Chế biến món ăn chưa đúng cách
Chế biến món ăn sai cách khiến chất dinh dưỡng mất đi làm bé ngày càng còi cọc. (Ảnh minh họa)
Trong quá trình chế biến món ăn cho bé, một vài sai lầm nhỏ cũng là nguyên nhân gây giảm hoặc mất hết chất dinh dưỡng của thức ăn. Điều này khiến cho bédù ăn nhiều nhưng chẳng hấp thụ được là bao.
Cho bé ăn thực phẩm chế biến sẵn
Nhiều mẹ biết rằng việc cho bé dùng thức ăn chế biến sẵn là không tốt. Tuy nhiên, do công việc quá bận rộn nên đành phải chọn giải pháp này. Bạn nên biết rằng, các thực phẩm chế biến sẵn thường không còn tươi ngon và đảm bảo vitamin, khoáng chất, cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu khác. Đó là nguyên nhân khiến bé ăn nhiều mà vẫn suy dinh dưỡng.
Thường xuyên dùng nước hầm xương nấu cháo
Sai lầm nghiêm trọng của các bậc phụ huynh là thường xuyên dùng nước hầm xương nấu cháo cho bé. Họ quan niệm rằng, nước xương giàu canxi, đạm và chất dinh dưỡng nên hỗ trợ bé phát triển chiều cao, cân nặng. Thực tế, nước hầm xương chỉ chứa chất béo động vật làm bé khó tiêu, thậm chí gây tiêu chảy khiến bé còi cọc thêm.
Thức ăn của bé được hâm nóng nhiều lần
Khi hâm nóng, nấu lại thức ăn của bé từ 1 – 2 lần cũng là lúc bạn làm cho các vitamin và nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác bị phá hủy gần hết. Do đó, bé ăn nhiều những món ăn này sẽ không thể phát triển tốt.
Lời khuyên cho mẹ là mỗi lần chế biến thức ăn cho bé hãy ước tính khẩu phần ăn và chế biến vừa đủ. Điều này vừa giúp mẹ tránh lãng phí, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng tốt nhất trong mỗi bữa ăn.
Không bổ sung thêm dầu ăn
Cho rằng dầu ăn khiến bé khó tiêu hoặc đau bụng, nhiều mẹ tránh bổ sung dầu vào bữa ăn hàng ngày của bé. Đây là nhận định sai lầm. Bởi lẽ, bé càng nhỏ, nhu cầu chất béo càng cao. Nếu bạn không bổ sung dầu ăn, bé sẽ bị thiếu hụt năng lượng dẫn đến nhẹ cân. Bên cạnh đó, chất béo còn giữ vai trò hòa tan các vitamin A và D trong thức ăn, giúp bé hấp thu canxi và tăng cường thị lực…
Đối với các bé dưới một tuổi, khi cho bé ăn dặm mẹ nên bổ sung khoảng 1 muỗng cà phê dầu ăn mỗi bữa. Với các bé trên một tuổi, 2 muỗng cà phê/bữa ăn là thích hợp.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý
Xây dựng thực đơn ăn uống thiếu khoa học khiến bé bị suy dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Một số bé ăn nhiều nhưng do thức ăn nghèo chất dinh dưỡng nên vẫn còi cọc, nhẹ cân. Do đó, khi chọn thức ăn cho bé mẹ hãy chú ý đến các thành phần dinh dưỡng và đa dạng các món ăn của bé hàng ngày.
Để giúp bé tăng cân trong khẩu phần ăn, mẹ có thể cho bé ăn cháo hoặc mì, bún, phở nấu với thịt, cá béo, trứng, tôm… cho thêm 1 – 2 muỗng cà phê dầu ăn. Cung cấp nhiều rau lá xanh vì chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn các loại rau ăn củ. Ngoài ra, mẹ cũng nên cho bé ăn thêm trái cây tươi sau bữa ăn chính khoảng 30 phút để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất, uống thêm ly sữa 200ml trước khi ngủ. Mẹ lưu ý không để bé ăn vặt hay uống nước ngọt trước các bữa ăn chính.
Hệ tiêu hóa và khả năng hấp thụ của bé kém
Bé ăn nhiều nhưng hệ tiêu hóa và khả năng hấp thụ của bé kém cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến bé nhẹ cân. Biểu hiện của tình trạng này là bé thường đi phân sống, trướng bụng, đầy hơi, hay nôn ói… Mẹ nên bổ sung lợi khuẩn probiotic (có trong sữa chua, phô mai), vitamin nhóm A, B, C, D và khoáng chất như sắt, kẽm… để kích thích tiêu hóa, làm tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất.