Mẹ và Con - Là cha mẹ, hiểu con là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy bối rối vì đôi khi nhận thấy con là người hướng ngoại, thỉnh thoảng lại hướng nội? Vậy trẻ hướng nội có biểu hiện như thế nào?

Theo các chuyên gia tâm lý, tính khí con người rất khó kiểm soát. Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta có thể phát triển và thay đổi theo thời gian, dù chúng ta được sinh ra là người hướng nội hoặc hướng ngoại. Và điều may mắn là bạn có thể nhận biết tính cách từ khá sớm dấu hiệu trẻ hướng nội hoặc hướng ngoại ngay từ khi lên 4 tháng tuổi.

10 dấu hiệu trẻ hướng nội

Tò mò về thế giới nhưng thận trọng khi khám phá

Người hướng nội có đầu óc nhạy bén và bản tính tò mò. Họ tự hỏi thế giới hoạt động như thế nào hoặc điều gì khiến một người có thể suy nghĩ. Họ không ngại đặt ra những câu hỏi lớn, vì dường như họ luôn tìm kiếm để hiểu vấn đề mình muốn.

Những người hướng nội cũng có xu hướng trở thành người quan sát và suy ngẫm hơn là nhảy vào làm. Do đó, bạn có thể nhận biết con là một người hướng nội nếu chúng chơi ngoài rìa của nhóm chơi, thích quan sát một lúc trước khi tham gia. Nói chung, những đứa trẻ hướng nội thích chơi an toàn hơn là mạo hiểm. Con nhìn trước khi chơi và suy nghĩ trước khi nói.

Nhạy cảm với môi trường

Vào năm 2004, các nhà tâm lý học của Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng, những đứa trẻ phản ứng mạnh với những kích thích lạ thường có xu hướng trở thành những người nhút nhát, rụt rè hoặc hướng nội khi trưởng thành.

Do đó, khi con còn bé, bạn có thể nhìn thấy trẻ có biểu hiện khóc lóc, vùng vẫy khi ở những nơi ồn ào hoặc nhiều hoạt động so với bình thường.

Khi lớn hơn, trẻ hướng nội có xu hướng thu mình lại, bám víu vào một người “an toàn” hoặc cảm thấy khó chịu khi đối mặt với đám đông, những người mới hoặc môi trường bận rộn. So với người hướng ngoại, người hướng nội dễ kiệt quệ do bị kích thích.

trẻ hướng nội

Được sinh sớm hoặc nhẹ cân khi sinh

Một nghiên cứu được công bố trên Archives of Disease in Childhood – Fetal & Neonatal Edition cho thấy, những đứa trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc sinh non có nhiều khả năng là người hướng nội.

Bối rối khi gặp một người lạ, nhưng rất hiếu động khi ở nhà

Dấu hiệu nhận biết thứ 4 của trẻ hướng nội là tránh giao tiếp bằng mắt, thậm chí là im lặng khi đứng trước một người không quen.

Với bản chất riêng tư, người hướng nội cần thời gian để làm quen với những người mới, con bạn cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ở nhà, nơi con cảm thấy thoải mái, chúng sẽ không ngần ngại kể cho bạn nghe một câu chuyện hay một trò ngớ ngẩn nào đó.

Điều đó gần như là con bạn sẽ biến thành một người khác trước người lạ, nhưng tính cách thực sự sẽ xuất hiện khi con ở trong môi trường quen thuộc và có cảm giác an toàn.

Hứng thú hơn khi chơi một mình

Nhiều đứa trẻ hướng nội có trí tưởng tượng mạnh mẽ. Thế giới nội tâm phong phú luôn sống động và hiện hữu đối với chúng. Nếu con của bạn dành hàng giờ với một món đồ chơi nào đó, trẻ có thể là một người hướng nội. Trẻ lớn hơn sẽ dành thời gian trong phòng ngủ đóng cửa, tự làm những việc yêu thích một mình như đọc sách, vẽ, chơi game trên máy tính…

trẻ hướng nội

Kiệt sức sau một ngày vui chơi hoặc bận rộn

Người hướng nội dễ dàng bị kiệt quệ vì những hoạt động giao tiếp xã hội và cần thời gian nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Khi con bạn dành thời gian với những đứa trẻ khác, hãy để ý cách chúng phản ứng.

