Một bà mẹ Trung Quốc khi sang sống tại Kyoto, Nhật, đã vô cùng kinh ngạc trước hệ thống giáo dục cũng như trước những thói quen dạy dỗ bọn trẻ ở đó. Cô đã chia sẻ trải nghiệm và quan sát của mình trên Internet.
Cô viết: “Trước khi tới Nhật, Tiantian (con gái cô ta) đã đi học mẫu giáo một năm tại Bắc Kinh, do đó có thể nói là chúng tôi đâu có lạ lẫm gì với trường mẫu giáo. Nhưng có một số thứ tại trường mẫu giáo Nhật làm tôi sửng sốt.”
Sau đây là 12 điều cô ta quan sát được
1. Nhiều túi một cách buồn cười
Ngày đầu tiên, họ giải thích cho mẹ con tôi rằng chúng tôi cần chuẩn bị nhiều túi với nhiều kích cỡ khác nhau:
Một cái túi đựng sách vở, một cái túi chứa mền, một cái túi đựng đồ dùng ăn uống, một cái hộp đựng đồ dùng ăn uống, một cái túi chứa quần áo, một cái túi chứa quần áo thay ra, và một cái túi đựng giày. Rồi cái túi A phải có chiều dài thế này, túi B có bề rộng thế kia, túi C phải để vừa vào túi D, và túi E phải để vừa vào trong túi F. Tôi thực không thể tin nổi.
Một số trường mẫu giáo còn yêu cầu các bà mẹ tự làm túi cho riêng mình nữa!
Sau hai năm, chúng tôi quen với chuyện này, và bọn trẻ hình thành được thói quen rất tốt là đặt đồ vật vào đúng chỗ. Tôi thường nghĩ rằng lí do mà mọi người ở Kyoto không phiền khi phải phân loại rác có thể là vì họ đã được dạy chuyện phân loại như vầy từ hồi còn nhỏ rồi.
2. Trẻ phải tự xách lấy toàn bộ túi của mình, còn người lớn không phải xách gì cả
“Cảnh tượng này thật sự làm tôi bị sốc: Khi đưa trẻ đi học hoặc lúc đón chúng, tôi chú ý là những bậc phụ huynh khác, có thể là cha mẹ hay ông bà, hoàn toàn chẳng phải xách thứ gì cả, trong khi tất cả các túi xách đủ mọi kích cỡ (ít nhất là có 2-3 kích cỡ) đều để cho bọn nhỏ xách. Hơn nữa là bọn trẻ còn chạy rất nhanh nữa đằng khác!
Còn đối với chúng tôi thì sao? Có lẽ đây là vấn đề thói quen, hoặc có lẽ là do vấn đề văn hoá nữa, tôi xách mấy cái túi đó còn Tiantian thì không xách gì cả.
Một vài ngày sau, cô giáo đến nói chuyện với tôi: “Mẹ Tiantian này, ở trường bé tự làm mọi thứ…” Người Nhật có thói quen chỉ nói mở đầu vậy thôi, phần còn lại tự bạn hiểu lấy.
Tôi lập tức nhận ra cô giáo đang hỏi về chuyện ở nhà, nhưng khi thấy tôi cứ nghĩ ngợi, cô giáo nói tiếp, “… tự mình mang túi xách là một ví dụ…” Sau lời nhắc khéo đó, tôi để Tiantian tự mang túi xách.
Khi họp phụ huynh, tôi bảo với mọi người rằng phong tục ở Trung Quốc là để cha mẹ mang mọi thứ. Thế là tới lượt các bà mẹ Nhật ngẩn người ra. Và họ hỏi: “Tại sao thế?”
Tại sao ư? Liệu có phải vì người Trung Quốc chúng tôi yêu con mình hơn không?
3. Thay đồ liên tục
Trường mẫu giáo của Tiantian có đồng phục riêng; khi con bé tới lớp, nó phải thay đồng phục ra và mặc bộ đồ dành cho giờ chơi. Con bé phải cởi giầy và mang loại giày ballet màu trắng, khi con bé tới sân tập thể dục thì nó lại phải thay giày. Sau khi nghỉ trưa, bọn trẻ lại phải thay đồ tiếp. Thật là phiền phức mà.
