Mẹ và Con - Việc trẻ sợ bóng tối có phải là một điều bình thường hay không? Nguyên nhân nào đã dẫn đến nỗi sợ của trẻ? Làm sao để trẻ có thể vượt qua chướng ngại tâm lý này? Tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

Với người lớn, bóng tối là một điều vô cùng bình thường. Chúng ta có thể vô tư tắt đèn đi ngủ mà chẳng có bất kỳ lo lắng nào. Tuy nhiên với trẻ em thì không như thế! Có rất nhiều trẻ sợ bóng tối và xem bóng tối như một nỗi ám ảnh kinh hoàng trẻ phải trải qua. Vì sao lại như thế? Khoa học nói gì về vấn đề này? Cùng Tạp chí Mẹ và Con giải mã ngay nỗi sợ bóng tối của trẻ bạn nhé!

Tình trạng trẻ sợ bóng tối là bình thường và phổ biến

Khi thấy trẻ sợ bóng tối, nhiều bố mẹ cho rằng đây là một điều bất bình thường. Tuy nhiên, bạn cần phải biết rằng, có đến hon 90% trẻ em sẽ trải qua một hoặc một số nỗi sợ hãi trong suốt thời thơ ấu của trẻ. Và trong số đó, sợ bóng tối là một trong những nỗi sợ hãi phổ biến nhất.

Cần hiểu rằng, việc trẻ sợ bóng tối là một điều vô cùng bình thường. Sợ hãi là phản ứng tự nhiên của não chúng ta để tự bảo vệ mình trước một mối đe dọa đã nhận thức được. Nỗi sợ hãi là điều bình thường trong suốt cuộc đời nhưng thường có xu hướng diễn ra nhiều hơn khi chúng ta còn nhỏ.

Mặc dù nỗi sợ hãi tột độ có thể làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần của trẻ, nhưng nỗi sợ hãi lành mạnh có thể giúp trẻ học được cách giữ an toàn cho bản thân. Chẳng hạn như việc sợ chết đuối có thể giúp trẻ hạn chế đến những nơi nước sâu, hoặc sợ bị bắt cóc giúp trẻ không giao tiếp với người lạ,…

Nỗi sợ bóng tối thường bắt đầu ở độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, khi trẻ đủ lớn để sử dụng trí tưởng tượng của mình nhưng chưa phát triển đầy đủ khả năng phân biệt tưởng tượng với thực tế.

trẻ sợ bóng tối

Vì sao trẻ sợ bóng tối?

Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến nỗi sợ hãi với bóng tối của trẻ. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến thường thấy nhất gồm có:

Các yếu tố di truyền

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sợ bóng tối chính là do người thân trong gia đình (ông bà, bố mẹ hoặc cô chú,…) cũng đã từng có nỗi sợ như vậy và di truyền sang trẻ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số nỗi sợ hãi của chúng ta có thể được di truyền qua DNA. Vì thế, nếu đã từng trải qua một nỗi sợ nào đó vô cùng khủng khiếp, đặc biệt là sợ bóng tối, một vài thành viên trong gia đình của bạn cũng có nguy cơ trải qua nỗi sợ giống hết như bạn.

Trẻ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh

Đa phần các phim kinh dị thường có các cảnh phim kẻ xấu đột nhập vào ban đêm hoặc những điều tồi tệ sẽ xảy ra trong bóng tối, khi bạn đang ngủ say. Điều này góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, gia tăng nỗi ám ảnh đối với bóng tối.

Do đó, để tránh trẻ sợ bóng tối, bạn nên kiểm soát các chương trình, phim ảnh mà trẻ xem hằng ngày nhé!

tâm lý trẻ em

Trẻ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống

Nghe có vẻ khá khó tin nhưng chế độ ăn uống có một phần tác động đến việc trẻ sợ bóng tối đấy. Sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta có một sự kết nối vô cùng đặc biệt với nhau. Ăn uống các loại thực phẩm lành mạnh như hạnh nhân – thực phẩm chứa tryptophan và magie có thể giúp chúng giảm lo lắng, căng thẳng. Ngược lại, sử dụng các loại đồ ăn vặt có nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn,… làm gia tăng nỗi sợ của chúng ta.

Do đó, để tránh việc trẻ sợ bóng tối, bạn nên xây dựng cho trẻ thực đơn ăn uống lành mạnh, không nên cho trẻ ăn quá nhiều vào buổi tối, đặc biệt là các món ăn vặt nhiều đường.

