Mẹ và Con - Mắt trẻ nhỏ rất nhạy cảm với các tác nhân khác nhau. Tình trạng trẻ bị sưng mắt không hiếm gặp và thậm chí có thể tự khỏi. Điều quan trọng là ba mẹ cần bình tĩnh để xử lý.

Trẻ bị sưng mắt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là tác nhân bên ngoài như lông thú cưng, bụi bặm, côn trùng đốt hoặc do các bệnh về mắt. Trước tiên, cha mẹ cần quan sát vết sưng để xác định nguyên nhân.

Nguyên nhân khiến trẻ bị sưng mắt

Có nhiều nguyên nhân gây sưng mí mắt ở trẻ. Thường thì tình trạng trẻ bị sưng mắt không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân như sau mà ba mẹ cần hỗ trợ đúng cách để giúp mắt bé nhanh hồi phục.

Dị ứng

Tình trạng sưng mắt do dị ứng rất phổ biến do mắt trẻ nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài. Nếu bé tiếp xúc với các dị nguyên như khói thuốc lá, lông thú, bụi bặm hay phấn hoa thì sẽ dễ bị dị ứng. Khi dị ứng thì triệu chứng phổ biến là sưng và đỏ mí mắt. Các dấu hiệu này có thể xuất hiện gần như ngay lập tức khi bé tiếp xúc với các tác nhân. Ba mẹ hãy để ý xem con có tiếp xúc với tác nhân lạ không nhé.

trẻ bị sưng mắt
Nguyên nhân trẻ bị sưng mắt

Côn trùng đốt

Khi bị muỗi đốt phải phần mắt, mắt sẽ sưng nhưng không gây đau mà chỉ ngứa. Vết sưng thường có màu hơi hồng hoặc đỏ, kéo dài đến 10 ngày ở trẻ sơ sinh. Nếu bé bị côn trùng đốt thì vết đốt có thể sưng to, gây đau nhức, ngứa hoặc rát.

Trẻ bị sưng mắt do va chạm

Bất kỳ va chạm gây thương tổn nào ở gần mắt đều có thể khiến mắt sưng đỏ, viêm. Không phải lúc nào bé cũng thấy đau dù bị sưng mắt. Tình trạng này phổ biến nhất ở các bé tập đi vì dễ té ngã, va chạm. Vết sưng sẽ tự biến mất nên ba mẹ không cần quá lo lắng.

Mụn lẹo và chắp làm mắt trẻ bị sưng

Lẹo là vết sưng đỏ, mềm thường mọc ở mí hoặc bên dưới mí mắt. Nguyên nhân gây mụn lẹo là do nhiễm trùng vi khuẩn và viêm một tuyến Meibomius. Tuyến Meibomius này là những tuyến tiết bã nhờn ở mi mắt, các lỗ ra của tuyến này nằm ngay sau chân lông mi. Khi bị mụn thì các tuyến sản xuất dầu cho mắt bị chặn, gây sưng, viêm đỏ. Tình trạng này có thể gây đau nhưng mụn lẹo sẽ tự biến mất sau vài ngày.

Chắp là bệnh ở cấp độ cao hơn tại tuyến Meibomius. Dấu hiệu ban đầu tương tự như mụn lẹo nhưng sẽ phát triển thành một u nang bã nhờn. Chắp gây sưng đau và trường hợp nặng thì cần có can thiệp y tế.

Viêm bờ mi

Viêm bờ mi cũng khiến trẻ bị sưng mắt. Khi tuyến dầu trên mắt bị tắc hoặc viêm thì sẽ có các triệu chứng như đóng vảy trên lông mi, mí mắt sưng, bị kích ứng và ngứa. Viêm bờ mi có thể chữa khỏi dễ dàng nhưng một số trường hợp bệnh sẽ tái lại sau đó.

Trẻ bị viêm kết mạc

Đôi khi mắt bé bị nhiễm trùng khi sinh dẫn tới chứng viêm kết mạc hay thường gọi là đau mắt đỏ. Lúc này các màng bề mặt của mắt, tức kết mạc, bị viêm và đỏ lên. Các triệu chứng trẻ bị đau mắt đỏ là mắt sưng to, đỏ và tiết dịch nhiều.

Viêm mô tế bào quỹ đạo

Đây là bệnh rất hiếm gặp nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc phải. Bệnh nghiêm trọng vì đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn làm mí mắt trên lẫn dưới đều bị sưng, thậm chí có thể gây sưng lông mày và má.

Nếu đây là nguyên nhân trẻ bị sưng mắt thì cần thăm khám và điều trị kịp thời bằng kháng sinh tại bệnh viện chuyên khoa. Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng tới dây thần kinh thị giác làm giảm thị lực, thậm chí là mù vĩnh viễn.

Cách xử lý nếu trẻ bị sưng mắt

Ba mẹ có thể làm giảm tình trạng mắt trẻ bị sưng bằng một số cách sau:

  • Vệ sinh mắt: giữ vệ sinh mắt bằng gạc hoặc khăn sạch với nước ấm. Nếu mắt sưng do nhiễm trùng thì lau bằng khăn sạch có thể cải thiện đáng kể.
  • Chườm lạnh vài phút để giảm sưng đau.
  • Tắm cho bé sơ sinh đúng cách để rửa trôi các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú…
  • Giặt drap, mền gối thường xuyên, tránh để bám bụi.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.

Cách xử lý nếu trẻ bị sưng mắt

Trường hợp nào trẻ nên đi khám?

Nếu trẻ bị sưng mắt nhẹ và nguyên nhân có thể xác định dễ dàng, không nguy hiểm thì có thể điều trị tại nhà. Ba mẹ cần theo dõi kỹ xem tình trạng mắt có được cải thiện dần hay không. Trong một số trường hợp sau thì bạn nên đưa bé đi khám:

  • Mắt sưng nặng: nếu mắt sưng nặng và không giảm sưng thì cần đưa đi khám ngay.
  • Sưng mắt kèm theo sốt: đây là dấu hiệu bị nhiễm trùng.
  • Đau và kích ứng: nếu chỗ sưng gây đau và khó chịu, hãy đưa bé đi khám để được tư vấn chính xác.
  • Không xác định được nguyên nhân: trường hợp mắt sưng mà không xác định được lý do thì ba mẹ đừng chần chờ mà hãy đưa bé đi khám. Bởi nếu là nguyên nhân bệnh lý thì điều trị càng sớm sẽ càng tốt cho bé.

Tóm lại, trẻ bị sưng mắt là tình trạng phổ biến và thường không đáng lo ngại. Ba mẹ tìm hiểu nguyên nhân, giúp bé giảm sưng đau và nhớ đưa con đi khám nếu thấy không thuyên giảm nhé.

Bài viết liên quan