Hiếu động chưa hẳn đã thông minh
Cũng như chị Hoa, chị Thanh Thu (Q. Phú Nhuận) cũng không nghĩ là cậu con trai 5 tuổi của mình bị bệnh, ngoại trừ việc bé vẫn chưa nói rành rọt như bạn bè cùng lứa, dù nói rất nhiều. “Lúc trước, mỗi lần nó nghịch, cứ thấy ba nó la mắng là mình lại gạt đi, bảo trẻ con phải nghịch ngợm, hiếu động thì mới phát triển, thông minh được. Nhưng càng ngày càng thấy nó nghịch thái quá, mình mắng thì nó la hét, đập phá om sòm. Riết rồi đến chơi nhà bạn bè cũng không dám cho con đi theo, vì sợ không quản nổi. Mấy lần nó ăn vạ đòi vơ hết thứ này đến thứ khác về nhà rồi nhảy nhót, leo trèo trên bàn ghế bị té làm tôi cũng hoảng hồn. Thật tình khi bác sĩ bảo cháu bị tăng động giảm chú ý, tôi cũng chẳng biết là bệnh gì…”, chị Thu tâm sự.
Còn bé N. Anh (6 tuổi), con chị Mai Phương (nhân viên kinh doanh, Q.10) thì không có biểu hiện gì nhiều ngoài việc hơi bướng bỉnh, hay lơ là. Chị Phương bộc bạch: “Khi nghe cô giáo than phiền cháu quậy phá bạn bè, hay tự ý chuyển chỗ, mất tập trung trong giờ học và không chịu nghe lời, tôi còn bảo, con gái bướng bỉnh là chuyện thường. Hơn nữa, mấy tháng đầu đi học, cháu học tốt lắm nên sao tôi nghĩ là con có vấn đề cho được. Nuôi con nhỏ, khi nghe nói bệnh thì bà mẹ nào cũng chỉ nghĩ coi con có bị trầy xước, đau ốm gì không chứ ai nghĩ đến những bệnh về tâm thần?!”.
Đó cũng là tâm lý chung của nhiều mẹ nên bệnh tăng động giảm chú ý, dù đã có từ rất sớm nhưng ít được các mẹ quan tâm. Thực chất, nguyên nhân của bệnh tăng động giảm chú ý là do bé bất thường về não. Có thể trong thời gian mang thai, mẹ bị nhiễm virus, có sang chấn trong quá trình sinh nở hay khó sinh… Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp bé bị di truyền. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 thì các bé nam mắc chứng tăng động giảm chú ý nhiều hơn các bé nữ với tỉ lệ nữ/ nam là 1/ 5-6.
Phát hiện càng sớm càng dễ điều trị
Không ít phụ huynh ngộ nhận sự hiếu động, nghịch ngợm của bé là thông minh hay sự phát triển bình thường cần phải có nên chỉ đưa bé đi kiểm tra khi bé quá quậy phá hay bắt đầu gặp những tai nạn nho nhỏ do mất tập trung, trí nhớ kém… Trong khi đó, tăng động giảm chú ý là bệnh không phải nằm điều trị tại bệnh viện mà cần tư vấn, phối hợp các biện pháp trị liệu như: Tâm lý – giáo dục, trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức – hành vi… nên cần được phát hiện sớm. Trong trường hợp bé bị các triệu chứng rối loạn nghiêm trọng có thể dùng liệu pháp hóa trị liệu.
Thực tế, nếu được phát hiện sớm, kiên trì điều trị thì chỉ trong 3 – 6 tháng, bé sẽ có những cải thiện đáng kể. Bé dưới ba tuổi thường được điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn. Với lứa tuổi này, phụ huynh và người thân trong nhà cũng có thể trực tiếp giúp bé bớt hiếu động bằng những việc như cho bé chơi từng món đồ chơi một thay vì để cả đống đồ chơi xung quanh. Nhờ bé làm những việc vặt nhẹ nhàng, dạy bé cất dọn đồ chơi sau khi chơi xong, hay cho bé chơi xếp hình, tô màu, vẽ tranh… để giúp bé điều chỉnh hành vi.
Tuy nhiên, những trường hợp phát hiện bệnh trước khi bé 3 tuổi không nhiều. Dù phát hiện con bị bệnh cũng không phải là quá trễ (khi bé được 3 tuổi rưỡi) nhưng chị K.Hoa cũng khá vất vả với “cậu ấm” nhà mình. “Cực mấy cũng phải chịu thôi. Chỉ sợ không điều trị đến nơi đến chốn, lớn lên cháu thành người hay gây gổ, đánh nhau, dễ bị bạn xấu lôi kéo, hay vướng vào những việc phạm pháp, tệ nạn xã hội… như các bác sĩ cảnh báo thì khổ!”, chị Hoa tâm sự.