Lúc trước Tiantian trong lớp thường thay đồ rất chậm, thế là tôi không thể không giúp con bé một tay. Nhưng rồi tôi nhanh chóng để ý thấy tất cả những bà mẹ Nhật đều đứng sang bên chứ không giúp con họ. Tôi dần dần thấy được là việc thay đồ này sẽ giáo dục bọn trẻ cách sống tự lập. Thông qua những việc ở trường như thay đồ, dán thẻ bé ngoan, và treo khăn tay, bọn trẻ sẽ bắt đầu học được thói quen giữ mọi thứ trật tự ngay từ khi chúng mới 2-3 tuổi.
4. Mặc quần cụt vào mùa đông
Trẻ con ở mấy trường học Nhật mặc quần cụt vào màu đông, bất kể trời lạnh ra sao. Ông bà ngoại của bé nhà tôi ở Bắc Kinh rất lo lắng, và bảo rằng tôi phải nói chuyện với cô giáo về chuyện àny bởi vì trẻ con Trung Quốc không thể chịu nổi thời tiết lạnh.
Các bạn không biết chứ khi bé nhà tôi bắt đầu đi học mẫu giáo ở đây, gần như ngày nào con bé cũng bệnh. Nhưng khi tôi nói chuyện với các bà mẹ Nhật về chuyện này, thì câu trả lời của họ làm tôi ngạc nhiên hết sức: “Dĩ nhiên rồi! Lí do mà chúng ta đưa con mình đến trường mẫu giáo là để chúng bệnh đó.”
Nhìn thấy bọn trẻ chạy vòng vòng như tên lửa với nguồn sinh lực khoẻ mạnh như vậy, tôi chợt nghĩ rằng chúng ta không nên chiều chuộng con mình quá mức.
5. Trẻ chưa đầy một tuổi nhưng đã tham gia vào các sự kiện thể thao
Toàn bộ các lớp học đều đặt tên theo bông hoa. Tiantian trong lớp hoa cúc, rồi hoa loa kèn, rồi con bé thành “đàn chị”, lớp hoa tím. Nhưng bọn nhỏ chưa đến một tuổi đều nằm trong lớp hoa đào.
Những mo-mo (hoa đào) này, vốn chưa được một tuổi, không chỉ bắt đầu theo học mẫu giáo mà còn tham gia vào những hoạt động chính của trường, như thi đấu hay trình diễn thể thao. Xem tụi nhỏ mo-mo khóc khi đang bò tới trước, tôi thấy chúng thật tội.
6. Con gái chơi đá banh
Khi bọn trẻ lên lớp giữa ở trường mẫu giáo Nhật, chúng sẽ bắt đầu thực hiện những bài tập nhảy hàng tuần, giống như môn giáo dục thể chất của chúng tôi ở quê nhà; rồi ở lớp lớn hơn chúng sẽ tham gia thi đấu bóng đá. Nếu không tập chơi trống thì chúng sẽ tập đá banh. Và chúng cũng chơi đá banh luôn, thậm chí người ta còn có những giải đấu với những trường mẫu giáo khác. Tiantian bị bầm khi chơi nhưng bù lại con bé có được sức mạnh và lòng can đảm.
Thật ra mà nói, khi chúng tôi lần đầu tiên tới Nhật, màn thể hiện của Tiantian thật sự đáng xấu hổ. Bọn trẻ Nhật thường bắt đầu nhổ giò lúc khoảng 3-4 tuổi, còn trước đó chúng thấp hơn bọn trẻ Trung Quốc. Ở lớp của Tiantian thì con bé là người khổng lồ, nhưng thật ra thì rất yếu ớt.
Bọn trẻ Nhật thường chạy vòng vòng ngoài sân, còn Tiantian thì sao? Giày con bé có cát chui vào, thế là nó phải đi nhón gót. Có lần đi leo núi, con bé phải nhờ đến hai đứa trẻ Nhật khác lùn hơn nó giúp thì mới xuống được. Con bé chưa hề có kinh nghiệm đi bộ leo lên núi suốt một tiếng đồng hồ. Sau đó con bé khá hơn, có lần ở huyện Trung Điện (Trung Quốc), nơi không khí loãng mà con bé đi bộ suốt bốn tiếng mà chẳng hề gì.
