Bên cạnh xuất tinh sớm thì tinh trùng ít cũng là một trong những vấn đề khiến nam giới lo lắng. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả những người cao to khỏe mạnh. Rất nhiều người lo lắng không biết tinh trùng ít có ảnh hưởng tới quá trình thụ thai không. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin về vấn đề này cũng như hướng giải quyết để bạn tham khảo.
Thế nào là tinh trùng ít?
Mỗi lần xuất tinh, số lượng tinh trùng trong tinh dịch có thể lên đến hàng triệu. Khi số lượng này ít hơn bình thường thì được gọi là tinh trùng ít. Theo WHO, khi số lượng tinh trùng trên mỗi ml tinh dịch ít hơn 15 triệu thì được coi là tinh dịch ít.
Thông thường, nam giới gặp tình trạng tinh trùng ít không có dấu hiệu hoặc triệu chứng thực thể kèm theo. Họ vẫn có thể quan hệ với quá trình xuất tinh bình thường.
Tinh trùng ít có thụ thai được không?
Việc tinh trùng ít có ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng thụ thai. Bởi việc thụ thai được hay không ngoài yếu tố từ người vợ còn phụ thuộc vào tinh trùng của người chồng. Khi lượng tinh trùng ít thì cơ hội gặp trứng sẽ thấp, từ đó làm giảm khả năng thụ tinh.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những nam giới có tinh trùng ít và yếu đều không có khả năng thụ thai hay vô sinh. Trong hàng triệu con tinh trùng thì vẫn có tỷ lệ nhỏ tinh trùng khỏe mạnh nhưng xác suất này khá thấp.
Để kết luận lượng tinh trùng ít hay nhiều thì nam giới cần thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ. Trong đó để thụ thai thành công, tinh dịch đồ phải đáp ứng các tiêu chí về số lượng, độ di động, mật độ, tỷ lệ sống tối thiểu.
Nguyên nhân gây nên tình trạng tinh trùng ít
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tinh trùng ít, tinh trùng yếu. Trong đó có các yếu tố liên quan đến bệnh lý và do ảnh hưởng từ môi trường sống, lối sống sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể như sau:
- Stress, căng thẳng và trầm cảm
- Ngồi lâu, quá nhiều, chẳng hạn như lái xe tải đường dài.
- Tinh hoàn quá nóng có thể làm giảm sản xuất tinh trùng. Việc thường xuyên ngâm mình trong bồn nước nóng hay việc bạn ngồi ôm máy tính trên đùi đều có thể làm tinh trùng ít đi.
- Thuốc lá, rượu bia, ma túy và chất kích thích làm giảm chất lượng tinh trùng gây tinh trùng ít và yếu
- Mất cân bằng hormone.
- Béo phì, thừa cân
- Hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật, cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone và tinh trùng.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh
- Di truyền, bẩm sinh như: hội chứng Klinefelter, chỉ có một tinh hoàn, ẩn tinh hoàn…
- Chấn thương, nhiễm trùng hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) ở ống dẫn tinh hoặc cơ quan lân cận khác như: mào tinh, niệu đạo, niệu quản…
- Bệnh tiểu đường và chấn thương cột sống có thể gây ra rối loạn cương dương hoặc xuất tinh ngược.
- Các vấn đề với hệ thống miễn dịch.
- Dùng một số loại thuốc điều trị ung thư, kháng nấm, kháng sinh…
- Có tiền sử phẫu thuật tại đường sinh dục
- Các yếu tố tác động từ môi trường như: tiếp xúc thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dung môi và các hóa chất công nghiệp hoặc kim loại nặng, bức xạ từ tia X hoặc các nguồn khác cũng có thể gây hại cho việc sản xuất tinh trùng.
Làm gì để cải thiện số lượng tinh trùng?
Tinh trùng ít có ảnh hưởng ít nhiều tới quá trình thụ thai tự nhiên. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này thì ta có cách điều trị tương ứng. Cụ thể như sau:
Điều chỉnh chế độ sống
Thực tế, nếu người chống có tinh trùng ít, yếu nhưng người vợ có chức năng sinh sản tốt thì không cần quá lo lắng vì vẫn có thể có thai tự nhiên. Để tăng cơ hội sản sinh ra những tinh trùng khỏe mạnh, nam giới cần chú yếu điều chỉnh chế độ sống như:
- Quan hệ tình dục điều độ và canh thời điểm rụng trứng để tăng khả năng thụ thai tự nhiên
- Không dùng các chất bôi trơn có thể làm chậm quá trình di chuyển của tinh trùng.
- Hạn chế các hoạt động làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn, chẳng hạn như thường xuyên ngâm mình trong bồn nước nóng, phòng xông hơi khô hoặc phòng xông hơi ướt.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất, các chất độc hại, tia X.
- Giữ lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
- Không ngồi quá lâu, mặc quần lót, quần jeans bó sát, chật chội.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm bổ dưỡng cho tinh trùng
- Giữ tinh thần cân bằng, thoải mái, tránh stress.
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh lý sớm và điều trị kịp thời
Can thiệp bằng y học hiện đại
Khi nguyên nhân gây tinh trùng yếu là do các bệnh lý thì cần đến các cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Dưới đây là một số phương pháp can thiệp bằng y học hiện đại với những người gặp tình trạng tinh trùng ít, tinh trùng yếu:
- Phẫu thuật: Đây là một lựa chọn phù hợp với các trường hợp liên quan đến giãn tĩnh mạch lớn, tắc nghẽn đường ra của tinh trùng. Ví dụ giãn tĩnh mạch thừng tinh, ẩn tinh hoàn, tắc, sẹo tại ống dẫn tinh…
- Sử dụng thuốc: Với những người bị nhiễm trùng, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì việc dùng thuốc đúng cách, kịp thời để tránh viêm nặng nề và ảnh hưởng tới số lượng tinh trùng.
- Phương pháp điều trị nội tiết tố: Vì nồng độ testosterone và các nội tiết tố khác quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra tinh trùng ít nên việc cân bằng nội tiết bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác có thể giúp khôi phục khả năng sinh sản. Tuy nhiên việc dùng thuốc này cần có chỉ định từ bác sĩ cũng như dùng thuốc rõ nguồn gốc, tác dụng để tránh phản tác dụng, thậm chí là vô sinh.
- Dùng các thuốc hỗ trợ cải thiện số lượng tinh trùng: Các loại vitamin E, C và B6 có một số lượng lớn chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tinh trùng khỏi sự phân mảnh DNA.
- Các phương pháp hỗ trợ sinh sản như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương (ICSI)…
Tinh trùng ít mặc dù không gây vô sinh nhưng cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thụ thai. Tình trạng này không có bất kỳ biểu hiện bất thường hay triệu chứng thực thể kèm theo do đó khuyến khích nam giới nên đi khám định kỳ về vấn đề này để phát hiện và điều trị kịp thời. Và dù có lượng tinh trùng ít hay đạt chuẩn thì cũng đừng lơ là và buông thả bản thân với một lối sống không điều độ nhé!