Mẹ và Con - Đừng chủ quan bởi những tác hại của công nghệ đối với cuộc sống của trẻ là vô cùng lớn. Tìm hiểu ngay công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ cũng như cách bảo vệ con khỏi ảnh hưởng của công nghệ bạn nhé!

Ngày nay, công nghệ đóng một vai trò rất lớn đối với mỗi người trong chúng ta. Tuy nhiên, song song đó cũng là vô vàn những tác hại của công nghệ, đặc biệt là với sức khỏe của trẻ. Vậy làm thế nào để con có thể tận dụng hết những ưu điểm của công nghệ nhưng sức khỏe vẫn đảm bảo?

Tác hại của công nghệ với sức khỏe

Công nghệ ngày càng “xâm lấn” vào cuộc sống của những đứa trẻ trên khắp thế giới. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Common Sense Media – một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các hướng dẫn giải trí và công nghệ cho cha mẹ, trẻ em từ 8 đến 12 tuổi dành trung bình gần 5 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình của các thiết bị điện tử; trẻ em dưới 8 tuổi dành khoảng một nửa thời gian đó và nhóm đối tượng thanh thiếu niên dành hơn bảy giờ mỗi ngày. Trẻ em dưới 8 tuổi dành 39 phút mỗi ngày để xem video trực tuyến (YouTube, TikTok, v.v.) –  một con số đã tăng gấp đôi trong vài năm qua.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo Digital Vietnam in 2021 vào tháng 2/2021, tại Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội là 73,7%, tăng 11% trong giai đoạn 2020-2021. Trong đó, nhóm đối tượng thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi sử dụng mạng xã hội như sau: 4,9% thiếu niên gái và 4,3% thiếu niên trai.

Và, rất bất ngờ khi khoảng thời gian này không tính thời gian trẻ sử dụng thiết bị công nghệ để làm bài tập ở trường. Song song với những tác động tích cực, công nghệ cũng là “cú đánh lớn” đối với sức khỏe trẻ em khi trẻ không sử dụng công nghệ đúng cách. Bạn đã biết, tác hại của công nghệ đối với sức khỏe con em của chúng ta?

Tỷ lệ trẻ em béo phì tăng cao

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng nhanh đến mức báo động trong 10 năm qua. Cụ thể, theo thống kê từ Bộ Y tế trong năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em ở khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. 

trẻ béo phì

Vì sao lại như thế? Nếu dành thời gian để quan sát trẻ trong một vài ngày, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy:

  • Hầu hết thời gian của trẻ dành cho việc sử dụng thiết bị điện tử thay vì tập thể dục.
  • Khi vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, trẻ sẽ không ý thức được lượng thức ăn mà mình đang ăn, không có cảm giác no. Từ đó, trẻ ăn nhiều hơn và tăng cân không kiểm soát.
  • Không chỉ vậy, sự mất tập trung trong khi ăn sẽ khiến lượng axit trong dạ dày giảm và gây nên tình trạng rối loạn hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em
  • Ngày nay, trẻ có xu hướng ở nhà xem phim, chơi game hơn là ra ngoài chơi cùng bạn bè. Như vậy, thời gian hoạt động ngoài trời của trẻ sẽ ít hơn, trẻ cũng không vận động quá mức mà chỉ ngồi yên một chỗ – nguyên nhân dẫn đến thừa cân và béo phì.

Khả năng nhận thức kém

Tác hại của công nghệ có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ. Một nghiên cứu trên 439 học sinh, từ 12-17 tuổi cho thấy, nhóm học sinh thường xuyên sử dụng điện thoại vào ban đêm có nhận thức kém hơn so với nhóm còn lại. Điều này được lý giải khi trẻ thức đêm quá nhiều, não bộ phải hoạt động quá mức dẫn đến việc “quá tải”, không còn đủ khả năng để phân tích, xử lý các vấn đề khác.

Hơn nữa, sử dụng điện thoại quá mức thu hẹp thời gian nghỉ ngơi của trẻ, khiến trẻ bị mất ngủ, dẫn đến mệt mỏi uể oải, thiếu năng lượng, lờ đờ chậm chạp.

Nguy cơ bị cận thị cao hơn

Theo thông tin từ Cơ quan ngôn luận Bộ Y tế Việt Nam, hiện nay có đến hơn 3 triệu trẻ em bị các tật khúc xạ mắt. Trong đó, cận thị là tình trạng phổ biến hơn hết. Và hiện nay, con số trẻ em bị cận – viễn – loạn thị ngày càng có xu hướng tăng cao hơn.

trẻ bị cận thị

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này chính là do trẻ sử dụng các thiết bị điện tử quá mức. Trẻ hay có thói quen đưa điện thoại, máy tính vào gần sát gương mặt cộng với việc dùng điện thoại vào buổi tối, trong điều kiện thiếu ánh sáng. Điều này khiến ánh sáng xanh “tấn công” vào mắt nhanh hơn, tăng nguy cơ bị cận thị ở trẻ.

