Mẹ&Con – Nhiều đôi vợ chồng trẻ hiện nay quan niệm, Tết không phải là những ngày chạy tới chạy lui chuẩn bị cúng kiếng đến phờ người, đó là những ngày nghỉ ngơi, thư giãn với một chuyến du lịch dài ngày nào đó.

“Xoảng!”. Gần 12 giờ trưa ngày cuối cùng của năm, xóm nhỏ bỗng nháo nhào vì tiếng đổ vỡ mâm bát, tiếng trẻ con khóc ré. Rồi một giọng đàn ông cứ thế hét toáng lên theo âm lượng càng lúc càng to: “Cô làm được bao nhiêu thì làm. Không làm được thì thôi. Thứ phụ nữ gì mà nấu có mỗi một mâm cơm cúng tất niên cũng càm ràm suốt buổi. Tôi nhậu một chút với bạn bè thì đã sao? Quanh năm suốt tháng làm đầu tắt mặt tối, được mấy ngày nghỉ cũng phải theo cô hết đi siêu thị, chen chúc kẹt xe ngoài đường đến mua hoa, biếu quà. Giờ ngồi lai rai với bạn bè một chút cô cũng bảo sao không phụ cô, bao nhiêu việc thế này mà đi nhậu. Cô muốn gì ở tôi nữa? Tết chứ có phải là dịp hành xác đâu mà cứ thế này!”.

Anh chồng sau cơn giận dữ, vùng vằng dắt xe máy phóng vèo ra đường. Hàng xóm vài ba người tốt bụng chạy sang, chỉ thấy chị vợ đang ngồi bật khóc nức nở. Mâm cơm canh cúng tất niên chuẩn bị gần xong bị hất tung hết cả, nằm vất vưởng trên nền đất. Thực tế, có một chuyện khá “bi hài kịch”: Tết là dịp lễ hội lớn nhất trong năm, có thể xem như ngày vui nhất trong năm; thế nhưng, đó cũng là dịp vợ chồng dễ xung đột, nổi quạu, cãi vã giận hờn nhau nhiều nhất. Như chị vợ trong câu chuyện vừa rồi, chỉ cần được vài người hàng xóm dỗ dành an ủi, chị uất ức xả hết ra ngay: “Trưa trờ trưa trật rồi mà cơm cúng chưa xong, em sốt ruột mới cằn nhằn ảnh. Bao nhiêu việc dồn dập, nhà cửa còn cả đống thứ chưa dọn. Ảnh thì lại cứ la cà với bạn như người rảnh nhất thế gian, em không tức sao được chứ!”.

Tết hưởng thụ

Ảnh minh họa

Đừng biến Tết thành những ngày “hành xác”

Nghe chị vợ nói, mấy chị hàng xóm ai cũng gật đầu ra vẻ cảm thông. Thế nhưng, chỉ có hai vợ chồng bác tổ trưởng tổ dân phố lắc đầu: “Con nói thế cũng phải. Nhưng thật ra con cũng có phần chưa tế nhị trong đó. Nhà đâu có mấy người mà con bày vẽ quá, cái gì cũng muốn thiệt chăm chút, thiệt cầu toàn. Chồng con nó cũng phải lăng xăng chạy tới chạy lui theo suốt cả tuần lễ liền, mệt quá nên đổ quạu. Tết thật ra khác xưa nhiều lắm rồi. Lễ nghi đương nhiên cần giữ, nhưng nên linh động, sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Chủ yếu làm sao có cái Tết yên bình, dễ chịu, vợ chồng trong ấm ngoài êm, vui vẻ, thư giãn, phụ giúp nhau trong trạng thái tâm lý thoải mái. Vậy mới là Tết hưởng thụ! Chứ cứ hành xác với quá trời công việc, tới lúc làm không nổi lại cự cãi thì có ích gì”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Lệ Minh (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) chia sẻ: “Năm nào giáp Tết, tôi cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại xin tư vấn. Hầu hết toàn là chuyện vợ chồng cãi nhau, chồng bỏ đi chưa về nhà dù đã sắp tới Giao thừa. Hỏi cho kỹ những trường hợp này, phần lớn đều có nguyên nhân vì Tết quá mệt, quá cực. Có đôi vợ chồng, con còn nhỏ xíu nhưng phải chạy từ quê ngoại sang quê nội, bé bệnh, vợ xót con càm ràm. Thế là chồng nổi nóng, bảo cô coi thường tổ tiên ông bà nhà chồng vừa vừa chứ. Sẵn mệt, sẵn căng thẳng và áp lực, lại thêm tự ái, bao nhiêu thứ dồn hết vô khiến đôi vợ chồng không ai bình tĩnh nữa. Từ vài câu nói qua nói lại, biến thành cuộc cãi vã lớn lúc nào không hay”.

