Rong kinh sau sinh là tình trạng thường gặp và là quá trình tự nhiên để cơ thể loại bỏ các phần mô, máu thừa còn sót lại trong tử cung. Rong kinh sau sinh thường sẽ hết sau một thời gian.
Tuy nhiên, nếu rong kinh kéo dài cũng làm tăng nguy cơ tăng ra các biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như thiếu máu, nhiễm trùng hay nhiễm nấm âm đạo. Do đó, nhìn chung chị em cần phân biệt rong kinh với sản dịch, rong kinh sau sinh kèm các dấu hiệu bất thường, cũng như cách chăm sóc bản thân và phòng ngừa các vấn đề liên quan.
Rong kinh sau sinh là gì?
Sau sinh, kinh nguyệt trở lại nhưng sẽ có nhiều xáo trộn. Tình trạng kinh nguyệt không đều, máu kinh tháng nhiều tháng ít hoặc thậm chí có tháng không có kinh nguyệt rất phổ biến.
Thời gian mẹ có kinh trở lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Sức khỏe, mẹ cho con bú một phần, toàn phần hay không cho bú, sinh thường hay sinh mổ… Thông thường, mẹ cho con bú sẽ có kinh trở lại sau khoảng 4-6 tháng.
Nếu mẹ không cho bú, kinh nguyệt sẽ sớm trở lại, thường vào khoảng tháng thứ 2 sau sinh. Rong kinh sau sinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài bất thường.
Thông thường, một kỳ kinh kéo dài 5 đến 7 ngày. Nếu ra máu liên tục trên 7 ngày, thậm chí là cả nửa tháng thì bạn đang bị rong kinh. Rong kinh thường kèm theo tình trạng kinh nguyệt vón cục, cơ thể mệt mỏi, cáu gắt.
Phân biệt rong kinh và sản dịch
Ra máu sau sinh hay sản dịch là hiện tượng chảy máu âm đạo trong khoảng 4 đến 6 tuần sau khi sinh con. Sản dịch còn được gọi là lochia, bao gồm các mô nhau thai, niêm mạc tử cung và máu thừa. Lochia có ba giai đoạn:
- Lochia rubra: Giai đoạn này kéo dài khoảng 1 tuần sau khi sinh. Máu có màu đỏ tươi và có thể có cục máu. Lượng máu chảy ra nhiều nhất trong giai đoạn này.
- Lochia serosa: Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 6 tuần sau khi sinh. Lượng máu chảy ra giảm dần và có màu hồng hoặc nâu.
- Lochia alba: Từ tuần thứ 6 trở đi chỉ còn dịch nhầy màu trắng hoặc vàng.
Rong kinh và sản dịch không giống nhau nhưng cũng có trường hợp chị em bị nhầm lẫn. Trong giai đoạn đầu sau sinh, sản phụ thường ra nhiều sản dịch đặc biệt là khi vận động mạnh, thay đổi tư thế hoặc khi cho con bú.
Trong khi đó, rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài bất thường. Tức là lúc này kinh nguyệt của bạn đã quay trở lại và cơ thể không còn tiết sản dịch nữa.
Nguyên nhân rong kinh sau sinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rong kinh sau sinh, cả bệnh lý lẫn sinh lý. Một số nguyên nhân phổ biến gồm:
- Thay đổi hormone: Hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone tham gia điều tiết chu kỳ kinh nguyệt. Sau sinh, nồng độ hai hormone này bị xáo trộn dẫn tới tăng sinh niêm mạc tử cung và mạch máu quá mức. Điều này dẫn tới máu kinh nhiều hơn, hay còn gọi là rong kinh sau sinh.
- Do uống thuốc tránh thai sớm: Nếu bạn uống thuốc tránh thai ngay sau khi sinh và trong thuốc tránh thai có chứa estrogen sẽ dẫn tới rối loạn hormone. Để tránh rong kinh do tránh thai, bạn nên chọn các loại thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin (progestin là một dạng tổng hợp của progesterone).
- Nguyên nhân bệnh lý: Một số bệnh lý như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng,… cũng gây bất thường và dẫn tới rong kinh sau sinh. Đây là tình trạng rong kinh bệnh lý.
- Do tổn thương từ sinh mổ: Các tổn thương ở buồng trứng, tử cung hay bên trong âm đạo trong quá trình mang thai có thể dẫn tới rong kinh sau sinh. Khi các mô của âm đạo, cổ tử cung hoặc tử cung bị rách hoặc trầy xước trong quá trình sinh con, máu sẽ chảy ra từ các vết thương này.
Rong kinh sau sinh do u xơ tử cung là trường hợp thường gặp
Các rủi ro do rong kinh sau sinh
Tuy rong kinh sau sinh là tình trạng thường gặp nhưng nếu không cẩn thận, nó hoàn toàn có thể tiến triển thành các biến chứng nặng hơn:
- Mất máu quá nhiều: Đây là vấn đề hàng đầu với các mẹ bị rong kinh sau sinh. Sau khi sinh con cơ thể chưa kịp hồi phục đã mất nhiều máu sẽ khiến bạn dễ hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn có thể ngất xỉu. Cơ thể suy nhược, chậm phục hồi.
- Viêm nhiễm, nhiễm nấm: Máu kinh nguyệt là môi trường lý tưởng để các bào tử nấm và vi khuẩn phát triển. Rong kinh kéo dài tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh và dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa sau sinh.
- Tâm lý căng thẳng: Rong kinh khiến mẹ mệt mỏi, cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng khó chịu, sinh hoạt bất tiện. Nếu kéo dài, kết hợp với tình trạng tâm lý sau sinh vốn thường nhạy cảm hơn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý lẫn cơ thể của chị em.
Cách chăm sóc và phòng ngừa rong kinh sau sinh bất thường
Nếu tình trạng rong kinh sau sinh chỉ do rối loạn nội tiết tố thì sau một thời gian kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường. Thời gian để cơ thể tự điều chỉnh thường kéo dài khoảng 3 – 4 tháng.
Trường hợp rong kinh kéo dài, tiến triển xấu khi máu ra nhiều, cơ thể mệt mỏi, đau rát vùng âm đạo, đau bụng dưới…, thì bạn phải đi khám ngay. Cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây rong kinh sau sinh thì mới có biện pháp xử lý phù hợp được.
Để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, giảm các rủi ro do rong kinh sau sinh, mẹ cần thực hiện theo các lưu ý sau:
- Vệ sinh vùng kín mỗi ngày, không thụt rửa sâu và không dùng các sản phẩm hóa chất mạnh.
- Hạn chế vận động quá sức, nghỉ ngơi và uống nhiều nước cũng như bổ sung sắt sau sinh để bù đắp cho lượng máu bị mất.
- Đảm bảo vùng kín luôn được khô thoáng, thay băng vệ sinh và quần lót thường xuyên. Quần áo cần giặt thật sạch và phơi nắng để sát khuẩn.
- Tuyệt đối không quan hệ trong giai đoạn rong kinh vì nấm và vi khuẩn có thể nhân cơ hội xâm nhập vào sâu bên trong gây viêm nhiễm.
- Sử dụng các biện pháp ngừa thai phù hợp, các biện pháp ngừa thai chỉ chứa progestin.
Sau sinh mẹ nên bổ sung thêm sắt cho cơ thể
Nhìn chung, rong kinh sau sinh là một quá trình tự nhiên và không nguy hiểm khi được kiểm soát và chăm sóc tốt. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra ngay để xử lý đúng và kịp thời.