Thế nào là trẻ hướng ngoại?
Hướng ngoại là một khía cạnh tính cách phổ biến, bên cạnh trẻ hướng nội. Có nhiều lý thuyết khác nhau về tính cách, nhưng nhiều nghiên cứu đồng ý về các nét tính cách của trẻ hướng ngoại bao gồm:
– Thích được tương tác: Có thể nói, giao tiếp là đặc trưng của trẻ hướng ngoại. Vì thế, trẻ thường có biểu hiện thích bắt chuyện với mọi người và kể các câu chuyện từ của bạn bè, gia đình cho tới thú cưng. Trẻ hướng ngoại có lòng tự trọng cao, tràn đầy năng lượng, tự tin về mặt xã hội, thích tham gia bữa tiệc hoặc thích thú khi nói chuyện trước đám đông. Trẻ cũng có xu hướng hòa đồng và thân thiện.
– Càng được giao tiếp càng hạnh phúc: Người hướng ngoại phát triển mạnh về các tương tác xã hội. Trẻ có xu hướng cảm thấy được truyền cảm hứng sau khi dành thời gian với người khác. Giao tiếp với những người khác là cách tốt để tăng cường năng lượng và cải thiện tâm trạng.
– Cực kỳ cởi mở: Sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với mọi người khiến trẻ hướng ngoại được đánh giá là ấm áp. Trẻ hướng ngoại cũng không ngại ngần khi gặp gỡ và tương tác với những người mới.
Thông thường, người hướng ngoại được coi là quyết đoán hơn người hướng nội. Ngoài việc cởi mở hơn, họ cũng có nhiều khả năng chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình hơn.
6 lưu ý khi dạy dỗ một đứa trẻ hướng ngoại
Dưới đây chúng ta xem xét cách nuôi dạy một đứa trẻ hướng ngoại từ góc độ sức khỏe. Thông tin này có thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch nuôi dạy con nhất quán và tích cực.
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, những người hướng ngoại có nhiều hoạt động hơn trong hệ thống thần kinh của họ. Điều đó cho thấy rằng những đứa trẻ hướng ngoại phát triển tốt nhất khi cha mẹ sử dụng các hệ thống dạy dỗ và hỗ trợ tinh thần đúng hướng.
Dạy trẻ cách chấp nhận và quản lý bản thân
Chấp nhận bản thân là chìa khóa để giải phóng tâm trí khỏi những lo lắng thái quá và có thể tránh được trầm cảm. Bởi đôi khi nguồn năng lượng dư thừa mà trẻ hướng ngoại cảm nhận bị chuyển thành sự lo lắng và phiền muộn. Trẻ hướng ngoại thích hòa đồng nên trong một số trường hợp rất sợ bị mọi người xung quanh loại trừ.
Các chuyên gia định nghĩa sự chấp nhận bản thân là “sự trân trọng tất cả các thuộc tính của chính trẻ, cả tích cực và tiêu cực”. Cha mẹ có thể giúp trẻ thiết lập khuôn khổ cho sự chấp nhận bản thân bằng cách làm nổi bật những phẩm chất tích cực và xây dựng cách quản lý với những điều tiêu cực.
Làm thế nào để giúp một đứa trẻ hướng ngoại hiểu bản thân và những người khác:
– Thực hành lắng nghe tích cực với con: Cách làm này dạy con tương tác tự nhiên hơn trong các cuộc trò chuyện. Ba mẹ tránh chỉ trích con nói quá nhiều. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc nâng cao nhận thức về vai trò của trẻ với tư cách là người lắng nghe tích cực.
– Suy nghĩ trước khi nói: Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dừng lại để suy nghĩ trước khi nói. Đôi khi trẻ hướng ngoại thường nói mà không suy nghĩ.
– Thực hành giải quyết các tình huống khó xử: Ba mẹ nên xây dựng tình hướng và hướng dẫn cách để đối phó với sự xấu hổ và bối rối. Không ai trong chúng ta không một vài lần đứng trước những tình huống xấu hổ. Nhờ đó, trẻ học được cách vượt qua những tình huống không mong đợi và có được những trải nghiệm tốt hơn.
– Tập ở một mình: Hướng dẫn trẻ hướng ngoại của bạn sử dụng thời gian ở một mình thật hiệu quả. Trẻ hướng ngoại thường dễ buồn chán và cô đơn. Thay vì để con đắm chìm trong những cảm giác tiêu cực khi ở một mình, hãy dạy trẻ cách tập trung vào điều gì đó tích cực hơn.
