Đối với trẻ em cũng như đối với người lớn, đại dịch Covid-19 đe dọa đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Trong giai đoạn Sài Gòn đối diện với tình trạng dịch bệnh phức tạp như hiện nay, “sống chung với lũ” nghĩa là chúng ta phải tự cách ly, con trẻ thì không được ra khỏi nhà, không được tham gia các hoạt động thể chất, gặp bạn bè và học tập… Đối với trẻ nhỏ, sự thay đổi các thói quen lành mạnh cũng như thiếu hụt các kênh học tập và giải trí sẽ dễ dẫn đến những tổn thương tâm lý như lo lắng, bồn chồn, buồn chán, sợ ra đường… Do đó, ba mẹ cần có những biện pháp giáo dục để cùng con vượt qua thời kỳ khó khăn này.
Trong bài viết này, Mẹ và Con sẽ chia sẻ một số cách để ba mẹ có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa Covid của trẻ trong những ngày thành phố cách ly, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Cách chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa covid cho con trẻ
Thực hiện đều đặn thói quen gia đình
Ba mẹ hãy cùng lên lịch và sắp xếp giờ để cả gia đình cùng nhau thực hiện các thói quen chung. Hãy nhớ là sau khi lên kế hoạch thì nên tuân thủ thực hiện thường xuyên. Các hoạt động bạn có thể làm cùng trẻ là trò chuyện, kể chuyện cho nhau nghe, duy trì việc tương tác giữa mọi người với nhau. Ngoài ra, bạn có thể cùng con giải trí tại nhà với các trò chơi như cờ vui, cờ tỷ phú, “board-game”, các bài tập phù hợp với lứa tuổi mà trẻ yêu thích, các hoạt động sáng tạo như nấu ăn cùng mẹ, chế biến bữa ăn gia đình, vẽ tranh, tập hát cùng nhau…
Bằng cách này, trẻ không chỉ được vui chơi và giao tiếp mà còn học được tính kỷ luật, khi phải tuân thủ theo lịch trình chung. Đặc biệt với cách này, ba mẹ sau khi chơi cùng con cũng sẽ sắp xếp được thời gian dành cho bản thân và công việc của mình
Kanchan Rai, huấn luyện viên sức khỏe tinh thần và tình cảm, đồng thời là người sáng lập Let Us Talk có trụ sở tại New Delhi cho rằng, việc khiến trẻ lúc nào cũng trở nên bận rộn không phải lúc nào cũng tốt và hiệu quả. Bạn cần cho trẻ có những khoảng nghĩ sau đó và sắp xếp mọi thứ khoa học hơn thì mới thật sự đảm bảo được việc cân bằng tâm lý cho con.
Hơn nữa bà cũng nói thêm điều mà mọi trẻ cần trong tất cả giai đoạn không chỉ riêng gì cách ly xã hội mà đó chính là tình yêu thương. Bà nói: “Các yếu tố như cảm thấy được yêu thương, tin tưởng, thấu hiểu, có cảm giác thân thuộc trong gia đình, được nuôi dạy trong một môi trường an toàn và có văn hóa có thể giúp đứa trẻ duy trì cảm xúc, trạng thái tâm lý tình cảm ổn định”.
Cập nhật thông tin thường xuyên cho trẻ
Điều ba mẹ luôn cần làm là nói với trẻ em về tình hình đại dịch và những nguyên do vì sao mà chúng ta cần phải thực hiện cách ly xã hội theo một cách đơn giản mà trẻ nhỏ có thể hiểu được. Song song với đó, ba mẹ cần lưu ý không nên cho con nghe quá nhiều về những tin tức tiêu cực, xem những hình ảnh, video có sự chết chóc để tránh gây ám ảnh, sợ hãi và lo lắng cho trẻ.
Một chuyên gia tư vấn – Nhi khoa và Sơ sinh cho biết: “Việc trò chuyện, cho trẻ biết về số ca bệnh không qua khỏi chết hoặc tình trạng bệnh nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 sẽ tác động xấu đến đứa trẻ và có thể mất rất nhiều thời gian để đưa trẻ về lại với trạng thái tâm lý bình thường”.
