Mẹ&Con – Chăm sóc trẻ sinh non thế nào khi bước vào độ tuổi ăn dặm? Ăn dặm sớm quá sẽ gây ra những hậu quả gì? Mẹ có biết?

Khi nào nên cho trẻ sinh non ăn dặm?

Trong việc chăm sóc trẻ sinh non, mốc thời gian phù hợp nhất mà trẻ sinh non bắt đầu ăn dặm, đó là khoảng 6 tháng sau ngày sự sinh chứ không phải ngày chào đời. Cách tính này rất dễ hiểu. Vì không sinh đủ ngày, đủ tháng tiêu chuẩn nên trẻ sinh non cần thời gian để hoàn thiện bộ máy tiêu hóa lâu hơn. Vì chưa phát triển đầy đủ như trẻ bình thường, trẻ sinh non cần nhiều thời gian hơn để trẻ thành thạo khả năng nhai, nuốt.

Tuy nhiên, cũng không cần phải tuyệt đối cứng nhắc trong việc nhất định cho trẻ sinh non ăn dặm chỉ sau 6 tháng, tính từ ngày dự sinh. Mốc thời gian này có thể linh hoạt sớm hoặc trễ hơn đôi chút, tùy theo sự phát triển sức khỏe của trẻ.

Mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu nhận biết sau để xác định thời điểm bắt đầu cho trẻ sinh non ăn dặm:

– Trẻ có thể tự nuốt khi mẹ cho ăn thử ngũ cốc pha sữa, hoặc các món sánh hơn sữa một chút mà không bị nhiễu xuống cằm.
– Trẻ tự giữ đầu khi ngồi ghế ăn và nhìn theo, chủ động há miệng khi thức ăn đưa tới.
– Trẻ quơ tay, cố gắng lấy thức ăn của mọi người trong gia đình.

Tuổi khai sinh được tính từ lúc bé chào đời, còn tuổi hiệu chỉnh là tuổi được tính dựa trên khoảng thời gian chưa đủ tháng. Tuổi hiệu chỉnh thường được dùng để đo lường sự phát triển của bé, còn tuổi khai sinh dùng để tính thời điểm khám định kỳ và chích ngừa.

Những nguy hiểm khi cho trẻ sinh non ăn dặm sớm

Nhiều mẹ chỉ vì xót con còi cọc, nôn nóng muốn cho con mau tăng cân dẫn đến quyết định sai lầm trong việc chăm sóc trẻ sinh non: Cho trẻ sinh non ăn dặm sớm. Dưới đây là những tác hại xảy ra với cơ thể trẻ sinh non khi ăn dặm không đúng thời điểm:

– Dị ứng thức ăn: Có nhiều loại thực phẩm phải đợi chờ mốc thời gian thích hợp mới biết trẻ có phù hợp hay không, ví dụ như trứng gà hay mật ong chẳng hạn. Và đương nhiên, việc cho trẻ sinh non ăn dặm quá sớm khó có thể tránh khỏi hiện tượng dị ứng thức ăn.

Chăm sóc trẻ sinh non: Tác hại khi cho trẻ ăn dặm sớm 3

Trẻ sinh non ăn dặm sớm sẽ gặp phải rất nhiều nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

– Xơ vữa động mạch: Có thể căn bệnh này không xảy ra ngay lập tức, nhưng nếu bổ sung quá nhiều năng lượng khi còn nhỏ, sau này khi bước vào độ tuổi trưởng thành trẻ rất dễ bị xơ vữa động mạch, cản trở nhiều hoạt động liên quan đến thể chất.

– Nôn trớ, tiêu chảy, đi ngoài phân sống: Hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn quá non yếu, chưa kịp thích nghi với thức ăn dặm nên sẽ bị “choáng ngợp”, gây rối loạn tiêu hóa. Nếu mẹ chăm sóc trẻ sinh non bằng cách cho ăn dặm sớm thì dù chỉ cho ăn nước cơm, nước cháo hay bột loãng trẻ cũng rất dễ xảy ra tình trạng trên. Bên cạnh đó, kéo theo những nguy hiểm về lâu về dài là điều không tránh khỏi.

– Béo phì: Ở một số trẻ sinh non khác ăn dặm quá sớm sẽ dẫn tới béo phì. Lý do bởi nếu trẻ đã ăn sữa tốt, mẹ lại “nhồi nhét” thêm đồ ăn dặm dẫn tới tăng cân quá mức. Béo phì và huyết áp cao là 2 chứng bệnh có liên quan và luôn song hành cùng nhau, do đó nếu trẻ mắc béo phì thì khả năng rất lớn cũng bị tăng huyết áp.

– Suy dinh dưỡng: Trẻ ăn dặm sớm có thể bề ngoài rất bụ bẫm, nhưng bên trong lại suy dinh dưỡng nặng. Tại sao lại xảy ra điều kì lạ này? Khi ăn bột, trẻ sẽ no bụng rất nhanh khiến nhu cầu thèm bú sữa mẹ bị giảm xuống. Cháo, bột đơn thuần không cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển của trẻ như sữa mẹ, do đó trẻ hiển nhiên bị thiếu chất. Chưa dừng lại ở đó, ăn nhiều bột còn gây tình trạng loạn chuyển hóa – tăng đào thải canxi ra nước tiểu, gây còi xương, thấp bé.

Chăm sóc một đứa trẻ sinh đủ ngày đủ tháng đã khó, chăm sóc trẻ sinh non còn khó hơn. Đừng cho trẻ sinh non ăn dặm quá sớm nếu muốn con khỏe mạnh, phát triển tốt mẹ nhé!

Bài viết liên quan