Không chỉ vậy, khi dùng các thiết bị công nghệ ở khoảng cách gần, thủy tinh thể phải căng phồng lên để điều tiết, dẫn đến tình trạng đau mỏi mắt, cận thị. Đừng chủ quan trước tác hại của công nghệ này nhé!

Phổi yếu hơn

Hầu hết thời gian sử dụng công nghệ, chúng ta ít tốn năng lượng nên dễ dẫn đến thở nông khiến phổi giảm khả năng hấp thụ oxy, nồng độ oxy trong máu thấp, phổi yếu hơn. Không chỉ vậy, lượng oxy trong máu không đủ để nuôi các cơ quan trong cơ thể như tim, hệ thống tiêu hóa, cơ bắp,… thì các cơ quan này cũng không thể hoạt động tối ưu được.

Theo thống kê của viện nghiên cứu khoa học Cali (Mỹ), những người ngồi máy tính từ 5 tiếng/ngày trở lên sẽ bị giảm sức đề kháng, các hoạt động của tim, phổi đều bị ảnh hưởng tối thiểu 10%.

Ngoài các rắc rối về sức khỏe thể chất, trẻ còn có nguy cơ gặp những hệ lụy về sức khỏe tinh thần như căng thẳng kéo dài do tập trung vào màn hình thiết bị quá lâu, tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu, khả năng giao tiếp kém,… 

ảnh hưởng của công nghệ

Ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp

Khi trẻ ngồi quá lâu trước màn hình máy tính hoặc ngồi sử dụng điện thoại, hầu hết các bộ phận trên cơ thể đều trong trạng thái bất động, chỉ có bàn tay, cổ và các ngón tay là hoạt động liên tục. Điều này làm tăng nguy cơ dây chằng yếu, dễ bị tổn thương hơn.

Ngoài ra, thói quen ngồi lâu trước máy tính còn làm tăng nguy cơ cơ bắp toàn thân bị nhức mỏi cùng với gai đốt sống lưng.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Applied Ergonomics đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc nhắn tin trên điện thoại di động và chứng đau cổ hoặc lưng trên ở người trẻ. Kết quả cho thấy nhắn tin trên điện thoại quá mức làm tăng nguy cơ đau cổ hoặc lưng. Ảnh hưởng này có thể kéo dài, khó khắc phục.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

“Giam mình” trong thế giới ảo, ít trò chuyện và tiếp xúc với mọi người xung quanh cũng sẽ khiến trẻ dễ bị rối loạn tăng động giảm chú ý hơn. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, thanh thiếu niên từ 15–16 tuổi sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật số có nguy cơ cao mắc các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý.

Gặp các vấn đề về giấc ngủ

Tác hại của công nghệ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như tivi, màn hình điện thoại, máy tính,… có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Sử dụng thiết bị điện tử quá mức sẽ làm tăng nguy cơ gặp các rối loạn về giấc ngủ, đặc biệt là mất ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc.

sử dụng điện thoại

Làm sao để bảo vệ con khỏi tác hại của công nghệ?

Các tác hại của công nghệ đối với sức khỏe có thể kéo dài và gây tổn thương vĩnh viễn với sức khỏe của trẻ. Do đó, cần cẩn thận khi cho con sử dụng bất kỳ thiết bị nào, bố mẹ nhé! Việc tách trẻ ra khỏi công nghệ là điều hoàn toàn không thể. Nhưng vẫn có rất nhiều cách để tạo “lá chắn” cho con khỏi những tác động tiêu cực này. 

Chỉ cho trẻ sử dụng công nghệ khi đã đến tuổi được phép

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ em dưới 18 tháng tuổi tuyệt đối không được tiếp cận với các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng,… Tốt nhất, chỉ cho trẻ sử dụng điện thoại khi con đã được ít nhất 2 tuổi. Đây là thời điểm sớm nhất mà trẻ có thể “làm quen” với công nghệ.

Giới hạn về thời gian

Để hạn chế tình trạng trẻ sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe như béo phì, cận thị, ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp của trẻ,… bố mẹ cần giới hạn về thời gian mà con được sử dụng các công nghệ trong một ngày.

Cụ thể, trẻ em từ 2–5 tuổi chỉ được dùng các thiết bị điện tử không quá 1 giờ mỗi ngày dưới sự quan sát của người lớn. Với những trẻ trên 5 tuổi, có thể tăng thời gian sử dụng thiết bị điện tử lên 2 giờ mỗi ngày. Trong trường hợp trẻ phải tham gia các lớp học trực tuyến, ngoài thời gian học, chỉ nên cho trẻ dùng các thiết bị công nghệ khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày.

