Thường vào cuối thai kỳ, nước ối sẽ chuyển sang màu trắng đục. Thế nhưng, điều này khi nào được xem là bất thường? Nước ối bị đục ảnh hưởng như thế nào đối với thai nhi? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Nước ối là gì?
Nước ối là một môi trường sống bao quanh bào thai, chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và oxy giúp nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Đồng thời, nước ối cũng đảm nhiệm quá trình tái tạo và trao đổi chất nhằm tạo ra sự cân bằng lý tưởng cho bào thai. Điều này sẽ giúp cho các cơ quan của thai nhi được phát triển bình thường. Không những thế nước ối cũng có vai trò như một tấm màng đệm bảo vệ thai nhi tránh khỏi những tác động bên ngoài, những va đập của tử cung và ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào bào thai.
Nước ối được hình thành từ máu của mẹ, nước tiểu cũng như dịch phổi của thai nhi từ tuần thai thứ 12. Lúc bắt đầu chỉ vỏn vẹn 60ml, về sau sẽ tăng dần lên 1.000ml theo thời gian thai lớn lên. Thành phần chính của nước ối và nước, muối khoáng cùng các chất điện giải, chất hữu cơ và các hormone…
Đối với những mẹ bầu có chất lượng thai kỳ khỏe mạnh, nước ối sẽ có màu trong, tính hơi kiềm. Vào những tuần cuối của thai kỳ, nước ối sẽ chuyển sang màu trắng đục tựa như nước vo gạo.
Nguyên nhân nào khiến nước ối bị đục?
Như đã chia sẻ, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nước ối trong bụng mẹ sẽ có màu trắng trong. Theo thời gian thai nhi lớn lên, màu sắc nước ối cũng sẽ chuyển dần sang màu trắng đục. Ngoài ra, khi thai đủ trưởng thành và vào khoảng tuần 37 thì nước ối sẽ có màu trắng đục tựa như nước vo gạo. Có thể nói, nếu nước ối bị đục vào giai đoạn cuối thai kỳ cũng chưa hẳn là vấn đề đáng lo ngại gì. Điều mẹ bầu cần làm là bình tĩnh và theo dõi xem nước đục còn vì nguyên nhân nào khác không:
Do chất gây của thai nhi tiết ra
Trường hợp này được xem là tế bào chết của da, hoặc là hệ tiêu hóa, đường niệu, niêm mạc hô hấp, miệng… đang gặp bong tróc ra sau một thời gian và tiết vào nước ối. Điều này sẽ làm nước ối có hiện tượng đục màu. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ hiện tượng cho biết bé yêu đang dần lớn lên, mẹ bầu không cần quá lo lắng.
Phân xu hòa vào nước ối
Đây là trường hợp báo hiệu em bé đang bị thiếu oxy, bạn cần đến bệnh viện và thăm khám, kiểm tra ngay. Trường hợp này kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn liên quan đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Thói quen ăn mặn của mẹ bầu
Theo các chuyên gia về sức khỏe, việc mẹ bầu thường xuyên ăn uống quá mặn cũng sẽ khiến nguồn nước ối bị đục màu, đậm màu hoặc nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tình trạng thiếu ối. Vì thế, chị em khi mang thai cần xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng, nhiều dưỡng chất và hạn chế sử dụng quá nhiều gia vị, đặc biệt là không nên ăn mặn nhiều để hạn chế nguy cơ nước ối vị đục, thiếu.
Không vệ sinh kỹ lưỡng
Một nguyên nhân cũng làm ảnh hưởng nhiều đến nước ối chuyển màu, ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi là việc mẹ bầu không vệ sinh vùng “nhạy cảm” đúng cách hoặc vệ sinh không sạch sẽ, dẫn đến viêm nhiễm. Bên cạnh đó, những bệnh lý liên quan đến vùng kín như viêm cổ tử cung, viêm nhiễm phụ khoa đều có thể là nguyên nhân chính làm cho nước ối bị thay đổi trạng thái.
