Trong tháng cuối cùng của thai kỳ, bạn có thể cảm thấy cơ thể ngứa ngáy nhiều hơn. Đây chính là biểu hiện của chứng ứ mật thai kỳ, thường diễn ra vào trước giai đoạn vượt cạn của bạn.
Ứ mật thai kỳ là gì?
Ứ mật khi mang thai (ứ mật thai kỳ hoặc ứ mật sản khoa) là một vấn đề gây suy giảm chức năng gan, khiến dòng chảy bình thường của mật từ túi mật bị chậm lại hoặc thậm chí tắc nghẽn.
Gan sản xuất ra mật – chất dịch màu vàng xanh có khả năng tiêu hóa cholesterol, sắc tố mật bilirubin và muối mật. Mật sẽ được lưu trữ trong túi mật và đi qua ống mật để vào tá tràng. Khi gan không thể bài tiết mật đúng cách thì mật sẽ dẫn đến hiện tượng ứ mật.
Ứ mật thai kỳ khiến mật tích tụ lại bên trong gan và máu của bạn gây ngứa và vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu,… Nồng độ mật cao không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho thai nhi đang phát triển.
Thông thường, ứ mật thai kỳ sẽ diễn ra vào tam cá nguyệt thứ 2 hoặc tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Trong một số trường hợp, tình trạng ứ mật diễn ra ở cả tam cá nguyệt đầu tiên. Ứ mật thai kỳ thường biến mất trong vòng vài ngày sau khi sinh.
Nguyên nhân gây ứ mật thai kỳ?
Hiện nay, chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ứ mật thai kỳ. Tuy nhiên, có thể thấy khi mang thai, lượng hormone tăng cao, đặc biệt là hormone estrogen. Như vậy, túi mật và gan phải hoạt động quá mức gây suy giảm chức năng gan, khiến gan không thể bài tiết mật được và dẫn đến ứ mật thai kỳ.
Ngoài ra, lượng hormone thay đổi đột ngột cũng làm thay đổi cách hoạt động của túi mật khiến bạn gặp tình trạng ứ mật khi mang thai.
Một số yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ứ mật thai kỳ, bao gồm: Tiền sử gia đình, từng bị ứ mật ở những lần mang thai trước, tiền sử tổn thương gan, mang đa thai, thụ tinh trong ống nghiệm,…
Các triệu chứng của chứng ứ mật thai kỳ là gì?
Triệu chứng chính của ứ mật khi mang thai là ngứa da dữ dội ở khắp nơi trên cơ thể, đặc biệt là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngoài ra, bạn sẽ dễ cảm thấy ngứa vào ban đêm. Hiện tượng ngứa da do ứ mật thai kỳ thường bị nhầm lẫn với tình trạng dị ứng.
Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng phân biệt dị ứng da và ứ mật thai kỳ bởi vì ứ mật còn đi kèm với các triệu chứng khác như:
- Vàng da, mắt và niêm mạng cũng trở nên vàng hơn
- Đau bụng
- Đi cầu phân bạc màu
- Màu nước tiểu vàng sậm
Chẩn đoán ứ mật thai kỳ như thế nào?
Nếu bạn bị ngứa dữ dội kèm theo các triệu chứng kể trên, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm để xác định chính xác bạn có bị ứ mật thai kỳ hay không. Các xét nghiệm thường làm bao gồm:
- Xét nghiệm chức năng gan
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm đánh giá chức năng phân
- Siêu âm các ống dẫn mật.
Điều trị ứ mật thai kỳ
Nếu bạn bị ứ mật thai kỳ, bác sĩ của bạn sẽ cùng thảo luận với bạn về cách điều trị tốt nhất cho bạn dựa trên:
- Tiền sử thai kỳ của bạn
- Sức khỏe tổng thể của bạn hiện tại và tiền sử sức khỏe
- Bạn có bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hay không
- Tình trạng sức khỏe thai nhi
Mục tiêu điều trị ứ mật thai kỳ là giảm ngứa và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Thuốc có thể được sử dụng để giúp giảm ngứa và giúp hạ thấp mức độ ứ của mật. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ không thực hiện can thiệp mà chỉ theo dõi sức khỏe của mẹ và bé.
Nếu có bất kỳ biểu hiện nguy hiểm nào với sức khỏe của bạn hoặc thai nhi, bác sĩ sẽ cân nhắc đến sinh sớm, giúp giảm rủi ro cho thai nhi. Tùy trường hợp mà bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kích thích chuyển dạ hoặc sinh mổ.
Còn trong trường hợp ứ mật thai kỳ không gây nên những vấn đề nghiêm trọng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn dùng nước ấm để ngâm những vùng da bị ảnh hưởng, giảm đau và ngứa ngáy tạm thời. Ngoài ra, bạn có thể thoa dầu dừa kết hợp với giấm táo hoặc baking soda để giảm các triệu chứng khó chịu của mình.
Ứ mật thai kỳ cũng khiến cho lượng vitamin K thấp hơn và làm tăng nguy cơ xuất huyết. Vì vậy, nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin K cũng như sử dụng viên uống bổ sung vitamin K theo chỉ định của bác sĩ.
Các biến chứng của chứng ứ mật thai kỳ
Tình trạng ứ mật thai kỳ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Suy thai: Điều này có nghĩa là em bé đang phát triển của bạn không phát triển tốt và có nguy cơ sảy thai cao.
- Sinh non: Khi bị ứ mật thai kỳ, có khả năng cao bạn sẽ phải sinh con sớm hơn ngày dự sinh ban đầu..
- Phân su trong nước ối: Như vậy nghĩa là thai nhi đã đi tiêu trước khi được sinh ra. Điều này có thể gây ra các vấn đề về hô hấp rất nghiêm trọng đối với trẻ sau khi chào đời.
- Thiếu vitamin K: Như Mẹ và Con đã chia sẻ, ứ mật thai kỳ cũng có thể dẫn đến thiếu vitamin K dẫn đến chảy máu quá nhiều trong lúc sinh.
Khi nào nên đến bệnh viện?
Nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy dữ dội, cơn ngứa không thuyên giảm và không có các dấu hiệu dị ứng, màu mắt hoặc màu da, viêm mạc chuyển vàng,… thì tốt nhất nên thực hiện thăm khám để có thể chẩn đoán và kịp thời điều trị nếu cần thiết.
Khi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín, hãy chia sẻ cho bác sĩ sản khoa về những triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Nếu bạn đang sử dụng thuốc hay điều trị bất kỳ bệnh lý gì, hãy thông báo cho bác sĩ biết để có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Khi bác sĩ giải thích về phương pháp điều trị, bạn có thể hỏi thêm về ưu – khuyết điểm của phương pháp này và xem liệu mình có thể đáp ứng hay không bạn nhé!
Nhìn chung, ứ mật thai kỳ là tình trạng mật tích tụ trong gan, không thể đào thải và gây ngứa dữ dội. Mục tiêu của điều trị ứ mật khi mang thai là giảm ngứa và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra với thai nhi. Một số trường hợp ứ mật sẽ được chỉ định sinh sớm hơn (ở tuần thai thứ 37) để tránh những rủi ro xảy ra.