cho trẻ dùng máy tính

Đặt ra những quy ước cụ thể với trẻ

Để bảo đảm trẻ dùng công nghệ đúng cách và không chịu những ảnh hưởng xấu của công nghệ đối với sức khỏe, bố mẹ nên dành thời gian để chia sẻ cùng con những hậu quả mà con có thể gặp phải trong trường hợp dùng công nghệ quá mức. Sau khi con hiểu được vấn đề, chúng ta có thể đặt ra cho con những quy ước cụ thể và để con tuân theo những quy ước này. Chẳng hạn như:

  • Con chỉ được sử dụng điện thoại/xem phim sau khi đã ăn cơm xong. Trong bữa ăn, con phải tập trung vào các món ăn và không được sử dụng các thiết bị điện tử.
  • Nếu con chơi game nhiều hơn thời gian bố mẹ cho phép, trong tuần tiếp theo con sẽ không được chơi game nữa mà phải tập thể dục để giữ sức khỏe ở mức ổn định.
  • Nếu con sử dụng máy tính sai mục đích trong thời gian đang học trực tuyến, con sẽ phải tạm ngưng việc xem phim trong 2-3 ngày.

Định hướng thói quen sử dụng công nghệ trong gia đình

Bố mẹ chính là tấm gương của trẻ. Nếu chúng ta liên tục sử dụng các thiết bị công nghệ, sẽ thật khó để bảo con dừng làm điều đó. Do đó, cả gia đình nên cùng nhau xây dựng thói quen sử dụng công nghệ lành mạnh, chẳng hạn như quy ước không dùng điện thoại trong thời gian sinh hoạt gia đình, nếu ai làm việc riêng trong khoảng thời gian này thì phải dọn dẹp nhà cửa trong ngày hôm sau.

công nghệ và tác hại

Ngoài ra, để hạn chế trẻ dùng công nghệ vào buổi tối khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng bởi những tác hại của công nghệ, nên cân nhắc đến việc tắt các nguồn phát Internet sau mỗi 10 giờ tối. Bố mẹ cũng cần hạn chế làm việc ở nhà vào khung giờ này.

Cho trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh khác

Để hạn chế trẻ sử dụng công nghệ quá mức ngoài thời gian học khiến những tác hại của công nghệ “tấn công” trẻ, bố mẹ nên đăng ký cho trẻ tham gia các hoạt động khác phù hợp với độ tuổi của con. Chẳng hạn như đưa bé đến các khu vui chơi, đăng ký các khóa hướng đạo sinh dạy kỹ năng sống, cho trẻ học vẽ, đến nhà họ hàng chơi,…

Nếu không có nhiều điều kiện, có thể để trẻ tham gia các hoạt động tại nhà cùng bố mẹ như nấu ăn, cùng nhau trang trí lại góc học tập của con, tổ chức cuộc thi kể chuyện,…

sử dụng công nghệ

Không quên những bài tập thể dục

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ có sức khỏe suy giảm khi dùng công nghệ quá nhiều chính là do trẻ ngồi yên một chỗ, ít vận động, mắt tiếp xúc với màn hình máy tính quá lâu. Do đó, muốn khắc phục tác hại của công nghệ đối với sức khỏe của trẻ, bố mẹ nên khuyến khích con vận động, tập thể dục nhiều hơn.

Mỗi buổi sáng, cả nhà có thể cùng nhau chạy bộ ít nhất 30 phút. Mỗi buổi tối, cả nhà có thể cùng nhau tập yoga thư giãn nhẹ nhàng. Ngoài ra, có thể cho con ra ngoài để chơi cùng với bạn bè. Đây cũng là một hình thức vận động hiệu quả để các cơ quan trong cơ thể được hoạt động tốt hơn.

Tạo sức mạnh cộng đồng những bố mẹ dạy con dùng công nghệ một cách thông minh

Hãy nhớ rằng, bạn chưa bao giờ cô đơn trong hành trình nuôi dạy con cái. Dạy con sử dụng công nghệ sao cho đúng cách luôn là nỗi trăn trở của những người làm bố, làm mẹ. Vì vậy, thay vì lo lắng những tác hại của công nghệ với sức khỏe của trẻ, bạn có thể tận dụng chính công nghệ để kết nối với những người bố, người mẹ khác, cùng nhau xây dựng một cộng đồng chia sẻ những bí quyết để dạy con dùng công nghệ sao cho đúng. 

Như vậy, bạn có thể chia sẻ những giải pháp của mình cũng như tham khảo thêm kinh nghiệm, câu chuyện của các gia đình nhỏ khác, bỏ túi cho mình những bí quyết hay ho để cùng con chinh phục công nghệ một cách đúng đắn nhất. Nhờ vào công nghệ, việc kết nối với mọi người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, vậy thì tại sao không tận dụng bạn nhỉ?

Công nghệ không có lỗi, lỗi do chúng ta tận dụng công nghệ sai cách mà thôi. Thay vì để sức khỏe của trẻ chịu ảnh hưởng bởi những tác hại của công nghệ, hãy bảo vệ con để con có thể tận dụng hết những ưu điểm của công nghệ trong cuộc sống, bạn nhé!

Bài viết liên quan