Mẹ và Con - Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh là mũi tiêm cực kỳ quan trọng. Thông thường, bệnh viện sẽ tiêm lao cho trẻ sơ sinh ngay trong vòng 24 giờ đầu đời.

Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Vì thế, việc tiêm lao cho trẻ sơ sinh cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Chắc hẳn nhiều ba mẹ sẽ có thắc mắc như tiêm phòng lao trễ có sao không? Tiêm mũi lao cho trẻ sơ sinh có tác dụng phụ gì không? Cách chăm sóc sau tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh thế nào?… Để hiểu đầy đủ về tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh thì bạn đừng bỏ qua bài viết này.

Vì sao cần tiêm lao cho trẻ sơ sinh?

Bệnh lao rất dễ lây, chỉ cần hít chung bầu không khí với người bệnh là trẻ có nguy cơ nhiễm lao. Khi nhiễm khuẩn, người bệnh dễ mắc các chứng về phổi thậm chí nhiễm khuẩn lan sang hạch bạch huyết, xương, màng não, hệ thần kinh và các cơ quan khác.

tiêm lao cho trẻ sơ sinh là cần thiết

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc lao rất cao. Do đó, theo hướng dẫn của bộ Y tế, mũi lao đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các bé đủ điều kiện sức khỏe sẽ cần được chủng ngừa lao ngay khi mới sinh.

Mũi tiêm lao cho trẻ sơ sinh dùng vắc-xin gì?

Vắc-xin ngừa lao được dùng hiện nay là BCG, là dạng vắc xin sống giảm độc lực. Nghĩa là bên trong vắc xin chứa khuẩn lao đã bị suy yếu, không gây bệnh mà giúp cơ thể tạo miễn dịch trước căn bệnh này.

Vắc-xin BCG có hiệu quả chống lại các dạng bệnh lao nặng, như lao màng não ở trẻ em. Tuy nhiên, vắc-xin này lạikhông hiệu quả với tất cả các dạng bệnh lao.

Vắc-xin cũng có thể ngăn ngừa nhiễm loét Buruli và các khuẩn lao không điển hình khác. Thông thường, mũi ngừa lao BCG có tác dụng bảo vệ trong vòng 10-20 năm sau khi tiêm lao cho trẻ sơ sinh mà không cần tiêm nhắc lại.

Tiêm lao cho trẻ sơ sinh và những điều mẹ chưa biết 2

Khi nào không nên tiêm lao cho trẻ sơ sinh?

Tiêm lao cho trẻ sơ sinh rất quan trọng nhưng trong các trường hợp như sau cần theo dõi, chống chỉ định tiêm chủng:

  • Trẻ sinh non nặng dưới 2 kg, trẻ cần chăm sóc đặc biệt sau khi sinh.
  • Trẻ sốt trên 37,5 độ.
  • Mắc một trong các bệnh: Vàng da, viêm da có mủ, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, viêm phổi, viêm tai mũi họng, suy dinh dưỡng…
  • Nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh vào lúc nào? Ở đâu?

Tiêm phòng lao càng sớm càng tốt cho bé. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ sơ sinh nên được tiêm vắc-xin phòng lao trước 28 ngày tuổi là tốt nhất. Nếu trẻ có sức khỏe tốt, không cần chăm sóc đặc biệt, có thể tiêm vắc-xin ngay trong ngày đầu sau sinh.

Vắc xin ngừa lao thuộc chương trình lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì thế, bạn có thể đưa bé đi tiêm miễn phí tại các trạm y tế xã, phường, các trung tâm y tế huyện thành phố trong hệ thống.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể chọn lựa tiêm ngừa lao dịch vụ tại các phòng khám, bệnh viện. Cần lưu ý chọn nơi tiêm chủng uy tín, có trang thiết bị y tế đầy đủ để kịp thời xử lý phản ứng sau tiêm nếu có.

Tiêm lao cho trẻ sơ sinh muộn có được không?

Tiêm lao cho trẻ sơ sinh được khuyến cáo là càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bé không thể được tiêm ngay sau khi sinh.

