1. Không để nước trái cây quá lâu!
Nước trái cây vắt xong cần được sử dụng ngay. Nếu bạn để lâu, dù là cất trong tủ lạnh, nước trái cây sẽ mất đi lượng vitamin trong đó và không còn tốt nữa. Bạn lưu ý thêm một nguyên tắc là với trẻ nhỏ, không để trẻ uống nước trái cây nguyên chất “trăm phần trăm”. Nghĩa là trái cây trong lúc ép cần được pha loãng hơn với nước, sau đó mới cho bé uống.
2. Nên ăn / uống lúc nào?
Trái cây nên ăn hoặc uống nước ép khi bụng không quá đói cũng không quá no. Nghĩa là có thể uống vào khoảng giữa của hai bữa ăn như bữa xế (chiều), bữa ăn dặm khoảng 9 giờ sáng (nếu bé ăn sáng vào khoảng 6-7 giờ sáng). Thời gian được xem là lý tưởng cho trẻ để ăn trái cây là lúc xế chiều sau khi thức dậy. Bé có thể ăn khoảng 50-100g trái cây lúc này, tùy độ tuổi và sở thích.
3. Hạn chế thử trái lạ với bé dưới 8 tuổi
Với trẻ nhỏ, việc thử một loại quả lạ (dù nghe đồn là rất tốt) cần được tiến hành thận trọng. Vì tuy trái cây nằm trong nhóm thực phẩm ít gây dị ứng hơn các loại thực phẩm khác (như hải sản, nấm…) nhưng không có nghĩa là chúng tuyệt đối an toàn. Với trái lạ, bạn chỉ nên cho con ăn thật ít ban đầu, nếu không có vấn đề gì sau đó mới tăng lượng quả lên dần. Đặc biệt, với trẻ dưới 6 tuổi, chỉ nên cho ăn các loại quả phổ biến, nhiều người ăn. Tuyệt đối không cho trẻ “thử nghiệm” một loại quả lạ, quả cây rừng… nào đấy.
Hạn chế xoài, dứa với trẻ ăn dặm!
Xoài, dứa là hai loại quả rất dễ gây ra dị ứng, không tốt cho trẻ ở tuổi còn ăn dặm. Nếu bạn muốn con thử các loại quả này, nên ép lấy nước, pha loãng hoặc nấu sơ qua, nhằm giảm nguy cơ dị ứng.
4. Với trẻ có dạ dày yếu…
Trẻ có dạ dày yếu dễ nôn thức ăn, ăn các món lạ dễ bị đi ngoài. Với những bé này, nên ưu tiên các loại trái cây đã qua nấu chín (ví dụ chuối nấu thay vì chuối nguyên quả bình thường). Cũng không nên cho trẻ ăn các loại quả có tính “lạnh” như dưa hấu hoặc quả có vị chua nhiều như kiwi, cóc, xoài… Mẹ nên biết thêm rằng nếu bé bị táo bón thì táo sẽ là một trong những loại quả cần được ưu tiên nhé.
5. Hạn chế sinh tố và nước ép khi trẻ đã có thể… ăn!
Bạn sẽ tròn mắt ngạc nhiên với hướng dẫn này và nghĩ rằng bác sĩ nhầm lẫn gì rồi, chứ sao lại bảo rằng đừng cho trẻ uống nước ép hoặc ăn sinh tố liên tục. Thật ra, không có gì nhầm lẫn ở đây cả. Bác sĩ muốn lưu ý bạn đến một khía cạnh khác. Đó là khi trẻ đã bắt đầu biết nhai, nên khuyến khích tập cho trẻ nhai trái cây chứ đừng “làm sẵn” hết theo kiểu xay nhuyễn và… nuốt. Thưởng thức những miếng trái cây còn nguyên có cái thú riêng của nó, kích thích bé chịu ăn nhiều hơn. Còn về chuyện không nên cho bé uống toàn nước ép, vì khi ép, bạn sẽ bỏ mất hết phần “xác”, phần chất xơ vốn rất cần cho trẻ.
6. Cẩn thận bé mắc cổ
Trái cây thường có hạt. Một số loại quả có hạt trơn tuột, dễ nuốt phải gây tắc nghẽn khí quản, nguy hiểm vô cùng. Vì vậy, khi gọt trái cây cho trẻ ăn, bạn cần đặc biệt cẩn thận, lọc bỏ hết phần vỏ và hạt, cắt thành từng miếng thật nhỏ, vừa miệng con. Không để bé “nuốt trọng” cả miếng trái cây to hoặc ăn trái cây chưa loại bỏ hạt.
Hỏi nhanh bác sĩ
H:
Con tôi khi cho ăn một số loại trái cây thường hay đi ngoài, phân lỏng. Như vậy tôi có nên tiếp tục cho bé ăn các loại quả này không? Tôi sợ bé thiếu chất!
Hạnh Nguyên
(Quận 8)
Đ:
Nguyên tắc cho bé ăn trái cây là ăn từng ít một. Nếu thấy có dấu hiệu không tốt về tiêu hóa nên ngừng lại, sau một thời gian mới cho thử lại loại quả đó (vẫn theo nguyên tắc cho ăn từng chút). Nếu trẻ dị ứng đặc biệt với một số loại trái cây, nên lưu ý với người thân, người giúp việc hoặc cô giáo ở trường, tránh trường hợp bé lại được cho ăn mà không có sự kiểm soát của người lớn.
Bạn không cần lo bé sẽ thiếu chất vì ăn không được loại trái cây này nhưng bé vẫn có thể hấp thụ tốt loại trái cây khác và vẫn được cung cấp đầy đủ lượng vitamin cần thiết như thường.
Không để bé ăn những loại quả…
+ Tránh xa các loại quả lớn bất thường, nhìn rất đẹp mắt. Những loại quả này có nguy cơ cao sử dụng hóa chất, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản… đều là những hóa chất gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé.
+ Tránh xa các loại trái cây được bán trái mùa (đầu mùa hoặc cuối mùa). Những loại trái cây này có thể đã bị ảnh hưởng hóa chất thúc cho mau chín hoặc để cây ra quả trái mùa. Nước ta có ưu thế có rất nhiều loại trái cây phong phú khác nhau, do đó bạn hãy chọn cho con mùa nào quả ấy là tốt nhất.
+ Tránh xa các loại quả đã bị hư hỏng một phần. Đừng nghĩ rằng bạn gọt bỏ phần hư thối là xong, phần còn lại của quả vẫn nguyên vẹn. Thực chất là các vi khuẩn độc hại có thể nhiễm vào cả phần thịt quả “nguyên lành” còn lại, gây hại cho bé.
+ Tránh xa các loại quả chưa chín. Quả xanh có thể làm bé đau bụng, đi ngoài. Đặc biệt nếu bé về quê, bạn nên để mắt đến bé. Vì bé rất dễ chạy chơi với bạn bè trong vườn, hái đủ loại quả xanh lẫn quả chín và… “măm” thử. Lúc này nguy cơ đau bụng có thể xảy ra đấy nhé!
Uống nước trái cây nhiều có tốt?
Thật ra, uống nước trái cây quá nhiều có thể gây cho trẻ chứng đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy vì lượng carbohydrate trong nước trái cây khi được cung cấp quá nhiều sẽ làm hệ tiêu hóa mất cân bằng.
Thêm vào đó, nước trái cây thường chứa nhiều lượng đường. Bạn cần biết rằng đường trong trái cây khá tốt nhưng quá nhiều thì vẫn gây hại cho cơ thể, khiến trẻ tăng cân quá mức như thường, chưa kể chúng có khả năng làm sâu răng bé.