Trẻ sơ sinh mọc răng sữa rất quan trọng trong việc giúp bé nhai, nói và cười. Răng sữa cũng giữ chỗ cho răng vĩnh viễn sau này. Mọc răng sữa không chỉ là một giai đoạn quan trọng trong việc hoàn thiện các chức năng của cơ thể. Đây còn là lúc bé bắt đầu có thể thay đổi chế độ ăn uống và phát âm.
Hiểu rõ quá trình mọc răng ở trẻ sơ sinh là điều cần thiết. Đặc biệt là khi cha mẹ muốn có sự chuẩn bị và chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe răng miệng của bé. Hãy cùng tìm hiểu với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Trẻ sơ sinh mấy tháng mọc răng?
Thời gian trẻ sơ sinh mấy tháng mọc răng phụ thuộc vào thể trạng, tốc độ phát triển của từng bé. Một số bé chỉ mới 4 tháng tuổi đã mọc răng.
Số khác có thể đến 1 tuổi mới mọc những chiếc răng đầu tiên. Dù cha mẹ nôn nóng đợi bé mọc răng nhưng đừng lo lắng nếu trẻ sơ sinh mọc răng muộn nhé.
Chỉ cần bé mọc răng sữa trong vòng 12 tháng đầu đời thì được xem như là phát triển bình thường. Mãi cho đến khi khoảng 3 tuổi bé mới hoàn thiện bộ răng sữa.
Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có thể mọc răng ngay từ khi mới ra đời hoặc trong vòng 30 ngày đầu sau sinh. Đây gọi là hiện tượng răng sơ sinh (natal teeth) rất hiếm gặp và bé cũng chỉ mọc 1-3 răng nhỏ.
Quá trình trẻ sơ sinh mọc răng bình thường sẽ trải qua các mốc theo tháng tuổi như sau:
- 5-8 tháng: 04 răng cửa giữa hàm trên và dưới
- 7-10 tháng: 04 răng cửa bên
- 12-16 tháng: 04 răng hàm đầu tiên
- 14-20 tháng: 04 răng nanh
- 20-32 tháng: 04 răng hàm thứ hai
Đến lúc này thì bé mới hoàn thiện bộ răng sữa gồm 20 chiếc.
Dấu hiệu trẻ sắp mọc răng sữa
Để chuẩn bị tốt nhất cho trẻ sơ sinh mọc răng, bạn có thể theo dõi để đoán bé sắp mọc răng. Một số trẻ không khó chịu hay đau đớn gì nhưng nếu có, bé sẽ có một số dấu hiệu sau:
- Nướu bị sưng đỏ ở vị trí răng sắp mọc, điều này khiến má trẻ phồng và hơi ửng hồng hơn bình thường.
- Việc răng sữa sắp mọc cũng khiến trẻ chảy nước dãi nhiều hơn, đây là dấu hiệu rất phổ biến.
- Bé bị sốt do mọc răng. Lưu ý là sốt mọc răng thường không cao quá 38 độ C và không kéo dài. Bé sốt kéo dài có thể là triệu chứng bệnh khác mẹ cần theo dõi kỹ.
- Mọc răng ở trẻ sơ sinh làm bé thấy ngứa ngáy bứt rứt nên có xu hướng gặm, cắn nhiều hơn.
- Bé bị đau, quấy khóc cáu kỉnh, bú ít hơn bình thường và vì thế trẻ cũng khó ngủ, ngủ không ngon.
- Có một dây thần kinh chạy xuyên qua nướu, tai và má. Nếu bạn thấy bé thường xuyên kéo tai, chà má thì có thể bé sắp mọc răng đấy.
- Một số bé còn bị tiêu chảy khi sắp mọc răng sữa.
Nếu bé đã được hơn 4 tháng tuổi và xuất hiện những dấu hiệu bên trên thì bạn nên chuẩn bị để chăm sóc cho quá trình mọc răng của con được thuận lợi.
Cách chăm sóc răng sữa cho trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc răng sữa cho bé rất cần thiết để phòng ngừa sâu răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng của bé. Đồng thời, điều này cũng giúp cho bé có thói quen chăm sóc răng miệng từ nhỏ. Khi trẻ lớn bạn sẽ không tốn nhiều thời gian để dạy con cách tự vệ sinh.