Tích cực trò chuyện cùng con
Điều quan trọng nhất vẫn là nói chuyện và lắng nghe con để hiểu trẻ mong muốn gì hoặc gặp phải vấn đề gì, rồi từ đó chúng ta sẽ có cách giải quyết phù hợp. Trẻ em nên được an ủi và trấn an một cách thực tế để khơi dậy những suy nghĩ tích cực. Trò chuyện giúp ích cho trẻ rất nhiều. Đặc biệt là trong thời gian giãn cách, cha mẹ hoặc người chăm sóc dành thời gian nên kiên nhẫn lắng nghe nhu cầu của trẻ và quan tâm đến chúng, nói với chúng với giọng điệu bình tĩnh và trấn an, tránh các hành động trừng phạt và khen ngợi thái quá sẽ giúp xây dựng một đứa trẻ mạnh mẽ về mặt cảm xúc.
Chúng ta có thể hát các bài hát, kể chuyện, điều này sẽ quan tâm đến trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi; trẻ nhỏ hơn một chút thì sẽ thích thú khi bạn đọc một cuốn sách, cho chúng làm những công việc gia đình mà chúng thích, khiêu vũ với chúng hoặc giúp chúng làm bài tập ở trường. Còn các bé ở độ tuổi thanh thiếu niên thì sẽ thích bàn luận về vấn đề mà chúng quan tâm chẳng hạn như thể thao hoặc chương trình truyền hình… đi dạo trên sân thượng hoặc tập thể dục với con.
Không cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu
Rất nhiều ba mẹ và gia đình lạm dụng việc cho trẻ xem tivi, xem chương trình thiếu nhi trên máy tính, điện thoại để khiến trẻ ngồi im và không quậy phá. Tuy nhiên, điều này có hại nhiều hơn là có lợi. Để chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa covid cho trẻ đúng cách, ba mẹ cần hết sức lưu ý là không nên cho trẻ dùng các thiết bị điện tử trong một thời gian dài
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, trẻ em dưới 18 tháng tuổi không nên có bất kỳ thời gian sử dụng màn hình nào. Những trẻ từ 18 đến 24 tháng cũng không nên tiếp xúc với màn hình. Nếu không thể tránh khỏi, thời lượng nên được giới hạn dưới một giờ và luôn có một người lớn phải cùng xem với bé. Thời gian sử dụng thiết bị được khuyến nghị là ít hơn một giờ một ngày đối với trẻ em từ 3-5 tuổi, 1-1,5 giờ đối với trẻ em từ 6-10 tuổi và tối đa hai giờ mỗi ngày đối với trẻ em từ 11-13 tuổi.
Tiến sĩ Aravind S. cảnh báo rằng các thiết bị điện tử gây ra những hậu quả về thể chất và tâm lý đối với trẻ em, “Nó làm căng mắt, ảnh hưởng đến thị lực và dẫn đến đau đầu và mất ngủ”. Vì vậy chúng ta cần phải dạy trẻ nghỉ 20 giây sau mỗi 20 phút xem, nó giúp tránh mỏi mắt, cũng như hạn chế tối đa và khuyến khích trẻ hoạt động nhiều hơn bằng những hoạt động khác mà không phải là xem màn hình điện tử.
Ba mẹ hãy trở thành hình mẫu tốt cho con
Duy trì một thói quen lành mạnh, ăn một chế độ ăn uống cân bằng, thực hành các bài tập thư giãn, đi bộ nhanh, giữ vệ sinh giấc ngủ và khuyến khích con bạn làm theo bạn. Trẻ em sẽ học hỏi, bắt chước từ những gì chúng thấy ba mẹ mình làm. Vậy nên để con trẻ trở nên tốt hơn, ba mẹ cần là những người biết cách chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mình trước.
Với những gì đã chia sẻ trong bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn sẽ có thêm những phương pháp nuôi dạy trẻ, chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ tốt hơn khi tình hình dịch bệnh vẫn đang khá căng thẳng. Đồng thời, Mẹ và Con chúc gia đình bạn thật nhiều sức khỏe, bình an vượt qua đại dịch nhé!