Mẹ&Con – Những đứa trẻ sống trong môi trường Tây phương luôn độc lập và có cá tính mạnh hơn? Trẻ tự tin vào bản thân mình. Trẻ biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Ngay cả khi lỡ làm sai, trẻ cũng không hốt hoảng tìm đến ngay ba mẹ. (BÁO GIẤY) Bí quyết dạy con của “mẹ Tây” Những điều tuyệt vời mà vợ chồng Beckham dạy con trong cuộc sống 5 điều không nên làm trong cách nuôi dạy con

Trong một lần ghé thăm lăng Khải Định Huế, tôi thấy hai vợ chồng người nước ngoài dẫn theo 2 đứa trẻ tuổi suýt soát nhau, để chúng tự leo lên những bậc đá cao ngất, tôi thoắt mình tự nhủ: Hai vợ chồng này “quái” thật, sao mà không ẵm hay đỡ mấy đứa nhỏ, lỡ có chuyện gì…!

Hai vợ chồng vẫn thong thả bước lên từng bậc thang, “mặc kệ” 2 đứa trẻ tíu ta tíu tít tự mình trèo lên. Đó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận sự khác biệt rõ rệt trong cách dạy con của những bà mẹ phương Tây và bà mẹ Á Đông – trong đó có Việt Nam…

tre-em 

Ảnh minh họa.

Vì sao trẻ nước ngoài năng động và tự tin hơn hẳn?

Chắc chắn rất nhiều bậc phụ huynh đã từng hỏi câu này. Bản thân tôi cũng đã tự hỏi, và đã nhận ra đó là cả một quá trình. Chỉ cần một lúc nào đó, đứng ở sân bay quan sát, bạn sẽ thấy một cảnh tượng rất khác biệt.

Một gia đình phương Tây đi du lịch, mỗi thành viên đều “khệ nệ” với ba lô, vali của riêng mình. Ngay cả đứa trẻ chỉ độ 5 – 6 tuổi cũng tự mình kéo chiếc vali tí hon có in hình búp bê Barbie hay những nhân vật hoạt hình Walt Disney. Trẻ quen với việc tự mình phải “lo liệu”, có hành lý riêng và biết cách “xoay xở”.

Trong khi đó, nếu gặp một gia đình người Việt Nam đi du lịch, rất dễ thấy cảnh ba mẹ xách thay cho con tất cả. Trẻ chỉ tay đi không. Không chỉ thế, người mẹ luôn nắm chặt lấy tay con vì sợ lạc, luôn bắt trẻ đi ngay sát cạnh mình.

Trẻ luôn ở trong trạng thái được “bao bọc” nên hoàn toàn mất tự tin nếu được yêu cầu tự mình làm gì đó. Không hiếm những gia đình người Việt nuôi dạy con theo cách chỉ cần ngoan ngoãn, vâng lời, không cãi lại người lớn, chăm chỉ học hành thôi là đủ. Có đứa con đến khi vào Đại học, vượt khỏi tuổi 18 vẫn… chưa biết đi xe và luôn phải nhờ cha mẹ chở. Có đứa con, mãi đến lúc lập gia đình vẫn không thể tự mình lo liệu một bữa cơm đơn giản, không biết tự mình “quản lý” cuộc sống của mình ra sao.

Tôi có quen khá nhiều bạn bè người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Khi đến thăm nhà họ dịp cuối tuần, tôi luôn bất ngờ với những cảnh đứa trẻ tự dọn dẹp phòng, sơn lại cửa, nấu ăn, chùi rửa xe…

“Để nó sơn, nó sơn hư thì sao?”, tôi từng hỏi một người bạn khi thấy bạn mình để cho cậu con trai 11 tuổi đầu cầm cọ “quẹt quẹt” hàng rào. Trái với “tưởng tượng” của tôi, người bạn bật cười: “Hư thì… lần sau nó sẽ biết cách sơn đẹp hơn!”.

Vâng, đó chính là một câu trả lời đáng suy ngẫm. Nếu ghé thăm một ngôi trường theo kiểu quốc tế, có thể thấy những đứa trẻ ở đó được thầy cô “kệ” cho làm rất nhiều thứ. Trẻ có thể viết vẽ tùy ý. Trẻ tranh luận hăng hái với thầy cô. Phải chăng chính cách giáo dục ấy, chính quan niệm “tuyệt đối không bảo bọc” ấy đã khiến những đứa trẻ sống trong môi trường Tây phương luôn độc lập và có cá tính mạnh hơn? Trẻ tự tin vào bản thân mình. Trẻ biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Ngay cả khi lỡ làm sai, trẻ cũng không hốt hoảng tìm đến ngay ba mẹ mà biết “động não” để đưa ra những cách giải quyết hợp lý.

Trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2008, tôi đặc biệt quan tâm đến một chi tiết: khi ban giám khảo yêu cầu các hoa hậu phải tự làm tóc, tự trang điểm (trong một buổi thi) để thể hiện năng khiếu thẩm mỹ, cá tính độc lập và khả năng tự lập của mình, hoa hậu các nước đều tự làm được. Trong khi đó, hoa hậu Việt Nam của ta lại bị khiển trách vì đã… trốn vào toilet, nhờ nhân viên trang điểm làm tóc làm giúp cho mình!

Bỏ qua tất cả những nhận xét, phân tích khác, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: rõ ràng, rất nhiều cô bé, cậu bé Việt Nam đang lớn lên trong sự bảo bọc kiểu “con cưng” của phụ huynh, chưa một lần xa nhà, chưa một lần xoay xở với gian nan nếu không có người thân bên cạnh.

Nên chăng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, cần cho trẻ tự vấp ngã – tự đứng lên? Nên chăng, chúng ta cần coi trọng hơn những kỹ năng sống của mình? Để cho trẻ lớn lên kiểu cơm dâng tận miệng, áo quần luôn có người giặt thay, liệu trẻ có thể lớn lên và trở thành mẫu người năng động, tự tin, đánh giá được chính xác năng lực của mình?

Tags:

Bài viết liên quan