Nghiện công nghệ đang đe dọa khả năng giao tiếp xã hội của "Thế hệ Tôi". Đây là một hiện thực ngày càng được nhiều bạn trẻ nhận chân và cảnh báo, như phát hiện của sinh viên Úc 23 tuổi Alex Haigh, và tâm sự của một doanh nhân Thái Lan có bốn con gái mê giao tiếp ảo.

“Trong khi bạn cập nhật cho xong trạng thái của bạn, chúng tôi xin vui lòng phục vụ người lịch sự đang không cắm đầu vào điện thoại đằng sau bạn”. “Không Twitter, không Facebook, không Instagram, không Foursquare…: tôn trọng đồ ăn, âm nhạc và người bạn đi cùng”.

Đó là những khẩu hiệu bạn có thể in trên áo mặc mà trang web Stop Phubbing gợi ý. Stopphubbing.com là trang nhà của một chiến dịch trực tuyến chống lại cái mà họ gọi là “sự thống trị tàn nhẫn của công nghệ kỹ thuật số trên quy mô toàn cầu”.

“Dịch bệnh” phubbing

Được bắt đầu từ Alex Haigh, một sinh viên 23 tuổi vừa tốt nghiệp sống ở Melbourne, Úc, phubbing là một từ tiếng Anh mới, xuất phát từ hai chữ phone snubbing, có nghĩa là “phớt lờ một ai đó trong giao tiếp xã hội, tập trung hết sự chú ý vào điện thoại di động thay vì người đối diện”. Trang web của Haigh đưa ra nhiều tuyên bố thú vị: “97% những người được hỏi nói họ thấy thức ăn tệ hơn khi đi ăn cùng một kẻ phubbing” hoặc “92% những kẻ phubbing liên tục sau này trở thành chính trị gia”.

Thị trường điện thoại thông minh quy mô lớn mới chỉ tồn tại được khoảng 17 năm, iPhone mới ra đời được sáu năm và iPad ba năm, nhưng chúng đã thay đổi đời sống xã hội con người một cách tai hại, bên cạnh những tiện ích không thể chối cãi. Trang web của Haigh nêu bật một “sự thật mất lòng”: xử trí với con người trên màn hình dễ hơn là ngoài đời thật.

Phải thừa nhận là một chiếc điện thoại thông minh hiện giờ có thể kết nối với Internet ở bất kỳ đâu, và sự phát triển của công nghệ với các trang mạng xã hội, trò chơi điện tử trực tuyến, ca nhạc, phim ảnh, sách báo… tất cả đều gói gọn trong một thiết bị cầm tay nhỏ xíu, có sức mê hoặc rất lớn. Nhưng cũng chính bởi sức hút lớn mà sức phản kháng cũng lớn. Haigh nói với báo Mỹ Time rằng trang Stop Phubbing đã phải tạm đóng cửa vào tuần trước vì lượng quy cập quá lớn.

“Trang mạng của chúng tôi đang bùng nổ – Haigh nói với báo Úc Herald Sun. Có vẻ như bất kỳ ai cũng đều đã trải qua cảm giác bị phubbing”.

Chưa có thống kê đầy đủ nào về tình trạng phubbing, nhưng hơn một nửa người Mỹ (55%) sở hữu một chiếc điện thoại thông minh với đầy đủ tính năng gây sao nhãng, theo một cuộc thăm dò của Pew Research Center. Năm 2011, tác giả Sherry Turkle đã viết một cuốn sách với tựa đề Alone together (Đơn độc ở cạnh nhau), trong đó có những nghiên cứu định lượng về “tại sao chúng ta chờ đợi nhiều hơn ở công nghệ, nhưng lại lạnh nhạt hơn với nhau”.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm cách định lượng ảnh hưởng của điện thoại di động tới xã hội trong điều kiện thí nghiệm. Năm ngoái, các chuyên gia xã hội học ở Đại học Essex (Anh) đã công bố một nghiên cứu về sự xuất hiện của một chiếc điện thoại di động có thể ngăn cản tương tác trực tiếp giữa con người với nhau ra sao.

