Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu không tự chủ ở nữ giới. Khi có những dấu hiệu bất thường, chị em không nên chủ quan mà cần sớm thăm khám để có phương pháp điều trị phù hợp theo lời khuyên của Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Tiểu không tự chủ ở nữ giới là gì?
Thận tạo ra nước tiểu và bàng quang sẽ là bộ phận trữ nước tiểu. Các cơ bàng quang co thắt đẩy nước tiểu qua niệu đạo và đi ra khỏi cơ thể thông qua cơ chế giãn ra của cơ vòng. Cơ vòng suy yếu sẽ dẫn đến tiểu không tự chủ hay còn gọi là són tiểu.
Tiểu không tự chủ ở nữ giới không phải là một bệnh lý mà là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác, được biểu hiện bằng tình trạng tiểu không kiểm soát, rò rỉ nước tiểu. Tình trạng này thường là do bàng quang không còn khả năng trữ và đào thải nước tiểu như bình thường.
Tiểu không tự chủ rất phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là ở người cao tuổi do trải qua nhiều thay đổi ở cơ thể như mang thai, sinh con, thời kỳ mãn kinh,… làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu, khiến các cơ sàn chậu trở nên yếu hơn hoặc tổn thương. Bên cạnh đó, tình trạng tiểu không tự chủ ở nữ giới còn có thể do cấu tạo niệu đạo ngắn.
Nguyên nhân tiểu không tự chủ ở nữ giới
Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng tiểu không tự chủ ở nữ giới. Trong đó, thường thấy nhất chính là các yếu tố liên quan đến sức khỏe như sinh con, mãn kinh,… làm ảnh hưởng đến các cơ và dây thần kinh.
Ngoài ra, chứng tiểu mất kiểm soát ở nữ còn do nhiều yếu tố khác, bao gồm:
- Thừa cân: Thừa cân gây áp lực lên bàng quang, khiến các cơ suy yếu và ảnh hưởng đến khả năng trữ nước tiểu của bàng quang.
- Táo bón: Nữ giới bị táo bón thường xuyên sẽ khiến bàng quang và các cơ sàn chậu chịu nhiều áp lực, từ đó làm rò rỉ nước tiểu.
- Tổn thương dây thần kinh: Các dây thần kinh bị tổn thương do sinh con, bệnh lý tiểu đường, đa xơ cứng,… sẽ gửi sai tín hiệu đến bàng quang và dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ ở nữ giới.
- Phẫu thuật: Những người từng trải qua phẫu thuật ở cơ quan sinh sản, đặc biệt là phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể bị tổn thương sàn chậu và làm cho bàng quang không còn hoạt động hiệu quả. Tình trạng này sẽ dẫn đến chứng tiểu không kiểm soát ở nữ.
- Bệnh lý liên quan đến bàng quang, đường tiết niệu: Tình trạng tiểu không tự chủ ở nữ giới có thể xuất phát do nhiễm trùng bàng quang, viêm bàng quang kẽ, nhiễm trùng đường tiết niệu,….
Ngoài những nguyên nhân trên, phụ nữ còn có thể bị tiểu không tự chủ trong một thời gian ngắn, do những yếu tố như:
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị: Các thuốc điều trị cao huyết áp, suy tim, xơ gan,… có thể gây són tiểu trong suốt thời gian điều trị và tình trạng này sẽ chấm dứt sau khi ngưng dùng thuốc.
- Sử dụng thức uống có chứa caffeine: Đồ uống có caffeine có thể nhanh chóng làm đầy bàng quang, khiến bạn rò rỉ nước tiểu.
Triệu chứng tiểu không kiểm soát ở nữ
Các triệu chứng thường gặp của chứng tiểu không kiểm soát ở nữ giới bao gồm:
- Tiểu mất kiểm soát bất kể thời gian, đặc biệt là trong khi ngủ
- Đột ngột có cảm giác muốn đi tiểu và không nhịn được, cần đi tiểu ngay lập tức
- Són tiểu khi vận động (ho, hắt hơi, tập thể dục,…)
- Đi vệ sinh nhiều lần hơn bình thường (8 lần vào ban ngày và 2 lần vào ban đêm)
Tiểu không kiểm soát ở nữ có nguy hiểm hay không?
Tiểu không tự chủ ở nữ giới có nguy hiểm hay không? Tiểu không kiểm soát ở nữ có hại không? Theo đó, nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm thì tình trạng này có thể để lại nhiều biến chứng như:
- Phát ban, lở loét, nhiễm trùng da,… do rò rỉ nước tiểu khiến vùng da liên tục ẩm ướt
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần
- Mất ngủ gây mệt mỏi
- Khiến người bệnh trở nên tự ti hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể gây trầm cảm
Tuy nhiên, nhiều người vì tâm lý chủ quan hoặc xấu hổ mà không đến bệnh viện thăm khám, dẫn đến bệnh trở nặng và làm cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Tốt nhất khi có dấu hiệu của tình trạng tiểu không tự chủ ở nữ giới và bệnh gây cản trở các hoạt động trong cuộc sống, làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi hoặc nghi ngờ bệnh lý nguy hiểm thì nên chủ động đến bệnh viện để thăm khám.
Cách điều trị tiểu không tự chủ ở nữ giới
Để điều trị tình trạng tiểu không tự chủ ở nữ giới, tốt nhất nên thăm khám và tuân theo phác đồ điều trị từ bác sĩ. Việc tiểu không tự chủ xuất phát từ các nguyên nhân bệnh lý thì cần điều trị dứt điểm bệnh lý trước thì chứng rò rỉ nước tiểu mới có thể kết thúc.
Tùy theo tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây són tiểu mà bác sĩ có thể chỉ định những biện pháp điều trị khác nhau, chẳng hạn như dùng thuốc hoặc đặt vòng nâng Pessary. Ngoài ra, còn có thể áp dụng biện pháp tiêm Botulinum hay trong trường hợp tiểu không tự chủ ở nữ giới diễn tiến nặng thì có thể phẫu thuật để hạn chế tối đa biến chứng.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể cải thiện tình trạng này tại nhà thông qua việc luyện tập các bài tập Kegel. Thay đổi thói quen đi vệ sinh, thiết lập giờ đi vệ sinh hợp lý, điều chỉnh thói quen tiểu tiện cũng là một phương pháp để cải thiện chứng tiểu không tự chủ ở nữ giới.
Một lưu ý quan trọng khi điều trị tiểu không tự chủ ở nữ giới chính là chủ động tập luyện thể dục thể thao và ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên bàng quang. Đặc biệt, nên hạn chế sử dụng đồ uống có chứa caffeine, đồ uống có cồn cũng như không hút thuốc lá, ăn nhiều rau để cải thiện tình trạng táo bón.
Biện pháp phòng ngừa
Chứng tiểu không kiểm soát ở nữ giới có thể được phòng ngừa thông qua việc thay đổi thói quen ăn uống, luyện tập và sinh hoạt. Cần chủ động duy trì cân nặng ở mức hợp lý và thường xuyên luyện tập các bài tập kegel nhằm tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng xây dựng chế độ ăn nhiều rau củ để bổ sung chất xơ giúp hạn chế táo bón. Nếu bị táo bón hay nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang,… cần điều trị dứt điểm.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa chứng tiểu không tự chủ ở nữ giới, nên hạn chế dùng thức uống có cồn hoặc caffeine, tránh uống rượu bia hay hút thuốc lá.
Tiểu không tự chủ ở nữ giới gây nên nhiều trở ngại tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vì thế, hy vọng bài viết giúp bạn hiểu thêm về những nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả để không phải chịu những biến chứng từ căn bệnh này.