Trẻ có vẻ mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc quá tải với các buổi tụ tập, ngay cả khi lúc đó con rất vui vẻ. Nếu như vậy, con của bạn có nhiều khả năng là một người hướng nội. Tương tự như vậy, trẻ có thể khóc hoặc cáu kỉnh sau một ngày không được nghỉ ngơi.

Trẻ hướng nội rất lo lắng khi bị chia cách

Không phải tất cả những đứa trẻ hướng nội đều lo lắng về sự chia cách, nhưng việc trẻ hướng nội có những biểu hiện đó phổ biến hơn trẻ hướng ngoại.

Người hướng nội nói chung có nhiều nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm hơn người hướng ngoại và trẻ em cũng không ngoại lệ. Điều gì xảy ra khi bạn đưa con đến trường mầm non? Trẻ khóc lóc, bám lấy chân bạn và năn nỉ bạn đừng rời đi một cách thái quá, mặc dù những đứa trẻ khác có vẻ ổn hơn? Nếu như vậy, con bạn có thể là một người hướng nội và rất nhạy cảm với sự chia ly.

Có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống

Tất cả trẻ em đều thích đặt câu hỏi. Nhưng một đứa trẻ hướng nội có thể làm bạn ngạc nhiên với chiều sâu suy nghĩ của chúng.

Trẻ hướng nội có vẻ già hơn so với thực tế. Bằng cách nào đó, chúng sở hữu những hiểu biết sâu sắc hơn so với tuổi của mình. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả khi còn nhỏ, nhiều đứa trẻ hướng nội đã có thể bước ra ngoài bản thân và suy ngẫm về hành vi của chính mình.

Thường mất thời gian lựa chọn từ ngữ khi giao tiếp

Người hướng nội có thể gặp khó khăn với việc tìm kiếm từ ngữ. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do trẻ hướng nội có thể dựa nhiều vào trí nhớ dài hạn hơn là trí nhớ ngắn hạn.

Khi nói, con bạn có thể tạm dừng nhiều hơn để tìm kiếm từ thích hợp. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trẻ cảm thấy thất vọng vì không thể diễn đạt những gì muốn nói. Khi mới chập chững biết đi, trẻ hướng nội dễ bị cuốn hút bởi những câu chuyện, sách và nghệ thuật vì những thứ này giúp con có ngôn ngữ để hiểu và diễn đạt những gì chúng đang nghĩ, cảm nhận.

trẻ hướng nội

Dựa vào nguồn lực bên trong

Nói chung, những đứa trẻ hướng nội dựa vào nguồn lực bên trong để hướng dẫn chúng hơn là liên tục hướng về người khác.

Trong không gian tinh thần riêng cách xa thế giới vật chất, trẻ tập trung và tìm ra những suy nghĩ lẫn cảm xúc phức tạp. Nhược điểm là trẻ hướng nội có thể không yêu cầu giúp đỡ dẫn đến thiếu sự hỗ trợ từ người lớn. Ưu điểm là trẻ có xu hướng độc lập và tự định hướng tốt hơn bạn bè của mình.

Đừng thấy lo lắng khi con bạn là người hướng nội

Tính hướng nội là do gen di truyền. Những người hướng nội sẽ mãi là người hướng nội (trên thực tế, mọi người có xu hướng trở nên hướng nội hơn theo tuổi tác). Điều này có nghĩa là mặc dù đôi khi con bạn có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng nhìn chung trẻ hướng nội sẽ luôn thích những môi trường yên tĩnh, ít kích thích nhất và có nhiều thời gian ở một mình.

Tuy nhiên, với tư cách là cha mẹ, bạn đóng một vai trò to lớn trong việc hình thành tính cách của con. Nếu bạn bảo vệ những đứa trẻ nhút nhát là đã vô tình củng cố tính nhút nhát của chúng. Tuy nhiên, khi cha mẹ khuyến khích sự hòa đồng một cách thái quá, trẻ dễ bị ức chế và căng thẳng.

Do đó, nếu bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ hướng nội, hãy tôn trọng cách sống trầm lặng của chúng. Bạn cần dạy con quản lý năng lượng và không cảm thấy khác biệt khi dành nhiều thời gian ở một mình. Thế nhưng, bạn cũng nên nhẹ nhàng giúp con vượt qua ranh giới của mình.

“Thế giới có thể cần sự đóng góp của con nhiều hơn đấy!” đó là những gì Tạp chí Mẹ và Con muốn đứa trẻ hướng nội của bạn nhận được và bạn đừng quên chia sẻ với con thông điệp này nhé!

(Theo Psychology Today)

Bài viết liên quan