Nhiều nghiên cứu cho rằng, ăn thức ăn thừa trong tủ lạnh khi không được bảo quản và đun nấu đúng cách là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, thậm chí là ung thư. Vậy làm thế nào để bảo vệ gia đình nhỏ khỏi bệnh tật. Đây là lười khuyên từ Tạp chí Mẹ và Con.
Những vấn đề sức khỏe khi ăn thức ăn thừa “bẩn”
Ngay cả một lượng nhỏ vi khuẩn có hại cũng có thể gây nguy hiểm khi chúng ta ăn thức ăn thừa. Mặc dù vào cuối ngày gói thức ăn thừa vẫn ngon lành như khi mua vào buổi sáng, nhưng có thể chúng đã tích tụ mầm bệnh độc hại cho bạn và gia đình.
Chuyên gia dinh dưỡng của National Healthcare Group Polyclinics (NHGP) giải thích, hệ thống miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh có thể đối phó với một lượng nhỏ vi khuẩn và vi rút. Nhưng với số lượng lớn các tác nhân gây hại có thể khiến chúng ta bi nhiễm dộc nặng.
Thật vậy, những người có sức khỏe kém và dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, người già có thể chết vì ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm do thức ăn thừa
Các triệu chứng phổ biến của bệnh do thực phẩm gây ra (thường được gọi là ngộ độc thực phẩm) có thể nhẹ hoặc nặng, bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co thắt dạ dày, nhức đầu, sốt…
Trong khi hầu hết các đợt ngộ độc chỉ kéo dài 1 -2 ngày, nhưng một số bệnh nhiễm trùng thường gây khó chịu trầm trọng. Các bệnh do thực phẩm gây ra có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài liên quan đến hệ thống miễn dịch, đường ruột hoặc thận.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngộ độc thực phẩm là do bảo quản thực phẩm đã nấu chín không đúng cách. Trong khi nhiệt độ cao có thể tiêu diệt hầu hết mầm bệnh, thì thức ăn thừa trở thành nơi sinh sản của các chủng vi khuẩn độc hại như Staphylococcus aureus, Salmonella enteritidis, Escherichia coli và Campylobacter.
Cách bảo quản và tái sử dụng thức ăn thừa trong tủ lạnh
Dưới đây là những cách tốt nhất để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm mà Tạp chí Mẹ và Con muốn chia sẻ khi bạn tái sử dụng thức ăn thừa:
Yếu tố thời gian là điều cốt yếu
Thức ăn sau khi đã nấu chín nên được bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông trong vòng 2 giờ. Thức ăn thừa phải được cho vào các hộp nông hoặc chia thành các phần nhỏ hơn để làm nguội nhanh và cho vào tủ lạnh ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 4°C trong vòng 2 giờ.
Nhìn chung, thức ăn thừa trong tủ lạnh có thể bảo quản được 3-4 ngày trong hộp có nắp đậy. Với thực phẩm có trong tủ đông, bạn nên dán nhãn có ghi ngày cấp đông và bảo quản trong túi có khóa kín hoặc hộp đựng bằng thủy tinh/nhựa chắc chắn.
Rã đông thực phẩm trong tủ lạnh
Khi thực phẩm được rã đông ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn hiện diện có thể sinh sôi đến mức không an toàn. Mặc dù đông lạnh khiến vi khuẩn không thể hoạt động, nhưng một số vi khuẩn có thể vẫn sống và bắt đầu nhân lên khi thực phẩm trở lại nhiệt độ phòng.
Do đó, bạn nên rã đông thực phẩm đông lạnh trong hộp đựng để hứng nước có thể chảy ra (giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo) hoặc sử dụng lò vi sóng. Bạn cũng có thể làm tan băng nhanh dưới vòi nước chảy khi chúng vẫn được bảo quản trong túi đựng thực phẩm. Lưu ý là nấu tất cả thực phẩm đã rã đông ngay khi tan băng và không làm đông lạnh lại.
Sử dụng đúng loại hộp bảo quản thực phẩm
Hộp đựng thức ăn mang đi thường được làm bằng xốp, nhựa hoặc giấy nên có thể không an toàn với lò vi sóng. Vì vậy, bạn nên bảo quản và hâm nóng thức ăn trong hộp đựng riêng biệt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy một số loại nhựa được cho là an toàn, nhưng gốm sứ và thủy tinh nên được ưu tiên nhất.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn không hâm nóng hoặc đựng thức ăn trong hộp nhựa không dành cho thực phẩm. Đặc biệt, với các loại hộp đựng chỉ dùng một lần như hộp bơ thực vật, sẽ dễ bị cong vênh hoặc tan chảy trong lò vi sóng. Tình trạng này có thể cho phép các chất độc hại trong nhựa ngấm vào thực phẩm. Tuyệt đối không dùng các loại nhựa và hộp đựng bị hư, ố hoặc có mùi hôi.
Hãy đun nóng kỹ thức ăn thừa trong tủ lạnh
Hâm nóng thức ăn sẽ giúp giết chết vi khuẩn. Điều quan trọng là bạn phải sử dụng đúng phương pháp để đảm bảo tất cả vi khuẩn đều bị tiêu diệt. Cho dù dùng lò nướng, áp chảo hay cho vào lò vi sóng, các chuyên gia khuyến nghị rằng thức ăn thừa nên được đun ở nhiệt độ tối thiểu là 74°C. Bí quyết giúp bạn kiểm soát được mức nhiệt độ này là sử dụng nhiệt kế thực phẩm.
Khi sử dụng lò vi sóng, hãy đảo đều thức ăn thừa trong quá trình hâm nóng và để yên cho thức ăn nóng trong vài phút sau đó, vì nhiệt sẽ tiếp tục tỏa qua thức ăn. Đừng quên sử dụng đồ đựng có nắp đậy an toàn cho lò vi sóng. Đặc biệt, thức ăn sẽ thừa nóng đều và giữ ẩm tốt hơn khi được đậy nắp.
Cất giữ thực phẩm thừa đúng nơi
Để tránh làm ô nhiễm chéo thực phẩm, bạn nên cất giữ riêng biệt đồ nấu chín và đồ ăn liền với thực phẩm sống, đặc biệt là thịt sống. Sử dụng hộp đựng riêng biệt, có nắp đậy phù hợp cho từng loại thực phẩm và áp dụng nguyên tắc “cất trước, dùng trước” khi tái sử dụng thức ăn thừa.
Theo đó, bạn không nên cất giữ thực phẩm dễ hỏng ở cửa tủ lạnh, đặc biệt là sữa. Nhiệt độ của thực phẩm được bảo quản ở cửa có thể tăng lên khi tủ lạnh được mở ra. Vì vậy, bạn nên bảo quản những thực phẩm có thể bị hỏng nhanh trên các ngăn chính của tủ lạnh.
Bảo quản và tái sử dụng thức ăn thừa trong tủ lạnh là chìa khóa giữ gìn sức khỏe của bạn và gia đình. Chúc bạn áp dụng thành công và cả gia đình luôn khỏe mạnh.