“Trả về nơi sản xuất” – cụm từ mà khi nghe thấy người ta thường nghĩ ngay tới việc mẹ chồng hoặc các ông chồng sẽ là người “tống cổ” con dâu/vợ ra khỏi nhà. Nhưng trong trường hợp gia đình tôi, người tự nguyện được trả về nơi sản xuất lại là tôi chứ không phải đợi đến khi chồng lên tiếng.
Bản tính chồng tôi không phải người xấu – tất nhiên, nếu anh là người xấu thì trước đây tôi đã chẳng lấy anh. Song như người đời vẫn thường nói, đã là đàn ông ai cũng mắc một trong bốn “tứ đổ tường”, và chồng tôi cũng không ngoại lệ. Anh không gái gú, cờ bạc, hút sách xong lại “dính” phải tật cuối cùng, đó là rượu chè.
Anh không phải “bợm nhậu”, vì có khi cả tháng mới nhậu một lần nhưng mỗi lần nhậu là “tới bến” luôn. Nhậu xong, hậu quả chồng để lại là những lần va chạm giao thông sứt đầu mẻ trán (người ta không quẹt mình, mình cũng quẹt người ta). Lần thì tôi phải dốc hết tiền tiết kiệm đền bù người ta, lần lại nghỉ làm không lương cả tuần trời chăm chồng trong bệnh viện đến khổ.
Lần nào yên bình “lết” được về nhà anh đều chửi bới, nôn ói khắp nơi. Có lần con trai đang ngủ trên võng, chồng lấy chân hất con ngã thẳng cẳng xuống nền nhà. Cũng may đấy là đứa lớn, chứ phải đứa nhỏ 2 tuổi mà bị ba hất té ngã như vậy thiệt tình tôi không biết phải làm sao.
Tôi tự đi, không cần anh “trả về nơi sản xuất”. (Ảnh minh họa)
Kì lạ ở chỗ sau khi tỉnh dậy chồng tôi như người mất trí nhớ, vợ có mắng có chửi cỡ nào cũng chỉ gãi đầu cười. Nhiều lúc tôi muốn được “trả về nơi sản xuất” lắm, nhưng nguôi giận lại thôi. Vậy là cứ hết lần này tới lần khác mắt nhắm mắt mở tha thứ cho chồng, để sau này tôi mới biết đấy là cái sai lớn nhất của đời mình.
Ngoài chuyện nhậu nhẹt, chồng tôi có thể nói là hoàn hảo về mọi mặt: Đẹp trai, chiều vợ, thương con, chăm chỉ, ngọt ngào… Người ngoài nhìn vào ai cũng tấm tắc khen tôi “tốt số”, nhưng sự thật thì chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rận. Dù còn yêu nhưng chuyện hôm nọ xảy ra đã khiến tôi quá sức chịu đựng và viết đơn ly hôn ngay lập tức.
Đỉnh điểm lần nhậu nhẹt kinh hoàng nhất của anh, đó là hôm đi liên hoan mừng người bạn “rửa” xe ô tô mới. Không biết các ông ăn mừng với nhau kiểu gì mà chồng tôi không kiểm soát được mình, bị gái làng chơi đưa vào khách sạn. Tỉnh dậy bóp tiền, điện thoại và xe máy đã “không cánh mà bay”.
Tổng tài sản lên tới hơn trăm triệu – mồ hôi và nước mắt của cả hai suốt bao nhiêu năm bon chen trên thành phố. Đây cũng là thời điểm vợ chồng tôi đang xoay tiền trả góp căn nhà chung cư hiện tại. Biết tin, tôi giận tím mặt còn bố mẹ chồng thì ra sức trấn an rằng “tiền mất đi có thể kiếm ra lại, chỉ cần chồng không mang bệnh về nhà là may rồi”.
Thế nhưng con giun xéo lắm cũng quằn. Biết bao lần tôi từ khuyên nhủ nhẹ nhàng đến chiến tranh lạnh, thậm chí mắng mỏ, khóc lóc van xin anh cũng vẫn chứng nào tật nấy. Tới cả ba mẹ đẻ sau khi biết chuyện cũng khuyên tôi suy nghĩ lại, song tôi đã quyết định rồi. Lấy chồng đẹp trai, tài giỏi, yêu chiều vợ con tưởng sung sướng hóa ra lại khổ cực trăm bề.
Đồng ý là đã là đàn ông, vài ba li bia với bạn bè là điều bình thường nhưng nhậu nhẹt như chồng tôi thì không ai có thể chấp nhận được. Những chuyện như thế này có thể lặp lại với gia đình tôi bất cứ thời điểm nào, thậm chí còn kinh khủng hơn một khi chồng tôi không chịu bỏ nhậu. Làm sao biết tôi sẽ còn phải thay chồng trả nợ bao nhiêu, con tôi sẽ phải mồ côi cha lúc nào…?
Đặt tờ đơn li hôn ngay ngắn trên bàn, tôi kéo vali dắt hai con ra xe taxi đi về nhà ngoại. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc đời người phụ nữ mà người ta hay nói bị “trả về nơi sản xuất” lại vui vẻ đến thế. Tôi có kiến thức, có công việc, nhất định tôi sẽ nuôi con cái ăn học thành tài đến nơi đến chốn dù chỉ còn lại một thân một mình.