Ngôi thai ngược, ngôi thai thuận, ngôi mông, ngôi đầu… là những thuật ngữ mà mẹ bầu sẽ thường được nghe trong suốt 9 tháng thai kỳ. Vậy ngôi thai là gì và có vai trò như thế nào với cuộc sinh nở của mẹ? Cùng tìm hiểu với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Ngôi thai và những thông tin cơ bản nhất
Khoảng tháng thứ 9 của thai kì, bé thường quay đầu xuống dưới tử cung để chuẩn bị cho ngày chào đời. Lúc này, cụm từ “ngôi thai” sẽ bắt đầu được các bác sĩ nhắc nhiều với mẹ. Sẽ thật mừng khi bác sĩ báo cho bạn biết là “ngôi đầu” (ngôi bình thường), vì đây là tư thế đầu của bé quay xuống phía dưới cổ tử cung.
Các dạng ngôi thai còn lại được xem là bất thường. Ví dụ như “ngôi mông” là khi hai chân của bé hướng xuống phía dưới cổ tử cung, “ngôi ngang” là khi phần lưng hoặc vai của bé quay xuống phía dưới cổ tử cung, “ngôi mặt” là khi phần mặt của bé hướng xuống phía cổ tử cung (thay vì phần đầu như bình thường), “ngôi trán” là khi trán bé bị ép vào cổ tử cung…
Tại sao lại có ngôi thai bất thường? Trước tiên, có thể do người mẹ sinh con nhiều lần nên tử cung bị giãn, thai nhi khó xoay và cố định đầu vào khung chậu trong. Cũng phải nhắc thêm đến lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít vì cả hai trường hợp này đều có thể ảnh hưởng đến tư thế của bé trong bụng mẹ. Kế đến, có thể do dây rốn quá ngắn hoặc quá dài làm cho bé không trở về ngôi thai bình thường được.
Ví dụ dây rốn quá ngắn làm em bé không xoay được hoặc xoay nửa chừng thì không xoay được nữa và tạo thành ngôi ngang. Cũng có thể do dây rốn quấn chặt quanh cổ khiến bé bị ngạt vì thiếu dưỡng chất và thiếu oxy.
Điều này cũng khiến bé muốn “xoay mình” về vị trí ngôi đầu như bình thường cũng không được. Ngoài ra, các khối u như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn cũng có thể chèn ép dẫn tới hiện tượng bất thường cho ngôi thai, khiến ngôi thai không xoay trở được.
Xử trí thế nào với ngôi thai bất thường?
Trước hết, bạn cần phải tự “trấn an” rằng không cần quá lo lắng khi nghe bác sĩ báo cho biết rằng ngôi thai có hiện tượng bất thường. Bạn chỉ cần lưu ý chọn nơi sinh là các bệnh viện lớn, thăm khám cẩn thận, thường xuyên theo đúng yêu cầu, chỉ định của bác sĩ sản khoa giỏi thì việc xử trí ngôi thai không có gì đáng ngại.
Với ngôi thai ngang, bác sĩ sẽ tiến hành sinh mổ để phòng tránh tình trạng vỡ tử cung. Với ngôi mông, có thể bác sĩ sẽ quyết định cho sinh thường nếu thai phụ chuyển dạ nhanh và bé nhẹ cân. Trường hợp gặp khó khăn hoặc bé lớn, không lọt qua tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành sinh mổ.
Với ngôi mặt, bác sĩ sẽ có thể chọn giữa sinh thường và sinh mổ, tùy điều kiện sức khỏe của người mẹ và tình trạng cụ thể của thai nhi.
Bạn lưu ý một điều nữa là có một số trường hợp, bác sĩ báo cho bạn biết trong quá trình thăm khám, siêu âm là ngôi đầu, ngôi bình thường nhưng đến khi sinh nở lại khó khăn. Điều này không có nghĩa là bác sĩ chẩn đoán sai hay nhầm lẫn.
Thực tế, một số trường hợp tuy thuộc ngôi đầu, nhưng độ nghiêng của đầu bé lại không đủ để đi qua tử cung thì cũng vẫn gây khó khăn cho quá trình sinh nở.
“Chỉnh” ngôi thai được không?
Một số bà mẹ kháo nhau rằng việc ngôi thai bất thường cũng chẳng đáng lo đến thế đâu, bác sĩ vẫn có thể “chỉnh” được ấy mà! Chuyện này có thật không? Câu trả lời cho bạn là: Có!
Vào khoảng tuần thứ 36, 37 của thai kì, nếu phát hiện ngôi thai bất thường, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật xoay ngôi thai. Do đó, mẹ bầu nên khám thai đầy đủ những tháng cuối thai kì để bác sĩ có thể kịp thời phát hiện và xử trí những bất thường, nếu có xảy ra với ngôi thai.
Tuy nhiên, xin nhấn mạnh rằng không phải thai phụ nào cũng được phép tiến hành thủ thuật này. Những trường hợp như đa thai (sinh đôi, sinh ba…), thiểu ối, thai quá nhỏ, vỡ ối sớm, tim thai bất thường, có hiện tượng chảy máu âm đạo… tuyệt đối không được phép tiến hành vì có thể nguy đến tính mạng của cả em bé lẫn người mẹ.
Việc xoay ngôi thai cũng chỉ có tỷ lệ thành công khoảng 60-70% và có kèm theo các nguy cơ như vỡ ối, sinh non, phải sinh mổ khẩn cấp… Nghĩa là, bạn chỉ được phép thực hiện thủ thuật này tại bệnh viện lớn, với bác sĩ chuyên khoa, có thăm khám rất cẩn thận và có lời khuyên nên tiến hành từ bác sĩ.
Một số thai phụ tự ý thực hiện việc luyện tập kiểu chổng mông lên trời hoặc bò với hi vọng xoay chuyển ngôi thai, để thai quay đầu. Việc làm này không có cơ sở khoa học. Không những thế, những “bài tập” rỉ tai dạng đó có thể gây nên nguy hiểm cho mẹ và thai nhi như bị ngã, gây nhau bong non.
Với ngôi ngược, việc “chỉnh” ngôi thai không nên thực hiện. Vì ngôi ngược do dây rốn ngắn hoặc dây rốn quấn cổ thì càng xoay dây rốn càng dễ đứt, gây bong nhau hoặc chảy máu trong tử cung.
Ngôi thai lý tưởng
Ngôi thai được xem là lý tưởng nhất khi bé có đầu chúc xuống, gáy quay về phía bụng mẹ. Ở vị trí này, thai sẽ đi qua đường vòng của hông và dễ dàng trượt ra ngoài trong quá trình chuyển dạ.
Có thể thay đổi ngôi thai trong khi đang chuyển dạ?
Hãy thử thực hiện một vài động tác đơn giản này trước khi lên bàn sinh. Chúng có thể giúp ích cho việc thay đổi ngôi thai theo hướng tốt nhất.
- Đứng thẳng người.
- Nghiêng về phía trước khi có các cơn gò.
- Nhờ người thân thực hiện việc massage lưng.
- Nằm nghiêng và dạng chân để hông mở rộng. Tránh ngồi ghế hay ngồi giường với vị trí nằm ngửa.
Bạn đã được tìm hiểu những kiến thức hữu ích liên quan đến ngôi thai? Chúc mẹ bầu luôn vui khỏe và có nhiều trải nghiệm thú vị suốt thai kỳ.