Tình trạng phân biệt giới, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu bén rễ vào vô thức nhiều thế hệ người Việt. Dù hiện nay nhận thức về bình đẳng giới ngày một cao nhưng việc phân biệt đối xử vẫn thấp thoáng trong những nếp nhà.
Phân biệt giới là gì?
Phân biệt giới (sexism) là tư tưởng kỳ thị, những định kiến, khuôn mẫu giới mà xã hội áp đặt lên một giới nào đó. Không chỉ là sự chống lại, phân biệt giới gò bó mỗi giới vào một khuôn mẫu riêng. Chẳng hạn, đàn ông thì phải mạnh mẽ, con trai không được khóc.
Phụ nữ thì được kỳ vọng phải nhẹ nhàng duyên dáng, phải biết làm việc nhà. Bất kỳ giới nào cũng có thể là nạn nhân của sexism nhưng phần lớn trường hợp vẫn ghi nhận phụ nữ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất.
Bình đẳng giới không phải là cào bằng. Bình đẳng là thừa nhận và tôn trọng đặc điểm giống và khác của từng giới mà không phải là hoán đổi hoặc cực đoan nhị nguyên. Bình đẳng giới không chỉ là bình đẳng giữa nam và nữ mà là bình đẳng giữa các giới tính, không kỳ thị những người đồng tính, song tính, chuyển giới.
Không chỉ là bất bình đẳng ở người lớn, ngay từ nhỏ trẻ em đã phải gánh chịu tình trạng phân biệt đối xử này. Các bé trai có thể bị đánh đòn, trừng phạt thể chất còn bé gái có thể bị mắng mỏ vì “không biết ý tứ”. Thậm chí cả cha mẹ, nhà trường vẫn khó mà hoàn toàn tránh được việc phân biệt. Một trường hợp rất phổ biến là học sinh nữ được yêu cầu mặc áo dài để “giữ gìn truyền thống”. Trong khi học sinh nam thì “hiếu động” nên không thích hợp trang phục áo dài.
Liệu bạn có đang vô thức kỳ thị giới?
Các ví dụ về phân biệt đối xử dựa trên giới thì “kể mãi không hết”. Nếu dựa vào ví dụ thì khó mà nhận biết liệu ta có đang vô tình phân biệt và làm tổn thương con trẻ hay không. Do đó, có thể tạm chia phân biệt giới thành 5 hình thức phổ biến nhất sau đây:
- Phân biệt giới thù địch: thường là sự căm ghét (chủ yếu là thù ghét nữ giới) giới còn lại vì cho rằng nếu một bên được lợi thì “phe kia” sẽ bị thua thiệt.
- Phân biệt giới thiện cảm: Xã hội đóng khuôn giới và sẽ khen ngợi nếu một người thể hiện đúng với những gì được kỳ vọng. Chẳng hạn phụ nữ thì đảm đang, giàu lòng trắc ẩn còn đàn ông thì lý trí, giỏi lãnh đạo.
- Phân biệt giới nước đôi: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, sự phân biệt này giống như một đồng xu gồm hai mặt là hai hình thức phân biệt bên trên.
- Phân biệt giới có tổ chức: thể hiện trong các hệ thống, tổ chức lớn và thậm chí là trong luật pháp.
- Phân biệt giới tiếp nhận: trẻ được nuôi dạy theo định kiến giới sẽ tự hạn chế bản thân và tin rằng mình là những gì chúng tiếp nhận. Ví dụ cha mẹ có xu hướng gạt phắt đi nếu bé gái nói ước mơ lớn lên làm kỹ sư còn bé trai lại muốn làm bảo mẫu.
Hậu quả của phân biệt giới
Các nghiên cứu đã cho thấy việc bị phân biệt đối xử có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên. Bên cạnh việc trẻ không thể phát huy được tiềm năng vì không nhìn nhận đúng được năng lực bản thân thì việc phân biệt quá nặng nề sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.
Cả tâm thần lẫn thể chất của con trẻ đều bị ảnh hưởng khi gặp chỉ trích, tấn công, gây sức ép vì vấn đề giới. Chẳng hạn như trẻ liên tục căng thẳng, chức năng nhận thức suy giảm, rối loạn lo âu chia ly, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích…
Nghiên cứu từ tạp chí y học nhi khoa cho thấy nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần cao hơn khoảng 25% ở những trẻ thường xuyên phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Thậm chí các con có thể nảy sinh ý định tự tử và tìm cách tự hại bản thân.
Dạy con về bình đẳng giới như thế nào?
Ở nhiều gia đình việc dạy con nói chung và giáo dục giới tính nói riêng vẫn còn một chiều: cha mẹ dạy con gái phải tự bảo vệ, giữ gìn danh dự, trinh tiết nhưng ít khi cậu con trai trong cùng gia đình ấy được dạy phải tôn trọng danh dự, thân thể, sức khỏe nữ giới.
Xem thêm: 4 kỹ năng tự bảo vệ bản thân bé cần biết
Trẻ con học hỏi bằng cách bắt chước người lớn. Do đó, cha mẹ hành xử thế nào thì con cái sẽ làm theo thế ấy. Nếu cha mẹ nói với con là A nhưng lại làm B thì trẻ sẽ học theo hành vi B.
Để dạy con thì tốt nhất hãy làm gương cho con. Cha mẹ, đặc biệt là người cha nếu chịu khó tìm hiểu để hiểu đúng về bình đẳng và xây dựng gia đình hạnh phúc thực sự bình đẳng, tôn trọng nhau thì trẻ sẽ học rất nhanh.
Tổ ấm nên là nơi các thành viên san sẻ, thấu hiểu và tôn trọng nhau. Không chỉ là chồng tôn trọng vợ mà còn là cha mẹ tôn trọng con cái. Chia sẻ việc nhà, chăm sóc cá thành viên trong gia đình cũng như tạo điều kiện để con trẻ được sống như chính mình là cách chống phân biệt giới, ngăn ngừa những hậu quả tai hại của phân biệt giới.