Mẹ và Con - Dính thắng lưỡi ở trẻ em là một dị tật bẩm sinh ít được đề cập. Dị tật này thuộc dạng nhẹ, chỉ gây bất tiện và có thể được xử lý nhanh chóng khi phát hiện.

Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về dị tật dính thắng lưỡi, dấu hiệu nhận biết trẻ bị dính thắng lưỡi, nguyên nhân cũng như chi phí điều trị.

Trẻ bị dính thắng lưỡi là gì?

Dính thắng lưỡi là tình trạng lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi (phanh lưỡi) ngắn hơn bình thường, dày và căng khiến chuyển động lưỡi của bé bị hạn chế. Dị tật bẩm sinh này xuất hiện ở khoảng 5% trẻ sơ sinh, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nguyên nhân gây dị tật dính thắng lưỡi đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Tật này có thể được phát hiện sớm nhờ khám sức khỏe định kỳ sau sinh hoặc khi tiêm chủng. Phát hiện càng sớm thì việc xử lý càng đơn giản.

Tật dính thắng lưỡi gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái, tỉ lệ 3:1. Dị tật này là bẩm sinh nên không thể phòng ngừa. Trẻ bị dính thắng lưỡi có thể được phát hiện ngay sau khi sinh nhờ khám sức khỏe tổng quát sau sinh hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Dấu hiệu trẻ bị dính thắng lưỡi

Dấu hiệu trẻ bị dính thắng lưỡi

Để sớm nhận biết trẻ có bị dính thắng lưỡi hay không thì cha mẹ nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đặc biệt nếu có một số dấu hiệu sau thì hãy lưu ý kiểm tra lưỡi:

  • Trẻ gặp khó khăn khi bú.
  • Lưỡi của bé không thể cong lên để chạm được vòm họng trên.
  • Lưỡi không thể đưa ra khỏi hàm dưới.
  • Do thắng lưỡi dính lại nên khi bé khóc thì có cảm giác đầu lưỡi hình chữ V vì ở giữa bị phần thắng lưỡi dính kéo lại khiến cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn.
  • Răng cửa hàm dưới có thể bị xô lệch hoặc hở giữa các răng.
  • Thắng lưỡi của bé ngắn bất thường so với các trẻ khác
  • Lưỡi của trẻ không thể hoặc khó di chuyển sang hai bên.
  • Trẻ khó tập phát âm.

Chẩn đoán và phân loại dính thắng lưỡi ở trẻ nhỏ

Dính thắng lưỡi là dị tật có thể quan sát và chẩn đoán được bằng mắt thường. Việc phân loại mức độ dính thắng lưỡi được tính theo chiều dài thắng lưỡi đo được từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi. Cụ thể gồm 4 mức như sau:

  • Mức độ 1: Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ, chiều dài từ 12-16 mm
  • Mức độ 2: Trẻ bị dính thắng lưỡi trung bình, chiều dài từ 8-11 mm
  • Mức độ 3: Trẻ bị dính thắng lưỡi nặng, chiều dài từ 3-7 mm
  • Mức độ 4: Trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn trong đó chiều dài dưới 3 mm

Trẻ sơ sinh bị dính thắng lưỡi có nguy hiểm không?

Tật dính thắng lưỡi không phải dị tật bẩm sinh nguy hiểm tới sức khỏe và có thể điều trị nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm mà để tình trạng dị tật kéo dài thì có thể dẫn tới một số ảnh hưởng xấu như:

  • Trẻ khó bú, lớn hơn thì lưỡi kém linh hoạt nên khi nuốt thức ăn sẽ bị vướng. Điều này dẫn tới trẻ biếng ăn, thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển.
  • Thắng lưỡi có thể dính
  • Ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ, thắng lưỡi bất thường khiến bé khó phát âm, nói ngọng, chậm nói.
  • Thẩm mỹ: Tật dính thắng lưỡi có thể ảnh hưởng sự phát triển của răng, làm răng mọc xấu xô lệch, mất thẩm mỹ.

Cách điều trị, khi nào cần cắt thắng lưỡi?

Khi phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi thì tùy theo tình hình thực tế, mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị. Không phải lúc nào cũng cần cắt thắng lưỡi. Do thực tế có những trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi ít, đồng thời dây thắng lưỡi mỏng thì không cần phải can thiệp phẫu thuật.

Chỉ định cắt thắng lưỡi phụ thuộc vào việc dính thắng lưỡi ảnh hưởng như thế nào tới phát âm cũng như việc bú của trẻ. Thông thường nếu dính thắng lưỡi khiến bé khó bú thì sẽ được cắt sớm, để trẻ phát triển ổn định. Trường hợp trẻ bị dính thắng lưới và khó phát âm, khó nói thì sẽ cần thêm thời gian hội chẩn cùng các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt lẫn chuyên viên phát âm để đánh giá trước mổ. Lý do là việc trẻ phát âm khó, chậm nói có thể đến từ nhiều nguyên nhân, không chỉ là thắng lưỡi.

Kỹ thuật cắt thắng lưỡi được chọn phụ thuộc vào lứa tuổi trẻ. Trẻ dưới 3 tháng tuổi thì chỉ cần giữ chặt đầu, sau đó bôi hoặc tiêm thuốc tê và cắt dính thắng lưỡi bằng dao điện. Sau khi cắt thì trẻ có thể bú lại được ngay.

Với trẻ lớn hơn, có thể dùng phương pháp gây tê hoặc gây mê, dùng máy cắt đốt hoặc dao mổ cắt thắng lưỡi. Tốc độ lành vết thương cũng phụ thuộc vào kỹ thuật dùng để cắt. Có thể từ trong ngày đến vài tuần. Việc cắt thắng lưỡi không nguy hiểm, chỉ cần cẩn thận để tránh nhiễm trùng vết cắt là được.

Cắt dính thắng lưỡi bao nhiêu tiền?

Nhìn chung chi phí cắt thắng lưỡi hết bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào kỹ thuật sử dụng, cơ sở y tế cũng như bác sĩ phẫu thuật. Tuy nhiên, chi phí này sẽ không quá đắt đỏ nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Sau phẫu thuật, nếu tình trạng bé ổn định sẽ được cho về nhà ngay trong ngày, không tốn kém chi phí nằm viện.

Sau khi cắt thắng lưỡi cha mẹ cũng nhớ lưu ý trong việc chăm sóc bé để tránh nhiễm trùng:

  • Tuân thủ liệu trình thuốc theo đơn bác sĩ, tuyệt đối không tự ý thay đổi, bỏ thuốc, cắt ngắn ngày thuốc.
  • Không cho trẻ ăn, ngậm đồ cứng, tránh tác động lên vết thương.
  • Cho trẻ bú sữa hoặc thức ăn mềm lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tránh đồ chua, cay.

chăm sóc trẻ bị dính thắng lưỡi

Trẻ bị dính thắng lưỡi không nhất định phải phẫu thuật. Đây là dị tật không nguy hiểm nhưng cần kiểm tra để phát hiện sớm. Nếu phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi thì cha mẹ hãy đưa bé đến khám tại các cơ sở uy tín để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.

Bài viết liên quan