Mẹ và Con - Hầu hết các cặp vợ chồng khi kết hôn sẽ có những dự định riêng về con cái. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng dễ có con sau khi kết hôn. Vì trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng gặp tình trạng hiếm muộn. Chính vì vậy, phương pháp thụ tinh ống nghiệm đã ra đời và được xem như là một lựa chọn hoàn hảo cho các cặp đôi hiếm muộn.

Tuy là một phương pháp điều trị hiếm muộn phổ biến nhưng thụ tinh ống nghiệm cũng không hẳn là lựa chọn quen thuộc, nhất là đối với các cặp vợ chồng chưa có nhiều kinh nghiệm. Mẹ và Con sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm.

Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF) là một kỹ thuật phức tạp giúp điều trị các trường hợp vô sinh, hiếm muộn hoặc các vấn đề về di truyền liên quan đến giới tính.

Hiện nay, phương pháp này được nhiều cặp đôi lựa chọn vì mang đến hiệu quả cao nhất trong các công nghệ hỗ trợ sinh sản. Ở Việt Nam, phương pháp thụ tinh ống nghiệm được áp dụng để điều trị cho các cặp đôi nhằm tăng khả năng có con. Đây được xem là biện pháp cuối cùng sau khi đã thử nhiều cách như dùng thuốc hay phương pháp thụ tinh nhân tạo khác nhưng không thành công.

Trường hợp có thể thụ tinh trong ống nghiệm

Không phải bất kỳ trường hợp hiếm muộn nào cũng có thể thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được. Phương pháp này chỉ hiệu quả với các cặp vợ chồng có nguyên nhân gây vô sinh không làm mất đi hoàn toàn khả năng thụ tinh của trứng và tinh trùng.

Những nguyên nhân có thể sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm:

Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc bị tắc nghẽn: Tình trạng tắc ống dẫn trứng hoặc vòi trứng bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh hoặc các phôi thai không thể di chuyển về tử cung. Từ đó không thể làm tổ ở tử cung.

Rối loạn phóng noãn (rối loạn rụng trứng): Tình trạng rụng trứng không thường xuyên, sẽ dẫn đến khó thụ thai.

Suy chức năng buồng trứng sớm: Tình trạng mất chức năng buồng trứng diễn ra trước 40. Suy buồng trứng sớm sẽ khiến buồng trứng không tạo ra lượng estrogen hay trứng không thể rụng thường xuyên được.

Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi nội mạc tử cung nằm bên ngoài tử cung, gây ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, ống dẫn trứng… ảnh hưởng để khả năng thụ thai. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

U xơ tử cung: U xơ là những khối u lành tính trong thành tử cung và thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi từ 30 – 40, khiến việc thụ thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn.

Đã thắt ống dẫn trứng: Nếu bạn đã thực hiện thủ thuật triệt sản này, song lại muốn mang thai thì thủ thuật IVF chính là phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp cho bạn.

Lượng tinh trùng thấp hoặc tinh trùng yếu: Nồng độ tinh trùng dưới mức trung bình hay tinh trùng chuyển động yếu, xảy ra các bất thường về kích thước và hình dạng… sẽ rất khó để thụ tinh cho trứng. 

Vô sinh không biết nguyên nhân: Tình trạng vô sinh hiếm muộn, nhưng các bác sĩ không xác định được nguyên nhân.

*Bên cạnh đó, với những trường hợp phụ nữ mắc các bệnh nghiêm trọng không thể mang thai có bất thường ở tử cung khiến phụ nữ khó thụ thai cũng có thể chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm và nhờ người mang thai hộ. Trường hợp này, trứng của người vợ sẽ được thụ tinh với tinh trùng. Sau đó phôi thai sẽ được cấy vào tử cung của người mang thai hộ.

điều trị hiếm muộn

Các bước khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm

Bước 1: Kích thích buồng trứng

Trước và trong khi thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ sẽ theo dõi buồng trứng của bạn và thời gian rụng trứng. Bác sĩ sẽ đảm bảo rằng buồng trứng của bạn đang sản sinh trứng và nồng độ hormone của bạn là bình thường.

Hầu hết phụ nữ dùng thuốc sinh sản hoặc hormone trong thời gian này để kích thích buồng trứng sản sinh một hoặc nhiều trứng. Có nhiều trứng để thụ tinh sẽ làm tăng cơ hội mang thai của bạn.