7. Giáo dục hỗn hợp
Khi còn ở Trung Quốc, tôi thấy được trường mẫu giáo của Tiantian chỉ vài lần. Mỗi khối lớp có những lớp học riêng biệt, còn ở Nhật không phải vậy.
Trước 9:30 sáng và sau 3:30 chiều, toàn bộ bọn trẻ trong trường chơi chung với nhau. Và trên sân, những đứa trẻ lớn ôm lấy mấy đứa nhỏ hơn, mấy đứa trẻ nhỏ hơn rượt mấy đứa trẻ lớn, chúng cứ rượt bắt như điên vậy đó. Chúng thật sự như anh em trong nhà.
8. Giáo dục cách mỉm cười và nói cảm ơn
Ở trường mẫu giáo, dường như họ không quan tâm gì đến chuyện giáo dục trí tuệ cho bọn trẻ. Họ không có sách giáo khoa, chỉ có mỗi một tập giấy vẽ mới hàng tháng. Trong chương trình giáo dục ở trường, không có những môn như toán, viết chữ kana, vẽ, hay âm nhạc.
Khi bạn hỏi họ dạy gì, bạn sẽ không đoán được câu trả lời đâu: “Chúng tôi dạy bọn trẻ cách luôn mỉm cười!”
Ở Nhật, bất kể bạn ở đâu, hay bất kể bạn nói chuyện với ai, “luôn mỉm cười” là điều quan trọng nhất. Một cô gái lúc nào cũng cười là cô gái đẹp nhất.
Họ còn dạy gì nữa? Họ dạy bọn trẻ cách nói cảm ơn.
9. Sinh hoạt ngoại khoá
Nhìn vào lịch tôi có thể thấy những ngày mà tôi cần làm bữa trưa cho Tiantian mang đến trường. Đó là những người con bé được đi dã ngoại. Tôi không thể biết được con bé đã đi leo núi bao nhiêu lần, đi chơi hồ bao nhiêu lần, hay là đã nhìn thấy bao nhiêu con vật, bao nhiêu cái cây.
Ngoại trừ việc đó, con bé còn đi nhặt quả đấu, làm bánh, tham gia mấy ngày hội thể thao, trình diễn ở những sự kiện cộng đồng, ngủ đêm ở nhà người khác, tham gia lễ hội, đi chùa, xem triển lãm, v.v.. Có thể nói là rất nhiều.
10. Ở những ngày lễ Trung Quốc không ăn mừng thì trường mẫu giáo Nhật ăn mừng
Chuyện này cũng làm tôi ngạc nhiên. Trường mẫu giáo tổ chức ăn mừng những ngày lễ truyền thống của chính họ: ngày dành cho bé gái, ngày dành cho bé trai, lễ hội ma đói, v.v.. Ngoài ra họ còn tổ chức lễ Renri (diễn ra vào đêm thứ 7 của tết âm lịch), và lễ Quixi.
11. Năng lực của giáo viên
Ở một lớp học Nhật, có mười đến ba mươi học sinh, nhưng chỉ có một giáo viên. Ban đầu tôi ngờ vực không biết cô ta có thể để mắt đến toàn bộ bọn trẻ hay không. Rồi tôi phát hiện là mình đánh giá thấp giáo viên ở trường mẫu giáo Nhật. Chỉ với một giáo viên thế mà quản lí được hết mọi sự một cách có phương pháp và thấu đáo: từ chuyện học vẽ, nhạc, tập đọc, đến chơi trống và cả sinh nhật bọn trẻ nữa.
12. Ảnh hưởng từ đạo Phật
Kyoto có lẽ là nơi nhiều chùa hơn bất kì thành phố nào khác ở Nhật. Thành phố này có một bầu không khí thật tịnh tâm. Tiantian tuần nào cũng đi chùa. Ở những lễ hội quan trọng nhất, con bé phải quỳ trước Đức Phật, và có nhiều hoạt động diễn ra vào ngày Phật Đản và ngày Niết-bàn.
Có lần Tiantian đến chùa Nishi Honganji để xin điều ước. Tôi hỏi con bé ước gì, và nó bảo: “Luôn tin vào Phật, luôn đối xử với người khác bằng tấm lòng biết ơn, và luôn để tâm đến thế giới của những người khác”.