Trẻ có những sự thay đổi lớn trong cuộc sống

Các sự kiện như chuyển sang nhà mới, bố mẹ ly hôn, trẻ bị bạo hành gia đình,… đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, khiến tăng mức độ căng thẳng, lo lắng, thậm chí dẫn đến rối loạn lo âu và trầm cảm. Những đưa trẻ có bệnh lý thần kinh thường có xu hướng khiến trẻ sợ bóng tối và gia tăng các nỗi sợ hãi khác của trẻ.

Bị bố mẹ ảnh hưởng

“Con ăn nhanh đi không ông kẹ bắt đi bây giờ”, “Không đi học là mẹ méc chú công an nha”, “Giờ con không đi về thì mẹ bỏ con luôn”,… Bạn có thấy những câu nói này vô cùng quen thuộc? Khi nuôi dạy con cái và thấy con không nghe lời, chúng ta thường sử dụng chính nỗi sợ của trẻ để đe dọa con nhằm khiến con nghe lời.

trẻ sợ bóng tối 2

Giúp trẻ vượt qua nỗi sợ bóng tối

Thật khó để yêu cầu trẻ sợ bóng tối giữ bình tĩnh và xem như không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để xoa dịu nỗi sợ của trẻ.

Cho con biết bố mẹ hiểu và đồng cảm với nỗi sợ của con

Nỗi sợ bóng tối xuất phát từ mặt tâm lý bất ổn của trẻ. Do đó, đừng dùng những câu lệnh như “đừng sợ nữa” hay “bóng tối có gì đâu mà sợ”. Thay vào đó, bạn có thể dùng những lời nhẹ nhàng hơn như là “Bố mẹ biết con đang sợ, bố mẹ cũng đã từng như thế”. Điều này có thể giúp trấn an nỗi sợ của trẻ và cho trẻ hiểu được rằng việc sợ bóng tối là một điều bình thường.

Nghĩ ra những việc vui vẻ để làm trong bóng tối

Tâm lý trẻ sợ bóng tối thường cho rằng khi bóng tối xuất hiện cũng là lúc những điều tồi tệ nhất xảy ra. Vì thế, việc bạn cần làm chính là chứng minh cho trẻ thấy điều ngược lại.

Hãy nghĩ ra một số hoạt động thú vị trong bóng tối, chẳng hạn như tắt đèn rồi kể chuyện hay thắp nến, bật đèn pin để tạo bóng thành các hình thù con vật,… Những hoạt động này sẽ giúp trẻ dần nhận ra, bóng tối không đáng sợ như mình vẫn nghĩ.

Kiểm soát các nội dung trên phim ảnh, Internet

Khi trẻ xem tivi hoặc sử dụng Internet, hãy chắc chắn rằng những nội dung mà trẻ tiếp cận không phải là những nội dung kinh dị, tâm lý mạnh và làm ảnh hưởng đến tâm lý sợ bóng tối của trẻ.

Không lấy bóng tối ra để hù dọa trẻ

Đừng mang việc trẻ sợ bóng tối ra như một điểm yếu của trẻ và liên tục hù dọa con sẽ để con trong bóng tối đến khi con ngoan ngoãn hoặc hết sợ thì thôi. Điều này sẽ làm tăng nỗi sợ của con và có thể để lại chấn thương tâm lý khó chữa lành.

Nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia

Việc trẻ sợ bóng tối là một điều hoàn toàn tự nhiên và có thể tự mình vượt qua nỗi sợ theo thời gian. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu trẻ không thể thoát khỏi ám ảnh tâm lý với không gian tối, điều này có thể biến thành một căn bệnh tâm lý và ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Trong trường hợp cảm thấy nỗi sợ của con không có tiến triển tốt, bạn có thể đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ điều trị.

Dưới góc nhìn khoa học, việc trẻ sợ bóng tối là một điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, những thông tin mà trẻ tiếp nhận mỗi ngày, cách phản ứng của bố mẹ và người thân trong gia đình… cũng sẽ phần nào quyết định nỗi sợ của trẻ. Vì thế, bố mẹ hãy an ủi, động viên trẻ và cùng trẻ vượt qua nỗi sợ thay vì chỉ liên tục răn đe, hù dọa trẻ và để lại chấn thương tâm lý trong tâm hồn trẻ.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.