Mẹ và Con - Nếu nói silent treatment được xem như một dạng "bạo hành tinh thần", vậy bạn đã bao giờ đối xử hay bị đối xử như vậy bởi người yêu, người bạn đời của mình chưa?

Bạn cho rằng những lời nói ác ý mới có thể làm tổn thương đối phương? Đôi khi, sự im lặng quá lâu hay còn gọi là Silent Treatment cũng là một điều gây tổn thương trong một mối quan hệ, khi bạn đang dày vò người ấy bằng những cách liên tục im lặng, phớt lờ họ.

Silent Treatment là gì?

Silent Treatment hay bạo lực lạnh về cơ bản là sự tránh né hoặc phớt lờ ai đó một cách cố ý. Đó là sự từ chối giao tiếp bằng lời nói, thậm chí giả vờ như người kia không hề tồn tại.

Việc đối xử im lặng với một nửa của mình có thể là giải pháp đối với một số người để tạm thời kiểm soát cảm xúc tức giận hoặc tìm cách để diễn đạt những cảm xúc của mình thành lời. Tuy nhiên, nếu một người cố ý sử dụng sự im lặng để tạo thành rào cản cảm xúc giữa 2 người, một cách để đối phương bị tổn thương hoặc để thao túng cảm xúc của đối phương thì đây có thể được xem như bạo lực lạnh và là dấu hiệu của một mối quan hệ toxic.

silent treatment là gì

Nhận diện Silent Treatment trong một mối quan hệ

Có rất nhiều biểu hiện ở một người đang áp dụng Silent Treatment nhưng nhìn chung, các dấu hiệu sẽ xoay quanh việc một người im lặng kéo dài với bạn, chẳng hạn như:

  • Sử dụng sự im lặng để làm tổn thương bạn: Một nửa của bạn có thể sử dụng sự im lặng với mục đích làm tổn thương bạn bằng cách từ chối quyền được trò chuyện hay thảo luận của bạn.
  • Không nói chuyện trong thời gian dài: Silent Treatment còn được thể hiện thông qua việc từ chối nói chuyện với bạn trong thời gian dài, có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần và chỉ dừng lại khi bạn xin lỗi (dù đôi khi bạn không phải là người sai).
  • Cố tình phớt lờ bạn: Bạn có thể nhận thấy rằng một nửa của bạn nói chuyện bình thường với người khác, nhưng lại bắt đầu cự tuyệt bạn trong cuộc trò chuyện của hai người hay thậm chí phớt lờ bạn khi đang trò chuyện chung với nhiều người.
  • Từ chối thừa nhận bạn: Silent Treatment là khi người ấy không đáp lại những cử chỉ và nỗ lực nói chuyện của bạn cho đến khi bạn cầu xin và xoa dịu họ.
  • Đổ lỗi cho bạn vì sự im lặng: Người ấy của bạn có thể lợi dụng sự im lặng để khiến bạn cảm thấy tội lỗi về hành vi của họ hoặc khiến bạn cảm thấy mình đáng bị đối xử như vậy.
  • Giữ im lặng khi mọi việc không diễn ra theo ý muốn: Silent Treatment còn có thể xuất hiện khi một nửa của bạn sử dụng sự im lặng để kiểm soát bạn trong những tình huống không diễn ra như họ mong muốn.
  • Thao túng bạn thông qua sự im lặng: Người ấy sử dụng Silent Treatment như một công cụ để thao túng hành vi của bạn. Họ tác động mạnh mẽ đến quyết định của bạn thông qua sự im lặng để bạn đưa ra những quyết định phù hợp với mong muốn của họ.
  • Sử dụng sự im lặng để trốn tránh trách nhiệm: Trong tình yêu và hôn nhân, một nửa của bạn có thể khép kín hoặc thu mình lại khi bạn chỉ ra những hành vi tiêu cực của họ để họ có thể tránh phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý: Nếu sự im lặng của đối phương có tác động tiêu cực đến tâm trạng và sức khỏe tâm lý của bạn, khiến bạn cảm thấy bị cô lập, lo lắng và bối rối thì đó chính là biểu hiện rõ rệt của Silent Treatment – bạo lực lạnh.
  • Phớt lờ bạn trên mạng: Người ấy cũng có thể đang im lặng với bạn trên mạng. Họ có thể để bạn biết rằng họ đã đọc tin nhắn của bạn, nhưng sẽ không phản hồi cuộc gọi, không trả lời tin nhắn của bạn trong nhiều giờ.

như thế nào là silent treatment

Silent Treatment có phải là một cách làm tổn thương người khác?

Có nhiều lý do để một người lựa chọn im lặng khi bước vào trong tình yêu hay cuộc sống hôn nhân. Một số người có thể sử dụng cách đối xử im lặng như một phản ứng thụ động hung hăng để bạo hành tinh thần đối phương, giành quyền kiểm soát hoặc quyền lực đối với người khác. Hoặc đôi khi đó có thể là do họ chưa biết phải đối mặt với bạn và vấn đề của cả hai như thế nào nên chọn cách im lặng.

Tuy nhiên, việc im lặng có thể phá hủy sự gần gũi về mặt tình cảm và sự kết nối giữa hai người trong tình yêu và hôn nhân. Một cặp đôi thiếu giao tiếp có thể không hài lòng với mối quan hệ, dẫn đến cả hai bên đều có cảm xúc tiêu cực. Người nhận được sự đối xử im lặng có thể cảm thấy chán nản, cô lập, thất vọng và tức giận. Khi cảm xúc của một người bị bỏ qua, họ có xu hướng cảm thấy không được yêu thương, không xứng đáng và cho rằng bản thân mình thật tầm thường.

Ngoài ra, Silent Treatment cũng làm cho những xung đột và vấn đề trong mối quan hệ không được giải quyết vì bạn và người ấy không thể ngồi lại nói chuyện với nhau. Điều này lâu dần sẽ gây ra những thay đổi trong hành vi của cả hai và cuối cùng, mối quan hệ đi đến tan vỡ.

silent treatment diễn ra như thế nào

Càng cố lờ nhau đi, vấn đề của bạn càng trở nên rối rắm. Vì vậy, thay vì lựa chọn Silent Treatment, hãy tập trung giải quyết vấn đề. Và nếu đối phương sử dụng Silent Treatment với bạn, có lẽ bạn nên cân nhắc lại việc có bước tiếp với mối quan hệ này hay không. 

Bài viết liên quan