Thay vì ngay lập tức nộp đơn từ chức, bạn nên dành một chút thời gian để cân nhắc và nhận ra rằng nghỉ việc không phải là lựa chọn duy nhất của bạn. Không thể lúc nào chúng ta cũng yêu thích công việc, nhưng bạn có thể yêu thích ý tưởng làm việc hay các khía cạnh khác nhau của nó. Vậy liệu chúng ta có cách nào để tìm lại tình yêu công việc?
Dưới đây là 13 cách để tái tạo tình yêu dành cho công việc và khơi gợi niềm hứng khởi như ngày đầu tiên bạn đi làm. Cùng khám phá nhé!
13 cách tìm lại tình yêu công việc
Xác định xem bạn muốn nghỉ việc hay rời bỏ sếp
Bạn có thể không muốn rời bỏ công việc, mà chỉ muốn rời bỏ người quản lý của mình. Một nghiên cứu cho thấy 50% nhân viên rời bỏ công việc “để tránh xa người quản lý, nhằm cải thiện cuộc sống tổng thể của họ tại một thời điểm nào đó trong sự nghiệp”.
Nếu bạn thấy mình trong tình huống này, nhưng vẫn thực sự yêu thích công ty mà bạn đang làm, hãy cân nhắc lựa chọn chuyển đổi phòng ban trong nội bộ công ty. Hãy tạo cho mình cơ hội để làm việc với các nhóm khác nhau và xác định nguyên nhân thật sự bạn muốn nghỉ việc là do người quản lý hay đó là công việc bạn không thích trước khi nộp đơn thôi việc.
Những thay đổi nhỏ có thể tạo ra tác động đáng kể trong việc giúp bạn yêu thích công việc của mình trở lại đấy.
Học thêm những điều mới mẻ
Nếu đã làm những công việc giống nhau trong suốt 5 năm qua, rất có thể bạn đang cảm thấy nhàm chán và không có hứng thú. Lúc này, hãy thử thách bản thân bằng cách học một cái gì đó mới và thú vị.
Bạn có thể đề nghị tham gia hay hỗ trợ một bộ phận khác, xung phong nhận trách nhiệm mới, tham gia một khóa học để nâng cao kỹ năng, tham dự các hội thảo phát triển nghề nghiệp. Dù bạn làm gì, hãy chắc chắn rằng nó thú vị với bạn. Nó sẽ giúp bạn nhìn nhận vai trò của mình dưới một góc nhìn mới.
Chán nản sẽ khiến bạn nhanh chóng rời bỏ công việc, nhưng hào hứng với một điều gì đó mới sẽ giúp bạn thấy hưng phấn trở lại.
Đề xuất mong muốn của bạn
Thay vì đợi đến cuộc phỏng vấn thôi việc mới nói ra những bức xúc của mình, bạn có thể tự đề nghị được trao đổi với quản lý trước khi quyết định thôi việc. Tương tự như bạn không thể “đọc” suy nghĩ của người quản lý, họ cũng vậy. Họ sẽ không thể cung cấp cho bạn những gì bạn muốn, nếu không biết điều đó.
Trong cuộc nói chuyện, hãy nói ra mục tiêu và đưa ra các phương án điều chỉnh để bạn có thể tiếp tục công việc của mình. Đó có thể là yêu cầu được giao phụ trách một dự án mới, một lịch trình linh hoạt hoặc đề nghị tăng lương… Đừng ngần ngại, nếu không bạn sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào nữa.
Đặt mục tiêu mới cho bản thân
Mục tiêu là tiêu chuẩn để bạn đánh giá sự phát triển nghề nghiệp của mình. Không có mục tiêu, chúng ta thường cảm thấy mất phương hướng và không có động lực làm việc.
Nếu bạn thấy rằng bạn hiện đang làm việc mà không có mục tiêu rõ ràng, đã đến lúc thay đổi điều đó. Mục tiêu giúp bạn thúc đẩy sự nghiệp của mình tiến lên. Chúng có thể là sự thay đổi chính xác mà bạn cần để yêu thích công việc của mình.
