Chất điện giải là những khoáng chất mà cơ thể bạn cần, chẳng hạn như natri, kali và canxi. Mất cân bằng điện giải trong máu của bạn có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Mất cân bằng điện giải là gì?
Chất điện giải
Chất điện giải là khoáng chất mang điện tích dương hoặc âm. Những khoáng chất này được hòa tan trong chất lỏng của cơ thể bạn. Chúng đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh lý trong tất cả các tế bào của cơ thể bạn. Cơ thể bạn làm việc chăm chỉ để giữ chất điện giải ở một nồng độ nhất định. Ví dụ, nếu một chất điện giải nào đó quá cao, thận có thể cố gắng thải ra nhiều chất điện giải hơn trong nước tiểu của bạn để cân bằng lại.
Chất điện giải rất quan trọng để đảm bảo máu của bạn không có quá kiềm hoặc quá nhiều axit. Một số chất điện giải như canxi còn là chìa khóa cho quá trình đông máu và sức khỏe của xương. Chất điện giải cũng rất quan trọng để đảm bảo có đủ nước ở bên trong tế bào và tránh bạn bị mất nước.
Một số chất điện giải quan trọng nhất của cơ thể là:
- Natri (Na + )
- Kali (K + )
- Canxi (Ca ++ )
- Magie (Mg ++ )
- Clorua (Cl – )
- Bicacbonat (HCO3 – )
- Phốt phát (PO43- )
Mất cân bằng điện giải là gì?
Mất cân bằng điện giải là tình trạng nồng độ của một số khoáng chất quan trọng trong máu của bạn nằm ngoài phạm vi bình thường. Mất cân bằng điện giải có thể gây ra vấn đề với cơ thể của bạn, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ví dụ, chất điện giải cần thiết cho sự co của các cơ, bao gồm cả cơ tim. Nếu mức điện giải của bạn thấp hơn bình thường, cơ tim của bạn không thể co bóp như cách bạn muốn.
Các dạng mất cân bằng điện giải
Một trong những tình trạng mất cân bằng điện giải phổ biến nhất là hạ natri máu, khi nồng độ natri trong máu thấp. Các dạng mất cân bằng điện giải khác đặc biệt quan trọng khác là:
- Tăng natri (tăng natri máu)
- Bất thường về kali (hạ kali máu hoặc tăng kali máu)
- Bất thường về canxi (tăng hoặc hạ canxi máu)
- Mất cân bằng magie (tăng hoặc giảm magie máu)
Mất cân bằng điện giải có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác trong cơ thể. Vì lý do đó, tình trạng mất cân bằng điện giải đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Đôi khi, một người có thể có nhiều loại chất điện giải nằm ngoài phạm vi bình thường.
Mất cân bằng điện giải đặc biệt phổ biến ở người cao tuổi và những người bị bệnh nặng.
Triệu chứng mất cân bằng điện giải
Các triệu chứng mất cân bằng điện giải thường khác nhau dựa trên các chất điện giải cụ thể, cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất cân bằng này. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Mệt mỏi
- Buồn nôn và ói mửa
- Đi tiểu thường xuyên
- Táo bón
- Tăng nhịp tim
- Chuột rút cơ bắp hoặc yếu cơ
- Phối hợp kém khi đi bộ
- Đau xương
Nếu nghiêm trọng, một số tình trạng mất cân bằng điện giải có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm hơn cho sức khỏe, chẳng hạn như:
- Nhịp tim bất thường
- Co giật
- Hôn mê
- Tử vong
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc mất cân bằng điện giải có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Điều này thường xảy ra khi bạn bị mất cân bằng nhẹ hoặc tình trạng này không diễn ra đột ngột.
Bên cạnh đó, mất cân bằng điện giải cũng làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong ở những người đã mắc các bệnh nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây mất cân bằng điện giải là gì?
Mất cân bằng điện giải có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Bất cứ khi nào cơ thể bạn mất nhiều nước, bạn sẽ có nguy cơ bị mất cân bằng điện giải. Ví dụ, tập thể dục kéo dài, đổ nhiều mồ hôi có thể gây ra sự mất cân bằng điện giải. Nôn mửa, tiêu chảy và bỏng nặng đều là những nguyên nhân gây mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải.
Các tình trạng gây thừa nước cũng có thể dẫn đến các loại mất cân bằng điện giải khác. Ví dụ, một người bị suy tim sung huyết có thể có nguy cơ cao hơn. Một ví dụ khác, đôi khi mọi người cũng có thể bị mất cân bằng điện giải nếu họ uống một lượng nước rất lớn.
Các nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm:
- Có vấn đề về thận
- Bệnh tiểu đường
- Các vấn đề về đường tiêu hóa
- Có vấn đề về phổi
- Bệnh ung thư
- Nhiễm trùng huyết
- Vừa bị chấn thương hoặc trải quan phẫu thuật
- Truyền dịch tĩnh mạch không phù hợp
- Tác dụng phụ của thuốc (như thuốc lợi tiểu )
- Sử dụng rượu và ma túy bất hợp pháp
- Các vấn đề với một số hormone, như hormone chống bài niệu (ADH), hormone tuyến cận giáp (PTH) hoặc aldosterone cũng có thể gây mất cân bằng điện giải
- Trong một số trường hợp, chế độ ăn uống kém chất điện giải có thể khiến một người bị mất cân bằng điện giải
Đôi khi, không có nguyên nhân cụ thể nào có thể được xác định cho sự mất cân bằng điện giải.
Làm gì khi bị mất cân bằng điện giải?
Chất điện giải được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống. Các chất điện giải cụ thể cũng được thêm vào một số loại đồ uống được quảng cáo để bổ sung khi cần thiết. Hầu hết mọi người nhận đủ chất điện giải từ thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày, nhưng đôi khi cần có những biện pháp can thiệp khác để điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải này.
Điều trị mất cân bằng điện giải sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn và những bệnh lý mà bạn đang mắc phải bởi các bệnh lý khác nhau sẽ khiến người bệnh có những triệu chứng khác nhau. Hơn nữa, cần xác định chính xác bất kỳ loại thuốc nào có thể góp phần gây ra nguyên nhân mất cân bằng điện giải của bạn.
Nếu mất nước là một phần nguyên nhân, bạn có thể cần được truyền dịch qua tĩnh mạch. Mặt khác, nếu bạn bị thừa nước do uống nhiều nước, có thể cần hạn chế lượng nước uống và có thể dùng thuốc lợi tiểu (để giúp bạn loại bỏ lượng nước dư thừa qua nước tiểu).
Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi xem tình trạng sức khỏe của bạn có được cải thiện hay không, từ đó cân nhắc về phác đồ điều trị tiếp theo.
Tình trạng mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và thậm chí tử vong. Do đó, đừng chủ quan mà hãy cố gắng uống đủ nước để tránh bị mất cân băng các chất điện giải bạn nhé!