Mẹ&Con - Pha sữa cho trẻ sơ sinh tưởng... dễ ợt, nhưng thực tế lại không đơn giản. Pha sữa sai cách có thể khiến bé bị táo bón hoặc tiêu chảy… WHO quy định cách pha sữa công thức chuẩn cho bé thế nào? Em bé nguy kịch vì thói quen pha sữa sai lầm của cha mẹ 8 sai lầm mẹ thường mắc khi pha sữa cho con

Chuẩn bị trước khi pha sữa cho trẻ sơ sinh

Trước khi pha sữa cho bé, bạn cần kiểm tra hạn dùng của hộp sữa. Bạn rửa tay kỹ với xà phòng và nước sạch, sau đó lau khô rồi mới bắt đầu pha sữa. Bởi lẽ, bàn tay của chúng ta thường chứa vô vàn vi khuẩn có thể gây hại cho hệ miễn dịch non yếu của bé.

Tiệt trùng dụng cụ pha sữa: Bạn cần lần lượt tiệt trùng các dụng cụ pha sữa bao gồm bình sữa, nắp đậy, núm vú sữa và muỗng bằng cách nhúng vào nước sôi khoảng 3-5 phút.

Mẹ cũng lưu ý là sau mỗi lần bé uống xong thì các dụng cụ pha sữa cũng cần rửa sạch sẽ để lần tiếp theo có thể sử dụng ngay.

pha sữa cho trẻ sơ sinh

Pha sữa đúng cách để con yêu cao lớn và khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

Cách pha sữa cho trẻ sơ sinh

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên hộp sữa để biết chính xác lượng nước cần pha cho mỗi muỗng sữa bột. Mỗi loại sữa sẽ có một công thức pha khác nhau với lượng sữa khác nhau tùy theo độ tuổi bé. Nước sử dụng pha sữa cũng cần đun sôi trong vòng 1 phút và để nguội đến nhiệt độ khoảng 40-50 độ C. Nhiệt độ thích hợp, không quá nóng hoặc quá lạnh sẽ giúp sữa giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất.

Mẹ ước đoán xem bé yêu sẽ uống khoảng bao nhiêu ml sữa, sau đó đổ lượng nước cần pha vào bình, rồi dùng muỗng đo lường có sẵn trong các hộp sữa để lấy sữa cho vào bình. Muốn giữ đúng tỷ lệ lượng nước và lượng sữa nhất, mẹ có thể cho nước ấm vào bình trước rồi mới cho sữa vào sau.

Khi lấy sữa bột, mẹ đừng quên gạt sữa cho bằng mép muỗng. Bằng cách này, mẹ sẽ không lấy phải nhiều bột sữa hay ít bột sữa quá. Nếu có nhiều bột sữa, bé sẽ gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu, mất nước. Trường hợp ít bột sữa, bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Mẹ chỉ nên thay đổi tỉ lệ pha sữa khi có sự chỉ định của bác sỹ nhi khoa trong trường hợp bé gặp vấn đề về sức khỏe. Sau khi pha, mẹ nhớ đậy núm vú và nắp bình lại, lắc cho sữa tan đều, tránh bị vón cục.

Trước khi cho con uống, mẹ hãy thử nhiệt độ của sữa, sữa quá nóng có thể khiến con bị bỏng. Cách kiểm tra nhiệt độ sữa là mẹ nhỏ một vài giọt sữa ra mu bàn tay, tránh thử bằng miệng do có thể lây cho bé các loại vi khuẩn gây hại.

Lưu trữ sữa cho bé

Nếu bé chưa uống sữa ngay sau khi pha, mẹ có thể cho bé uống sữa lạnh hoặc làm ấm sữa trước khi dùng. Để làm ấm sữa, mẹ đặt bình sữa đứng trong một cốc nước ấm khoảng vài phút, nhưng tuyệt đối không đun sôi sữa hoặc hâm nóng bằng lò vi sóng. Với lượng sữa thừa sau khi đã cho bé bú hơn một giờ, mẹ nên bỏ đi, đừng vì tiếc mà lưu trữ chúng trong tủ lạnh. Bởi lẽ, vi khuẩn trong núm bình sữa từ miệng bé có thể sinh sôi ngay cả trong nhiệt độ thấp của tủ lạnh.

Một vài lời khuyên nhỏ cho mẹ khi pha sữa

  • Hộp sữa sau mỗi lần sử dụng cần đậy kín lại, đặt ở vị trí khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Hộp sữa đã mở chỉ nên sử dụng trong vòng 1 tháng đổi lại.
  • Nếu mẹ đã pha sữa cho con đúng cách nhưng bé vẫn bị táo bón, tiêu chảy, chậm tăng cân hoặc gặp các vấn đề sức khỏe nào khác thì đừng ngại hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thử thay đổi loại sữa.
  • Không pha sữa với nước cháo, nước trái cây hoặc các loại thực phẩm khác, vì dễ khiến sữa giảm giá trị dinh dưỡng, thậm chí là bị biến chất.
  • Đừng bao giờ cho con uống sữa đã pha quá 2 giờ đồng hồ!
  • Cuối cùng, mẹ nhớ luôn đọc kĩ hướng dẫn sử dụng in trên hộp sữa trước khi pha sữa cho trẻ sơ sinh.
Tags:

Bài viết liên quan