Mẹ&Con - Nhiễm nấm Candida là một bệnh lý phụ khoa khá phổ biến ở chị em phụ nữ. Nhưng bạn có biết nhiễm nấm này nguy hiểm đến thế nào không? Làm sao trị dứt viêm âm đạo? Bà bầu dễ nhiễm gì

Thưa bác sĩ,

Em 28 tuổi, lập gia đình được 3 năm mà vẫn chưa có con. Thời gian gần đây, khi gần gũi vợ chồng, em thường xuyên bị đau rất nhiều. Một số lần vừa xong thì ra máu, lúc vài giọt y như lần đầu quan hệ, lúc ra như đang “có tháng” ngày gần cuối vậy (em không trong kỳ “đèn đỏ”). Vì đau và ra máu nhiều nên em đâm ra ngại gần chồng. Tuần rồi, đi khám phụ khoa thì bác sĩ bảo em bị viêm âm đạo do nấm Candida và nói là hơi nặng. Em hỏi bác sĩ có phải do việc viêm như vậy nên gần gũi bị đau và ra máu không thì bác sĩ nói phải và có cho thuốc uống, thuốc đặt.

Em vẫn đang uống thuốc nhưng đặt thì không được vì cứ đặt thuốc vào là ra máu lại và bị ngứa, rát. Xin hỏi bác sĩ nếu chỉ uống thuốc không thì có hiệu quả trong việc điều trị? Với lại em rất băn khoăn không biết chuyện nhiễm nấm Candida thì có ảnh hưởng gì đến việc có con sau này không? Đó có phải là nguyên nhân em thả 3 năm rồi mà vẫn không có con? Mong bác sĩ trả lời sớm.

Lê Thị Thảo Quỳnh
(Quận 5)

 chuyen gia mevacon

Thảo Quỳnh thân mến,

Nấm Candida mà em nói có tên đầy đủ là Candida Albicans. Ở điều kiện bình thường, nấm thường trực ở dạng bào tử nhưng không gây bệnh. Chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi như mất cân bằng môi trường sinh lý âm đạo (do thụt rửa quá nhiều, dùng thuốc phòng tránh thai, có quan hệ tình dục mạnh chẳng hạn), nấm mới phát triển và gây bệnh.

Bệnh viêm âm đạo do nấm Candida là bệnh phụ khoa rất thường gặp, vì vậy em đừng lo lắng quá nhiều. Các biểu hiện của bệnh đúng như em mô tả là ngứa, rát, có thể ra dịch tiết màu trắng đục, khi gần gũi vợ chồng thường đau đớn, khó khăn, thậm chí ra máu. Những việc em có thể làm là uống thuốc như bác sĩ dặn, nên hỏi cụ thể bác sĩ điều trị của em việc dùng thuốc đặt không được, bị ra máu, ngứa… để có hướng điều trị thích hợp hơn. Ngoài ra, phải rất quan tâm đến việc vệ sinh cá nhân như quần nội y phải giặt riêng bằng xà phòng, không ngâm lâu, phơi khô ngoài nắng to, cất giữ ở vị trí sạch sẽ. Không nên thụt rửa âm đạo. Vùng kín chỉ nên vệ sinh bằng dung dịch dành riêng cho việc vệ sinh phụ nữ, và cũng chỉ dùng tối đa 2 lần/ngày, đừng lạm dụng cũng như đừng dùng các loại xà bông thông thường cho khu vực nhạy cảm này.

Cần rất kiên trì vì nấm Candida dễ tái phái. Khi chưa điều trị dứt điểm, tốt hơn hết em nên bàn với chồng hạn chế việc gần gũi để kết quả điều trị tốt hơn. Về việc em lo ngại nhiễm nấm Candida có phải là nguyên nhân gây hiếm muộn thì thường là không phải vậy. Tuy nhiên, việc vợ chồng gần gũi đều đặn đã 3 năm không dùng biện pháp tránh thai nào mà chưa có thai là cần cẩn thận và cần đi khám hiếm muộn để tìm nguyên nhân. Mong em sớm khỏi bệnh và sớm có được niềm vui làm mẹ. 

Bác sĩ Đào Thị Minh Nguyệt
(BV Đại học Y Dược) 

Tags:

Bài viết liên quan