Mẹ và Con - Trẻ bị tự kỷ là một hội chứng đáng lo ngại. Việc nhận biết các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ sẽ giúp bố mẹ kịp thời điều trị cho con. Hãy cùng Mẹ và Con tham khảo ngay bài viết chi tiết sau đây nhé!

Tự kỷ là chứng rối loạn về sự phát triển hành vi, có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng cơ bản của trẻ. Ví dụ như: kỹ năng tạo lập và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp hoặc khả năng vận dụng trí tưởng tượng. Trẻ bị tự kỷ cũng bị giảm hứng thú đối với môi trường bên ngoài đi rất nhiều. Thế giới quan của một trẻ tự kỷ trở nên rất khác biệt so với những trẻ bình thường.

Nguyên nhân gây tự kỷ ở trẻ em

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được biết rõ. Nó là một tình trạng phức tạp xảy ra dưới tác động có thể từ việc rối loạn của bộ gen, môi trường và các yếu tố khác.

Bộ gene

Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng có một vài gen nhất định khiến trẻ bị tự kỷ cao hơn các trẻ khác. Rối loạn phổ tự kỷ ít nhiều có liên quan đến yếu tố gia đình. Chẳng hạn như một trẻ tự kỷ có thể có anh/chị/em cũng bị tự kỷ. Trường hợp sinh đôi cùng bị tự kỷ rất thường gặp.

Các chuyên gia vẫn chưa xác định cụ thể gen nào có liên quan trực tiếp đến rối loạn phổ tự kỷ, mặc dù biết nó có thể đi kèm với những hội chứng có liên quan đến bộ gen hiếm gặp khác như: hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy, hội chứng Williams, hội chứng Angelman…

dấu hiệu trẻ tự kỷ

Trẻ bị tự kỷ do có anh chị em bị tự kỷ

Theo một nghiên cứu, những bé mà anh chị em trong gia đình bị tự kỷ cũng sẽ có nguy cơ tương tự lên đến 19%. Nếu 2 người con đầu mắc chứng tự kỷ, con thứ 3 sẽ có nguy cơ mắc cao hơn rất nhiều lần. Một nghiên cứu trên cặp anh em sinh đôi khác trứng cho thấy, khi người anh bị chứng tự kỷ thì có 31% nguy cơ người em cũng sẽ bị tự kỷ. Khi một bé của cặp song sinh cùng trứng bị tự kỷ, sẽ có 77% cơ hội cả 2 bé sẽ mắc chứng tự kỷ.

Trẻ bị tự kỷ do yếu tố môi trường

Các nhà nghiên cứu tin rằng, một trẻ sinh ra với bộ gen dễ có nguy cơ mắc rối loạn tự kỷ chỉ thực sự biểu hiện ra ngoài dưới sự thúc đẩy của một vài yếu tố môi trường nhất định. Những yếu tố đó có thể là: trẻ tiếp xúc với cồn (rượu) hoặc một vài loại thuốc như muối natri valproate (đôi khi được dùng để điều trị động kinh cho mẹ bầu) ngay khi còn trong bụng mẹ. Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa môi trường ô nhiễm hoặc các trường hợp nhiễm khuẩn trong thời gian mang thai với việc tăng nguy cơ mắc rối loạn tự kỷ.

Trẻ bị tự kỷ do tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển

Tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển được cho rằng là hai trong số những nguyên nhân gây ra tự kỷ ở trẻ. Các nguyên nhân gây ra tổn thương não hoặc khiến não bộ trẻ kém phát triển bao gồm:

  • Sinh non trước 37 tuần
  • Cân nặng khi sinh dưới 2,5 kg
  • Ngạt hoặc thiếu oxy não khi sinh
  • Chấn thương sọ não do can thiệp sản khoa
  • Vàng da nhân não sơ sinh
  • Chảy máu não – màng não sơ sinh
  • Nhiễm khuẩn thần kinh như: viêm não, viêm màng não
  • Thiếu oxy não do suy hô hấp nặng
  • Chấn thương sọ não
  • Nhiễm độc thủy ngân

Ngoài ra, người ta còn nhận thấy chứng tự kỷ liên quan mật thiết đến yếu tố giới tính, các bé trai mắc tự kỷ cao gấp 5 lần các bé gái. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa tuổi của cha mẹ với trẻ tự kỷ. Song yếu tố này cần phải được nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận cụ thể.