Bước 2: Chọc hút trứng

Trong bước này, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau để giảm khó chịu. Sau đó một cây kim rất nhỏ được đưa qua thành âm đạo trên. Với việc sử dụng siêu âm âm đạo, dịch được lấy ra khỏi các nang bằng cách hút nhẹ. Ngay sau khi hút được nang trứng, noãn bào được phân lập khỏi dịch nang trứng. Trứng được đặt trong một cái đĩa cấy đặc biệt và được đưa vào lồng ấp

Bước 3: Thụ tinh

Bước tiếp theo là thụ tinh cho trứng. Tinh trùng được bảo quản, hoặc từ đối tác hay người cho trứng và những tinh trùng mạnh nhất được trộn với trứng, đôi khi tinh trùng được tiêm trực tiếp vào trứng. Sau đó, trứng và tinh trùng được đặt trong lồng ấp và theo dõi để đảm bảo có phôi thai khỏe mạnh phát triển.

Bước 4: Chuyển phôi và cấy ghép

Bước cuối cùng của quá trình thụ tinh ống nghiệm là chuyển phôi. Đầu tiên, phôi được kiểm tra để chọn những phôi khỏe nhất cho chuyển giao. Để chuyển phôi, một chiếc banh được đặt trong âm đạo và phôi được chuyển qua một ống nhựa nhỏ đặt qua cổ tử cung vào trong buồng tử cung. Sau quá trình thụ tinh hoàn thành, bệnh nhân nằm nghỉ ngơi trong khoảng 24 giờ.

*Ngoài ra, tùy vào các cơ sở y tế hay bệnh viện sẽ có thêm các bước khác như chăm sóc và theo dõi bệnh nhân.

phương pháp thụ tinh ống nghiệm

Tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm là bao nhiêu?

Độ tuổi của phụ nữ chính là yếu tố để quyết định sự thành công của phương pháp IVF. Theo hiệp hội Thai kỳ Hoa Kỳ phụ nữ dưới 35 tuổi khi thực hiện phương pháp thụ tinh trong nghiệm sẽ có tỷ lệ thành công là 41 – 43%. Đối với phụ nữ trên 40 tuổi thì tỷ lệ chỉ khoảng 13 – 18%.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thấp theo từng độ tuổi là do chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian. Chính vì vậy nhiều phụ nữ ngoài 40 thường được tư vấn về vấn đề sử dụng trứng hiến tặng nhằm tăng cơ hội  thành công cao hơn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm: Nếu quá trình IVF diễn ra suôn sẻ và sức khỏe của người mẹ được đảm bảo thì khả năng thành công sẽ tăng cao
  • Trạng thái phôi: Đay là yếu tố liên quan mật thiết đến chất lượng của phôi chọn để cấy ghép
  • Lịch sử sinh sản: Nếu từng sinh con, khả năng mang thai bằng phương pháp IVF sẽ cao hơn
  • Nguyên nhân vô sinh: Nguyên nhân gây vô sinh cũng tác động đến tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm
  • Lối sống: Nếu bạn có lối sống thiếu lành mạnh như thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia… thì tỷ lệ thành công của phương pháp IVF sẽ giảm xuống còn khoảng 50%

Chi phí của thụ tinh ống nghiệm khoảng bao nhiêu?

Chi phí cho bất kỳ phương pháp y khoa nào cũng không có mức giá cố định. Đối với phương pháp IVF thì chi phí sẽ dao động khoảng 40 – 100 triệu/ ca. Bên cạnh đó, chi phí sẽ có tăng giảm tùy vào nhiều yếu tố như: xét nghiệm bạn cần phải thực hiện, các phác đồ điều trị, số lần thực hiện chu trình, chính sách bảo hiểm…

điều trị vô sinh

Thụ tinh ống nghiệm là phương pháp mang đến hiệu quả cao đối với các cặp đôi hiếm muộn. Tuy nhiên chi phí cao, cùng với đó và thời gian thực hiện kéo dài. Vì vậy, khi quyết định chọn phương pháp này các bạn nên cân nhắc kỹ và chuẩn bị tâm lý thật vững nhé!

Bài viết liên quan