Tết hưởng thụ – xu thế mới của những gia đình trẻ

Quá thấm thía và quá sợ với cảnh ba mẹ thường xuyên cãi nhau, đánh nhau những ngày giáp Tết, thậm chí là 30, mùng một Tết, chị Lê Thị Xuân Giang (Quận 10) thỏa thuận với chồng ngay từ trước lúc lập gia đình: Dù là con dâu trưởng, nhưng chị sẽ tiết chế đến mức tối đa mọi lễ nghi rườm rà. “Tôi bàn với anh chỉ cúng 3 lần là trưa 30 cúng tất niên, đón ông bà tổ tiên về ăn Tết, tối 30 cúng Giao thừa và trưa mùng 3 Tết tiễn ông bà tổ tiên đi. Những ngày còn lại, thay vì chạy ngược chạy xuôi toàn lo chuyện cúng như mẹ tôi ngày xưa, tôi chỉ làm đơn giản: đặt dĩa bánh chưng, dĩa thịt kho lên bàn thờ rồi thắp nhang. Ban đầu chồng không chịu vì anh cũng đã quen với việc từng bữa cơm trong suốt mấy ngày Tết đều phải cúng linh đình, nấu cả 5 – 6 món. Nhưng rồi, khi nghe nhiều bạn bè khuyến khích, cho biết cũng đều làm theo cách này, anh nghe theo. Chúng tôi thấy rõ ngay tác dụng sau đó. Vợ chồng vui vẻ, có nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn, áp lực Tết bỗng nhẹ hẳn đi”.

Một số trung tâm du lịch lữ hành cho biết, thậm chí, với nhiều đôi vợ chồng trẻ, Tết là dịp xả hơi, dịp đăng ký các tour du lịch dài ngày. Tất nhiên cũng không đến nỗi bỏ hết các nghi lễ thiêng liêng hay chuyện sum vầy, đoàn tụ của đại gia đình, nhưng nhiều đôi vợ chồng trẻ đã chọn cách về một trong hai quê thăm từ ngày giáp Tết. Đến 30 và mùng 1 đón Tết ở quê còn lại. Ví dụ năm nay giáp Tết ở quê ngoại, rồi đón Giao thừa ở quê nội thì năm kế tiếp lại đổi ngược vị trí cho chu toàn với bố mẹ hai bên. Còn lại, đến ngày mùng 2 trở đi, nhiều đôi vợ chồng đã tìm đến nơi yên tĩnh nào đó để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng những ngày Tết yên lành đúng nghĩa.

“Không ít bạn trẻ dù rất thích nhưng vẫn không dám thực hiện điều này, sợ mang tiếng là bỏ bê lễ nghi. Nhưng thử mà xem! Dám thử một lần, bạn sẽ thấy mình có được những ngày nghỉ vui vẻ, đáng nhớ, khỏe khoắn và đầy ắp tiếng cười hơn nhiều. Đã 3 năm nay, vợ chồng mình đón Tết cực kỳ gọn. Chỉ vài thứ chăm chút, sửa sang cho nhà cửa. Thấy khỏe tới đâu thì dọn tới đó, không gây áp lực cho mình. Anh xã mình cũng bỏ hẳn quan niệm Tết là phải thăm hỏi hết tất cả bà con, đến nhà nào cũng phải ăn, phải nhậu. Ảnh chỉ gọi điện chúc Tết, còn lại chỉ thăm đại gia đình ruột thịt và một số người thật sự gần gũi. Ấn tượng ngày Tết của mình bây giờ luôn là cảnh hai vợ chồng nằm ngủ say bên nhau đến tận 7 giờ sáng. Sau đó thong thả ăn sáng, đạp xe đạp tìm chỗ cà phê với nhau. Hồi xưa mẹ chồng tôi cứ bảo, ngày Tết phải thực hiện đủ hết mọi nghi lễ cần thiết thì mới hên. Nhưng giờ, chính bà cũng thừa nhận: Tết khỏe, đầy ắp tiếng cười, thư giãn, thoải mái thế này mới chính là sự khởi đầu đầy may mắn cho một năm mới!”, chị Nguyễn Thị Hồng Trang (Quận 2) chia sẻ.

Gia Nghi

> Lấy chồng bằng tuổi – một ván bài hôn nhân đầy may rủi?

> Vợ chồng cãi nhau nên làm gì để hạn chế hôn nhân đổ vỡ?

Tags:

Bài viết liên quan