– Sử dụng chuyển hướng thay vì từ chối: Trẻ em hướng ngoại đòi hỏi được chú ý. Để tránh gieo rắc nỗi sợ bị từ chối, ba mẹ đừng hành động theo kiểu khó chịu với con. Thay vào đó, hãy thể hiện sự quan tâm trẻ ở mức hợp lý. Sau đó, chuyển hướng năng lượng của con vào các nhiệm vụ hữu ích.
Sử dụng các cách nêu trên, ba mẹ có khả năng giúp hình thành cách trẻ suy nghĩ về bản thân. Không ai là hoàn hảo và điều đó không sao cả. Hãy cho con thấy rằng, chúng có thể trở thành người tốt nhất có thể, ngay cả khi không hoàn hảo.
Thúc đẩy các nguồn khác để phát triển bản thân
Sự phát triển cá nhân được tạo ra bằng cách liên tục thu thập kiến thức. Những đứa trẻ hướng ngoại thường thu được rất nhiều kiến thức từ những tương tác xã hội hàng ngày. Đó là một điều tốt, nhưng với tư cách là cha mẹ, điều quan trọng là phải củng cố kiến thức thu được từ các nhiều nguồn khác nhau.
Người hướng ngoại trưởng thành cho biết họ rất dễ chán nản và những người khác có thể đánh giá họ có khoảng thời gian tập trung ngắn. Đương nhiên là bạn vẫn để con trở thành trung tâm của sự chú ý, nhưng hãy bắt đầu dạy trẻ giá trị của việc học từ các nguồn không tương tác ngay từ khi còn nhỏ.
Cách giúp một đứa trẻ hướng ngoại trưởng thành:
– Thực hành các bài tập về nhận thức bản thân với đứa trẻ hướng ngoại. Khi một người nhận thức được ranh giới của họ trong mối quan hệ với thế giới xung quanh, họ có thể đặt ra những mục tiêu phù hợp để cải thiện bản thân.
– Cung cấp cho trẻ vốn từ vựng cảm xúc. Từ vựng về các cảm xúc như mệt mỏi, thoải mái, hân hoan… là công cụ cần thiết để trẻ thể hiện bản thân. Nhờ đó, trẻ học được cách để cảm xúc không ngăn cản tư duy linh hoạt của mình.
– Rèn luyện kĩ năng lập kế hoạch củng cố cấu trúc. Người hướng ngoại đôi khi chọn cảm giác hồi hộp và phấn khích hơn các hoạt động có cấu trúc. Do đó, bạn hãy giúp con cân bằng giữa cuộc sống trong nhà trường và cuộc sống hàng ngày bằng cách tuân thủ một lịch trình nhất định.
– Xây dựng thói quen đọc sách khi trẻ còn nhỏ. Khi con còn bé, bạn nên mua sách, truyện và đọc cho con nghe. Nếu trẻ phản ứng mạnh với hoạt động này, hãy thử cung cấp cho chúng những cuốn truyện tranh hấp dẫn để bắt đầu quá trình hình thành thói quen đọc sách.
Tạo cơ hội học tập cho trẻ hướng ngoại là rất cần thiết. Nhờ đó trẻ có thể khám phá những kiến thức mới, làm giàu kho tàng tri thức của mình và kiểm soát thời gian cho các hoạt động mang tính hướng ngoại.
Giúp trẻ hướng ngoại tìm thấy mục đích sống
Nhờ khả năng thích ứng xã hội tốt, người hướng ngoại có xu hướng nổi trội trong sự nghiệp của họ. Họ cũng tìm thấy ý nghĩa sâu sắc trong các mối quan hệ xã hội. Trạng thái năng lượng cao cho phép người hướng ngoại tìm thấy hướng đi của riêng mình trong cuộc sống. Trên thực tế, chỉ mỗi người mới có thể hiểu đầy đủ mục đích sống của mình.
Cha mẹ có thể củng cố khía cạnh này bằng cách cho trẻ hướng ngoại tiếp xúc với càng nhiều loại môi trường và tình huống khác nhau. Mặt khác, việc tìm kiếm mục đích trong cuộc sống đòi hỏi phải quay vào bên trong nội tâm, giảm các hoạt động xã hội. Việc này cần rất nhiều sự đồng hành của ba mẹ.
Cách giúp đứa trẻ hướng ngoại khám phá tài năng và kỹ năng của mình:
– Theo dõi những năng khiếu bẩm sinh và khuyến khích trẻ phát triển chúng. Đồng thời, ba mẹ cũng nên giúp con tìm hiểu về các hoạt động liên quan để tự trau dồi kỹ năng.
– Nhấn mạnh các giá trị và mục tiêu theo mức độ quan trọng. Ba mẹ nên giúp trẻ hướng ngoại học cách xác định điều gì là quan trọng nhất đối với con và cách thực hiện các hành động nuôi dưỡng ý tưởng đó. Trẻ chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để hiểu được mục đích sống của mình, nhưng kỹ năng này rất có ý nghĩa với cuộc sống của trẻ.
