Con cái là sợi dây ràng buộc thiêng liêng giữa các cặp đôi, giúp họ không ngừng nỗ lực gìn giữ gia đình và hạnh phúc vẹn tròn cho con cái. Ngày nay, quan điểm đó dần có sự thay đổi khi nhiều người trẻ không muốn sinh con. Thậm chí họ còn chọn lối sống kết hôn không sinh con, bất chấp sự tác động của gia đình và những người xung quanh.
Quyết định không có con vì thế trở thành một cuộc đấu tranh nội tâm phức tạp. Bỏ qua nguyên nhân bệnh lý vô sinh hiếm muộn ảnh hưởng đến việc sinh nở, nhiều người trẻ chọn không sinh con cũng cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến những người xung quanh vui vầy trong gia đình đầy ắp tiếng cười nói của trẻ thơ. Họ cảm thấy rất áp lực, nghi ngờ quyết định bị cho là “ích kỷ” của mình.
Xu hướng không muốn sinh con
Và rất nhiều lý do có liên quan đến xu hướng không muốn sinh con, nhưng nhìn chung là có liên quan đến những quan điểm dưới đây:
Việc nuôi dạy một đứa trẻ rất tốn kém
Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến người trẻ không muốn sinh con. Bản thân mỗi người đã phải rất khó khăn mới có thể đảm đương trách nhiệm chăm sóc bản thân và báo hiếu cho cha mẹ.
Vì thế, khi sinh một đứa trẻ đồng nghĩa với việc phải trang trải mọi chi phí từ thực phẩm cho đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quần áo và các nhu cầu thiết yếu khác như phương tiện đi lại, giải trí…
Muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con đồng nghĩa với việc cản trở kế hoạch tích lũy của bản thân, gây mất ổn định về tài chính. Thách thức càng lớn hơn rất nhiều đối với những người có thu nhập bấp bênh và công việc kém ổn định như người làm công việc tự do, lao động tay chân…
Ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp
Có một thực tế là phụ nữ sinh con thường bị ảnh hưởng hoặc mất thu nhập hoàn toàn. Họ cũng có nguy cơ phải chịu sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc và mất cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp do phải lùi về phía sau để nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình.
Người phụ nữ nhận thấy rằng họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Do đó, việc sinh con vấp phải phản ứng mạnh hơn ở người phụ nữ, dù họ là người rất yêu trẻ con và tha thiết làm mẹ hơn cả.
Chọn kết hôn không sinh con do sợ mất tự do
Nhiều người trẻ không muốn trở thành cha mẹ bởi một đứa trẻ đòi hỏi ở họ quá nhiều. Cụ thể như sự chăm sóc, thời gian, tiền bạc, sức khỏe và đây thường được coi là lý do ích kỷ nhất trong các nguyên nhân người trẻ tuổi không muốn sinh con.
Ngoài ra, nhiều người còn cảm thấy mối quan hệ cặp đôi thay đổi sau khi có con. Người bạn đời không còn là mối quan tâm hàng đầu, thay vào đó là một đứa trẻ. Điều này khiến họ cảm thấy khó chịu.
Không muốn sinh con để bảo vệ trái đất
Một số cặp vợ chồng chọn không sinh con vì nhận ra sự tàn phá của con người đối với môi trường. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lund ở Thụy Điển đã phát hiện ra rằng, một gia đình có trẻ em có thể thải ra trung bình 58,6 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Đó là một gánh nặng cho môi trường và khiến cho trái đất ngày một suy kiệt, con người phải đối diện với những thử thách khốc liệt từ thiên nhiên.
Thế giới có quá nhiều thứ nguy hiểm
Cuộc sống đầy ắp những nguy hiểm, rủi ro. Không cần phải trải qua đại dịch Covid-19 con người mới nhận ra thế giới này không phải là nơi tuyệt vời với một đứa trẻ.
