Mẹ&Con - Phần lớn phụ huynh đều lo lắng khi thấy trẻ có dấu hiệu trầm lặng quá mức, chứ ít ai băn khoăn khi con ngọ nguậy không lúc nào yên. Chính vì thế, khá nhiều người đã vô tình bỏ qua các dấu hiệu bất thường, đến tận lúc đưa trẻ tới bệnh viện mới… té ngửa khi bác sĩ thông báo: Trẻ có vấn đề về tâm lý!

Tang dong giam chu y

(Hình minh hoạ)

 Phát hiện càng sớm, chữa trị càng dễ dàng!

Phải khẳng định từ đầu, trẻ mắc phải chứng bệnh tăng động giảm chú ý (Attention-dificit/hyperactivity disorder – ADHD), hiếu động quá mức hoàn toàn khác với một đứa trẻ năng động, ham học hỏi, thích khám phá về thế giới quanh mình dù rằng các biểu hiện bên ngoài thoạt nhìn qua có thể gây nhầm lẫn.

Hội chứng tăng động giảm chú ý là một rối loạn đa nguyên nhân ở trẻ em, bắt đầu từ rất sớm (có thể từ 1 tuổi, thậm chí sớm hơn). Biểu hiện là trẻ kém khả năng duy trì sự tập trung chú ý vào bất kỳ một hoạt động nào trong một khoảng thời gian tương đối, tay chân ngọ nguậy không yên, liên tục bắt chụp mọi vật trong tầm tay, không lường được nguy hiểm.

Nhiều phụ huynh tưởng lầm rằng đây là biểu hiện con mình lanh, phát triển “vượt trội” theo kiểu thần đồng. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát kỹ một chút, bạn sẽ nhận ra một đứa trẻ bình thường, thông minh, phát triển tốt tuy cũng tò mò, thích chạy nhảy, thích khám phá mọi thứ xung quanh song lại khác hẳn những biểu hiện của trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý.

Các biểu hiện bạn nên quan tâm ở trẻ là: Trẻ hay khóc và khóc lâu, ngủ ít hoặc rất ít. Trẻ hung hăng, dễ nổi nóng, hay có các hành vi gây hấn như gào thét, khóc lóc dữ dội, nắm tóc, đấm đá, ném đồ chơi khi không vừa ý. Trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý thường ngọ nguậy không yên từ rất sớm. Trẻ không biết sợ bị la, không tập trung được vào lời nói của bố mẹ, không biết nguy hiểm và không rút được kinh nghiệm sau khi bị đau.

Ví dụ như một đứa trẻ hiếu động bình thường sau khi chạy nhanh bị té, được bố mẹ giải thích thì lần sau sẽ tự động chạy chậm hơn nhưng một đứa trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý thì sẵn sàng làm đau chính mình nhiều lần mà không hề nhận biết được.

Một khác biệt rất lớn nữa giữa đứa trẻ nhanh nhẹn, lanh lẹ bình thường với một đứa trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý là trẻ mắc hội chứng tâm lý này rất mau chán, không hoàn tất được việc gì, khả năng tập trung cực kỳ kém. Bạn có thể phát hiện khi quan sát trẻ chơi.

Một em bé bình thường cũng thích cái này, thích cái kia, nhưng trẻ thường tập trung để hoàn tất một trò chơi nhất định, sau đó mới đòi cái khác mới hơn. Ngược lại, trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý nhảy nhót không yên, túm món đồ chơi này, vứt món đồ chơi kia liên tục nhưng không cái nào ra cái nào cả.

Khi thấy con ở trong tình trạng này, nhiều phụ huynh cho rằng con mình chỉ bướng bỉnh, không chịu vâng lời, hoặc hiếu động, “thông minh” quá mức chứ không biết rằng đây là một rối loạn tâm lý, cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời, nếu không sẽ để lại di chứng và ảnh hưởng đến trẻ suốt đời.

Tại các bệnh viện Nhi Ðồng trong thành phố, không ít trẻ được đưa vào khám khi bệnh đã ở mức nặng. Nhiều phụ huynh còn ngỡ ngàng khi được bác sĩ cho biết đây là một “bệnh”, vì cứ tưởng chẳng qua là trẻ quá hiếu động, quá lì hoặc bướng bỉnh do được cưng chiều mà thôi, chứ chẳng liên quan gì đến… tâm lý, tâm thần cả.

Làm gì khi con mắc hội chứng hiếu động quá mức?

Việc cần làm trước tiên là bạn cần để mắt, giám sát trẻ chặt chẽ. Nên biết rằng trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý sẽ mất khả năng tập trung. Trẻ định làm một việc rồi lại quên mất, luồng suy nghĩ của trẻ lướt qua sự kiện này đến sự kiện khác nhưng không cố định.

Những hành động của trẻ thiếu mạch lạc, thiếu nhất quán, thiếu cả khả năng suy nghĩ hay hình dung ra hậu quả của hành động. Chẳng hạn, trái banh lăn ra ngoài đường, trẻ lập tức phóng theo mà không cần quan sát xem có xe cộ chạy hay vật cản gì không. Vì lẽ đó, trẻ rất dễ gặp tai nạn trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn cần trực tiếp chăm sóc hoặc có bảo mẫu để mắt đến trẻ mọi lúc mọi nơi. Ngoài việc quan tâm đặc biệt đến trẻ tại nhà thì nên sớm đưa trẻ đến các bác sĩ tâm lý, các lớp học chuyên biệt dành riêng cho trẻ mắc hội chứng này. Ở đó, trẻ sẽ được các bác sĩ có kinh nghiệm cho chơi các trò chơi mang tính thực tập, giúp điều chỉnh lại trẻ từ từ một cách có phương pháp.

Phụ huynh cũng cần biết rằng tính nết của trẻ mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý sẽ được cải thiện nhiều nếu có sự quan tâm kiên nhẫn của bố mẹ. Tuyệt đối không nên la mắng, đánh đập trẻ vì tất cả những hành động này chỉ kích thích tâm lý, khiến trẻ càng trở nên hung hăng, tự ti, bất bình thường hơn. Nên nhớ rằng ngay cả bác sĩ tâm lý giỏi nhất cũng phải chào thua nếu như phụ huynh không hợp tác, liên tục bày tỏ sự ghét bỏ, giận dữ, đánh mắng trẻ ở nhà.

Bạn cần biết
Hội chứng tăng động giảm chú ý thường khởi bệnh sớm trước 5 tuổi. Nếu phát hiện khi trẻ dưới 3 tuổi và điều trị kịp thời, trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nào.

Với trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, phụ huynh cũng nên lưu ý luôn nhìn vào mắt con khi nói chuyện. Bạn hãy giữ cho trẻ cũng nhìn thẳng vào mắt mình. Các câu nói nên thật ngắn gọn, rõ ràng. Bạn nên thực hiện hành động ngay trước mặt trẻ, đi kèm lời nói để con có thể hiểu và hình dung.

Khi trẻ chịu nhìn vào mắt bạn dù chỉ một chút hoặc trẻ trả lời đúng một câu hỏi của bạn, phải liên tục khen ngợi, động viên để trẻ hứng thú. Nên biết rằng tình yêu thương của gia đình và sự kiên nhẫn đến tột cùng của người mẹ là liều thuốc sống còn để đưa con bạn trở về với thế giới bình thường.

Không nên la mắng, đánh đập trẻ vì tất cả những hành động này chỉ kích thích tâm lý, khiến trẻ càng trở nên hung hăng, tự ti, bất bình thường hơn.

Tags:

Bài viết liên quan