Mẹ và Con – Bạn sắp bước vào 9 tháng thai kỳ đầy thách thức? Hãy cùng kiểm tra lại những gì mình đã tích lũy được với kiến thức khi mang thai này để mẹ tròn con vuông nhé!

Việc trang bị những kiến thức khi mang thai sẽ vô cùng hữu ích, không chỉ giúp bạn có một thai kỳ an toàn mà còn mang đến trải nghiệm hạnh phúc, vui vẻ trên hành trình làm mẹ. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con bắt tay vào trắc nghiệm ngay nhé!

1. Những triệu chứng nào sau đây cần được nghĩ tới chứng suy buồng trứng sớm:

a. Kinh nguyệt không ổn định dù đang trong độ tuổi sinh sản.

b. Khô âm đạo và giảm hẳn các ham muốn tình dục.

c. Mất ngủ.

d. Tất cả các câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Triệu chứng suy buồng trứng sớm có thể bao gồm hết các hiện tượng kể trên. Ngoài ra, còn có thể giảm kích thước ngực, tâm trạng thất thường, thấy nóng bừng bứt rứt… Muốn chẩn đoán chính xác có bị suy buồng trứng sớm hay không cần xét nghiệm máu để kiểm tra hormone FSH và estrogen.

Mức độ cao của FSH và mức độ thấp của estrogen trong xét nghiệm máu thường có nghĩa là bạn bị suy buồng trứng. Chị em cần hết sức cẩn trọng và phát hiện sớm các dấu hiệu này để có phương án điều trị kịp thời và tích cực. Nếu không, suy buồng trứng sớm có thể là nguyên nhân khiến bạn mất khả năng làm mẹ. Do đó, đây là kiến thức khi mang thai chị em cần tích lũy đấy nhé.

Kiến thức khi mang thai

2. Để tránh tình trạng chướng bụng thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kì, bạn nên…

a. Ăn thức ăn dễ tiêu hóa.

b. Uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày, tránh nước ngọt có ga.

c. Uống sắt đủ liều.

d. Cả 3 đáp án trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Rất nhiều thai phụ gặp phải chứng chướng bụng trong những tháng đầu thai kì. Để tránh tình trạng này, bạn cần phải thực hiện việc ăn chín, uống sôi, tránh các quà vặt ở hàng quán. Nên tập trung chọn các thức ăn dễ tiêu hóa như sữa chua, khoai lang, rau củ quả, thịt cá nấu chín kỹ.

Ngoài ra, uống đủ liều sắt trong suốt quá trình mang thai và uống nước lọc nhiều (2,5-3 lít/ngày) cũng có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa trong những tháng đầu, tránh cho bạn hiện tượng chướng bụng khi mang thai.

Mẹ bầu nên hạn chế, tránh các món chiên xào vì dầu mỡ dễ làm đầy bụng, khó tiêu. Nên giảm bớt các thức phẩm lên men như dưa muối, dưa cà, dưa chua… vì chúng rất dễ sinh hơi trong đường tiêu hóa, gây cảm giác đầy bụng, chướng bụng.

Kiến thức khi mang thai

3. Hội chứng Edwards có thể khiến thai nhi hoặc trẻ sinh ra gặp các nguy cơ nào?

a. Thai lưu, chết thai từ trong bụng mẹ.

b. Tử vong sau khi sinh.

c. Nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là ở tim và tứ chi.

d. Cả 3 câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Hội chứng Edwards (còn gọi là Trisomy 18 (T18) hay Trisomy E) xảy ra khi bệnh nhân bị thừa một nhiễm sắc thể số 18 trong bộ gen. Bệnh có thể gây chết thai, bé sinh ra bị hội chứng Edwards có thể tử vong sau khi sinh hoặc nguy cơ dị tật bẩm sinh đặc biệt là ở tim và tứ chi.

Hội chứng Edwards không thể điều trị khỏi, tuy nhiên có thể chẩn đoán ở giai đoạn sớm của thai kì. Do đó, khi mang thai, thai phụ phải đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các xét nghiệm chẩn đoán, để loại trừ nguy cơ trẻ mắc phải các hội chứng này mà không biết.

