Tắc tia sữa bị sốt tuy phổ biến nhưng mẹ cũng không thể xem thường. Không chỉ gây đau nhức khó chịu, mà còn tiềm ẩn rủi ro sức khỏe. Nếu không điều trị kịp thời, từ tắc sữa thông thường có thể dẫn tới hóa mủ, áp xe vú, u xơ vú rất nguy hiểm. Mẹ nên lưu ý dấu hiệu cũng như cách phòng và chữa tắc sữa cơ bản sau đây của Tạp chí Mẹ và Con nhé.
Tắc tia sữa bị sốt là gì?
Sữa mẹ được tạo ra từ các nang sữa sau đó đổ về xoang sữa và chảy qua ống dẫn tới đầu ti để bé bú. Tắc tia sữa là tình trạng ống dẫn bị tắc nghẽn. Lâu dần, sữa đông cứng lại tạo thành hòn cục, chèn ép những ống dẫn khác gây đau đớn, viêm nhiễm.
Tắc tia sữa bị sốt là do tế bào bạch cầu được kích hoạt để tiêu diệt dị nguyên. Tình trạng viêm càng kéo dài thì cơ thể sốt càng cao. Ngoài ra, tắc sữa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo sữa, có thể làm mẹ bị thiếu sữa, mất sữa.
Nguyên nhân gây tắc sữa
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng tắc tia sữa. Các trường hợp tắc sữa thường rơi vào những tình huống sau:
- Mẹ không cho bé bú sớm, đều đặn sau sinh. Sữa non trong vài ngày đầu sau sinh có độ đặc và sánh cao hơn nên càng dễ gây tắc sữa.
- Trong quá trình cho bú, nếu bầu vú không được giữ vệ sinh tốt, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào ống dẫn sữa tạo thành ổ viêm, cản đường đi của dòng sữa.
- Nếu đầu ti bẹt, thụt vào khiến con khó bú thì bé có thể cắn nứt ti, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Sau khi sinh nhiều mẹ bị căng thẳng, trầm cảm sau sinh dẫn tới tắc sữa.
- Mẹ bị cảm lạnh khiến sữa khó lưu thông.
- Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh chưa hợp lý.
Dấu hiệu tắc tia sữa
Tắc sữa sau sinh khá dễ nhận biết. Mẹ chú ý những dấu hiệu đặc trưng sau nhé:
- Dấu hiệu đầu tiên là bầu vú to hơn bình thường, ngực bắt đầu căng tức, sữa ra ít hoặc không tiết sữa, vắt cũng không được.
- Người nóng sốt, mệt mỏi, đau đầu nặng dần khi sữa ứ đọng nhiều lên.
- Mẹ xoa ngực và phát hiện các khối tròn sần sật, kích thước không đồng đều, gây đau. Đó chính là các cục sữa bị đông.
Tắc tia sữa bị sốt có nguy hiểm không?
Trường hợp tắc tia sữa bị sốt nhìn chung không gây nguy hiểm tính mạng. Trong lúc này mẹ vẫn có thể cho bé bú nếu vú tiết sữa. Chủ yếu mẹ sẽ thấy mệt mỏi, đau ngực, sữa ít hoặc gần như không có.
Nếu chỉ sốt nhẹ 1-3 ngày thì mẹ có thể áp dụng các cách chữa thông thường để kích sữa cho con bú bình thường. Khi sốt cao kéo dài suốt một tuần thì mẹ cần đến gặp chuyên gia ngay để tránh dẫn tới viêm tuyến vú, nặng hơn là u, hoại tử vú.
Cách phòng tắc tia sữa sau sinh
Để tránh bị tắc tia sữa sau sinh, mẹ nên chủ động thực hiện một số biện pháp như:
- Day đều bầu vú để thông tia sữa ngay sau khi sinh.
- Cho bé bú sớm, khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi sinh là có thể cho bú. Trường hợp sinh mổ thì cho bú sau 6 giờ.
- Cho bú thường xuyên, bú đều hai bên ngực.
- Trước và sau khi cho con bú mẹ nhớ vệ sinh đầu ti bằng khăn mềm thấm nước ấm. Vắt bỏ vài giọt sữa đầu trước khi cho bú và vắt/hút sạch sữa (nếu còn dư) sau khi bé bú no. Tránh để sữa còn thừa trong ống dẫn vì rất dễ vón cục, làm tắc sữa.
- Không tạo thói quen ngậm ti lúc ngủ cho bé.
- Chọn áo ngực cho con bú thoải mái, không ôm sát để tránh chèn ép ống dẫn sữa.
Cách làm thông tia sữa
Trong trường hợp ngực có dấu hiệu tắc sữa, mẹ có thể day ép, chườm nóng bầu ngực hoặc hút sữa như sau:
- Day ép bằng tay: Mẹ chú ý là day và ép lên bầu vú chứ không phải xoa. Lực day ép cần đủ mạnh để làm các cục sữa bị đông ở sâu trong bầu vú tan ra. Đè ép trong sức chịu đựng, chầm chậm theo vòng tròn khoảng 20 – 30 lần rồi đổi chiều. Làm nhiều lần để có hiệu quả.
- Chườm nóng: Nếu day ép xong mà ngực vẫn căng tức, khó chịu thì mẹ có thể tiếp tục chườm nóng. Mẹ chú ý chườm với nước ấm vừa phải tránh làm bỏng đầu ti nhé. Chườm nóng kết hợp mát-xa sẽ cho hiệu quả tốt nhất.
- Hút sữa bằng dụng cụ: Dụng cụ hút sữa thích hợp dùng khi mẹ mới bị tắc sữa nhẹ, các cục sữa đông nằm gần đầu ti. Trường hợp tắc sâu trong nang vú hoặc sữa đã vón kết thành mảng lớn thì máy hút cũng đành “bó tay”.
Ngay cả khi đã chữa khỏi thì việc tắc tia sữa bị sốt vẫn có thể tái lại bất cứ lúc nào. Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà tình trạng tắc tia sữa bị sốt vẫn không được cải thiện thì mẹ hãy đi khám ngay. Đừng chần chừ bởi tắc sữa không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn rủi ro sức khỏe nữa đấy.