– Tìm hiểu mục tiêu bằng cách giúp trẻ tưởng tượng về một tương lai tươi sáng. Một đứa trẻ có thói quen đặt mục tiêu sẽ có được cái nhìn sâu sắc mà chúng cần sau này trong cuộc sống.
– Cho con làm quen với những ý tưởng về tiềm năng, khả năng và xác suất. Suy nghĩ theo những thuật ngữ này giúp phát triển nhận thức tạo ra một thực tế thú vị hơn, một thực tế đầy ý nghĩa.
Ba mẹ hãy cho họ biết rằng, trẻ không bắt buộc phải tìm ra mục đích sống khi đã tròn 18. Trong một số trường hợp, chúng có thể biểu hiện bằng nghề nghiệp con muốn làm, hình tượng con muốn hướng tới. Nhưng dù sao thì ý nghĩa của cuộc sống là một quá trình tìm kiếm liên tục và chỉ cần con có ý thức về hành trình này đủ.
Khuyến khích các mối quan hệ tích cực với người khác
Bản chất của người hướng ngoại là cố gắng duy trì mối quan hệ tích cực với người khác. Trong hầu hết các trường hợp là khá dễ dàng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng với người hướng ngoại do họ duy trì rất nhiều mối quan hệ xã hội.
Đôi khi một người hướng ngoại có tính xã hội cao sẽ chấp nhận một mối quan hệ tiêu cực chỉ để duy trì bầu bạn với những người khác. Đây là lúc ba mẹ cần hỗ trợ con một tay.
Cách khuyến khích một đứa trẻ hướng ngoại hình thành các mối quan hệ tích cực:
– Ba mẹ hãy dạy con tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của người khác. Người hướng ngoại rất quyết đoán. Điều này khiến họ trở thành những nhà lãnh đạo tuyệt vời. Tuy nhiên, trong cuộc sống về sau, mọi người có thể nghĩ điều này là gây hấn hoặc khó chịu bởi sự bộc trực của họ. Khi đứa trẻ thể hiện sự khẳng định một vấn đề nào đó cần chắc chắn rằng nó không được hiểu theo hướng bắt nạt người khác.
– Thể hiện tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ chất lượng thay vì số lượng. Khi trẻ gặp phải những va chạm với bạn bè, hãy khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc phù hợp với lứa tuổi và vượt qua những giai đoạn khó khăn để xây dựng mối quan hệ bền vững và viên mãn.
– Làm gương và dạy trẻ rằng, bất đồng là điều bình thường trong cuộc sống. Bạn nên giúp đứa trẻ hướng ngoại của mình hiểu rằng, mọi người không nhất thiết phải đồng ý với con để duy trì các mối quan hệ xã hội, như chính con cũng vậy.
– Giúp trẻ nhận thấy sự khác biệt giữa việc quan tâm bản thân và người khác. Đôi khi những người hướng ngoại trở thành những người chiều lòng mọi người vì sợ cô đơn. Ba mẹ nên dạy con kỹ năng để tránh điều này bằng cách giúp con xây dựng sự bình đẳng trong các mối quan hệ.
– Dạy trẻ hướng ngoại biết điểm dừng. Bởi đôi khi những người hướng nội và những kiểu tính cách khác cảm thấy choáng ngợp trước sự tương tác liên tục của người hướng ngoại. Bạn cần nhắc nhở trẻ hướng ngoại tôn trọng không gian riêng tư và thời gian yên tĩnh của người khác.
Xây dựng kỹ năng ra quyết định thông minh
Người hướng ngoại có đặc điểm là hay đưa ra những quyết định tự phát. Một số người hướng ngoại cảm thấy khó hoạt động trong môi trường nghiêm túc, ít người. Khi con bạn lớn lên, hãy theo dõi khả năng hoàn thành các nhiệm vụ theo lịch trình, đặt yêu cầu hoàn thành bài tập về nhà trước các giao tiếp xã hội và yêu cầu con chịu trách nhiệm tuân thủ kế hoạch.
Cách giúp một đứa trẻ hướng ngoại phát triển khả năng làm chủ môi trường:
– Xây dựng lịch hoạt động xã hội: Bạn có thể bắt đầu bằng việc tạo một cuốn lịch gia đình với con bằng cách đánh dấu ngày lễ, sinh nhật và các sự kiện quan trọng. Bạn cũng nên xây dựng một biểu đồ công việc với thời hạn rõ ràng. Đừng quên khích lệ con bằng các nhãn dán và quy đổi thành quà khi trẻ hoàn thành công việc đúng hạn.