Dấu hiệu chung của bệnh tự kỷ ở trẻ

Trước khi con tròn 3 tuổi, bố mẹ hãy quan sát cẩn thận những dấu hiệu có thể nhận thấy của chứng tự kỷ. Một số bé phát triển bình thường cho đến khi 18-24 tháng tuổi và sau đó dừng lại hoặc mất dần những kỹ năng. Các dấu hiệu của chứng tự kỷ có thể bao gồm:

  • Lặp lại những chuyển động (đu bập bênh hoặc quay vòng)
  • Tránh giao tiếp bằng mắt hoặc đụng chạm cơ thể
  • Học nói chậm
  • Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ
  • Bực bội vì những thay đổi nhỏ

Điều quan trọng bố mẹ cần lưu ý là những dấu hiệu này cũng có thể xảy ra ở trẻ em không bị tự kỷ, đó cũng có thể là khủng hoảng khi trẻ bắt đầu vào tuổi mới.

Dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ 1 tuổi

Ngay cả khi bé còn rất nhỏ, bạn cũng có thể phát hiện ra dấu hiệu tự kỷ thông qua cách bé phản ứng với thế giới xung quanh. Ở độ tuổi này, các bé mắc chứng tự kỷ có thể:

  • Không quay sang khi nghe tiếng mẹ gọi
  • Không trả lời khi nghe gọi tên mình
  • Không nhìn thẳng vào mắt người khác
  • Không bập bẹ hoặc chỉ trỏ trước 1 tuổi
  • Không mỉm cười hoặc phản xạ khi có những tín hiệu giao tiếp từ người khác

Trẻ sơ sinh không bị chứng tự kỷ cũng có thể có những hành vi này, nhưng tốt nhất nên liên hệ ngay với bác sĩ khi bạn có bất kỳ nghi ngờ nào.

trẻ tự kỷ

Dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ 2 tuổi

Các dấu hiệu của chứng tự kỷ rõ ràng hơn khi bé được 2 tuổi. Trong khi những đứa trẻ khác đang hình thành những từ ngữ đầu tiên và chỉ vào những đồ vật mà bé muốn, trẻ bị chứng tự kỷ sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Không nói được từ nào sau khi sinh 16 tháng
  • Không nói được từ có 2 chữ trước 2 tuổi
  • Mất kỹ năng ngôn ngữ
  • Không quan tâm khi người lớn chỉ vào các đồ vật

Các dấu hiệu khác của bệnh tự kỷ ở trẻ

Những bé bị chứng tự kỷ đôi khi có thể có các triệu chứng về thể chất, bao gồm các vấn đề về tiêu hóa như táo bón và các vấn đề về giấc ngủ. Ngoài ra, khoảng 1/3 số trẻ em mắc chứng tự kỷ cũng bị động kinh.

Tầm quan trọng của gia đình trong điều trị trẻ bị tự kỷ

Việc quản lý hành vi của trẻ là vấn đề khó khăn vì trẻ tăng động, không thích học, chỉ luôn làm theo ý thích của mình. Do vậy, cha mẹ nên lưu ý phải hiểu ý muốn của trẻ mà gợi ý cho trẻ tự bộc lộ ra bằng lời hoặc bằng cử chỉ. Hiểu lý do trẻ ăn vạ để tránh lặp lại tình huống gây ăn vạ, lờ đi khi trẻ ăn vạ, nói không với hành vi sai hoặc phạt bằng cách cho ngồi một chỗ, chuyển những hoạt động tự do quá khích của trẻ sang những hoạt động có mục đích như cất dọn đồ chơi, làm các việc vặt, đá bóng, đạp xe… Cho trẻ làm những việc dễ thực hiện rồi tăng dần độ khó, luôn khen ngợi trẻ mỗi khi có cố gắng, biết trẻ thích thứ gì để lấy đó làm phần thưởng nhằm khuyến khích trẻ thực hiện một nhiệm vụ.