Nhiều người trẻ nhận định, con người hiện đại đang phải đối diện với khủng hoảng không khí ô nhiễm, khủng hoảng nguồn nước, khủng hoảng lương thực, chiến tranh, bạo lực trực tuyến, biến đổi khí hậu… Vì thế, việc đưa một đứa trẻ đến với thế giới này là sai về mặt đạo đức.
Dấu hiệu bạn đã sẵn sàng “lên chức” ba mẹ
Quyết định làm cha mẹ mang tính chất riêng tư và đương nhiên là không thể làm hài lòng bất kỳ ai khác ngoài chính họ. Tuy nhiên, các cặp đôi chọn không muốn sinh con lại bị nhìn nhận như những người trẻ thiếu cân nhắc và thường quyết định sai lầm. Điều đó có là công bằng với họ?
Suy nghĩ của con người hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian và những trải nghiệm mà chúng ta đã có. Vì thế, bạn không muốn sinh con không có nghĩa là lựa chọn cuộc sống thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ cho đến mãi về sau.
Vì thế, đừng quá cứng nhắc. Thay vào đó, bạn có thể sống thoải mái theo cách mình muốn và nhận biết dấu hiệu đã sẵn sàng làm ba mẹ dưới đây:
Hiểu và đón nhận trách nhiệm
Sinh con đồng nghĩa với lựa chọn trách nhiệm. Vì vậy, một dấu hiệu cho thấy bạn sẵn sàng là hiểu và chấp nhận tất cả những gì đi kèm với việc trở thành cha mẹ.
Việc có một đứa con không phải lúc nào cũng tuyệt vời. Nó đòi hỏi sự linh hoạt về thời gian, tiền bạc và hy sinh những thú vui cá nhân. Nếu bạn sẵn sàng nhượng bộ và điều chỉnh lối sống hiện tại của mình để đáp ứng trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ, hãy nghĩ đến chuyện sinh con.
Bạn không xem sinh con chỉ là “một việc nên làm”
Nhiều cặp vợ chồng cảm thấy việc sinh con chỉ đơn giản là một việc phải làm khi trưởng thành hoặc đã kết hôn. Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng và những ngày tháng căng thẳng của việc nuôi dạy con cái.
Nếu bạn thực sự không cảm thấy mình phải sinh mà là muốn có con, đó là dấu hiệu bạn đã thực sự sẵn sàng.
Bạn và người bạn đời khỏe mạnh
Mang thai và chăm sóc con cái là việc làm vất vả. Do đó, các chuyên gia sản khoa khuyên bạn nên chuẩn bị thật tốt về mặt sức khỏe. Đồng thời với việc tăng cường sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn có nhiều khả năng thụ thai và sinh ra những đứa con khỏe mạnh hơn.
Hôn nhân của bạn đang tốt đẹp
Nhiều người không muốn sinh con vì lo ngại hôn nhân không bền vững hoặc sự xuất hiện của con cái dễ trở thành tiền đề cho các cuộc xung đột trong gia đình.
Vì vậy, mối quan hệ của cả hai tốt đẹp cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho sự ra đời của một đứa trẻ.
Chấp nhận mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo
Cuối cùng, một phần của việc làm cha mẹ bên cạnh tình yêu thương còn là sự ủng hộ. Bạn cần hiểu con cái là một cá thể độc lập. Trẻ sẽ trở thành con người mà chúng muốn và trách nhiệm của bạn là thấu hiểu, chấp nhận những sự khác biệt.
Bạn vừa khám phá một trong những trăn trở hiện nay của các cặp đôi trẻ tuổi: Không muốn sinh con.
Trên thực tế, không có việc gì là đúng hay sai. Điều đó tùy thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của mỗi người. Tuy nhiên, Tạp chí Mẹ và Con cho rằng mỗi đứa trẻ sẽ luôn là một vũ trụ niềm vui và những điều thú vị. Vì thế, hãy thử nghĩ về điều này một cách nghiêm túc khi bạn thấy mình sẵn sàng “lên chức” ba mẹ nhé!