Sau khi kết hôn, nhiều chị em có tư tưởng rút lui về “hậu phương”, ở nhà chăm chồng lo cho con. Dĩ nhiên, ai cũng muốn làm tròn trách nhiệm của một người con dâu, một người vợ, một người mẹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên phụ thuộc kinh tế vào chồng đâu nhé!
Vì sao không nên phụ thuộc kinh tế vào chồng
Mất tiếng nói
Một điều rất dễ thấy trong các cuộc hôn nhân mà người vợ phụ thuộc quá nhiều vào chồng chính là chúng ta sẽ dần mất đi tiếng nói của mình. Khi chồng là người nắm giữ tài chính gia đình, anh ấy sẽ có quyền quyết định nhiều hơn. Lâu dần, bạn chỉ là một con rối, một người phục tùng theo những mệnh lệnh của chồng mà không có sự phản kháng hoặc chính xác hơn là không thể phản kháng.
Bạn không có quyền ý kiến cách nuôi dạy con của anh ấy. Bạn không có quyền trách chồng vì sao lại hay tụ tập ăn nhậu cùng bạn bè. Bạn không có quyền nói chồng phải dọn dẹp nhà cửa hay giúp bạn bất cứ điều gì. Trong mắt người đàn ông, anh ta đang là trụ cột của gia đình. Anh ta được phép làm mọi thứ mình thích, miễn là đem tiền về cho bạn.
Cảm giác thiếu nợ chồng
Phụ nữ phụ thuộc kinh tế vào chồng sẽ rất dễ mang cảm giác “mắc nợ”. Bạn thấy chồng đang chi trả cho mọi thứ trong cuộc sống của bạn, dù đó là chuyện ăn uống hay quần áo, giày dép. Lâu dần, mối quan hệ vợ chồng sẽ dễ biến tướng thành mối quan hệ biết ơn.
Bạn sẽ cảm thấy biết ơn chồng vì những đồng tiền anh ấy trao cho mình và nguyện ý làm mọi thứ để đáp lại sự “ban phát” này mà quên rằng, chính bản thân bạn cũng làm không ít điều cho anh ấy.
Sự tự ti
Sự tự ti là điều mà bạn phải trải qua nếu chấp nhận phụ thuộc kinh tế vào chồng. Cảm giác chẳng đóng góp và xây dựng gì cho cuộc sống gia đình khiến bạn ngày càng trở nên mặc cảm hơn, cho rằng mình không đủ giỏi và quên mất những giá trị của bản thân.
Sự tự ti khi không tự chủ được tài chính có thể khiến bạn và chồng ngày càng xa cách khi bạn không dám góp ý hay làm bất cứ điều gì trái ý chồng.
Xem thêm:
- Vợ chồng mới cưới và những chuyện “không như là mơ”
- Bí quyết giữ lửa hôn nhân cho các cặp vợ chồng lâu năm
Bị khinh thường
Bạn có thể bị chồng khinh thường, hoặc bị cả gia đình chồng và những người xung quanh khinh thường nếu phụ thuộc kinh tế vào chồng. Họ không quan tâm bạn đã làm bao nhiêu công việc nhà trong một ngày, bạn nấu ăn ngon cỡ nào, bạn chăm sóc gia đình tốt ra sao.
Trong mắt nhiều người, phụ nữ ở nhà và phụ thuộc kinh tế vào chồng chỉ là những người “ăn bám”, mỗi ngày “ngửa tay xin tiền” và việc bạn bị khinh thường là điều hoàn toàn bình thường. Họ có thể lên án bạn, chỉ trích bạn mà vô tình hoặc cố ý quên đi những đóng góp của bạn trong cuộc sống hôn nhân với người bạn đời của mình.
Mất tự do
Sẽ thật mệt mỏi biết bao nếu sống trong một cuộc hôn nhân mà mình hoàn toàn không thể nào làm mọi thứ bản thân mong muốn? Và đó chính là những gì bạn trải qua nếu phụ thuộc kinh tế vào chồng. Bạn muốn mua một chiếc váy đẹp, nhưng lại nghĩ mình không nên phung phí tiền chồng làm ra mà quên mất rằng bao lâu này mình chưa mua gì cho bản thân. Hay bạn muốn đi cà phê nhưng lại sợ chồng không thích và dừng việc chu cấp lại.
Lâu dần, bạn chẳng khác nào một chú cọp sống trong lồng sắt, chịu sự giam giữ vô hình của chồng và không hề có tự do như thời còn độc thân.
Khó tiết kiệm cho những bất trắc trong tương lai
Nhiều người vợ khi phát hiện chồng ngoại tình đã không thể chia tay vì đơn giản họ đang sống phụ thuộc kinh tế vào chồng. Họ lo ngại việc ly hôn rồi thì chồng không còn chu cấp tiền để nuôi con và cuộc sống của một người mẹ đơn thân thì vô cùng khó khăn. Vì thế, họ tiếp tục lựa chọn một cuộc hôn nhân đầy nước mắt, chấp nhận chứng kiến người đầu ấp tay gối với mình có người thứ 3 mà không dám rời đi.
