Trẻ nhỏ thường nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ và mọi người có trách nhiệm làm mọi thứ cho chúng. Tâm lý này là bình thường, bởi vì trẻ vẫn phải dựa dẫm và phụ thuộc vào bố mẹ phần nào. Tuy nhiên, nếu không dần dần thay đổi và rèn luyện thì khi lớn lên trẻ có thể trở thành người vô trách nhiệm. Phải làm sao để con sống có trách nhiệm hơn? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu điều này nhé!
Con sống vô trách nhiệm – lỗi thuộc về ai?
Trách nhiệm không phải một khóa học để bố mẹ có thể đưa con từ lớp học này tới lớp học khác để trau dồi. Trách nhiệm là một thái độ sống phải được dạy và học tập từ trong chính gia đình là chủ yếu. Nhiều bố mẹ dạy con tự lập từ rất sớm mà con không biết sống có trách nhiệm thì chẳng khác nào cỏ cây tự mọc chẳng được uốn nắn.
Dạy con sống có trách nhiệm không phải dạy ngày một ngày hai hay 9 điều, 10 ý mà là một thái độ chúng ta cần phải tuân thủ. Chẳng hạn như đi học muộn bị phạt thì ta phải chịu trách nhiệm về điều đó bằng cách chấp nhận những quy định xử phạt đã đưa ra. Làm chưa đúng việc gì thì dũng cảm nhận trách nhiệm về mình chứ không đổ lỗi cho ai và cũng không để ai chịu trách nhiệm thay mình. Hay khi con điểm số của con không tốt, bố mẹ có thể phạt con nhưng không phải là vì điểm số thấp mà là vì việc thiếu trách nhiệm của con đối với việc học tập của chính bản thân.
Đối với một đứa trẻ, bố mẹ là người định hướng, trợ giúp và không thể sống thay con được. Biết điều đó càng sớm thì trẻ sẽ hình thành lối sống có trách nhiệm hơn đối với bản thân mình và những người xung quanh. Ngược lại, con sống vô trách nhiệm thì lỗi thuộc về bố mẹ luôn bao che lỗi lầm, tìm lý do để con tránh lỗi cũng như không định hướng ngay từ nhỏ cho bé. Có thể thấy giáo dục từ gia đình có vai trò rất quan trọng hình thành nên lối sống ở trẻ khi trưởng thành. Do đó, bố mẹ cần lưu ý điều này để con sống có trách nhiệm hơn.
Bố mẹ phải làm sao để trẻ sống có trách nhiệm hơn?
Ngay từ những việc làm nhỏ nhặt trong nhà cũng đã dần hình thành thói quen sống có trách nhiệm ở trẻ. Vậy nên, bố mẹ cần ở bên để hướng dẫn và động viên trẻ làm đúng cách nhé!
Dạy trẻ tự dọn dẹp những đồ vật của mình
Khi còn bé, bố mẹ có thể giúp con dọn dẹp đồ của mình cho đến khi trẻ tự làm được thì dần dần ngưng giúp. Nếu dạy bé với thái độ vui vẻ, không la hét khi mắc sai lầm thì con cũng tiếp nhận một cách nhanh chóng và thích công việc này hơn.
Không có đứa trẻ nào muốn làm việc nhà
Ngay từ lúc đầu trẻ có thể hứng thú, nhưng lâu dần bé sẽ cảm thấy không còn hứng thú nhiều nữa, thậm chí đó là một công việc “khổ sai”, bắt buộc từ bố mẹ. Trẻ nhỏ cả thèm chóng chán nên bạn cần biến công việc nhà trở thành một thói quen của con. Bố mẹ nên cùng con làm việc nhà cho tới khi bé cảm thấy có thể tự làm và làm tốt được. Mục tiêu của việc này không đơn thuần là hoàn thành công việc mà phải khơi gợi được niềm vui, sự hứng thú của bé khi được đóng góp công sức của mình vào những việc chung.
Để bé tự làm dù sau đó bạn vẫn phải làm lại
Yêu cầu trẻ hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hoàn hảo là điều khá khó với bé. Biết rằng hầu như trẻ chẳng làm được đúng như những gì mình mong đợi, song hãy cứ để bé tự mình trải nghiệm và làm dưới sự hướng dẫn nhẹ nhàng của bố mẹ. Như vậy con có thể cảm nhận được niềm vui khi làm việc thay vì những áp lực, mắng chửi, cằn nhằn do không hoàn thành đúng ý bố mẹ. Điều này quan trọng hơn là sự hoàn thành một cách hoàn hảo.
Hạn chế đưa ra các mệnh lệnh
“Đi đánh răng nhanh!”, “Đi ăn cơm nhanh!” hay “Con đã soạn cặp chưa?”… đều là những câu hỏi, câu mệnh lệnh quen thuộc. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thay đổi cách hỏi thành dạng gợi nhắc như “Con cần làm gì tiếp theo để chuẩn bị đi học?” sẽ giúp trẻ ghi nhớ những việc cần làm, dần dần quen và tự làm mà không cần bạn nhắc nhở.