– Xây dựng lịch làm bài tập về nhà. Hãy luôn nghiêm túc khi nói đến bài tập về nhà. Việc hoàn thành đúng hạn bài tập do giáo viên đặt ra sẽ giúp trẻ học cách duy trì các công việc hàng ngày, biết lập kế hoạch thời gian cho việc học, thời gian giải trí và các trách nhiệm khác. Khi biết sắp xếp thứ tự ưu tiên, trẻ học được cách quản lý công việc và cuộc sống gia đình khi lớn lên.
– Dạy kỹ năng sống: Hãy quan tâm đến việc dạy kỹ năng sống cho trẻ, đặc biệt là khi con ở độ tuổi thanh thiếu niên. Trẻ không chỉ cần học cách giặt giũ, nấu ăn và tự dọn dẹp sau khi ăn, mà họ còn phải biết lập ngân sách, thanh toán hóa đơn và tiết kiệm tiền. Đây là một số rất nhỏ những điều mà trẻ cần phải học khi trưởng thành.
– Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự lực cánh sinh: Tạp chí Mẹ và Con muốn nhắc lại với ba mẹ là người hướng ngoại có xu hướng duy trì nhiều mối quan hệ xã hội. Trong một số trường hợp, sự phụ thuộc lẫn nhau biến thành đồng phụ thuộc. Do đó, bạn nên giúp con học cách làm chủ bản thân bằng cách dạy chúng cách giải quyết các tình huống và chịu trách nhiệm với việc làm của mình.
Giúp trẻ hướng ngoại thực hành quyền tự chủ
Tự chủ là khi chúng ta biết tự cung tự cấp, phát triển lý luận và tự định hướng. Khía cạnh này đôi khi gây khó khăn cho người hướng ngoại. Họ thường đảm nhận vai trò lãnh đạo, thành công trong sự nghiệp và làm việc nhóm tốt, nhưng vấn đề có thể xuất hiện khi họ thiếu người làm việc cùng và dễ mất năng lượng.
Vì lý do này, một số người hướng ngoại thực hiện tốt quyền tự chủ trong tập thể hơn là quyền tự chủ cá nhân. Vì vậy, ba mẹ nên khuyến khích trẻ thực hiện các kỹ năng nhận thức và hành vi để biết cách đưa ra lựa chọn của riêng mình và chống lại áp lực từ bạn bè.
Cách rèn luyện tính tự chủ cho người hướng ngoại:
– Tập trung phát triển phần bán cần não trái, nơi xử lý các quá trình phức tạp như lý luận, logic và sự chú ý. Ba mẹ nên cùng con chơi các trò chơi trí nhớ, giải câu đố logic và cho trẻ hướng ngoại xem các tình huống thực tế để phát triển kỹ năng suy luận.
– Giúp con dứt khoát hơn khi ra quyết định: Mặc dù tương tác xã hội có thể nạp thêm năng lượng cho con, nhưng trẻ cũng họ cần học cách tự đưa ra quyết định. Mặc dù trẻ làm việc nhóm tốt, nhưng cần học cách tham gia mà không có mọi người ở bên. Nếu bạn nhận thấy sự do dự của con trong các nhiệm vụ đơn độc, hãy khuyến khích trẻ ra quyết định dứt khoát hơn.
– Xây dựng khuôn khổ giá trị: Tạo một môi trường gia đình mà cả trẻ em và người lớn đều tích cực lựa chọn làm điều đúng đắn luôn luôn tốt, bất kể con bạn hướng ngoại hay hướng nội. Điều này có nghĩa là ba mẹ nên xây dựng một khuôn khổ cho đạo đức và giá trị, đồng thời thảo luận về đạo đức với con và nêu gương đạo đức trong mọi hành động.
– Dạy con bạn nhìn thế giới từ những quan điểm khác: Một số người hướng ngoại nói nhiều nên không thể lắng nghe người khác một cách tích cực. Điều này đôi khi khiến họ khó thích nghi với những quan điểm mới. Ba mẹ nên dạy con cách lắng nghe, chia sẻ và nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau nhé!
Nuôi dạy những đứa trẻ hướng ngoại là một trải nghiệm tuyệt vời cho cha mẹ. Bởi trẻ hướng ngoại nhiệt tình và tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, để có thể giúp con trở nên hoàn thiện, ba mẹ nên biết tập trung thời gian và sức lực vào đâu để trẻ phát triển một cách tốt nhất.
Tạp chí Mẹ và Con vừa chia sẻ đến bạn bí quyết nuôi dạy một đứa trẻ hướng ngoại. Tuy nhiên, một số lời khuyên trong bài viết trên cũng có thể áp dụng cho những thành viên khác trong gia đình. Chúc bạn áp dụng thành công và các con phát triển vượt trội.
(Theo Wehavekids)