Mẹ và Con - Bạn đã từng biết đến sữa bò lên men nhưng đã bao giờ nghe bàn đến sữa dừa lên men chưa? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là một trong những "ngôi sao mới nổi" trong làng siêu thực phẩm đấy!

Ngoài các sản phẩm quen thuộc như kim chi, sữa chua hay phô mai thì sữa lên men cũng là một món xứng đáng đựa đặt lên kệ bếp của bạn. Trong bài viết này, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về một món giải khát vừa lạ miệng vừa “cực xịn” – sữa dừa lên men – với sức khỏe cả gia đình nhé.

Sữa dừa lên men

Sữa lên men (Kefir) là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng

Hạt kefir là môi trường cộng sinh của nấm kefir rất nhiều loại vi sinh vật có ích cho sức khỏe khác. Khi cho một chút men này vào một lượng sữa vừa đủ thì chúng sẽ lên men sữa và biến món sữa này thành một loại thức ăn nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là thành phần trợ men probiotic.

Không chỉ vậy, men sữa này còn có thể dùng đi dùng lại nhiều lần, trở thành một giải pháp vừa mang lại sức khỏe cho gia đình vừa tiết kiệm chi phí cho nhiều chị em đấy.

Bạn có thể tùy chọn nhiều loại sữa dùng để cho nấm Kefir “ăn” và dậy men. Nhưng bật mí cho bạn một điều thú vị, đó là men sữa Kefir cũng “xử lý” cả loại nước giải khát “không phải sữa” nữa nhé. Một trong các món vừa dễ làm lại vừa dễ tìm nguyên liệu ở xứ nhiệt đới như nước ta đó chính là món sữa dừa lên men.

Hiện nay, bạn có thể tìm mua các hạt kefir hoặc một dạng “thuần hóa” khác ở dạng nước – gọi là men nước Kefir, ở các siêu thị và hầu hết các cửa hàng có bán sữa trong nước.

Tại sao nên chọn sữa dừa?

Nhắc đến trái cây nhiệt đới, sẽ là một thiếu sót khi bỏ qua một loại quả không thể thiếu trong mùa hè như quả dừa. Được nhâm nhi một cốc nước dừa ngọt mát giữa tiết trời nóng bức thì còn gì bằng.

Thế nhưng, ngoài loại nước vừa ngọt vừa mát thì từ cơm dừa, bạn còn có thể chế biến thành một loại sữa dừa cực kỳ thơm ngon mà còn giàu dinh dưỡng nữa nhé.

Làm món sữa dừa như thế nào?

Sữa dừa đặc được chế biến bằng cách cạo hết lớp cơm của quả dừa, mang lớp thịt dừa này nghiền mịn rồi ninh trong nước, sau đó dùng một tấm vải mỏng để lược đi lớp thịt dừa còn sót lại, thành phẩm thu được là một hỗn hợp trắng và đặc. Sữa dừa đặc còn được gọi là nước cốt dừa đặc.

Với lượng cơm dừa còn sót lại trong lớp vải mỏng, nếu bạn tiếp tục quá trình ninh và lược thì bạn sẽ có một loại sữa dừa có màu trắng nhạt hơn gọi là sữa dừa loãng. Thông thường khi bạn mua các sản phẩm đóng hộp đều bao gồm cả hai loại đặc và loãng này.

Sữa dừa

Những lợi ích của sữa dừa với sức khỏe

Thành phần dinh dưỡng đặc trưng của sữa dừa nằm ở hàm lượng vi khoáng chất đặc biệt và lượng chất béo “xịn” có tên là MCT (medium-chain triglycerides).

Một số nghiên cứu cho thấy một kết quả bất ngờ là hàm lượng chất béo MCT trong nước dừa có khả năng giúp bạn giảm cân. Loại chất béo này được hấp thu và đem đi sử dụng làm năng lượng ngay mà không tích mỡ như các nhóm chất béo bão hòa khác từ mỡ động vật.

Chưa dừng lại ở đó, một số chuyên gia còn kết luận rằng, sữa dừa giúp bảo vệ tim bạn bằng cách giảm cholesterol, LDL (chất béo xấu) trong máu và làm tăng chất béo tốt là HDL.

Sữa dừa còn chứa một lượng khoáng chất dồi dào, bao gồm:

  • Mangan – tốt cho xương và các quá trình chuyển hóa thiết yếu của cơ thể.
  • Sắt – thành phần không thể thiếu trong máu của bạn.
  • Selen – một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào.
  • Magie – giúp tăng mật độ khoáng, cho xương chắc khỏe
  • Photpho – tạo ra năng lượng cho cơ bắp

3 lợi ích không ngờ từ món sữa dừa lên men

Tương tự như sữa lên men, sau khi sữa dừa được ủ với với nấm sữa Kefir, kết quả mang lại là một sự phối hợp đồng điệu giữa công dụng “thần kỳ” của sữa lên men và thành phần dinh dưỡng của nước cốt dừa. Tuy nhiên, chính 3 điểm sau đây đã khiến cho món sữa dừa lên men trở nên đặc biệt:

1. Sữa dừa lên men có hàm lượng ion Kali cao

Không kém cạnh gì với quả chuối – “ông hoàng” của các loại quả nhiều kali, sữa dừa chứa một lượng ion kali đáng kể đến 18% nhu cầu của bạn hàng ngày (cho 240ml sữa dừa).