Với trẻ lớn dạy trẻ cần có chương trình dạy trẻ bị tự kỷ phát triển toàn diện được tiến hành ở nhà cũng như ở trường: Dạy trẻ về nhận thức, hoạt động thích ứng, tăng cường sự chú ý, hoạt động cảm giác, vận động, ngôn ngữ, trí nhớ, tổ chức, học tập, kỹ năng xã hội, kỹ năng không gian thị giác và hoạt động chung nhằm giúp trẻ thích nghi cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị tự kỷ mà chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng kèm theo khi có tăng động, cơn hờn giận, hung tính,…

Có những mô hình khác nhau mà cha mẹ có thể tham khảo để cho trẻ được can thiệp sớm. Nếu trẻ được đánh giá là tự kỷ nặng thì nên cho trẻ theo học ở trung tâm giáo dục đặc biệt hoặc các khoa phục hồi chức năng trong một thời gian, sau đó có thể kết hợp đi học mẫu giáo với can thiệp ở trung tâm theo giờ. Nếu trẻ tự kỷ nhẹ có thể đi học mẫu giáo và can thiệp cá nhân theo giờ. Một số cha mẹ có điều kiện mời giáo viên đến nhà dạy con để có thể học hỏi thêm kinh nghiệm.

Dù trẻ có đi học ở đâu thì cha mẹ phải tích cực tham gia dạy trẻ. Cha mẹ đóng vai trò quyết định tới sự tiến bộ của trẻ bị tự kỷ vì cha mẹ là người hiểu trẻ nhất, có thời gian bên trẻ nhiều nhất nên dạy trẻ được nhiều. Do vậy, cha mẹ phải được tư vấn cách dạy trẻ, sau đó tiếp tục phải tự học hỏi tìm tòi, đọc tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên và với những phụ huynh khác để tìm cách dạy con phù hợp. Một số cha mẹ còn cho là dạy trẻ tự kỷ thì chỉ đơn thuần là dạy trẻ biết nói, nhưng quan niệm như vậy là chưa đúng, mà phải dạy trẻ cả về hành vi và tương tác xã hội. Cha mẹ trẻ phải dạy trẻ mọi nơi mọi lúc, dạy ít nhất là trên 3 giờ mỗi ngày.

cách điều trị trẻ tự kỷ

Hạn chế cho trẻ xem tivi, không cho chơi điện tử. phải thường xuyên nói chuyện với trẻ, gọi tên nhìn vào mắt trẻ. Dạy trẻ các cử chỉ giao tiếp. Dạy trẻ hiểu lời, dạy phát âm, dạy nói. Cho trẻ chơi cùng với trẻ khác. Sử dụng đồ chơi bằng nhiều cách khác nhau, chơi từng thứ một, chơi lần lượt và luân phiên (ví dụ cùng chơi đẩy quả bóng, đẩy ô tô, chơi xếp hình). Luôn khuyến khích khen ngợi trẻ. Dạy trẻ những kỹ năng tự lập như tự xúc ăn, mặc quần áo, rửa tay, đi vệ sinh,… Áp dụng các phương pháp điều hòa đa giác quan để tập luyện cho trẻ. Nếu thấy trẻ đáp ứng phù hợp thích nghi với thực tại chứng tỏ việc dạy trẻ có kết quả tốt.

Khi đã xác nhận trẻ bị tự kỷ, bố mẹ nên giữ bình tĩnh nhanh chóng thoát khỏi tâm lý sốc và điều cần thiết nhất chính là tìm cách ứng xử với trẻ phù hợp nhất với trẻ. Bởi lẽ, cha mẹ chính là “chìa khóa” giúp điều trị thành công tự kỷ ở trẻ.

Tổng hợp

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.