Thường xuyên gặp trạng thái tiêu cực
Nhiều mẹ bầu chủ quan, không biết rằng những trạng thái tiêu cực như stress, căng thẳng hay mệt mỏi khi mang thai cũng là lý do dễ làm cho nước ối bị đục. Khi mẹ bầu rơi vào tâm lý bực tức, giận dữ… thai nhi trong bụng sẽ bị kích thích, tăng lượng đào thải phân su khiến màu nước ối trở nên đục hơn.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên có tâm lý bất ổn khi mang thai cũng sẽ khiến cơ thể sản phụ sản sinh ra nhiều hormone tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi. Vì thế, việc mẹ bầu cần làm trong thời gian mang thai là cố giữ bình tĩnh, để bản thân và tinh thần được tư giãn, thả lỏng để đảm bảo hơn về sức khỏe của bản thân và bé yêu trong bụng.
Có thể nói, đôi khi tình trạng nước ối bị đục là điều hoàn toàn bình thường, các bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu ổn định lại tinh thần cũng như đưa ra các phương pháp để cải thiện nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, nếu như phát hiện nước ối đục màu một cách bất thường, mẹ bầu không nên chủ quan. Hãy nghiêm túc tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, ghi chú lịch thăm khám đều đặn và áp dụng những biện pháp phù hợp để phòng ngừa các biến chứng cũng như những rủi ro, nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên có một chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Bạn nên thường xuyên nằm nghiêng về bên trái nhiều hơn, hạn chế nằm ngửa, đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ để quá trình vận chuyển oxy đến thai nhi được diễn ra thuận lợi, tình trạng nước ối cũng sẽ được cải thiện dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Những trường hợp bất thường nào của nước ối cần được lưu ý?
Nước ối có màu đục còn tùy thuộc vào từng trường hợp, kết quả xét nghiệm cho ra kết quả như thế nào mới có thể kết luận được trạng thái của nước ối có hại cho bé hay không. Đồng thời, ngoài trường hợp nước ối bị đục ra, khi bắt gặp những trạng thái màu sắc bất thường của nước ối sau đây, mẹ bầu cũng cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời:
- Nước ối bị “bẩn” hoặc có màu xanh rêu sệt: Mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị gấp vì có thể thai nhi đang suy yếu, có thể đe dọa đến tính mạng.
- Nước ối màu vàng xanh: Đây có thể là hiện tượng tán huyết thai nhi hoặc thai nhi đang rơi vào trạng thái chậm phát triển trong tử cung.
- Nước ối có màu đỏ nâu: Nếu rơi vào trường hợp này thì hầu như bé đã không còn sống trong bụng mẹ, có thể nói thai nhi đã bị chết lưu.
- Nước ối màu xanh đục như có lẫn mủ kèm mùi hôi khó chịu: Tình trạng này béo hiệu bé yêu trong bụng đang bị nhiễm trùng ối hoặc có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung.
Những lưu ý khi gặp trường hợp thai nhi bị ngạt ối
Sặc nước ối được xem là một trong những trường hợp nguy hiểm xảy ra cho thai nhi. Nếu không có cách điều trị và xử lý nhanh chóng sẽ dễ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi, thậm chí nguy hiểm hơn còn đe dọa đến tính mạng. Sặc nước ối có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trước/trong hoặc sau khi sinh.
Thai nhi có dấu hiệu sặc nước ối thường mắc phải các bệnh lý như viêm phổi, viêm đường hô hấp… hoặc nghiêm trọng hơn, né có thể bị ngạt sơ sinh, hoặc nhiễm trùng phổi. Do đó, khi nghi ngờ bản thân đang rơi vào hiện tượng bể ối, mẹ bầu cần được đưa ngay đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hạn chế sớm tình trạng ngạt ối cho bé.
Thống kê, khoảng 80% trường hợp vỡ ối khoảng 12h trở đi là xuất hiện cơn gò tử cung, dấu hiệu bắt đầu chuyển dạ. Nếu để quá lâu khi ối đã vỡ hẳn sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cả hai mẹ con.
Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã cung cấp được những thông tin liên quan đến các trạng thái của nước ối, giúp mẹ có thể kiểm tra được sức khỏe cũng như tình trạng thai kỳ của mình. Nếu phát hiện ra những bất thường nào, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp kịp thời nhé!