Mẹ và Con - Tinh hoàn lạc chỗ là bệnh lý phổ biến ở trẻ sơ sinh nam, bệnh thường tự khỏi sau vài tháng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tình trạng này kéo dài thì sẽ cần phẫu thuật tinh hoàn lạc chỗ.

Tinh hoàn lạc chỗ không phải tình trạng hiếm gặp, đặc biệt là ở các bé sinh thiếu tháng. Tinh hoàn lạc chỗ có nguy hiểm không? Có con được không? Nếu bé mắc phải bệnh lý này thì bố mẹ khoan hãy lo lắng vì hiện nay đã có cách điều trị tinh hoàn lạc chỗ hiệu quả. Cụ thể về bệnh lý này thì mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.

Tinh hoàn lạc chỗ là gì?

Đối với bào thai là bé trai, ban đầu hai tinh hoàn sẽ nằm ở ổ bụng. Đến khi gần đủ tháng và chuẩn bị sinh thì tinh hoàn mới dần dần di chuyển xuống bìu nhờ ống nối riêng biệt. Các bất thường khiến đường đi tinh hoàn bị ảnh hưởng và không đến được đích (bìu) được gọi chung là tinh hoàn ẩn.

Trong đó, tinh hoàn lạc chỗ (ectopic testis) là bệnh lý sinh dục phổ biến ở trẻ sơ sinh nam. Đây là tình trạng tinh hoàn sau khi ra khỏi lỗ bẹn nông, thì đi lạc tới một vị trí khác mà không đến bìu (tầng sinh môn, củ mu, dây chằng bẹn, cân đùi). 80% bệnh lý này xảy ra một bên, kích thước và chức năng vẫn bình thường. Tinh hoàn lạc chỗ không ở bìu mà thường nằm ở một vài vị trí như:

  • Bẹn: Lúc này tinh hoàn đã di chuyển vào ống bẹn chuẩn bị xuống bìu nhưng nếu sờ thì sẽ khó thấy.
  • Bụng: Tinh hoàn nằm lại trong ổ bụng, chưa hoặc chỉ mới bắt đầu di chuyển vào bìu.
  • Không có hoặc teo tinh hoàn: Thực tế là tinh hoàn đã vào đúng chỗ nhưng vì không có hoặc quá nhỏ nên không thể cảm nhận được khi sờ. Trường hợp này có thể dẫn đến vô sinh nam sau này.
Tinh hoàn lạc chỗ là gì
Tinh hoàn lạc chỗ

Nguyên nhân tinh hoàn lạc chỗ

Về nguyên nhân tinh hoàn lạc chỗ thì khá khó xác định do việc di chuyển của tinh hoàn chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố. Nếu bất kỳ cơ chế nào trong số đó bị ảnh hưởng thì cũng có thể dẫn tới tình trạng tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh. Một vài nguyên nhân phổ biến:

  • Rối loạn trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục, suy tuyến yên làm thiếu gonadotropin.
  • Do sai lệch trong việc tổng hợp testosterone, trường hợp này là thiếu men 17α-hydroxylase, 5α-reductase…
  • Do hội chứng giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen.
  • Ảnh hưởng từ estrogen của mẹ, nếu trong thời gian mang thai mà mẹ sử dụng các loại thuốc chứa diethylstilbestrol nhiều hay kháng androgen thì bé có nguy cơ bị tinh hoàn lạc chỗ.
  • Do bất thường về phát triển của dây chằng tinh hoàn – bìu nên tinh hoàn nằm treo lơ lửng mà không xuống được bìu như bình thường.
  • Do các yếu tố cơ học khác trên đường di chuyển của tinh hoàn ảnh hưởng như cuống mạch tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn…

Tinh hoàn lạc chỗ có con được không?

Tinh hoàn lạc chỗ có con được không? Tinh hoàn lạc chỗ có nguy hiểm không? Đây là câu hỏi luôn được bố mẹ quan tâm.

Cơ thể thường sẽ tự sửa tình trạng trong vòng vài tháng sau khi sinh nhưng cũng có trường hợp cần can thiệp y tế. Trong đó, khoảng 50% trường hợp tinh hoàn sẽ tự di chuyển xuống đúng vị trí trong vòng 3 tháng sau sinh. Đây chỉ là tình trạng tinh hoàn di chuyển muộn, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Nếu trong vòng 6 tháng mà tinh hoàn vẫn chưa vào chỗ thì cần thăm khám và điều trị. Số lượng tế bào mầm khi mổ là yếu tố tiên lượng khả năng có con trong tương lai. Thực tế, nhiều bé được mổ tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ thì được đánh giá tình trạng sức khỏe bình thường, khả năng có con bình thường.

Đa phần trường hợp để tình trạng tinh hoàn lạc chỗ kéo dài đến tuổi thành niên, vị thành niên thì mới làm mất chức năng sinh sản. Do tinh hoàn đã nằm ở vị trí không thuận lợi cho tinh trùng trong thời gian quá lâu.

Cách điều trị tinh hoàn lạc chỗ

Trước hết, bé sơ sinh nam sẽ được theo dõi trong vòng 3 tháng đầu nếu phát hiện tinh hoàn lạc chỗ. Nếu sau 3 tháng tình trạng không được cải thiện thì cần có cách điều trị tinh hoàn lạc chỗ phù hợp.

Hiện nay có hai phương pháp chính là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Việc điều trị cần tiến hành càng sớm càng tốt để đảm bảo khả năng sinh sản cũng như tránh ung thư tinh hoàn.

Điều trị nội khoa

Trẻ sẽ được tiêm hCG, đây là một nội tiết tố của nhau thai, giúp kích thích tinh hoàn tiếp tục di chuyển xuống đúng vị trí của nó ở bìu. Phương pháp này chỉ có thể thực hiện ở trẻ sơ sinh được phát hiện bệnh lý sớm. Đối với thanh thiếu niên thì hCG không còn tác dụng. Lưu ý thuốc, liều dùng cần có chỉ định từ bác sĩ có chuyên môn.

Mổ tinh hoàn lạc chỗ

Nếu thăm khám cho kết quả là không thể điều trị nội khoa thì sẽ cần mổ tinh hoàn lạc chỗ. Thường là phẫu thuật tinh hoàn lạc chỗ nội soi. Phẫu thuật này được bác sĩ khuyên nên thực hiện khi trẻ 3 – 6 tháng tuổi và trước khi 15 tháng tuổi. Việc điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Cách điều trị tinh hoàn lạc chỗ

Tinh hoàn lạc chỗ luôn là bệnh lý khiến nhiều cha mẹ lo lắng về sức khỏe và cũng là nguyên nhân gây vô sinh của con sau này. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và có cách điều trị phù hợp thì khả năng hồi phục như bình thường là rất cao.

Bố mẹ cần chú ý kiểm tra sức khỏe cho bé sơ sinh càng sớm càng tốt để kịp thời xử lý bất thường nhé. Cách kiểm tra với trẻ là sờ nắn 2 bên bìu của bé để so sánh phát hiện các bất thường.

Bài viết liên quan