Mẹ và Con - Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn dừng lại trên đường đi của mình từ bụng xuống bìu trong thời kỳ là bào thai. Tình trạng này có cần can thiệp không?

Tinh hoàn ẩn thường xuất hiện một bên, hiếm có trường hợp bị ẩn tinh hoàn cả hai bên. Tình trạng này nếu không phát hiện và điều trị sớm thì có thể dẫn tới suy giảm chức năng sinh sản, thậm chí là vô sinh, ung thư tinh hoàn.

Tinh hoàn ẩn là gì ?

Là tình trạng bệnh lý ở các bé trai sơ sinh, một số nam giới trưởng thành cũng gặp phải tình trạng này. Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn hình thành và nằm trong ổ bụng, vị trí phía sau thận. Khi thai nhi được 8 tuổi tinh hoàn sẽ bắt đầu di chuyển ra khỏi bụng, qua bẹn rồi xuống bìu. Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn kẹt lại trên đường di chuyển, tức là ở ổ bụng hoặc bìu.

tinh hoàn ẩn là gì

Có hai dạng:

  • Tinh hoàn ẩn sờ được: sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn lò xo (tinh hoàn di động lên lên xuống xuống giữa bìu và bẹn)
  • Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: tinh hoàn kẹt trong ổ bẹn sâu, trong bụng.

Tỷ lệ mắc tinh hoàn ẩn ở bé trai sơ sinh là khoảng 3-4%, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, sinh đôi. Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trong khoảng 3 tháng đầu tiên sau sinh.

Nguyên nhân bệnh tinh hoàn ẩn ở trẻ sơ sinh

Thường xuất hiện ở các trẻ bị dị tật bẩm sinh, rối loạn nội tiết hoặc có bất thường di truyền, do quá trình mang thai của mẹ. Cụ thể như:

  • Rối loạn chức năng vùng hạ đồi: vùng hạ đồi trong não có chức năng kiểm soát hormone tuyến yên. Đây là tuyến chính của hệ thống nội tiết, nơi tạo ra nhiều loại hormone quan trọng bao gồm hormone tăng trưởng, prolactin và hormone luteinizing (LH) quản lý estrogen ở phụ nữ và testosterone ở nam giới. Khi vùng hạ đồi bị rối loạn sẽ có thể dẫn tới suy tuyến yên, gây rối loạn lượng hormone được giải phóng và từ đó ảnh hưởng tới hệ thống sinh sản nam giới.
  • Suy giảm nồng độ testosterone: khiến chức năng sinh sản bị suy giảm.
  • Thiếu hụt androgen: hormone này rất cần thiết cho quá trình phát triển, điều chỉnh chức năng của nhiều cơ quan trong đó có cơ quan sinh sản. Nếu androgen bị thiếu hụt sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chức năng sinh dục ở trẻ sơ sinh.
  • Mẹ bị rối loạn nội tiết tố: Trong quá trình mang thai thì nội tiết tố của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp lên thai nhi. Nếu mẹ sử dụng thuốc kháng hormone sinh dục nam thì khả năng cao trẻ sinh ra sẽ bị tinh hoàn ẩn.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tinh hoàn ẩn không thể xác định được nguyên nhân.

Tinh hoàn ẩn có nguy hiểm không?

Nhiệt độ ở bìu là lý tưởng cho sức khỏe của tinh trùng. Khi bị ẩn tinh hoàn thì nhiệt độ cao khiến tinh hoàn phát triển kém và giảm số lượng tế bào mầm. Tế bào mầm là tế bào sinh sản, ở nam giới thì đó là tinh trùng. Bệnh nhân bị tinh hoàn ẩn nếu không điều trị thì có thể gặp các biến chứng:

  • Ung thư tinh hoàn: Tinh hoàn ẩn trong ổ bụng lâu ngày có thể tiến triển thành u ác tính.
  • Vô sinh: Người bệnh sau 5 tuổi nếu không được phẫu thuật thì tỷ lệ vô sinh nam lên đến 75%.
  • Thoát vị bẹn: Tinh hoàn kẹt ở bẹn sẽ làm khe hở giữa vùng bụng và ống bẹn tăng lên, lâu ngày có thể đẩy ruột vào háng và dẫn tới thoát vị bẹn.
  • Xoắn tinh hoàn hay chấn thương tinh hoàn: Đây là trường hợp khá thường gặp. Do không được cố định trong bìu nên tinh hoàn bị xoắn, gây sưng đau đột ngột. Nếu không được cấp cứu điều trị trong vòng 3 giờ thì nguy cơ hoại tử tinh hoàn là rất cao.
  • Tổn thương về tâm sinh lý: mất tự tin, lo lắng, suy giảm chức năng tình dục do không có hay chỉ có một tinh hoàn dưới bìu.

Phẫu thuật tinh hoàn ẩn

Mổ như thế nào?

Mổ tinh hoàn ẩn thường không khó. Nếu tinh hoàn kẹt ở bẹn thì bác sĩ sẽ rạch đường nhỏ (2cm) để tìm tinh hoàn và đánh giá tình hình. Sau đó là rạch thêm một đường khác dưới bìu để cố định tinh hoàn tại đây.

Trường hợp tinh hoàn ẩn trong ổ bụng thì sẽ cần phẫu thuật nội soi để tìm và hạ tinh hoàn xuống bìu chính xác nhất.

phẫu thuật tinh hoàn ẩn có nguy hiểm không

Phẫu thuật tinh hoàn ẩn có nguy hiểm không?

Phẫu thuật tinh hoàn ẩn tại cơ sở y tế có chuyên môn thì bệnh nhân chỉ cần nằm viện 2 ngày. Sau khoảng 1 tuần thì sức khỏe ổn định và gần như hồi phục hoàn toàn.

Chi phí mổ tinh hoàn ẩn

Chi phí phẫu thuật được áp dụng theo quy định của bệnh viện và được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định của Bộ Y tế. Chi phí này có thể thay đổi theo từng bệnh viện nên khó có con số cụ thể.

Chi phí phẫu thuật tinh hoàn ẩn thường gồm nhiều khoản: Phí thăm khám, kiểm tra lâm sàng trước khi mổ; chi phí cho thủ thuật mổ tinh hoàn ẩn; chi phí hậu phẫu như giường bệnh, thuốc men, chăm sóc vết thương… Nhìn chung nếu bạn chọn các phòng khám tư với mong muốn chất lượng dịch vụ cao thì chi phí sẽ cao hơn mặt bằng chung.

Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện và điều trị sớm, tốt nhất là trước khi bé được 1 tuổi. Do đó, cha mẹ cần chú ý thường xuyên kiểm tra cho bé. Nếu có bất kỳ dấu hiệu lạ nào như sưng, đau, nổi hạch, sờ thấy khối ở bẹn hay bìu thì nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

Bài viết liên quan