Thay đổi không gian làm việc
Bạn làm việc trong một không gian cố định trung bình 40 giờ một tuần. Sự lặp lại trong một môi trường không bao giờ thay đổi trực quan có thể trở nên đơn điệu và khiến bất kỳ ai cảm thấy chán ngán.
Nếu bạn không thay đổi môi trường của mình trong nhiều năm, không có gì ngạc nhiên khi bạn không còn cảm thấy yêu thích công việc nữa. Hãy thay đổi nó. Đơn giản nhất là di chuyển đồ đạc xung quanh, mang vào một số cây, thay đổi tranh treo tường… Một vào thay đổi nhỏ về hình ảnh có thể mang lại hứng khởi cho ngày làm việc của bạn.
Thay đổi những gì bạn có thể kiểm soát
Hãy sống tích cực bất cứ khi nào có thể. Điều này không có nghĩa là bạn phải luôn nở nụ cười trên môi vào mọi thời điểm trong ngày. Nhưng đừng để những thất vọng nhỏ làm lu mờ tất cả những điều tốt đẹp trong công việc của bạn.
Thay vào đó, hãy làm những việc như cảm ơn mọi người khi họ giúp đỡ bạn, tán thưởng khi đồng nghiệp giúp đỡ một phần công việc khó khăn, suy nghĩ tích cực hơn bằng cách liệt kê một điều tuyệt vời xảy ra hàng ngày… Đặc biệt, đừng để đồng nghiệp kiểm soát cảm xúc của bạn.
Bạn muốn tái tạo tình yêu dành cho công việc, hãy bắt đầu bằng cách nuôi dưỡng một thái độ tích cực khi làm việc.
Nhận ra vai trò của bạn trong công việc
Thay vì tập trung vào vai trò của bạn trong bộ phận hiện tại, hãy nghĩ về tác động rộng lớn hơn mà bạn đã mang đến. Hãy tiến thêm một bước và tập trung vào tác động tích cực mà bạn mang lại cho người khác, cho công ty.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở những người lao công trong bệnh viện, những người ý thức được vai trò của họ là giúp đỡ bệnh nhân sẽ có trải nghiệm tốt hơn tại bệnh viện và cảm thấy hài lòng hơn với công việc hiện tại. Đừng tự hạ thấp mình. Thay vào đó, hãy mở rộng tầm nhìn, đánh giá đúng giá trị của bản thân, từ đó yêu lại công việc hiện có.
Ngừng phàn nàn và thay đổi quan điểm của bạn
Nếu bạn đang chán công việc hiện có, nhưng chưa sẵn sàng cho một công việc mới, hãy thử điều chỉnh thái độ của mình. Đầu tiên là ngừng phàn nàn, trách cứ, so bì, nói xấu…
Hãy để các đồng nghiệp biết rằng, họ sẽ không được biết bất kỳ thông tin nào về những bức xúc của bạn. Nếu phải nói về công việc, chỉ nói về những điều tích cực. Bên cạnh đó, hãy giúp đồng nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc dựa trên nhiệm vụ, thay vì các vấn đề cá nhân liên quan đến cảm xúc.
Bạn sẽ không thể yêu thích công việc của mình, nếu bạn và những người xung quanh cứ phàn nàn về việc sếp “khó ưa” ra sao, chế độ thiếu hấp dẫn thế nào…
Du lịch giúp bạn tìm lại tình yêu công việc
Kiệt sức là điều có thật và nó sẽ xâm nhập vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn trừ khi bạn chú ý và nghỉ ngơi để loại bỏ nó.
Vì thế, để tái tạo tình yêu dành cho công việc, hãy sử dụng kỳ nghỉ để cùng gia đình thực hiện một chuyến đi xa. Nếu không có quá nhiều thời gian, một buổi sáng cuối tuần tạm gác mọi lo lắng tại quán cà phê yêu thích, rạp chiếu phim với những bộ phim mới công chiếu… cũng có thể hiệu quả. Hãy hoàn toàn ngắt kết nối với công việc và cho bản thân thời gian để suy nghĩ về điều gì đó khác ngoài công việc.