Hay có những trường hợp vợ phụ thuộc kinh tế vào chồng, đến khi chồng sa cơ lỡ vận và không thể kiếm ra tiền thì cả gia đình rơi vào trạng thái túng quẫn, nghèo khó.
Việc không tự chủ được kinh tế khiến bạn dễ rơi vào trạng thái không có tiền tiết kiệm và ít có thể tự lo được trong tương lai nếu xảy ra chuyện bất trắc. Tốt nhất, nên có sự tự chủ trong tài chính để đảm bảo bạn hoàn toàn có thể xoay sở nếu gặp phải một vấn đề nào đó khiến bạn không còn có thể nhận được trợ giúp kinh tế từ chồng.
Chồng có thể dùng điều này chống lại bạn
Khi bạn phụ thuộc kinh tế vào chồng nghĩa là bạn chấp nhận có một ngày anh ấy sẽ dùng điều này để chống lại bạn. Khi hai vợ chồng cãi nhau, xảy ra mâu thuẫn thì chồng có thể “trả thù” bạn bằng cách không chu cấp tiền cho bạn nữa khiến bạn trở nên túng quẫn và buộc phải nghe lời chồng dù biết rằng bạn đang là người đúng.
Dễ thụt lùi
Suốt ngày cắm mặt nơi xó bếp khiến bạn không còn giao tiếp với mọi người xung quanh, ít cập nhật tin tức, mất đi những kỹ năng vốn có khi đi làm. Đó là những gì dễ thấy ở phụ nữ khi lựa chọn “ở nhà chồng nuôi” và phụ thuộc kinh tế vào chồng.
Lâu dần, nếu muốn quay trở lại đường đua sự nghiệp thì bạn cũng rất dễ rơi vào trạng thái loay hoay, không biết nên bắt đầu từ đâu khi đã nghỉ ở nhà một thời gian dài, dần quên đi cả kiến thức, kỹ năng cũng như chưa cập nhật được những xu hướng làm việc mới nhất.
Xem thêm:
- Nhìn đường chỉ tay hôn nhân, “luận” chuyện vợ chồng
- Vợ chồng giận nhau không nói chuyện, phút tĩnh lặng cần có hay rào cản hôn nhân?
Không cảm nhận được tình yêu của chồng
Khi bạn ở nhà làm nội trợ, người đàn ông sẽ tự mặc định rằng 7749 việc trong nhà là của bạn. Vì thế, anh ấy có quyền từ chối phải hỗ trợ bạn và điều này có thể khiến bạn nghĩ rằng chồng không còn yêu mình, từ đó dẫn đến buồn bã, tủi thân hay thậm chí trầm cảm.
Là phụ nữ, hãy học cách độc lập tài chính
Không phải trường hợp nào kết hôn rồi cũng nên ở nhà làm nội trợ và không phải lúc nào cũng cống hiến hết mình cho công việc, ở cơ quan 10 tiếng mỗi ngày thì mới có thể tự chủ tài chính. Nếu bạn là một người thích vun vén cho căn bếp gia đình, thích chăm chồng chăm con thì bạn vẫn có thể ở nhà để làm hậu phương vững chắc cho chồng.
Tuy nhiên, song song đó bạn vẫn có thể đầu tư chứng khoán, kinh doanh online, nhận thêm các công việc làm tại nhà,… để có thêm thu nhập. Dù ít dù nhiều thì những đồng tiền mà bạn kiếm được cũng sẽ giúp bạn dễ dàng tự chủ được cuộc đời của mình, có thể lựa chọn rời đi khi hôn nhân không hạnh phúc.
Và khi thoát được cảnh phụ thuộc kinh tế vào chồng, bạn cũng không cần lo lắng việc anh ấy có xem thường mình hay dùng kinh tế để chống đối lại mình hay không.
Quan trọng nhất, chẳng còn đợi chồng chu cấp mà vẫn có tiền do chính mình làm ra sẽ giúp bạn cảm nhận rõ rệt giá trị của bản thân, không còn tự ti và mất đi tiếng nói trong cuộc hôn nhân của mình.
Điều kiện tiên quyết để hôn nhân hạnh phúc có lẽ chính là sự tự lập, tự chủ. Việc phụ thuộc kinh tế vào chồng quá mức có thể hủy hoại cuộc hôn nhân của bạn một cách thầm lặng. Vì thế, hãy cố gắng để có thể chủ động hơn trong tài chính bản thân bạn nhé! Chúc bạn có một cuộc hôn nhân yên vui, hạnh phúc và êm ấm.