Mẹ&Con – Đã làm hết các việc cần làm, nào hát ru, nào trò chuyện… nhưng con bạn vẫn im lìm như Thánh Gióng – 3 tuổi chẳng chịu nói gì! Đó chỉ là “chậm”, là “lười” hay là một biểu hiện bất thường? Trường hợp nào bạn cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân và can thiệp?

Sao con cham noi

(Ảnh minh hoạ)

Chuyện gì với con tôi thế này?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ chậm nói. Ví dụ như con có trục trặc về thính giác, không nghe được nên bé mất luôn khả năng hiểu, bắt chước, sử dụng ngôn ngữ. Bạn cần quan tâm thật sớm điều này, thậm chí thực hiện các thử nghiệm như đứng sau lưng bé khi bé đang ngồi một mình, đứng ở đầu nôi nơi bé không nhìn thấy bạn và gọi con. Nếu trẻ hầu như hoàn toàn không đáp ứng (nhiều lần) với âm thanh của bạn, cần đưa bé đi khám ở bác sĩ tai mũi họng ngay chứ đừng chờ đến khi con không nói được mới để ý, quan tâm.

Một nguyên nhân khác, đến từ trục trặc trong vòm miệng như lưỡi, hàm ếch… Khi con có bất kỳ “tật” gì liên quan đến miệng, lưỡi bạn cũng nên đưa bé đến bác sĩ sớm. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ trẻ chậm nói do có “tật” không phải là quá nhiều. Nguyên nhân bác sĩ thường gặp nhất với tình trạng chậm nói của bé hiện nay vẫn là bé sống trong gia đình neo người, bố mẹ đi làm xa hoặc quá bận, người trực tiếp chăm sóc bé lại… ít nói hoặc chỉ lo chuyện ăn uống ngủ nghỉ của bé mà quên mất phần “giao tiếp”.

Các bác sĩ thường khuyên, dù bận rộn đến mấy, mẹ cũng nên dành cho đứa con bé bỏng của mình tối thiểu 2 giờ mỗi ngày để trực tiếp chuyện trò, chăm sóc, chơi đùa với bé và dạy cho bé nói. Mẹ chính là người ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình phát triển ngôn ngữ của con. Nhắc bạn một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng là từ lúc con vài tháng tuổi, bạn đã nên tập cho con thói quen nhìn trực tiếp vào mẹ, để gương mặt của bé gần gương mặt của bạn để bé có thể nhìn rõ cách mẹ phát âm ra sao.

Khi khó diễn đạt cho người khác hiểu được ý mình, trẻ sẽ có xu hướng dễ kích động, cáu kỉnh, hay “hung bạo” với người khác. Chậm phát triển ngôn ngữ cũng có thể dẫn đến việc hạn chế sự phát triển trí tuệ ở trẻ.

Trong giai đoạn con từ 2-3 tuổi, bạn không bao giờ nên thực hiện yêu cầu của con trước khi bé nói ra, cho dù bạn dư sức nhìn con và đoán được ngay bé đang cần gì. Việc đáp ứng cho trẻ trước khi trẻ nói sẽ khiến con cảm thấy ngôn ngữ không cần thiết và bé không có nhu cầu nỗ lực, cố gắng nói để người khác hiểu mình nữa. Ví dụ, khi bé muốn uống nước, dù nhìn con là bạn hiểu rất rõ con muốn gì rồi thì bạn vẫn cần gợi ý: “Con muốn gì?”, “Con muốn uống nước phải không?”, “Nước có ngon không con?”, “Mẹ uống nước chung với con nhé…”.

Làm gì khi con chậm nói?

Hãy đưa bé đến bác sĩ, cùng bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân và nỗ lực khắc phục những nguyên nhân đó. Đây là lời khuyên đầu tiên, quan trọng nhất. Trong trường hợp sau mọi thử nghiệm, trắc nghiệm, mọi thăm khám và theo dõi, bác sĩ vẫn kết luận bé hoàn toàn bình thường, thì điều bạn cần làm là hãy thật kiên nhẫn và dành nhiều thời gian hơn chuyện trò cùng trẻ.

Không hẳn đứa trẻ nào chậm nói cũng mắc phải chứng tự kỉ. Trẻ có thể chậm nói từ những nguyên nhân như ba mẹ bận đi làm quá nhiều, giao con cho người giúp việc và chẳng ai chuyện trò với bé.

Đưa bé đi gặp gỡ nhiều người, cho bé nghe nhiều, bé sẽ được kích thích để nói nhanh hơn. Luôn nhớ rằng những bé được trò chuyện nhiều khi còn nhỏ thường có chỉ số thông minh và vốn từ vựng phong phú hơn những trẻ không được giao tiếp. Vì thế, đừng để bất cứ lý do gì như công việc, sự thăng tiến, kiếm tiền… làm mất đi khoảng thời gian quan trọng bạn dành cho con.

Tranh thủ nói chuyện với con mọi lúc, lúc chơi, lúc tắm, lúc cho bé ăn, lúc thay tã cho con… Bạn cố gắng phát âm chậm, lớn, rõ chữ, nói từng từ đơn giản để con “tiếp nhận”. Trường hợp con có dấu hiệu nói ngọng hoặc nói lắp, cần trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh ngay. Mỗi lúc con phát âm sai, đừng dễ dãi cho qua với ý nghĩ bé còn nhỏ xíu, đang học nói mà. Hãy thực hiện giống như một “cô giáo”, nếu bé nói sai, bạn cần “chỉnh” con liền, phát âm lại cho bé có thể bắt chước theo.

Không nên “phó thác” việc học nói của con cho băng đĩa! Nhiều bà mẹ cứ nghĩ, trên băng đĩa cũng hát, cũng đọc thơ, cũng có những cô giáo dạy phát âm. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng băng đĩa không thể cho bé sự tương tác như khi giao tiếp thật sự với người khác. Nếu chỉ được bật băng đĩa cho nghe, bé sẽ không thể nào nói tốt.

Tuy nhiên, cũng đừng chỉnh bé theo kiểu thấy con nói sai ở đâu là bạn… nhảy vào cắt ngang bé liền. Điều đó sẽ khiến con mất tự tin, không thoải mái học nói nữa. Cần chờ con nói hết câu, sau đó mới lặp lại rõ ràng. Ví dụ như bé cứ bảo: “Con uống tữa… Con uống tữa…”, bạn cứ chờ con nói hết, sau đó cầm sữa trên tay và bảo: “Sữa”, “Con uống sữa nhé…”, “Con thích uống sữa phải không?”. Phát âm thật rõ từ “sữa” nhiều lần, khuyến khích bé nói lại theo bạn. Nếu không bị tật gì, bé có thể tự điều chỉnh lại sau vài lần được bạn giúp.

Cần đưa bé đến bác sĩ, khi… 

– Bé không đáp ứng lại tiếng cửa bị đập vào, tiếng vỗ tay, tiếng chó mèo kêu, tiếng mẹ gọi… à Nguy cơ cao trong trường hợp này là thính giác của bé có vấn đề.

– Bé thường xuyên không giao tiếp bằng mắt với bạn khi bạn nói hoặc bé nói. Bé như ở ngoài “thế giới” của bạn và hầu như không hiểu được các yêu cầu bằng lời của bạn. à Nguy cơ cao trong trường hợp này bé bị tự kỉ.

– Có giọng nói khác thường, cách phát âm khác thường, không rõ chữ dù đã trên 2 tuổi. à Nguy cơ cao trong trường hợp này bé có bất thường về các bộ phận dùng cho việc phát âm như lưỡi, thanh quản…

Tags:

Bài viết liên quan