Chăm sóc nướu cho bé
Bạn có thể bắt đầu vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh từ khi trẻ còn chưa mọc răng sữa. Lúc này, bé cần được vệ sinh, rơ lưỡi cho trẻ 1 – 2 lần/ngày.
Cách làm rất đơn giản:
- Dùng băng gạc hoặc miếng vải sạch quấn vào ngón tay.
- Sau đó thấm vào nước sôi để nguội và tiến hành lau nướu, vệ sinh lưỡi.
Việc này rất quan trọng, giúp loại bỏ các loại vi khuẩn, giảm hôi miệng, giảm nguy cơ sâu răng khi bé đến giai đoạn mọc răng sữa. Việc này cũng giúp bé tập thói quen chải răng mỗi ngày.
Chải răng cho bé
Khi những chiếc răng đầu tiên nhú lên, mẹ có thể chuyển sang dùng bàn chải đánh răng. Cần lưu ý chọn bàn chải phù hợp với trẻ sơ sinh mọc răng:
- Lông bàn chải mềm mịn.
- Đầu bàn chải nhỏ gọn, tay cầm to, dễ cầm chặt.
Khi trẻ sơ sinh mọc răng, mẹ cần lựa chọn bàn chải phù hợp
Vào thời gian đầu trẻ sơ sinh mọc răng, bạn chỉ cần dùng nước lọc làm ẩm bàn chải và vệ sinh là đủ. Từ khi bé mọc đủ răng hoặc có ít nhất 4-5 răng liền nhau thì có thể bắt đầu dùng kem đánh răng để làm sạch tốt hơn.
Bạn có thể dùng kem đánh răng cho trẻ em để không làm cay bé. Ngoài ra, chỉ cần một lượng rất nhỏ, chỉ khoảng hạt gạo, cho răng sữa của bé 3 tuổi.
Khi bé được khoảng 6-7 tuổi thì chỉ cần lượng kem bằng đầu đũa. Bạn nên dùng kem đánh răng có fluor để bảo vệ và củng cố men răng từ sớm cho con. Mẹ hãy dạy bé đáng răng nhưng chỉ để bé tự thao tác khi con đủ lớn để tránh tổn thương răng và nướu.
Giảm đau khi mọc răng
Khi trẻ sơ sinh mọc răng, bé có thể phải chịu đựng các dấu hiệu khó chịu như đau và sưng nướu, trẻ bị sốt mọc răng, nổi mụn quanh miệng… Đây là triệu chứng bình thường và có thể giảm bớt bằng cách:
- Mát xa nhẹ nướu răng để giảm đau nhức khi trẻ sơ sinh mọc răng.
- Chườm lạnh: Dùng khăn ướt, núm vú giả hoặc vòng cao su lạnh để cho bé gặm. Hơi lạnh sẽ làm giảm cơn đau và vải hay núm mềm cũng có tác dụng mát xa tương tự như bạn dùng tay. Lưu ý cần đảm bảo bé không thể nuốt phải các vật dụng này.
- Nếu bé đã ăn dặm được thì có thể cho trẻ ăn trái cây ướp lạnh.
- Trường hợp các cơn đau dai dẳng kéo dài khiến bé quá khó chịu, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho con dùng thuốc giảm đau.
- Không nên dùng các loại gel hay thuốc xoa bóp nướu vì chúng có thể làm tê lưỡi và họng của bé, tăng nguy cơ bị nghẹn.
Phòng ngừa sâu răng
Sâu răng ở trẻ cũng là vấn đề cha mẹ cần lưu ý. Bạn cần vệ sinh răng với kem đánh răng có fluoride cũng như hạn chế các thực phẩm nhiều đường. Không nên cho bé ngậm núm vú giả có sữa hay nước trái cây.
Hy vọng bạn đã thu được những thông tin hữu ích về quá trình trẻ sơ sinh mọc răng cũng như cách chăm sóc răng miệng cho bé. Bạn nên đưa bé đi khám răng định kỳ, khoảng mỗi 6 tháng một lần. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay bất thường nào bạn cũng có thể hỏi nha sĩ của con để được giải thích thêm.