Nếu trẻ được tiêm muộn hơn 1 tháng sau khi sinh, cần làm xét nghiệm kiểm tra xem bé đã nhiễm khuẩn lao hay chưa. Nếu trẻ đã từng nhiễm lao thì cơ thể đã có miễn dịch. Việc tiêm ngừa lúc này là không cần thiết.

Tác dụng phụ khi tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tuy có độ an toàn cao, vắc-xin BCG vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ sau tiêm. Phần lớn các tác dụng phụ này không nghiêm trọng và sẽ tự mất đi.

Điều này cũng giống với nhiều loại vắc-xin khác. Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm lao cho trẻ sơ sinh là:

  • Đau, nóng, sưng hoặc tiết dịch vết tiêm
  • Sưng các hạch bạch huyết ở vị trí nách hoặc cổ
  • Sốt, ớn lạnh sau khi tiêm là phản ứng không thường thấy.

Sau khi tiêm chủng khoảng 2 tuần – 2 tháng thì vết tiêm hình thành mụn mủ, sau đó vỡ ra tạo thành sẹo lao. Đây là tiến triển bình thường nên mẹ không cần lo lắng nhé.

Chuẩn bị gì khi tiêm phòng lao?

Cần lưu ý không để con bị đói trước khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, bạn nên thông báo chi tiết về tình trạng sức khỏe của bé như: Tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng, tình trạng sức khỏe và cần kiểm tra tổng quát trước khi tiêm.

Sau khi tiêm chủng, cần ở lại theo dõi bé ít nhất 30 phút và phải theo dõi kỹ các phản ứng trong vòng 24 giờ sau tiêm. Mẹ nên lưu ý kỹ điều này để đảm bảo an toàn cho con yêu.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Mặc dù vắc xin ngừa lao rất an toàn, rất hiếm khi xảy ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe,  bạn vẫn cần theo dõi thật kỹ. Nếu trẻ có các dấu hiệu sau thì cần đưa bé đi khám ngay:

  • Trẻ sốt cao hơn 39 độ, không thể hạ sốt, kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện 12 giờ sau khi tiêm chủng.
  • Trẻ sơ sinh quấy khóc liên tục, trẻ mệt ngủ li bì, hôn mê không thể gọi dậy.
  • Co giật hoặc liệt.
  • Nôn trớ, bỏ bú.
  • Trẻ khó thở, thở có tiếng rít, thở nhanh, ngực rút lõm, tím tái.
  • Phát ban.
  • Tay chân lạnh.
  • Hoặc các dấu hiệu bất thường khác khiến bạn thấy lo lắng.

Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng

Với các phản ứng sau tiêm lao cho trẻ sơ sinh thông thường thì bạn có thể chăm sóc bé tại nhà. Khi chăm sóc trẻ cần lưu ý:

  • Cho bú nhiều hơn, đặc biệt là với các bé sốt nhẹ cần giữ không khí thoáng mát.
  • Bế và quan sát bé thường xuyên, chú ý tránh chèn ép lên vết tiêm.
  • Các phản ứng sưng đỏ, bầm tím hoặc chảy máu có thể tự khỏi. Trường hợp nặng cần đưa bé đến cơ sở y tế để điều trị.
  • Trường hợp sưng hạch bạch huyết, viêm hạch bạch huyết có mủ đều là phản ứng bình thường, không cần điều trị. Nếu vỡ hạch bạch huyết thì cần đến cơ sở y tế để được phẫu thuật dẫn lưu và đắp thuốc chống lao tại chỗ.
  • Khi vết tiêm lao mưng mủ thì tuyệt đối không tự ý nặn, can thiệp vào vết tiêm như chườm, xoa, đắp thuốc vì có thể gây nhiễm trùng. Đây là phản ứng lành tính, bạn không cần lo lắng.

sau tiêm lao cho trẻ sơ sinh cần cho trẻ bú nhiều

Sau tiêm lao cho trẻ sơ sinh, mẹ nên cho con bú nhiều hơn

Tiêm lao cho trẻ sơ sinh là cực kỳ cần thiết, không nên bỏ qua. Nếu trẻ đã quá độ tuổi sơ sinh nhưng chưa nhiễm khuẩn lao, vẫn có thể tiêm ngừa. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có lời khuyên chính xác cho bé cưng nhé.

Bài viết liên quan