Chẳng ai có thể yêu thích công việc, nếu chúng khiến họ mệt mỏi, căng thẳng và hàng ngày đến công ty chỉ để hoàn thành trách nhiệm của mình.
Tìm hiểu về chế độ phúc lợi của công ty
Bạn có đang tận dụng hết những quyền lợi sức khỏe mà công ty cung cấp hay bạn thậm chí còn chưa biết mình được hưởng những gì?
Chế độ của một công ty không chỉ là tiền lương, đó là tất cả các đặc quyền và lợi ích đi kèm với nó. Nếu còn băn khoăn, hãy liên hệ với bộ phận nhân sự để tìm hiểu về những gì bạn có thể được nhận. Khi biết về các chế độ phúc lợi cho mình, bạn không chỉ không tận dụng được cơ hội thụ hưởng mà còn cảm thấy công việc mình đang có kém hấp dẫn.
Thử thách với một công việc phụ
Các dự án phụ là cơ hội hoàn hảo để học hỏi và mở rộng các kỹ năng của bạn. Bạn có thể thấy rằng những gì bạn học được vừa giúp nâng cao vai trò hiện tại, vừa có thể đưa bạn đi theo hướng mà trước đây bạn không có được. Hoặc bạn cũng có thể thấy rằng, dự án này có thể sẽ phát triển thành sự nghiệp tiếp theo của bạn.
Bằng cách giữ cho bạn bận rộn và đầy thách thức, các dự án phụ có thể mang lại lợi ích cho bạn và công ty. Thậm chí, chúng có thể giúp bạn yêu thích công việc của mình hơn.
Chỉn chu như ngày đầu đi làm
Đã bao lâu rồi bạn không ăn mặc, trang điểm chỉn chu như ngày đầu tiên đi làm? Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, ăn mặc đẹp khi đi làm sẽ nâng cao mức độ tự tin, ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận về bạn và có thể tăng khả năng tập trung của bạn. Cách ăn mặc, trang điểm không chỉ giúp bạn tự tin mà còn thể hiện sự nghiêm túc và cách bạn nhìn nhận công việc của mình.
Trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với đồng nghiệp chưa thân thiết
Có những đồng nghiệp được bạn biết rất rõ nhưng cũng có người bạn hoàn toàn mù mờ. Hãy thay đổi điều đó bằng cách mời những người bạn chưa thân thiết cùng nhau ăn trưa, uống cà phê…
Làm quen với một người mới không chỉ giúp bạn mở rộng các mối quan hệ, mà còn khiến cho bạn có cái nhìn đa dạng và đầy đủ hơn về những người xung quanh. Bạn sẽ không bao giờ biết những gì bạn sẽ khám phá và những cuộc trò chuyện này có thể giúp bạn yêu thích công việc của mình theo một cách mới.
Nếu tôi không thể tìm lại tình yêu công việc thì sao?
Bạn có biết, có thể là chúng ta sẽ chẳng còn cơ hội được làm công việc mình hiện đang ghét cay ghét đắng, do rất nhiều lý do bao gồm cả sức khỏe, công ty phá sản, thiên tai… Vì thế, hãy cố gắng trân trọng nó, vì ít ra nó cũng mang đến cho bạn những lợi ích nhất định, nhất là công việc hiện có còn có thể giúp bạn nuôi sống bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, nếu bạn đã thử mọi cách mà vẫn không thể nào tìm thấy lại sự yêu thích dành cho công việc của mình, có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm việc khác. Đừng ngại thay đổi khi cần thiết.
Tạp chí Mẹ và Con vừa dành cho bạn những lời khuyên thú vị để tìm lại tình yêu công việc sau một thời gian dài bị burn-out. Chúc bạn áp dụng thành công và tìm thấy quyết định phù hợp với chính mình.