Trong nghiên cứu, nhà khoa học Andrew Przybylski và cộng sự đã tập hợp 74 người không quen biết thành các cặp đôi và yêu cầu họ thảo luận về một điều lý thú xảy ra với họ gần đây trong hai điều kiện khác nhau: một số cặp có điện thoại di động, các cặp kia chỉ có những mảnh giấy ghi chú. Sau 10 phút trò chuyện, những cặp có điện thoại di động có tỉ lệ trả lời “có” cho câu hỏi “Tôi và người bắt cặp có thể trở thành bạn” thấp hơn nhiều.

Phubbing và một xã hội ngừng giao tiếp 4

 

(Ảnh minh hoạ)

Người bù nhìn trước một thiết bị điện tử

Trong một thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu tìm cách chứng minh rằng thảo luận trực tiếp về những đề tài thật sự có ý nghĩa, với một chiếc điện thoại di động bên cạnh rất có hại cho các mối quan hệ, vì những người đối thoại cảm thấy dễ bị tổn thương khi người nghe sao nhãng họ.

Và đó mới chỉ là điện thoại thông thường. Phubbing còn tệ hại hơn nhiều khi nó ngăn cản những kết nối thật sự giữa con người với con người khi người ta dành hết thời gian cho những kết nối ảo, những đường link và sự nổi tiếng trên mạng. Chính nhờ thế, chiến dịch Stop Phubbing đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi gần như ngay tức khắc.

Không ai muốn trở thành người bù nhìn trước một thiết bị điện tử, như trang Stop Phubbing tuyên bố: “Tất cả các bạn đã thấy điều đó. Chính các bạn có lẽ từng làm như thế. Đó là việc chơi với chiếc điện thoại của mình khi giao tiếp xã hội. Thành thực mà nói, như thế không khác gì nhổ vào mặt người khác. Hỡi những phubber chuyên đăng ảnh, video và các tin nhắn trên toàn thế giới, hãy cùng hành động chống lại tai họa hiện đại này”.

Phil Reed từ Đại học Swansea (Anh) khẳng định: “Phubbing lan tràn khắp thế giới. Thử tưởng tượng những cặp đôi trong tương lai ngồi cạnh nhau trong im lặng và mối quan hệ của họ dựa hoàn toàn trên việc cập nhật trạng thái ở các trang mạng xã hội cá nhân. Kỹ năng giao tiếp trực tiếp hoàn toàn biến mất. Ai đó phải làm gì đó về tai họa này”.

“Đây mới chỉ là bắt đầu. Phubbing sẽ còn tăng mạnh khi việc sử dụng Internet bằng điện thoại đang tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết và truy cập mạng toàn cầu qua máy tính ngày càng lỗi thời” – theo tiên đoán của Tarek Daouk, trưởng bộ phận sáng tạo của công ty mạng toàn cầu có trụ sở tại Dubai, Starcom MediaVest Group.

Điện thoại di động đã tới được 90% dân số toàn cầu tính tới quý 1-2013 và số đăng ký thuê bao điện thoại hiện vào khoảng 6,4 tỉ, xấp xỉ dân số thế giới, theo báo cáo Mobility của Hãng Ericsson vừa công bố. “Tôi từng đi cùng một nhóm bạn khi vào nhà hàng, có quy định là phải để tất cả điện thoại lên bàn và ai không cưỡng lại việc kiểm tra tin nhắn hay lướt web sẽ là người phải thanh toán tiền cho bữa ăn” – chuyên gia công nghệ người Saudi Arabia Khaldoon Said chia sẻ một kinh nghiệm chống phubbing.

Đích đến còn là trái tim nhân hậu

Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ nghĩ trong tương lai mình sẽ có cuộc sống thuận tiện như hiện nay với chiếc smartphone (điện thoại thông minh) trong tay. Nhờ nó mà tôi có thể làm việc gần như mọi lúc mọi nơi, xử lý công việc lúc 8g sáng hay thậm chí lúc nửa đêm khi nằm trên giường ngủ.

Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến tác động xấu của công nghệ. Với một chiếc smartphone trong tay, giới trẻ giờ đây có thể tiếp cận mọi thứ, kể cả những đoạn phim không lành mạnh. Tôi có cảm giác giới trẻ “sống” trên mạng quá nhiều đến nỗi họ không có được những kiến thức thực tiễn cần thiết và thiếu hiểu biết sâu sắc về thời cuộc.

Phubbing1

(Ảnh: Việt Toàn / Tuổi trẻ)

Một thống kê cho thấy giới trẻ Thái Lan dành trung bình đến bốn giờ rưỡi mỗi ngày cho “cuộc sống” trên thế giới ảo. Nghĩa là họ dành đến hơn 1/4 thời gian còn lại trong ngày ngoài tám tiếng để ngủ cho việc lướt web, vào mạng xã hội hay chat chit. Điều đáng nói là nhiều người trẻ tuổi lại thích chat chit những thứ vô bổ hoặc không có lợi gì cho cuộc sống của mình.

Một hôm nọ, tôi ăn tối cùng vợ và bốn cô con gái ở nhà, một trong những lần hiếm hoi chúng tôi có thể ngồi lại cùng nhau như thế vì tôi quá bận bịu với công việc kinh doanh của mình. Lúc ấy, tôi hoàn toàn sửng sốt khi thấy mấy cô con gái không nói chuyện với nhau trong suốt bữa ăn mà lại trò chuyện với nhau qua công cụ chat trên smartphone của chúng! Tôi lập tức nói với vợ: “Không được rồi, chúng ta phải điều chỉnh chúng ngay, thế giới mạng đầy rẫy những cạm bẫy và lừa lọc”.

Nếu giới trẻ cứ nghiện thế giới ảo như thế này thì dần dần họ sẽ mất đi những kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực. Đó là chưa kể họ dễ bị lừa do cứ mải mê trên mạng nên thiếu kinh nghiệm và vì thế không phân biệt được đâu là lời nói thật, đâu là lời nói dối, đâu là đúng, đâu là sai trong vô vàn những lời “có cánh” và những thông tin thật giả lẫn lộn trên chốn ấy.

Trong thế giới ảo ai cũng có thể dùng lời hay ý đẹp để huyễn hoặc người khác dù cho thực tế họ có thể không nghĩ hoặc không là như vậy. Tôi xin phép nói thẳng rằng nếu cứ tiếp tục như thế này, giới trẻ sẽ không hiểu biết gì về thực tại xung quanh mình và rồi sẽ dần trở nên ngốc nghếch. Tôi thật sự lo ngại!

Ai đó có thể nói rằng giới trẻ hoàn toàn có thể tự điều chỉnh và đạt được thành công trong cuộc sống mà không cần kinh nghiệm của người lớn dẫn đường. Tôi thì nghĩ khác, họ có thể thành công về mặt vật chất, trở nên giàu có nhưng đó không phải là thành công thật sự. Đích đến trong cuộc sống nên là sự sẻ chia chứ không đơn thuần là giàu có.

Thế giới đang tôn sùng vật chất và tiền bạc, nhiệm vụ của thế hệ đi trước như chúng ta là giúp thế hệ trẻ nhận ra rằng đó không phải là đích đến của một con người khi sinh ra trong cuộc đời này.

Thành công thật sự của một con người là mang đến những gì tốt đẹp nhất cho thế giới này. Chính vì thế, tôi hoàn toàn ủng hộ giới trẻ với mong muốn đạt được nhiều thành tựu về mặt kinh tế nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu họ mang trong mình một trái tim nhân hậu, biết cảm thông, chia sẻ với người khác. Có thể giới trẻ khó chấp nhận ngay những sự sẻ chia từ những người lớn tuổi ngay hôm nay nhưng chúng ta phải kiên nhẫn!

Tags:

Bài viết liên quan