Mẹ và Con - Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder - BPD) là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần xuất hiện chủ yếu vào đầu giai đoạn trưởng thành. Việc hiểu rõ về BPD có thể giúp cha mẹ ngăn chặn nguy cơ mắc BPD cho trẻ từ sớm.

BPD thường có dấu hiệu rõ ràng ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành, khi cuộc sống có nhiều thay đổi, bất ổn. Theo nhiều nghiên cứu, rối loạn nhân cách ranh giới xảy ra phổ biến ở trẻ em lớn lên trong nghịch cảnh như bạo lực, bị lạm dụng, bị bỏ bê…

(*) Lưu ý, bài viết này chỉ nhằm cung cấp thông tin chuẩn xác. Trong bất kỳ trường hợp nào bạn cũng không nên tự chẩn đoán mà hãy tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý.

Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?

Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 1,6% đến 5,9% dân số. Người mắc rối loạn BPD sẽ khó kiểm soát cảm xúc, hành vi bản thân. Đồng thời, các mối quan hệ xã hội của những người này cũng không ổn định.

rối loạn nhân cách ranh giới

BPD gây hậu quả nghiêm trọng tới đời sống cá nhân nhưng dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Nhất là khi ở nước ta nhắc đến sức khỏe tâm thần đa số mọi người vẫn nghĩ tới trầm cảm, lo âu nhiều hơn. Hiểu biết về BPD sẽ giúp cha mẹ có thể quan sát con trẻ và tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển lành mạnh.

Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ranh giới

Cho tới nay, nguyên nhân cụ thể gây ra chứng rối loạn này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo như lý thuyết nổi bật được nhiều người công nhận nhất về BPD hiện nay, thì BPD là kết quả từ tương tác giữa di truyền và môi trường sống.

Các nhà khoa học đồng ý rằng rối loạn nhân cách ranh giới có liên hệ chặt chẽ tới sức khỏe tâm thần các thành viên khác trong gia đình. Cấu trúc não bộ của những người BPD cũng có sự khác biệt. Rối loạn nhân cách ranh giới có liên quan đến việc bộ phận não phụ trách kiểm soát trải nghiệm và thể hiện cảm xúc hoạt động quá mức – dẫn tới sự bất ổn về mặt cảm xúc.

Ngoài ra, những nghịch cảnh thời thơ ấu cũng là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Có thể tạm hình dung những bất trắc tuổi thơ này góp phần kích hoạt các yếu tố di truyền, làm tăng nguy cơ mắc BPD ở trẻ.

Một thống kê trong Sổ tay Oxford về BPD cho thấy 92% số người có BPD nói họ từng có những sang chấn thời thơ ấu. Những sang chấn này hầu hết liên quan tới hình thức gắn bó không an toàn. Con trẻ cần được quan tâm các nhu cầu, cảm xúc cá nhân nhưng nếu cha mẹ lơ là trẻ sẽ không học được cách thể hiện cảm xúc của mình (vì thể hiện cũng chẳng ai quan tâm).

Rối loạn nhân cách ranh giới

BPD ở thanh thiếu niên và người lớn có gì khác nhau?

Vấn đề xác định dấu hiệu rối loạn nhân cách ranh giới ở thanh thiếu niên vẫn đang được nghiên cứu thêm. Một nghiên cứu từ Đại học Turin, Ý cho biết hầu hết dấu hiệu BPD ở thanh thiếu niên không được quan tâm đúng mức và thường bị nhầm lẫn với nổi loạn tuổi dậy thì. Điều này khiến ngay cả bác sĩ tâm thần cũng do dự khi chẩn đoán.

Nghiên cứu cũng gợi ý, bên cạnh yếu tố di truyền, các trường hợp tăng nguy cơ mắc BPD sớm ở trẻ em về mặt môi trường liên quan đến chấn thương, lạm dụng bằng lời nói, lạm dụng tình cảm, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục và bỏ bê tình cảm và thể chất.

Rối loạn nhân cách ranh giới

Test rối loạn nhân cách ranh giới

Theo cẩm nang DSM-5 (Chẩn đoán và Thống kê rối loạn tâm thần), test rối loạn nhân cách ranh giới cho kết quả có mắc BPD khi xuất hiện ít nhất năm trong số chín triệu chứng sau đây:

  1. Nỗ lực để tránh bị bỏ rơi dù là thực tế hay tưởng tượng.
  2. Quan hệ cá nhân bất ổn, có các phản ứng cực đoan như giận dữ, hoảng loạn, lo sợ bị bỏ rơi.
  3. Bản sắc cá nhân không ổn định.
  4. Bốc đồng, không sợ hậu quả chẳng hạn như đua xe, uống bia rượu.
  5. Có hành vi tự hại hoặc có suy nghĩ tự tử.
  6. Bất ổn về cảm xúc do quá nhạy cảm.
  7. Liên tục cảm thấy trống rỗng.
  8. Khó kiểm soát cơn giận, rất dễ cáu gắt.
  9. Có triệu chứng hoang tưởng hoặc phân ly nghiêm trọng.

Rối loạn nhân cách ranh giới

Cha mẹ cần lưu ý là bài test rối loạn nhân cách ranh giới trên thực tế không thể đảm bảo chẩn đoán chính xác một người có mắc BPD hay không. BPD không có triệu chứng cần thiết để làm căn cứ chẩn đoán, và biểu hiện lâm sàng giữa các cá nhân cũng không giống nhau. Đây chính là lý do nếu cảm thấy trẻ có dấu hiệu bất ổn – một đặc trưng của BPD thì bạn nên theo dõi thêm và tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn sớm.

Tóm lại, nhận biết sớm các triệu chứng rối loạn nhân cách ranh giới và xác định nguyên nhân chính xác để tích cực điều trị là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp đời sống khi trưởng thành của trẻ “dễ thở” hơn. 

Bài viết liên quan