoại, từ chối sự tiện ích quá mức cám dỗ này sẽ giúp tần suất truy cập mạng xã hội của bạn giảm đi.
Điều này không có nghĩa là bạn không sử dụng hoàn toàn, bạn vẫn có thể đăng nhập bằng laptop hoặc máy tính để bàn. Tuy nhiên, hầu như là không cần vào thường xuyên mỗi ngày nên thời gian cũng dư dả để tập trung làm việc khác.
Đặt ra những nguyên tắc cơ bản
Ngày nay, không ít những công việc hoặc chuyện kinh doanh đòi hỏi phải dùng mạng xã hội. Để không bị loay hoay trong không gian ảo này và bị cuốn vào vòng xoáy nghiệng mạng xã hội thì bạn nên đặt ra giới hạn về thời gian dành riêng để giải quyết tất cả các nhiệm vụ liên quan đến nền tảng online và sau đó đăng xuất ngay.
Việc tìm ra thời gian và giới hạn tối ưu nhất để giải quyết công việc trên nền tảng mạng xã hội sẽ là động lực để bạn tập trung phát triển những khía cạnh khác.
Tìm kiếm sự trợ giúp
Thật không dễ dàng khi bạn đang cố gắng cai nghiện mạng xã hội mà đồng nghiệp hay bạn bè cứ liên tục liên lạc với bạn trên không gian này. Do đó, bạn nên báo với những người xung quanh về phương thức liên lạc thay thế khi bắt đầu khoảng thời gian cai nghiện mạng xã hội.
Hơn nữa, cần đặt mục tiêu rõ ràng về thời gian quy định được sử dụng. Ví dụ như ngay sau khi thức dậy, sau đó tăng dần giới hạn cai nghiện mạng xã hội ở các buổi còn lại (giờ nghỉ trưa, 2 giờ trước khi ngủ, …).
Bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của một số trang web hoặc ứng dụng có chức năng chặn các địa chỉ truy cập mà bạn cảm thấy mình bị nghiện theo thời gian tùy chỉnh, ví dụ như Freedom hoặc Anti-Social.
Lựa chọn mạng xã hội để sử dụng
Với những ứng dụng như Zalo, Viber hoặc Skype,.. do là phương tiện để kết nối và trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp và gia đình nên cũng không nhất thiết phải xóa bỏ hoàn toàn.
Thêm nữa, vì Facebook có lượng thông tin khổng lồ dễ khiến người dùng bị nghiện mà mất thời gian hơn nên bạn cần hạn chế, xóa bỏ hoặc thay thế ứng dụng này. Và để không mất thời gian cũng như vô tình làm tổn thương những người khác thì đừng tranh luận trên không gian ảo này nhé!
Thay thế bằng những hình thức giải trí khác
Mạng xã hội được sử dụng như hình thức giải trí để giết thời gian. Song thực tế, còn rất nhiều hoạt động khác giúp tinh thần thoải mái như chơi thể thao, đọc sách, ra ngoài hẹn hò cùng bạn bè hoặc xem phim và các chương trình yêu thích cùng cả gia đình để tận hưởng thời gian bên nhau.
Hãy ưu tiên lựa chọn những gì thiết thực, gần gũi thay vì một thế giới không có thật hoặc một sự việc ở đâu đó xa lắm và chỉ mang năng lượng xấu cho bản thân.
Nếu cảm thấy khó khăn trong việc cai nghiện mạng xã hội vì không có hứng thú với bất cứ điều gì khác, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của người thân trong gia đình của mình.
Bạn có thể rủ rê mọi người cùng tham gia các hoạt động với bạn. Như vậy, bạn sẽ có thêm động lực trong việc tập trung voà các thú vui bổ ích hơn. Và mọi người cũng có thể nhắc nhở bạn mỗi khi bạn cầm điện thoại lên và vào mạng xã hội một cách vô bổ.
Nghiện mạng xã hội không còn là vấn đề quá xa lạ với nhiều người nhưng tới nay số lượng người “va vào” vẫn tăng lên. Đặc biệt, trong lúc dịch bệnh không thể gặp trực tiếp nhau thì thời lượng sử dụng mạng xã hội càng tăng đột biến. Dịch bệnh rồi sẽ qua, cuộc sống cũng sẽ trở lại, vậy nên đừng phụ thuộc quá nhiều vào không gian ảo này bạn nhé! Thoát ra khỏi mạng xã hội để tự phát triển những khía cạnh khác của bản thân ngay nào.