Một điều nói thêm về Hội chứng Edwards là bé gái có khuynh hướng bị nhiều gấp 3 lần bé trai. Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể này đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nguy cơ sinh con bị hội chứng Edwards gia tăng ở phụ nữ lớn tuổi (mang thai khi > 35 tuổi) hoặc những người có người thân trong gia đình từng sinh con bị hội chứng này.

Kiến thức khi mang thai

4. Kiến thức khi mang thai: Trong trường hợp có dấu hiệu động thai, mẹ bầu nên…

a. Nghỉ ngơi và ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.

b. Tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian để “an thai”.

c. Tránh xoa bóp bụng.

d. Tránh quan hệ vợ chồng.

e. Tất cả các câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu e.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng động thai như thai phụ có bệnh lý bất thường, thể chất, khí huyết bị suy nhược, làm việc quá sức, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, ăn uống thiếu chất… Khi thấy xuất hiện các biểu hiện khác thường như bị đau tức bụng ở vùng dưới, mỏi thắt lưng, ra dịch màu hồng nhạt hoặc vài giọt máu ở âm đạo thì cần phải nghĩ ngay đến hiện tượng động thai và phải có biện pháp an thai kịp thời.

Tuy nhiên, lưu ý đặc biệt là bạn không nên thực hiện các biện pháp kiểu dân gian, uống các loại thuốc an thai lạ, hoặc làm các tư thế bất thường. Cách tốt nhất trong trường hợp này nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được xoa bóp bụng, không quan hệ vợ chồng.

Trường hợp mẹ bầu có tiền sử sảy thai hay thuộc nhóm nguy cơ sảy thai cao nên thông báo với bác sĩ từ trước hoặc gọi điện ngay cho bác sĩ để có được sự hướng dẫn xử trí tùy theo từng trường hợp.

Kiến thức khi mang thai

5. Theo bạn, khi chuyển dạ, việc… la hét sẽ giúp:

a. Giảm được các cơn đau.

b. Khiến cơ thể và tinh thần rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ kéo dài gây mất sức.

c. Ảnh hưởng đến việc dùng lực bình thường, khiến sản phụ không rặn đẻ được, gây nguy hiểm cho em bé.

d. Hai câu b và c đều đúng

>> Đáp án đúng là: câu d.

Rất nhiều sản phụ khi đối diện với cơn đau do quá trình co bóp tử cung, chuyển dạ đã nỗ lực… la hét, với hi vọng giảm được cơn đau. Tuy nhiên, xin khẳng định để bạn biết rằng việc la hét này hoàn toàn không giúp ích được gì, ngược lại còn gây nguy hiểm cho em bé.

Nguyên nhân là vì việc la hét liên tục sẽ làm cho cơ thể và tinh thần sản phụ rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ trong thời gian dài. Sản phụ bị tiêu hao năng lực, bị chi phối với việc… la hét nên mệt mỏi, không còn đủ sức để rặn đẻ nữa, cũng không dùng lực được như bình thường nữa.

Cũng xin giải thích thêm để bạn hình dung là khi la hét, bạn thường nuốt vào cơ thể một lượng khí lớn, dẫn đến ruột bị đầy hơi. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tính nhịp nhàng của quá trình co bóp tử cung. Đặc biệt, nếu bạn không chỉ la hét mà còn… khóc lóc tưng bừng thì tình hình càng tệ hơn nữa.

Vì việc khóc lóc sẽ khiến toàn bộ cơ chế hoạt động của cơ thể bạn bì đình trệ, cổ tử cung không thể mở rộng, đầu thai nhi không thuận lợi hạ xuống theo chức năng sinh đẻ bình thường được.

Kiến thức khi mang thai

Mặt khác, chính sự la hét quá độ của sản phụ sẽ lập tức khiến bác sĩ và các điều dưỡng, nữ hộ sinh khác… hoảng theo, căng thẳng, không biết phải xử trí thế nào, dễ dẫn đến những sai lầm trong quá trình đỡ đẻ. Thay vì la hét, bạn nên cố gắng thư giãn, nỗ lực rặn đẻ, tập thở, tập lấy hơi để giúp quá trình sinh diễn ra thuận lợi. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho sản phụ lẫn cho thai nhi.

Kiến thức khi mang thai là một hành trang quý giá để bạn có thể có được một thai kỳ khỏe mạnh, bình an và sẵn sàng chào đón bé yêu thật khỏe mạnh. 

Bài viết liên quan