Kali là một loại chất điện giải giúp chống lại quá trình tiêu xương, làm giảm nguy cơ loãng xương khi có tuổi. Một số nghiên cứu còn cho thấy công dụng của ion này trong việc bảo vệ khỏi nguy cơ đột quỵ ở cả nam và nữ.

2. Sữa dừa lên men chứa nguồn lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Bạn có biết, trong đường tiêu hóa có một “tập đoàn” chuyên lo công việc tạo ra các chất trợ men (probiotic), hỗ trợ cho quá trình hấp thu chất dinh dưỡng? Những “nhân viên” chăm chỉ này không ai khác là hệ lợi khuẩn và nấm men.

Với sự có mặt của các hạt Kefir, sữa dừa được trang bị thêm một lực lượng lợi khuẩn “hùng hậu”. Lực lượng này khi đến đường ruột của bạn sẽ giúp ngăn chặn các sự tấn công của các vi khuẩn độc hại, và một số tác dụng bảo vệ khác, chẳng hạn như:

  • Chống tiêu chảy
  • Chống các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, hô hấp, viêm phần phụ…
  • Phòng một số bệnh viêm ruột
  • Chống dị ứng và chất sinh ung thư

Một mẹo thú vị là bạn có thể tăng cường độ “khỏe” cho hệ vi sinh đường ruột khi sử dụng những thực phẩm lợi khuẩn kèm theo bữa ăn chính của mình.

3. Thực phẩm dành cho người “xấu bụng”

Bạn hay cảm thấy buồn nôn hay đau bụng khi dùng các sản phẩm liên quan đến sữa? Bạn đang mắc phải chứng không dung nạp lactose – một rối loạn phổ biến đến 86,8% dân số Việt Nam? Sữa dừa lên men chính là sản phẩm “không chứa lactose” chính hiệu dành cho bạn, vì nguyên liệu của món sữa dừa lên men này không có thành phần lactose.

Ngoài ra thành phần của sữa dừa lên men không chứa gluten nên rất an toàn khi bạn đang có rối loạn dung nạp gluten (bệnh celiac).

Lên men

Cách làm một món sữa dừa lên men “chất lừ” tại nhà

Cách lên men nước cốt dừa

Dưới đây là công thức để các chị em thể hiện khả năng khéo tay với món nước độc lạ này nhé. Không quá phức tạp đâu, chỉ cần hai loại nguyên liệu đơn giản sau là đã có thể cho ra lò món sữa dừa lên men:

Nguyên liệu:

  • 50ml men Kefir nước
  • 500 – 1.000ml sữa dừa (nước cốt dừa)
  • Một hũ nhỏ có nắp đậy

Cách làm:

  • Cho 50ml men Kefir nước vào hũ nhỏ
  • Cho lượng nước dừa trên vào trong hũ, đậy nắp lại và cho vào tủ lạnh
  • Món sữa dừa lên men này bạn nên ủ từ 12 – 24 giờ là có thể thưởng thức

Lưu ý: Việc dậy nắp vừa hay kín sẽ ảnh hưởng một chút đến vị của thành phẩm, nên nếu bạn thích sữa dừa lên men có một chút vị ga thì hãy đậy thật kín nắp nhé.

Tùy và lượng men bạn cho vào và thời gian ủ mà cho ra vị nồng của sữa dừa lên men. Thành phẩm có thể có chút vị nước có ga và có độ cồn từ 0.001% đến 2%, chắc chắn sẽ vừa miệng với các bạn thích cồn nhẹ hay các đấng mày râu. Bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh và lấy uống dần mỗi ngày.

Ai có thể dùng được sữa dừa lên men?

Hiện nay chưa có nguồn thông tin chính thức về các tác dụng phụ của sữa dừa lên men. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 1 tuổi, vì lượng trợ men trong sữa mẹ đã đáp ứng đủ nhu cầu của con.

Trong những ngày sum họp cuối tuần, còn gì hay hơn một món nước vừa bổ sung dưỡng chất lại vừa mang lại cảm giác mới mẻ như sữa dừa lên men. Chắc chắn món ăn này sẽ khiến cho không khí gia đình hay cuộc hội ngộ bạn bè thêm thú vị và tăng cường sức khỏe trong mùa dịch thật hiệu quả.

Bài viết liên quan