Dạy bé sống có trách nhiệm về hành động với người khác
Khi trẻ làm đau em hoặc bạn bè, đừng bắt trẻ phải xin lỗi cho bằng được bởi bé sẽ không hiểu tại sao phải làm như vậy. Trong những tình huống như vậy bố mẹ cần lắng nghe cảm xúc của bé trước tiên để phát hiện lý do con nổi giận. Sau khi bé cảm thấy tốt hơn, hãy hỏi trẻ rằng khi làm đau ai đó con cần làm gì. Lúc này bé sẽ sẵn sàng cho việc xin lỗi hơn.
Nếu con cảm thấy xấu hổ thì bạn có thể gợi ý một số hành động chuộc lỗi khác như thổi chỗ đau, đọc sách, ôm bạn… Điều này sẽ dạy con phải sống có trách nhiệm với hành động của mình hơn và biết sửa sai khi gây lỗi lầm.
Để trẻ hỗ trợ đền bù cho những vật mà trẻ làm hư
Khi trẻ làm hư đồ vật thì phần lớn phụ huynh sẽ la mắng và phạt để trẻ không tái phạm. Nhưng để dạy con lối sống có trách nhiệm hơn thì bạn nên dạy con cách đền bù và sửa sai những lỗi lầm của bản thân. Hãy để trẻ phụ trả tiền hoặc sửa chữa những món đồ con làm hỏng chẳng hạn.
Không cần vội vàng giúp con vượt qua những tình huống khó khăn
Việc lúc nào cũng ở bên con, dang rộng vòng tay để giúp giải quyết vấn đề chỉ khiến trẻ càng ngày càng ỷ lại vào bạn. Tất nhiên bạn vẫn cần quan sát và theo dõi sát sao để tránh con gặp những nguy hiểm không đáng có. Ngoài ra, nếu trẻ có thể tự giải quyết được cho dù chỉ là một lời xin lỗi hay hứa hẹn thì cũng tốt hơn nhiều.
Hãy làm gương cho con
Một lối sống đẹp, sống có trách nhiệm không phải tự nhiên được sinh ra cũng không phải tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ người này qua người kia thông qua quan sát và giáo dục. Trẻ nhỏ sẽ học tất cả những điều thấy được từ bố mẹ nên hãy làm một tấm gương sáng cho con nhé!
Cho con cơ hội để đóng góp vào lợi ích chung
Để trẻ sống có trách nhiệm hơn bố mẹ cần định hướng cho con tham gia và đóng góp vào những công việc chung dù là nhỏ nhất. Ví dụ như dạy bé quan tâm đến em, chăm sóc bạn bè, nhặt rác nơi công cộng…Và không quên khen ngợi để con cảm thấy hứng thú và tiếp tục tạo nên những hành vi đẹp.
Những hành vi đóng góp cho lợi ích chung nên được hướng từ trong gia đình tới bên ngoài để gần gũi, thực tế và dễ hình dung hơn đối với trẻ nhỏ. Tất nhiên, bạn cũng không nên mong đợi trẻ có thái độ tích cực ngay lập tức. Điều này cần phải được phát triển từ từ theo từng giai đoạn lứa tuổi.
Dạy trẻ viết thời khóa biểu
Viết thời khóa biểu là cách để bạn dạy trẻ kỹ năng quản lý thời gian và chịu trách nhiệm về những điều bản thân đã cam kết. Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong thế giới bận rộn ngày nay. Trẻ em cần nắm vững các kỹ năng tự làm chủ thời gian để có thể hoàn thành tốt mọi việc. Hãy bắt đầu tập cho bé thói quen này ngay từ sớm để bé không cảm thấy căng thẳng và áp lực khi lớn lên.
Cho trẻ hiểu làm việc sẽ kiếm được tiền
Bạn có thể yêu cầu trẻ làm những công việc nhỏ phù hợp với lứa tuổi vào cuối mỗi giờ học hoặc khi nghỉ hè và không quên trả công nho nhỏ cho con. Điều này cũng giúp con hiểu được phần nào về thế giới thật cũng như sống có trách nhiệm hơn.
Nói không với việc biện hộ hay đổ lỗi khi mắc sai lầm
Khi mắc lỗi chúng ta thường tìm lý do hợp lý để giảm bớt phần nào cảm giác tội lỗi hoặc miễn trách nhiệm của bản thân mình. Trong gia đình nếu bố mẹ không thành thật nhận sai hoặc lờ đi khi sai thì rất có thể bé cũng học theo, không hiểu được trách nhiệm của mình và nhiều khả năng sẽ lặp lại những hành động sai trái ấy.
Dạy con sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và lớn hơn là với xã hội là một kỹ năng sống cần được hình thành ngay từ nhỏ. Đây chắc chắn sẽ là một hành trang về lối sống đẹp cho con tự tin trưởng thành và bước vào đời sau này.