Trong khi đó, chị Mai Phương, mẹ của bé N. Anh cho biết: “Đến tận khi cháu đi học, tôi mới biết cháu bị tăng động giảm chú ý nên có lẽ việc điều trị sẽ khó khăn hơn một chút nhưng phải kiên nhẫn thôi. Hàng tuần, tôi phải đưa cháu đến lớp học đặc biệt. Dạo gần đây, cháu đã nói chuyện với mẹ từ tốn hơn, diễn đạt cũng đúng hơn chứ không còn lắp bắp nhiều như trước nữa!”.
Những biểu hiện của bé mắc chứng tăng động giảm chú ý
– Khó tập trung chú ý trong một khoảng thời gian nào đó: Bé thường bị phân tâm bởi những tác động bên ngoài như tiếng ồn hoặc sự chuyển động. Những khuấy động này có thể làm bé trở nên mơ màng, mông lung trong thế giới riêng của mình.
– Liên tục hoạt động: Những bé mắc chứng này đều có mức độ hoạt động cao hơn so với các bé cùng độ tuổi. Bé lúc nào cũng cựa quậy và rất khó ngồi yên được một chỗ lâu. Bé liên tục di chuyển sự tập trung chú ý của mình từ hoạt động này sang hoạt động khác.
– Hấp tấp: Đa phần các bé hiếu động hay tỏ ra bốc đồng và hăng hái. Bé luôn muốn tìm việc gì đó để làm mà không cần suy nghĩ xem mình đang làm việc gì, có cần thiết không. Do đó, bé hay gặp trục trặc với những việc mình ngẫu hứng, không biết sắp đặt hay làm việc theo kế hoạch. Sự hấp tấp, bốc đồng của bé thường kéo theo những hành động sai như nói dối, ăn cắp, đánh nhau…
– Bé vụng về, hậu đậu: Bé bị tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn trong việc phối hợp các động tác, từ những việc thông thường như đánh răng, rửa mặt, mặc áo quần cho đến viết chữ… Điều này khiến bé chậm tiếp thu và không thể thực hiện được những hành động tự chủ một mình như đi xe đạp hay chơi các trò chơi lò cò, nhảy dây, nhảy cao hoặc kém phát triển các kỹ năng như đá bóng, bắt bóng…
– Trí nhớ kém: Đặc biệt, những bé mắc chứng này gặp khó khăn trong việc lưu giữ thông tin đã được nghe nói. Do đó, sẽ thật “bất khả thi” nếu bắt bé nhớ vanh vách những kiến thức đã học trước đấy một hai tuần.
– Ương ngạnh: Đây là cá tính thường có ở đa số bé mắc hội chứng tăng động giảm chú ý. Bé thường cố chấp và hay phản kháng lại những thay đổi khác với thói quen, công việc hàng ngày. Nếu buộc phải thay đổi, bé dễ có những cơn bốc đồng và thay đổi tính khí.
– Bé hay gây gổ, sinh sự với người khác: Bé hay tìm cách gây hấn nên cũng dễ bị hăm dọa hơn những bé khác. Hoặc bé tự rút lui chịu thua, tỏ ra thiếu tự tin, và trong trường hợp mức độ thiếu tự tin nghiêm trọng, bé sẽ mắc chứng hoang tưởng.
– Xáo trộn giấc ngủ: Bé có thể khó ngủ hoặc ngủ rất say. Thường xuyên bị ác mộng hoặc mộng du, trong khi những bé khó ngủ thì lại hay giật mình thức giấc.
– Thèm ăn: Do cần rất nhiều năng lượng để hoạt động nên bé mắc chứng tăng động giảm chú ý cũng thường bị rối loạn trong việc ăn uống ngay từ khi còn bé. Bé ăn uống rất nhiều hoặc rất kén ăn, chỉ có thể ăn được một số thức ăn ưa thích.
– Diễn đạt từ ngữ chậm: Lúc đầu, bé phát triển khả năng nói bình thường nhưng về sau thì chậm lại. Có thể bé phát âm rất khó và có tật nói lắp. Bé thường gặp khó khăn trong việc học các môn tập đọc, tập viết.
Những biểu hiện này thường kéo dài liên tục trên 6 tháng, xuất hiện trước khi bé 6 tuổi. Bạn nên chú ý theo dõi, nếu thấy con có các triệu chứng này (không phải bé nào bị tăng động giảm chú ý cũng có hết tất cả các triệu chứng), cần đưa bé đi kiểm tra để có sự phối hợp điều trị đúng lúc.